Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • hinhCu 1200
  • CD4 1200
  • NhaGiuXe1200
  • DaiThinhDuong1200

Mont Saint Mitchel
Mont Saint Mitchel
Tôi đến thăm Mont Saint-Michel vào một ngày cuối thu. Đó là một là một địa danh thuộc thị trấn Avranches, tỉnh Manche, vùng hành chính Basse-Normandie, ở phía bắc nước Pháp. Amandine Dessil, nhân viên Phòng Đối ngoại thành phố Rennes, lái xe kiêm hướng dẫn viên cho tôi, cho hay: "Cuối thu, vùng biển Normadie hay có bão tố, nên trời không được trong xanh. Bù lại, chúng ta sẽ có cơ hội chứng kiến Mont Saint-Michel hiên ngang đón nhận những trận cuồng phong và những đợt triều cường với tốc độ phi mã đến vào buổi hoàng hôn. Đó mới là lúc Mont Saint-Michel bộc lộ vẻ đẹp hùng vĩ và sự cô độc của mình giữa biển khơi đang dậy sóng". Bố của Amandine là người vùng này, nên cô khá am tường về Mont Saint-Michel.

Khởi hành từ Rennes, thủ phủ vùng Bretagne, từ lúc 7g30 sáng, sau hai giờ chạy xe, chúng tôi mới đến thị trấn Avranches. Đúng như lời Amandine, hôm ấy trời có gió chướng và mưa phùn. Từ trong làn mưa như sương bụi ấy, Mont Saint-Michel đột ngột hiện ra trước mắt tôi như vụt khởi từ lòng biển đang cuộn sóng, với dáng vẻ uy nghi nhưng đơn độc. Tôi kêu lên: "Một ngọn núi mồ côi". Amandine đáp trả: "Ừ, mồ côi, nhưng mỗi năm ngọn núi này đón hơn 3,5 triệu du khách đến thăm, chỉ sau tháp Eiffel và cung điện Versailles thôi đấy".
Thanh duong Saint Mitchel
Thánh đường Saint Mitchel
Sau này, qua các thông tin trên internet, tôi biết thêm rằng Mont Saint-Michel được đánh giá là một trong 10 tòa lâu đài đẹp nhất châu Âu. Đây cũng là một thánh địa, thu hút lượng khách hành hương đứng thứ tư ở phương Tây, chỉ sau Jerusalem (Israel), Rome (Ý) và Saint-Jacques de Compostelle (Tây Ban Nha). Vì thế, năm 1979, Mont Saint-Michel trở thành địa điểm đầu tiên của nước Pháp được UNESCO tôn vinh là Di sản văn hóa thế giới.

Án ngữ ngay trước lối vào thánh địa là một bãi đậu xe rộng thênh thang, với hàng ngàn chiếc xe đủ loại, nằm xếp hàng ngay ngắn. Sau khi ra khỏi xe, tôi vội vàng rời con đường tráng nhựa nối đất liền với thánh địa, chạy ào ra bãi biển. Song khi tôi chưa kịp tháo giày để lội nước thì Amandine đã vội vã đuổi theo và la lớn: "Cẩn thận, bãi cát ở đây rất nguy hiểm. Coi chừng cát sụt là anh bị nuốt chửng luôn đó". Bấy giờ tôi mới để ý thấy dọc theo bãi biển có rất nhiều tấm biển, cảnh báo du khách tránh đi vào những bãi cát sụt chứa đầy bất trắc.
Thanh duong Saint Mitchel 3
Sau ít phút đi dạo trên bãi biển, chúng tôi nhanh chóng vượt qua chiếc cầu bằng đá bắt qua một con hào dẫn đến cổng thành để vào bên trong. Nhìn từ bên ngoài, Mont Saint Michel trông như một pháo đài. Cách duy nhất để vào thành là phải đi qua cửa thành này; rồi đến một cánh cổng thứ hai, có hệ thống ròng rọc treo những tấm cửa gỗ rất nặng. Ngày trước, mỗi khi có quân địch tấn công, những tấm cửa gỗ này sẽ được thả xuống để chặn bước quân thù. Nghênh đón chúng tôi ngay sau cánh cửa gỗ là hai khẩu thần công từ thời trung cổ và một khu thương mại sầm uất, với những dãy cửa hàng bán đồ lưu niệm và đồ ăn thức uống và rất nhiều khách sạn. Chúng tôi hòa vào dòng du khách nườm nượp len lỏi qua các hàng quán, bắt đầu trèo lên những bậc cấp làm bằng đá granite để leo lên tu viện. Đường lên tu viện khá hẹp và dốc, vì thế, hiếm ai đủ sức đi một mạch lên thẳng tu viện và thánh đường tọa lạc ở trên định núi. Phần lớn du khách dừng chân ở bên ngoài lâu đài, nơi có các hoa viên và những con đường đi dạo nằm cheo leo giữa những vách tường rêu phong cổ kính của nhà thờ và những vách đá dựng đứng nhìn xuống mặt biển đang cuộn sóng.
Thanh duong Saint Mitchel 4
Lịch sử của Mont Saint Michel bắt đầu được biết đến vào năm 708, khi Aubert, giám mục của Avranches, trong một đêm đã mơ thấy Tổng lãnh thiên thần Saint-Michel xuất hiện ba lần. Sau đó ông đã gửi những phụ tá của mình đến Monte Gargano (Italia) để tìm kiếm di vật còn sót lại của chúa Trời và cho tiến hành xây dựng nhà nguyện ở hòn đảo này. Năm 709, nhà nguyện khánh thành, trở thành nơi cầu nguyện hằng ngày của đội lính canh đảo. Mont Saint-Michel chính thức "ra đời".

