Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • NhaGiuXe1200
  • CD4 1200
  • hinhCu 1200
  • DaiThinhDuong1200

Bình Định

Nhóm phóng viên tường trình từ VN
2014-02-11


Một hội bài chòi ở Bình Định

Mãi miết theo ngọn gió Xuân, những điệu hát bài chòi, hò khoan, hát bội trầm bổng, đứt quãng, ỉ ôi và khẳng khái, ẩn chất mùa Xuân của miền Trung gió cát. Nếu như bài chòi mang cảm xúc lâng lâng ngày thu hoạch mùa thì hát bội lại mở ra không gian hoài niệm và mang mang phức cảm về cái chết mặc dù tuồng tích của nó không liên quan gì đến vấn đề sinh tử. Nếu như mùa Xuân ở những miền khác mang cảm thức vận hội mới thì mùa Xuân của bài chòi, hát bội miền Trung lại mang thêm cảm thức lưu vong giữa các tuồng tích, nhấn nhá của nghệ thuật hát bội.

Triết lý hát bội sân khấu và ông công đám tang

Một người chuyên nghiên cứu về hát bội ở Quảng Nam, yêu cầu giấu tên, chia sẻ:“Theo cách nhìn đương đại thì du nhập của diễn xướng nghi lễ dân gian nó có thể phát triển lên thành hát bội. Ngược lại, cái nghi thức truyền thống lại là ảnh hưởng trở lại của hát bội với truyền thống dân gian. Như hò đưa linh chẳng hạn, đây là hò đưa tang người chết, nó là một loại hình diễn xướng nghi lễ dân gian trong việc đưa tang thôi. Nhưng sau này khi nghệ thuật hát bội lên đỉnh cao thì nó ảnh hưởng trở lại. Cho nên vai trò của ông công, chỉ huy trong đưa linh lại rất giống với hát bội, giống ông tướng dẫn đạo lộ, điều khiển âm binh, đưa người đi.Tức là tác động trở lại của hát bội với diễn xướng dân gian.”

Ông này nói thêm rằng không biết tự bao giờ, nhạc khí, điệu thức của hát bội và nhạc ông công đám tang có rất nhiều điểm tương đồng. Ngay cả trang phục của hát bội và trang phục của ông công đám tang đều có thể dùng chung, không phân biệt.

Điều này khiến ông đặt ra dấu hỏi liệu hát bội đi vào đám tang hay tuồng tích đám tang đi vào hát bội, cái nào có trước là cả một vấn đề chưa có lời giải đáp. Chỉ có một điều dễ nhận biết nhất là trong các đám tang, các làn điệu, khúc thức của hát bội được sử dụng toàn bộ và điệu bộ của ông công đám tang cũng biểu cảm, tượng hình chẳng khác gì nghệ sĩ hát bội.

Một nghệ nhân hát bội những năm 1980, lạy tổ giải nghệ những năm đầu thập niên 1990 và chuyển sang làm ông công đám tang cho chúng tôi biết rằng mọi tuồng tích, điệu bộ, khúc thức của hát bội được ông sử dụng triệt để trong lúc làm ông công đám tang. Có khác chăng là lúc hát bội, ông là một nghệ sĩ, một diễn viên đảm nhận một vai duy nhất dưới sự quán xuyến và chỉ đạo của đạo diễn, ông chỉ được phép diễn những gì đạo diễn yêu cầu. Còn khi làm ông công đám tang, ông vừa là một diễn viên, vừa làm một đạo diễn.

Nếu như lúc diễn trên sân khấu, mọi khóc cười của nghệ sĩ được chỉ định và người nghệ sĩ phải thác mình vào vai diễn để khóc, cười cùng nhân vật nhằm tạo hiệu ứng cảm xúc tốt nhất đến khán giả, thì làm ông công đám tang, mọi khóc cười đều thật, mỗi thành viên trong gia đình là một diễn viên thật, đảm nhận vai diễn xã hội đầy nước mắt và thâm tình của họ trước linh cửu người đã khuất.

Lúc này, ông công đóng vai trò một đạo diễn kiêm diễn viên, vừa diễn xuất mọi tuồng tích, điệu bộ phù hợp với bối cảnh người quá cố và gia quyến, lại vừa làm tổng chỉ huy chỉ đạo tập dân, dắt những người khiêng đi vòng rồng rắn đủ các địa hình, thay đổi đội hình liên tục để người khiêng quen với mọi cảm giác địa hình. Mục đích chính của việc chạy đội hình này là nhằm giúp cho họ quen với kĩ thuật lên vai, xuống dốc thật nhẹ nhàng, êm ái, nhằm tránh làm xóc quan tài.

