Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • CD4 1200
  • NhaGiuXe1200
  • hinhCu 1200
  • DaiThinhDuong1200

Bình Định

Voi da Do Ban thumb
Voi đá Đồ Bàn

Thế là tôi cũng chạm được vào giấc mơ, một giấc mơ huyền hoặc lạ lùng kéo dài bao nhiêu năm kể từ khi biết đọc sách, biết mộng mơ… Giấc mơ hình thành từ những dòng chữ trong sử sách, giấc mơ lung linh trong tâm tưởng suốt một quãng đường đời.

Một buổi chiều tà tháng mười, tôi được nhà văn Ban Mai dẫn về thăm Đồ Bàn- Hoàng Đế. Một địa danh, một mảnh đất đã từng huy hoàng trong quá khứ. Thành Đồ Bàn của vương quốc Champa nổi danh trong lịch sử, thành có niên đại từ 999-1471. Đồ Bàn là niềm kiêu hãnh của người Champa, ngày xưa quân nhà Lý đã từng tấn công Đồ Bàn chém ba vạn thủ cấp. Quân nhà Trần cũng tiếp tục đem quân tấn công. Vua Duệ Tông nhà Trần vì hữu dõng vô mưu mà bỏ mạng tại Đồ Bàn. Duệ Tông là ông vua Việt duy nhất chết ở chiến trường và chết ngoài biên giới quốc gia (Champa thời ấy là một nước độc lập). Khi Tây Sơn nổi lên và phát triển vững mạnh. Nguyễn Nhạc đã chọn Đồ Bàn để làm nơi đóng đô, cho tu bổ sửa sang lại và đổi tên là thành Hoàng Đế. Kế đến Nguyễn Ánh giành lại vương quyền và cho phá hủy thành cũng như tất cả những di sản văn vật có liên quan đến nhà Tây Sơn. Lịch sử tương tàn cứ tiếp diễn mãi không thôi.

Tôi đến thăm viếng thành vào một buổi hoàng hôn, ánh nắng vàng nhạt pha sắc đỏ đã xa xa tận chân trời. Chân bước đi mà lòng nổi những cơn sóng không sao kìm lại được, Thành ngày xưa đồ sộ, kiên cố và huy hoàng thế nào không biết, giờ chỉ thấy cỏ dại và lau lách đìu hiu. Những dấu vết nền móng bằng đá ong được khai quật ẩn hiện trên mặt đất, chìm lẫn vởi cỏ xanh ngút ngàn. Tường thành, cung điện, đền đài… xưa giờ chỉ còn là những viên đá ong rải rác đó đây. Bàn tay con người dựng nên và rồi cũng chính bàn tay con người phá hủy, cộng với sự tàn phá của thời gian… Đồ Bàn – Hoàng Đế của một thời lẫy lừng giờ nằm yên trong tiếng con trùng nỉ non dưới ráng hoàng hôn. Tôi lang thang trong vùng đất mà các nhà khảo cổ khẳng định là tử cấm thành xa xưa, chỉ thấy cỏ và cỏ. Vật duy nhất còn sót lại chính là hai con voi đá do người Chăm tạc từ đá sa thạch. Thời gian mấy thế kỷ qua nhưng chất liệu đá sa thạch vẫn còn sắc đỏ ẩn dưới lớp phong hóa rong rêu. Đá sa thạch này cùng chất liệu với những tượng Chăm khác. Hai con voi đá nằm chơ vơ cô đơn và lạc lõng bên vệ đường của một xóm thôn người Việt. Tôi sờ, tôi ôm hai con voi đá mà lòng cảm thán không sao tả xiết, bất chợt có tiếng bò rống làm cho chị Ban Mai thảng thốt hỏi vì ngỡ tiếng voi rống. Cả nhóm đi cùng cười vang vì cái sự mẫn cảm quá mức của những kẻ du tử mê chữ nghĩa. Văn hóa, tín ngưỡng, tập tục văn hóa của người Chăm quá xa lạ với người Việt, khi người Việt chiếm được đất của người Chăm thì tất cả bị phá hủy hết, cộng với sự xung đột của các triều đại vua chúa Việt cũng tàn phá không thương tiếc. Không hiểu vì cơ duyên nào mà hai con voi đá của thành Đồ Bàn xa xưa còn sót lại đến ngày nay.

Ngoài hai con voi đá Champa của Đồ Bàn ấy còn có hai con sư tử đá của Hoàng Đế cũng là di vật còn nguyên vẹn. Hai con sư tử nằm trong khu vực tử cấm thành, rêu phủ mờ xanh, thật cũng không biết vì sao cả tòa thành bị phá hủy mà hai con sư tử đá lại thoát khỏi bàn tay hủy hoại của con người?  Đồ Bàn – Hoàng Đế một dĩ vãng vàng son, huy hoàng xa xưa giờ còn lại hai con voi đá và hai con sư tử đá của người Chăm. Vô số xương máu của cả hai quân Chiêm-Việt cùng đổ xuống, phải chăng vì thế mà những vỉa đá ong còn đỏ đến bây giờ?

