Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • NhaGiuXe1200
  • CD4 1200
  • hinhCu 1200
  • DaiThinhDuong1200

Du ký " Nam Kỳ lục tỉnh " , lang thang rong ruổi một vòng qua các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long , đã đi được hơn nửa đường và đang trên đường men theo biển Đông để . . . tiến về Sài Gòn .
nha_cong_tu
Bài số 10 . Bạc Liêu , thủ phủ của tỉnh cùng tên . Năm 1996 lại chia tỉnh : Tỉnh Minh Hải tách thành hai tỉnh , Cà Mau và Bạc Liêu .
Lần trước , năm 2009 , mình chỉ ghé qua nhà của công tử Bạc Liêu , rồi đi tiếp xuống Cà Mau nên lần này mới có dịp thăm quan những địa điểm khác .

Thành phố nằm chỉ cách bờ biển khoảng 9km và chắc tỉnh này là " anh em kết nghĩa " với tỉnh Ninh Bình vì trên đường ra biển ta sẽ gặp đường Ninh Bình và có cả đường Hoa Lư nữa !
nha_hat
Nhà hát Cao văn Lầu-Photo triman
Từ trong phố qua cầu Võ Thị Sáu trên sông Bạc Liêu , theo đường Ninh Bình hướng ra biển , chừng 700m ta sẽ thấy khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu phía bên trái .

Đây là nơi an nghỉ cuối cùng của tác giả bài Dạ Cổ Hoài Lang nổi tiếng khắp Nam Bộ , khách được nghe giới thiệu về thân thế , sự nghiệp của Ông , quá trình phát triển từ bản Dạ Cổ . Khách còn được xem trưng bày trang phục , nhạc cụ , mô hình về đờn ca tài tử . . .
vuon_chim
vườn chim Bạc Liêu -Photo triman
Km 4 . Có đường quẹo phải 1,5km , đến Vườn Chim Bạc Liêu . Đây là nơi nhiều loài chim ở ao , hồ , đầm quy tụ về làm tổ sinh sống , có thể kể ra như : le le , cò , diệc , vạc , còng cọc , quắm đen . . . Các loài chim thường này thấy vào mùa mưa , từ tháng 5 đến tháng 10 dương lịch . Leo lên tháp canh cao , ta ngắm được toàn cảnh của Vườn Chim .
vuon-nhan
Km 6 . Ngả 4 tỉnh lộ 31 , quẹo trái đi 2,5km ta sẽ đi ngang qua vùng có những vườn nhãn cả trăm năm tuổi , đặc sản của Bạc Liêu . Đây là những vườn nhãn đặc biệt , được gọi là Vườn nhãn cổ trăm tuổi !

Đi thêm 2,5kmnữa , quẹo trái chừng 150m ta sẽ được chiêm ngưỡng một Cây Di Sản : Đó là cây xoài cổ thụ , gần 350 năm tuổi , bên cạnh một nghĩa trang của người Hoa . Cuối thế kỷ 17 , di dân " phản Thanh phục Minh " , đến lập nghiệp nơi đây đã thấy có cây xoài to bằng một người ôm !
cay_Xoai
Vùng này nước mặn quanh năm nhưng dưới gốc xoài lại có mạch nước ngầm , giúp cây phát triển tươi tốt . Cư dân trong vùng đã " tương kế tựu kế " đào hố để có nước ngọt dùng ! Chu vi thân cây tại độ cao ngang ngực người là 6m , đường kính là 1m92 , cao 15m , phủ bóng mát tới 300m2 !

Vào dịp lễ thanh minh hàng năm , cây vẫn cho trái , trái chỉ to bằng trái cóc dính với nhau thành từng chùm nên cư dân gọi là xoài cóc !
Tiếp tục đi thêm 1.200m nữa theo tỉnh lộ 31 ta đến chùa Xiêm Cán . Chùa Khmer này , có từ thế kỷ 19 trên khuôn viên rộng 50.000m2 , với nhiều cây sao , cây dầu . Chùa được trang trí với nhiều họa tiết , hoa văn , nhiều đường nét điêu khắc , chạm trổ rất độc đáo .
chùa Xiêm Cán
Từ chùa Xiêm Cán , ta đi ngược về Km 6 gặp lại đường Cao Văn Lầu , nối thành phố Bạc Liêu và Biển Đông .

Từ Km 6 , đi về hướng biển 1,5km ta đến bờ biển Bạc Liêu . Khu vực này gọi là Nhà Mát , có dịch vụ nhà hàng , khách sạn . Gần đây khu này bị sạt lở nghiêm trọng , đang được đào bới tung lên để sửa sang tu bổ lại !
Từ khu Nhà Mát ta thấy khu Quán Âm Phật Đài gần đó , chỉ cách nhau một cây cầu bê tông bắc qua con kênh từ trong thành phố chảy ra biển .

