Bạn H. mến,
Tôi chọn đề tài Giọng Bình Định để thuyết trình trong Hội Nghị Quốc Tế về Tiếng Việt: Lịch Sử và Giảng Dạy, do Viện Việt Học tổ chức tại Westminster (Nam California) vào ngày 7 tháng 7 năm 2007, vì muốn nhân cơ hội này trình bày cho quan khách hiểu rõ về giọng nói của Quê hương mình. Một giọng nói không phải hoàn toàn khuyết điểm, quê kệch, như một số người lầm tưởng qua thành kiến: nào “Dân Xứ Nẫu”, nào “Dân Củ Mì”, nào “Dân Bình Đượng, ...”.
![ThuyetTrinh1](/images/stories/ThayCo/DaoDucChuong/ThuyetTrinh1.jpg)
H 1: Thuyết trình đề tài “Giọng Bình Định” ngày 7- 7- 2007
Là một đề tài nghiên cứu về tiếng địa phương, qua phương pháp biên khảo, không thể chỉ phô trương cái tốt và chối phăng cái xấu của một giọng nói. Bởi thế, công bằng mà nói, Giọng Bình Định có nhiều khuyết điểm nhưng cũng lắm phần ưu điểm.
Trên toàn cõi Việt Nam, không có một nơi nào phát âm hoàn toàn đúng, mà cũng không có một nơi nào phát âm hoàn toàn sai. Bình Định, quê ta, cũng nằm trong định luật ấy. Cái điều quan trọng ở đây, là giọng nói ấy, có tầm ảnh hưởng thế nào đến các vùng khác hay không?
- Vâng, Bình Định nằm giữa và tương đối cách đều hai đầu của nước ta. Bình Định là nơi đón nhận dân định cư từ Miền Bắc và Bắc Trung Việt (thời Lê Thánh Tông); và cũng là nơi tuyến đầu của cuộc Nam Tiến (thời Chúa Nguyễn). Vì vậy, giọng nói Bình Định mang vai trò gạch nối giữa giọng Bắc, Trung, Nam.
- Ngoài ra, xét về mặt chức năng của ngôn ngữ, Bình Định còn có những thổ ngữ đa năng đa dụng vô cùng. Đơn cử, tiếng “nẫu”, một đại danh tự chủ yếu dùng cho ngôi thứ 3 số ít cả số nhiều, nhưng cũng có thể dùng ở ngôi thứ nhất và thứ hai một cách linh hoạt và sáng tạo.
- Lối nói lái của Bình Định, xét về mặt cấu trúc từ ngữ, rất khoa học và có quy củ, hơn cả lối nói lái của người Bắc.
- Về phát âm, người Bình Định chỉ lười cách phát âm cho tròn tiếng, chứ không phải không thể phát âm đúng. Chẳng hạn, ngoài Bắc có một nơi, không phát âm đúng phụ âm khởi đầu L, muốn nói “cái lò” phát âm thành “cái nò”, “làm ăn” phát âm thành “nàm ăn” mà không thể sửa đổi được.
Chính vì muốn xóa tan những thành kiến nêu trên, tôi quyết định chọn đề tài này. Một đề tài mà tôi có những thuận tiện để viết nên, có dịp tiếp xúc với nhiều người ở các miền của đất nước, đối chiếu giọng nói và thổ ngữ của tỉnh nhà với các nơi khác. Vâng, thời gian học ở Trường Trung Học Cường Để (1955 - 1958), tôi ở trọ nhà người Bắc. Lúc đi học xa, sống ở Nha Trang, Huế và Sài Gòn. Vợ tôi là người Phú Yên, một tỉnh lân cận chịu nhiều ảnh hưởng về giọng Bình Định trong cuộc Nam tiến. Những năm dạy học, tôi thường về miền quê, nói chuyện nhiều với phụ huynh học sinh vùng Tuy Phước, An Nhơn. Lúc “cải tạo” ở Kim Sơn (huyện Hoài Ân), được tiếp xúc với những bạn tù ở vùng Bắc Bình Định và Quảng Ngãi (khi ấy sáp nhập hai tỉnh). Khi tôi bị tù vượt biên ở Vĩnh Long, nhốt chung phòng với nhiều người Miền Lục Tỉnh. Sau đó, lại sống nhiều năm ở Bình Long (tỉnh Sông Bé) và Sài Gòn cho đến ngày xuất cảnh. Đến nay, đã 17 năm ở Mỹ, lại được trao đổi nhiều với đồng hương các hội: Bình Định Nam và Bắc Cali, Liên Trường Qui Nhơn, Cường Để & Nữ Trung Học, Liên Trường Lại Giang, Hội Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa... Và với phương tiện truyền thông hiện đại, dễ dàng liên lạc với tất cả những bạn cũ, mới, khắp mọi miền đất nước, cùng chung cuộc đời tị nạn.