Triết lý của hát bội trên sân khấu là càng động, càng cương càng tạo cảm xúc thì triết lý của ông công đám tang là càng tĩnh, càng nhu càng tốt bởi chính đời sống là một bể khổ, nó làm cho thân phận con người lắc lư quá nhiều rồi, đến phút giây tiễn biệt cuối cùng, ông công luôn hô to, nhắc cả đội hình: Hãy lên vai xuống dốc cho nhẹ nhàng nghe chưa!”. Lên vai xuống dốc nhẹ nhàng ở đây giống như một lời tiễn biệt, một tri ân cuối cùng trước người đã khuất.

Và, vở tuồng sân khấu là tuồng diễn cho nhiều người xem đi xem lại, còn vở diễn của ông công đám tang là vở diễn cuối cùng cho duy nhất một người, cho họ nhìn lại cái sân khấu cuộc đời mà họ đã đảm nhận một vai suốt bao nhiêu năm nay.

Mãi miết bài chòi, hát bội đầu Xuân

thebaichoi-250.jpg
Thẻ bài chòi dành cho người chơi. RFA photo

Đầu năm, du Xuân dọc theo trục quốc lộ 1 A, hướng từ Sài Gòn ra Hà Nội, nếu đi vào ban đêm, ngang qua các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, điệu tùng chát, rịch tang của hát bội Bình Định, điệu thúc giục trống trận ở các võ đài Quảng Ngãi và điệu xập xình, lắc cắc rung lắc của bài chòi Quảng Nam cũng như ỉ ôi, ai oán của hát bội xứ Quảng tạo nên một phức hợp âm thanh không thể nào nhầm lẫn với bất cứ vùng miền nào.

Nếu như những năm trước 1975, mọi tuồng tích của hát bội đều dựa trên những vở cổ như Lâm Sanh Xuân Nương, Thoại Khanh Châu Tuấn, Thạch Sanh Lý Thông, Phạm Công Cúc Hoa, Lưu Bình Dương Lễ, Nàng Út Rúc Ống Tre, Tấm Cám… Thì sau 1975, những vở diễn này vẫn được công diễn nhưng tầng suất xuất hiện của nó rất thấp, thay vào đó là những vở mới có nội dung ca ngợi Đảng, ca ngợi bác Hồ, ca ngợi Mác, Lê Nin, ca ngợi ông chủ tịch tỉnh, chủ tịch huyện, chủ tịch xã gương mẫu… Và đây cũng là giai đoạn mà các nghệ sĩ hát bội giải nghệ, chuyển sang làm ông công đám tang nhiều nhất.

Thời gian gần đây, những nghệ sĩ hát bội đã trở lại sân khấu, thay vì công diễn như trước đây nhằm bán vé, thu lợi nhuận, các  nghệ sĩ hát cúng tổ là chính. Thường thì dùng mái hiên của một gia đình nào đó trong hội đoàn hát bội để đặt bàn thờ tổ, cúng kính và hát với nhau những tuồng cổ hoặc những vở mang thận phận lưu vong, mang ý nghĩa sinh tử, nỗi thống khổ của con người trong bóng tối nô lệ… Đó cũng là điểm khá đặc biệt trong nghệ thuật hát bội thời hiện đại.

Song song với hát bội, bài chòi cũng nở rộ vào những ngày đầu Xuân, một nghệ sĩ hát bài chòi chia sẻ: “Thì mình cứ nói càn càn thế thôi, lấy câu cũ câu mới đắp vô, một sự gán ghép vần điệu. Để con cờ nó nói ra thôi, thường thì con cờ có chút dung tục trong đó! Ví dụ mình lấy lời bài hát lý cây bông như bông xanh, bông trắng, bông vàng, bông lê, bông lựu, đố nàng mấy bông… Thì họ cứ nghĩ bình thường là bông xanh, bông vàng… để đá sang con bạch huê… ví dụ thế thôi, nói chung là có chút dung tục!”

Nếu như mười năm trước đây, bài bản hát bài chòi thường ca ngợi Đảng, các ngợi công lao bác Hồ, ca ngợi mùa Xuân xã hội chủ nghĩa… Thì bây giờ, những bản tân nhạc và những bài hát hô bài chòi có tính giễu nhại chiếm đa phần cuộc chơi. Ví dụ như bài hát trước khi hô con Thái Tử sẽ là: Ăn gì mà da trắng mặt trơn, dáng đi núc ních, chỉ muốn hơn mọi người. Ăn gì mà nuốt sống ăn tươi, dân đen khiếp sợ người người buồn lo. Là con của kẻ rất to, to đến nỗi nghe giọng là biết ngay điềm dữ, ấy là con Thái Tử!

Đầu Xuân, mãi miết trong gió chiều, giọng nỉ non, thổn thức và chất ngất thân phận cũng như ngao ngán một tiếng cười giễu nhại của bài chòi, giọng dứt khoát, uất nghẹn và trầm bổng của hát bội đã tạo nên một phức hợp âm thanh kì diệu của riêng miền Trung, miền gió cát, mưa chang và nắng cháy!


Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/opera-card-binh-dinh-qnam-ttvn-02112014103908.html

Thêm bình luận