Ảnh internet : Đồi cát Nam Cương -Phan Rang
Chỉ vài mươi năm trước thôi, tôi nhớ người ta còn trân quý và gìn giữ thiên nhiên lắm lắm. Thuở nhỏ, tôi vẫn thường nghe người lớn nói chuyện về "của trời cho" bằng một thái độ trân trọng đến độ thiêng liêng. Vì là của trời cho nên con người thụ hưởng phải biết chừng mực, nâng niu và nuôi dưỡng để "của trời" được tái tạo. Dù rằng hạt lúa, hạt gạo là do chính tay con người gieo trồng gặt hái nhưng người nông phu vẫn trân quý nó mà gọi bằng "hạt ngọc trời cho". Mỗi lần vo gạo nấu cơm mà lỡ tay rơi vãi vài hột gạo, bao giờ bà tôi cũng nhẫn nại nhặt cho bằng hết, để dành cho con gà, bầy se sẻ ngoài sân vì đó là hạt ngọc!
Có lần, ông già hàng xóm nhà tôi quyết tâm đánh bẫy cho bằng được con chồn đèn đã lần mò bắt trộm hết bày gà nhà ông. Đến một sáng nọ thăm bờ tre ông "đã giận" khi tận mắt nhìn cảnh con chồn tinh ranh sập bẫy. Nhưng, ông chợt buông tiếng thở dài khi biết đó là con chồn mẹ đang bụng bầu. Ông chợt thấy như có lỗi khi bắt con thú đang trong kỳ sinh sản. Và hình như, ở quê tôi ngày đó, ít khi người ta giết chóc chim muông hoang thú đang sinh nở. Lý lẽ chỉ đơn giản rằng, thả chúng ra để chúng còn sanh con đẻ cháu cho mình bắt sau này nữa chớ. Bắt hết, tụi nó tiệt nòi, sau này lấy gì còn cho mình bắt nữa. Khi người ta đi câu, đi xúc mà thấy bầy ròng ròng là biết có cá trầu to nhưng không ai tìm bắt vì để cho cá mẹ nuôi con.
Sau 1975, nhà tôi chuyển về tạm cư ở một ngôi làng gần núi. Đó là những năm đói kém. Những dịp cuối tuần nghỉ học tôi theo người làng lên rừng quơ củi, hái lá sam nam hái trái xây hoặc hái trái me đem về bán mua gạo. Ban đầu tôi chỉ chuẩn bị khoèo móc cán dài để hái trái nhưng khi lên rừng bị mọi người cười bảo là ngố. Vì sao? Họ bảo đem theo cây rựa hái mới nhanh. Rựa sao hái. Ồ, thật ngây thơ, đây này, cầm rựa xem thử nhánh nào nhiều trái thì đoản xuống mà lặt cho nhanh đầy gùi. Trời ơi, làm vậy, số trái còn non, còn sống tính sao? Thì bỏ lại. Làm đại cho nhanh chứ ai chờ mình đâu. Ai dà, thế là có khi chỉ vài trái me chín thôi mà phải đoạn lìa cả nhánh to đùng. Nhiều lúc tôi cứ tiếc ngẩn ngơ mà quên hái trái. Sao kỳ vậy ta, làm vậy rừng nào chịu thấu. Rồi sau này, mấy mươi năm sau tôi lại bắt gặp những cành mai còi cọc xấu xí và không có khả năng cho nụ nhưng vẫn bị người ta chặt đem về phố rao bán. Bán không ai mua, làm củi, bỏ rác. Làm vậy có biết rừng đau? Làm vậy sao bền nồi cơm của mình. Nhiều người bảo vì khổ quá làm liều, mà mình không chặt thì họ cũng chặt thôi. Tôi nghĩ, đó là lý lẽ đoản hậu và đau thương. Hôm qua, vợ tôi mua về một mớ cá thoạt nhìn tưởng trích ve. Nghĩ, đem kho khô ăn với xoài bằm thì bá chấy. Nhìn kỹ, không phải loại trích ve quen thuộc mà là cá nục non li ti. Tôi đoán mớ cá nục bột vợ mua về mà khi lớn chắc cũng phải đầy một khoang ghe. Vợ tôi lại bảo ngoài chợ nhiều lắm mà đâu phải một cái chợ chỗ tôi. Tôi lại nghĩ, phải chi...
Chuyện khác nhưng có liên quan, trong mắt nhiều người, môi trường, thiên nhiên là chuyện bao đồng, mắc chi mình mà giữ. Cứ sau mỗi dịp lễ lạt tết nhất, hội hè là phố xá, bãi biển, và nhiều nơi tươi đẹp khác ngập tràn rác là rác. Có dơ là dơ ngoài đường, miễn nhà mình sạch là được...
Ông bà xưa có câu: "Ăn cây nào, rào cây nấy". Mình đang sống nhờ vào đất đai xứ sở. Sông biển, núi rừng, ruộng đồng hay hoang mạc tưởng không mắc chi đến ta nhưng cho cùng con người đang thọ ơn tất cả. Vậy, ta đang ăn mà lại phá rào!?
Phanrang, 14.5.2016
b ù i d i ệ p