Bên cạnh những thuận tiện nêu trên, vẫn có điều trở ngại, vì tôi xa quê từ 1980, không thể cập nhật được những thổ âm thổ ngữ ở quê mình, mới phát sinh hoặc đã lui vào dĩ vãng không còn thông dụng nữa.
Và cũng chính vì hoàn cảnh phải ly hương, đã thôi thúc tôi biên soạn từ đề tài “Thổ Âm Thổ Ngữ Bình Định” thành đề tài “Giọng Bình Định” rộng lớn hơn. Và với đề tài này, những thổ âm thổ ngữ qua giọng nói đặc trưng của miền đất chôn nhau cắt rốn, vẫn mãi mãi theo tôi trên bước đường viễn xứ.
Và cũng chính vì hoàn cảnh phải ly hương, đã thôi thúc tôi biên soạn đề tài này để những thổ âm thổ ngữ đặc trưng của miền đất chôn nhau cắt rốn, vẫn mãi mãi theo tôi trên bước đường viễn xứ.
Đấy, những tâm tình của tôi khi biên soạn đề tài này và chọn thuyết trình.
Sau cùng, tôi tặng H. đoạn thơ của tôi viết về Quê Hương, và đó cũng là lý do tại sao tôi dành nhiều thì giờ viết những đề tài về Văn hóa, Giáo dục, Lịch sử và Địa danh tỉnh nhà ngày cũ thân thương đầy ắp kỷ niệm của chúng ta:
Tôi lớn lên trong vườn khoai ruộng thóc
Đọt rau bùi, trái chín ngọt tình thương...
Nhờ hai buổi trường làng, tôi biết đọc
Luyện tay mềm, tôi viết chữ Quê Hương.
![ThuyetTrinh2](/images/stories/ThayCo/DaoDucChuong/ThuyetTrinh2.jpg)
H 2: Đình làng Vinh Thạnh bị phá hủy năm 1947, năm 1967 dựng lại nhưng đơn giản hơn.(Ảnh: Phạm Sơn, 2010)
***
Tôi nhớ mãi con mương làng câu cắm,
Những đêm mưa đơm dẹp ở sau nhà,
Mùa keo chín tu hú về rộn lắm
Đất viên tròn làm đạn bắn chim sa...
![image003](/images/stories/NghienCuu/image003.jpg)
H 3: Con mương sau làng chảy từ Vinh Tây xuống Vinh Đông.
***
Quê thương quá! Giờ muôn vàn xa cách
Biết còn không, hình nét nhớ thân yêu ?
Bước gian truân chưa dám hứa ra nhiều
Nhưng vẫn hẹn trong tim ngày tái ngộ.
![image005](/images/stories/NghienCuu/image005.jpg)
H 4: Cổng làng Vinh Thạnh tại xóm Vinh Tây.
Trích Quê Tôi Nhớ (đoạn cuối)
Trong tập Đời Viễn Xứ, 2001, VIỆT THAO
Chào H. quý mến
Việt Thao Đào Đức Chương
(San Jose, CA, USA.)