Về sau, do thời gian và những cuộc chiến tranh với người Norman, nhà nguyện trên đỉnh núi Mont Saint-Michel bị hư hỏng nặng. Vì thế, năm 966, Richard I, Công tước xứ Normandie cho xây dựng nơi đây một tu viện thuộc dòng Bénédictin, cùng với một thánh đường để thay thế cho nhà nguyện cũ. Công trình xây dựng tu viện và thánh đường trên đỉnh núi này được giao cho kiến trúc sư Abbot Maynard. Nhưng phải đến năm 1020, các công trình lớn xây dựng nhà thờ và tu viện mới thực sự bắt đầu, dưới sự thiết kế và chỉ đạo của kiến trúc sư Abbot Hildebert II. Thay vì san bạt các mỏm đá để tạo mặt bằng cho công trình, Hildebert đã gia cố các tảng đá này thành những bệ nền, rồi xây dựng tu viện và thánh đường trên nền đó. Mất 28 năm, công trình mới hoàn tất các hạng mục cơ bản. Nhưng mãi đến năm 1135 thì tu viện mới thực sự hoàn thành.

Năm 1170, kiến trúc sư Abbot Robert de Roringy bắt đầu xây dựng một mặt mới ở phía tây của tu viện. Năm 1203, vì tức giận vua Phillip Augustus của Pháp đã ra lệnh đuổi người Anh khỏi vùng Normandie, nên Công tước xứ Bretagne cho người đốt cháy tu viện và thánh đường Mont Saint-Michel. Sau biến cố này, vua Phillip Augustus cho lập một quỹ quyên góp để trùng tu Mont Saint-Michel. Một tu viện mới với những công trình kiến trúc Gothique điển hình như phòng họp, phòng ăn, nhà bếp và phòng ngủ hoàn thành vào năm 1230 do công của kiến trúc sư Abbot Jordan. Đặc biệt, ngay giữa lòng tu viện là một hoa viên hình vuông, được bao bọc bởi hệ thống trường lang với những hàng cột nhỏ xinh xắn làm bằng cẩm thạch đỏ và mái vòm đối xứng, trở thành mô hình mẫu mực của phong cách kiến trúc Gothique. Hệ thống trường lang này còn được điểm xuyết bởi những bức phù điêu mô tả các thánh tích gắn ở trên tường, trở thành là nơi thu hút du khách bậc nhất của Mont Saint-Michel.
Thanh duong Saint Mitchel 5
Trong cuộc Chiến Tranh Trăm Năm giữa Anh và Pháp vào thế kỷ 15 và 16, Mont Saint-Michel được củng cố hệ thống phòng thủ, trở thành một pháo đài vững chãi. Sau cuộc Cách mạng tư sản Pháp vào cuối thế kỷ 18, nhiều tù nhân đã bị đưa đến giam giữ trong những căn hầm sâu ở bên dưới tu viện. Năm 1856, Mont Saint Michel bị cháy, nhiều công trình bị thiêu hủy. Đến năm 1874, công tác phục hồi tu viện và thánh đường mới hoàn chỉnh.

Tôi và Amandine mất gần 1 tiếng mới leo lên đến đỉnh Mont Saint-Michel, rồi mất thêm 2 tiếng nữa để viếng thăm toàn bộ tu viện, thánh đường, các căn hầm tối và những hoa viên trong tu viện. Đến 13 giờ, chúng tôi hạ sơn tìm quán ăn trưa. Lúc này thì mưa phùn dường như biến mất, thay vào đó là những cơn gió mát lạnh từ Đại Tây dương ào ào thổi đến. Amandine bảo tôi: "Đã đến Mont Saint-Michel thì phải thưởng thức hai món đặc sản của xứ này đó là món Omelette à la mère Poulard và món Mouton de pré-salé". Rồi cô kéo tôi vào một nhà hàng ở sát chân thành. Món Omelette à la mère Poulard là món trứng chiên mang tên bà Annette Poulard, người đã mở một nhà hàng "chuyên trị" món này ở Mont Saint-Michel vào năm 1888; còn món Mouton de pré-salé là món thịt cừu đồng cỏ muối quay trên tham hồng, dùng với rượu vang đỏ. Tôi không khoái món trứng lắm, nhưng tỏ ra "hạp khẩu" với món thịt cừu. Nghe nói những con cừu này được thả cho ăn cỏ trên những cánh đồng ngập mặn ven biển. Thảo nào thịt nó săn chắc và đậm đà đến vậy.
Sau bữa ăn, chúng tôi tranh thủ viếng thăm bốn viện bảo tàng, nơi trưng bày những hình ảnh, tư liệu và hiện vật chứa đựng những vấn đề lịch sử, văn hóa và tôn giáo của hòn đảo Mont Saint-Michel độc đáo và nổi tiếng này. Đến 17 giờ, khi thủy triều bắt đầu trở cơn, chuẩn bị cho một đợt triều cường mới và những tiếng loa của cảnh sát gọi những du khách đang đi dạo trên những bãi cát ngoài xa nhanh chóng trở về đất liền vang lên, thì chúng tôi rời Mont Saint-Michel, kết thúc một chuyến du ngoạn đầy thú vị và rất đáng nhớ.

T.Đ.A.S.
Thêm bình luận


Đăng Nhập / Đăng Xuất