Đồ Bàn đã bị vua Lê Thánh Tông cho phá hủy, Hoàng Đế đã bị Nguyễn Ánh cho san bằng, ngày nay chỉ còn những vết chân thành bằng đá ong, một quãng đường ngắn lát đá hoa cương xưa là lối đi trong hoàng cung. Ngoài cặp voi đá, sư tử đá trong tử cấm thành ra, xa xa hơn chút là tháp cánh tiên thuộc ngoại thành. Đồ Bàn-Hoàng Đế giờ chỉ là dư ảnh trong tâm tưởng hoặc chỉ là chữ nghĩa trong sử sách.

Tôi lần bước dưới hoàng hôn đến viếng lăng mộ Võ Tánh, ngôi mộ đơn sơ, đắp nổi hình mu rùa, một kiểu mộ theo tập quán văn hóa của cư dân địa phương thời xưa, ngày nay không còn thấy nữa. Tôi áp bàn tay lên mộ tướng quân và cảm nhận như có một luồng điện xuyên suốt thân thể, lòng bồi hồi xúc động. Những dòng chữ viết về ông tự nhiên xuất hiện trong đầu, những hình ảnh tưởng tượng cũng dồn dập tuôn ra từ trong tạng thức. Một bản anh hùng ca thống thiết và bi thảm của một giai đoạn lịch sử vô cùng nghiệt ngã. Thành mất tướng chết, cái chết can trường, trung dũng, nghĩa khí. Trước khi tự thiêu, ông đã viết di thư yêu cầu tướng Trần Quang Diệu đối xử tử tế với quân binh trong thành. Anh hùng gặp nhau, khí hùng tương ứng, đại độ và tâm lượng giao cảm. Đô đốc Trần Quang Diệu chẳng những làm đúng như di thư Võ Tánh để lại mà còn cho tẩm liệm và chôn cất tử tế đàng hoàng cho Võ Tánh và Ngô Tòng Châu. Hậu quân và đô đốc thờ hai vua vốn không đội trời chung, ấy vậy mà họ đã gặp nhau ở cái đức độ và khí tiết. Ngọn lửa tự thiêu của Võ Tánh mãi mãi cháy sáng trong tâm tưởng chúng ta, khí độ Trần Quang Diệu mãi mãi hằn in trong tạng thức của những người yêu nước Việt, sử Việt. Lịch sử qua đi, bài học còn đó nhưng hậu thế dường như vẫn chẳng thuộc bài. Những cuộc tương tàn vẫn tái diễn không ngừng, duy có điều là không còn thấy những tấm gương trung nghĩa, tiết tháo và khí độ như hậu quân Võ Tánh và đô đốc Quang Diệu.

Tôi đi nhiễu ba vòng quanh lăng Võ Tánh như thể những Phật tử đi nhiễu Phật, trong lòng tôi cồn cào bao nhiêu là chuyện xưa sử cũ. Tôi dường như nghe hơi thở âm u tiết ra của những phiến đá ong, lời thì thầm của lau lách đìu hiu bao phủ cả một vùng. Hoàng hôn xuống nhanh, ánh nắng dần tắt, nơi chân trời dần tím thẫm. Nhà Văn Ban Mai bảo tôi: “Thôi về em ơi, chị dường như cảm nhận âm khí rờn rờn quanh đây.” Tôi không nghĩ là âm khí, có còn gì nữa đâu mà âm khí? Mấy thế kỷ đã trôi qua, xương máu Chiêm-Việt giờ đã hóa đất đai và lau lách, hồn người xưa giờ như những áng mây bay khuất nẻo chân trời. Tôi nấn ná thêm tí nữa chưa muốn về nhưng rồi cũng phải chia tay. Quay lưng đi mà lòng ngổn ngang không biết dùng lời lẽ gì để tỏ bày. Tôi chắp hai tay, tôi xoè tay chào tạm biệt lăng mộ Võ Tánh. Tôi ngậm ngùi quay lưng bỏ lại hai con voi đá Đồ Bàn, hai con sư tử Hoàng Đế giữa một vùng lau lách quạnh quẽ hoang vu. Tôi lên xe nhưng vẫn ngoái đầu lại cố căng mắt tìm Đồ Bàn thành, Hoàng Đế thành. Xe chạy xa rồi mà trong tôi còn vọng tiếng voi rống, ngựa hí, quân reo.
 

Đồ Bàn thành, 10/22

Nguồn: https://damau.org/97458/cham-vao-giac-mo

Thêm bình luận