Thưa bạn đọc,
Trước kia tôi định viết bài “Các Trường Trung Học Và Cao Đẳng Ở Tỉnh Bình Định Trong Thời VNCH” chừng vài chục trang, để vừa đủ cho một chương sách, chương thứ 7 trong tác phẩm “Giáo Dục Và Khoa Cử” gồm 10 chương. Nhưng sau nhiều lần bổ chính, nhất là đợt bổ chính mới đây, tôi đã đem hết những hình ảnh sinh hoạt của một số Trường Trung Học mà tôi đã từng cất giữ trên dưới 60 năm qua. Vì nếu hôm nay tôi không nhân đề tài này gửi các hình ảnh Trường cũ vào bài, thì mai kia tôi lìa đời, các hình ấy cũng sẽ tan biến. Bởi thế, bài viết có đến 144 hình ảnh, và cũng bổ sung nhiều chi tiết, tăng đến 112 trang đánh máy, nên đề tài này không còn là một chương sách mà trở thành một quyển sách, và nếu layout với khổ sách thông thường 13,5x21 cm, cũng sẽ tăng lên gần 200 trang.
Xin các bạn bấm vô đây để download/đọc bài “Các Trường Trung Học Và Cao Đẳng Ở Tỉnh Bình Định Trong Thời VNCH” (dạng PDF)
Tôi nghĩ, trong thời VNCH, chúng ta là những học sinh cấp trung học của tỉnh Bình Định, hầu hết đã trải qua một hay nhiều trường trong 50 trường Trung học và Cao Đẳng của tỉnh nhà. Vì thế, ai ai cũng có một vài kỷ niệm của tuổi học trò, nay khi xem bài này thấy được hình ảnh mình ngày xưa thì thích thú biết bao.
Bản thân tôi có mặt ở Trung Học Cường Để Qui Nhơn trong nhũng ngày đầu Trường thành lập, và theo học 3 niên khóa (1955-1958); rồi tiếp tục học ở Nha Trang, Huế và Sài Gòn. Thế nhưng, những kỷ niệm của tuổi học trò sâu đậm nhất, những kỷ niệm để đời vẫn là 3 niên khóa dưới mái Trường Cường Để, đơn cử:
- Với Thầy Giáo, nhờ Thầy Nguyễn Đức Giang đã phê những lời đầy khích lệ trong các bài luận văn của tôi, khiến tôi cảm hứng làm thơ từ lớp Đệ ngũ và theo đuổi nghiệp văn chương cho đến ngày nay. Thầy cũng đã chọn tôi đi dự Trại Hè Toàn Quốc tại bãi biển Mỹ Khê Quảng Ngãi, mỗi lớp chỉ được chọn 2 học sinh tham dự. Thầy Hồ Văn Thái (dạy Anh Văn) cùng toán trại sinh Trường Cường Để tham gia trò chơi lớn “tìm dấu đi đường” suốt quãng đường dài hơn 11 km từ bãi biển Mỹ Khê (thuộc thôn Cổ Lũy, xã Tịnh Khê) đến núi Thiên Ấn để tìm cho ra một vật mà Ban Tổ Chức đã kín đáo cất giấu trên đỉnh núi này.
- Với bạn đồng song, làm sao quên được những kỷ niệm với Nguyễn Tất Hiển (cùng làng), Lê Ái Long (Quảng Trị), Nguyễn Quốc Hòa (Bắc 1954),… và bạn đồng môn Trần Văn Hy (Bình Khê)…
Cuối cùng xin thưa, đề tài này ở dạng viết thường là 112 trang, nhưng nếu chuyển dạng PDF sẽ là 113 trang và 1 hàng. Khi lập Mục lục, tôi đánh số trang theo bản viết thường (112 trang), nhưng để Ban Điều Hành trang mạng tiện post lên diễn đàn đã theo bản PDF (113 trang), vì thế việc ghi số trang có sự xê dịch chút ít, mong bạn đọc thông cảm.
Và dưới đây là trang đầu trong 3 trang của một trong các bài luận văn có lời phê của Thầy Giang, tình cờ tôi bắt gặp trong trong tủ sách cũ tại Quê nhà, lúc tôi về thăm Cố Hương.
Xin các bạn bấm vô đây để download/đọc bài “Các Trường Trung Học Và Cao Đẳng Ở Tỉnh Bình Định Trong Thời VNCH” (dạng PDF)
Đào Đức Chương