Cây me già trong ngõ
Hoa lá đổ về khuya
Mùi hương lối xóm bay đi tràn trề
(Phạm Duy)
1. Đêm qua trò chuyện với con gái ở Thủ Đức. Nghe tiếng chó sủa, rồi gà gáy. Tiếng gà tre é é e nghe gần lắm. Hỏi con. Nó bảo của nhà bà cố đó ba. À, tôi nhớ ra. Mấy lần có dịp vào thăm con gái, lúc xuống nhà dưới chỗ phòng khách tôi có thấy mấy con gà đuôi tôm chạy nhảy lung tung. Chợt nghĩ, Sài Gòn nhiều chuyện cũng khác chi quê mình. Gà qué, mèo chó nhà này chạy sang nhà khác tùm lum. Ờ, hàng xóm với nhau mà!
"Bà cố" hàng xóm vói con tôi là một cụ bà ngoài tám mươi, lưng còng nhưng trông còn khỏe và khá vui tính. Bà gốc Bắc vào Nam độ 54. Nghe kể đời bà nhiều lận đận. Cuối cùng sống với 2 cháu nội. Cô cháu gái đã có con. Hàng xóm gọi bà là bà cố vì bà có cháu cố. Con gái tôi quý bà vì bà vừa vui tính vừa luôn quan tâm hàng xóm. Buổi tối gặp con gái tôi vừa làm về, bà hỏi, cô cơm chiều chưa. Dạ chưa, vậy sao chưa nấu cơm. Dạ, con chuẩn bị nấu đây. À, cô mới đi làm về à. Ăn ngoài hả. Dạ không. Vậy cô ăn gì chưa. Dạ chưa. Nếu chưa sao không chịu nấu cơm. Dạ. Ừ chắc cô chưa ăn cơm ha? Cứ thế, bà cụ lẩn quẩn mãi, kiểu người già mà cũng dễ thương!
2. Chợt nghĩ, ông bà mình nói câu "bán bà con xa mua láng giềng gần" thiệt đúng. Có những hàng xóm đã gắn bó cùng nhau suốt đời thậm chí nhiều đời. Nhiều lúc, tôi nghĩ về những người hàng xóm của mình trong nhiều hoàn cảnh còn hơn là cật ruột. Nhà vợ tôi và nhà chị chung vách. Ngày trước chưa xây lại. Mỗi bên là một mái. Nghĩa là 2 nhà chung vách, chung mái ngói. Ngày tôi và vợ làm đám cưới. Đám cưới cuối thập niên 80 của TK trước còn nghèo lắm. Chị có khiếu hội họa nên tụi tui nhờ chị trang trí tiệc cưới. Trong mấy tấm hình cưới giờ xem lại vẫn còn rõ tấm phông tiệc cưới được chị trình bày có dán hình đám cưới rước dâu gồm một đoàn võng điều, lộng tía, trông dễ thương và vui mắt lắm!
Rồi những đứa trẻ hai nhà ra đời và lớn dần bên nhau theo ngày tháng. Những ngày rạ rơm lá cỏ, con gà con chó chung nhà. Thoáng chốc mà chúng đã thôi lẫm chẫm rồi xa nhà đi học, đi làm. Có đứa giờ bay tít trời tây. Thi thoảng muốn gặp cháu thì "lên phây" trò chuyện. Chỉ có chúng tôi, những ông bố bà mẹ là còn ngồi lại. Phố nhỏ ngày xưa giờ đã nhiều thay đổi nhưng "mùi hương hàng xóm bay đầy mái đông" (thơ Lưu Trọng Lư). Đã gần 30 năm rồi, cái lối ngõ, cái mái nhà chung, những đứa trẻ mỗi dịp Tết vẫn trở về. Ôi chao cái sân chung vẫn lẫm chẫm những dấu chân trẻ con hàng xóm!
3. Và đôi khi ta cũng nợ hàng xóm một lời xin lỗi. Nợ mãi mãi. Những ngày sau 30.4.1975, làng tôi cũng như bao nhiêu làng xóm khác có nhiều thay đổi, xáo trộn. Và nhất là khó khăn quá đỗi. Tôi nhớ lúc đó nhà tôi có nuôi một cặp heo. Chúng lớn nhanh lắm. Chú T hàng xóm cũng nuôi một bầy heo nhiều hơn nhà tôi nhưng èo uột, còi cọc. Mỗi lần thấy heo nhà tôi ăn là cô chú ấy trầm trồ rồi thở dài. Bỗng một sớm nọ, tôi dậy sớm, phát hiện 2 con heo nhà mình đã chết cứng lúc nào. Trong chuồng bốc lên mùi thuốc rầy nồng nặc. Nghe hô hoán, chú T chạy qua rồi xởi lởi nhận làm thịt dùm. Ba tôi không cho. Chú mau mắn đào hố chôn dùm sau vườn. Sau chuyện đó, chú ít sang chơi nhà tôi. Làm cho nhà tôi đặt nghi ngờ nơi chú là tay thủ ác. Từ đó nhà tôi không còn quý mến chú hàng xóm ấy nữa. Mãi nhiều năm về sau mới biết chắc chắn thủ phạm là một người bà con xa của nhà tôi, cũng vì ghen ăn tức ở mà ra tay hại người.
Khi ấy nhà chú T đã chuyển đi xa. Một lời xin lỗi hơn 40 năm vẫn còn chưa trả được cho người hàng xóm!
Phanrang, 25.4.2017