Khu Quán Âm Phật Đài - Mẹ Nam Hải , được xây dựng từ năm 1973 , một công trình kiến trúc - văn hóa - tâm linh . Hàng năm có cả triệu lượt khách hành hương đến thăm quan và bày tỏ lòng thành kính . Tượng Phật Bà cao 11m nhìn ra Biển Đông để phù hộ , che chở cho bà con ngư dân đang mưu sinh ngoài biển khơi , còn làm thêm nhiệm vụ " ngọn hải đăng " cho những người đi biển !
Một điểm thăm quan độc đáo tại Bạc Liêu là biệt thự công tử Bạc Liêu ở đường Nguyễn Huệ , nhìn ra con sông chảy lửng lờ xuyên qua thành phố .
con-cong-tu
con Công Tử Bạc Liêu hiện nay- Photo triman
Ngôi biệt thự này được ba má công tử Bạc Liêu cho xây năm 1919 , do kiến trúc sư người Pháp thiết kế . Để bảo đảm độ bền và diện mạo của ngôi nhà , chủ nhân đã đặt mua và chuyên chở toàn bộ vật liệu xây dựng như thép đúc , cửa lớn , cửa sổ , cẩm thạch lót nền , gạch , khung sắt trang trí từ Pháp qua Việt Nam . Các bù lon , ốc vít cho các chi tiết xây dựng đều có dấu chìm , cho biết nguồn gốc xuất xứ từ Pháp !

Dân Bạc Liêu gọi đây là " Nhà Lớn " , đẹp về kiến trúc lẫn nội thất . Chủ nhà - Ông hội đồng Trần Trinh Trạch sưu tầm được rất nhiều đồ sành sứ , đồ gỗ , đồ đồng quý giá . Những báu vật đó đến nay , qua nhiều cuộc bể dâu , nhiều biến động lịch sử đã không còn giữ được !
bo_song
Phía sau KS Công tử Bạc Liêu -bờ sông thoáng mát Photo triman
Biệt thự này hiện nay là khách sạn công tử Bạc Liêu , trực thuộc văn phòng tỉnh ủy Bạc Liêu , với 5 phòng ngủ và 1 phòng có giá gấp đôi là phòng ngủ trước đây của công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy . Khách chịu trả giá cao để được hưởng tiện nghi của tiêu chuẩn cách đây . . . 100 năm , xin mời !
nha_hat.2
photo triman
Tạm biệt Bạc Liêu ! Lộ trình tiếp theo là đi Sóc Trăng . Có 2 sự lựa chọn :
- Theo quốc lộ 1A , to rộng phẳng phiu được trải nhựa và chỉ 66km là đến nơi .
- Rời Bạc Liêu , ra đụng biển và tìm con đường đê biển , bám dọc theo bờ biển đi về hướng đông bắc , coi thử đi được đến đâu ?

Đương nhiên là mình chọn phương án phiêu lưu trên con đê Biển Đông ! Trước tiên , đi theo đường Cao Văn Lầu để ra biển như chiều hôm qua đã đi .
Km 9 - Khu Nhà Mát và bờ biển . Tại đây quẹo tay phải , có tỉnh lộ 38 - cũng là Đê Biển chạy dài theo hướng tây nam đến Gành Hào , ranh giới Bạc Liêu và Cà Mau .

Hôm nay ta quẹo trái , con đường đất đỏ , nhỏ và không có tên nhưng có thể nhìn thấy là nó đi sát bờ biển vì từ trên đường ta thấy Biển Đông chỉ cách từ 300m đến 500m .
dien-gio
Km 19 - Nhà máy điện gió Bạc Liêu . Nằm trên biển , giáp ranh với tỉnh Sóc Trăng . Tất cả 62 turbin điện gió với tổng công suất là 99 Mega Watt do hãng General Electrics - GE cung cấp , được cấu tạo bằng thép đặc biệt không bị rỉ sét . Mỗi tháp cao 80m , đường kính 4m , nặng trên 200 tấn . Cánh quạt được làm bằng nhựa đặc biệt , dài 42m , có hệ thống tự gập lại khi có bão lớn để tránh hư hỏng .
Đi tiếp trên đê biển , đường càng lúc càng hẹp , một bên là vùng đất bồi ngập mặn sát biển , mọc toàn những cây như mắm , đước , sú , vẹt . . . một bên thì cách vài trăm thước có một gia đình sinh sống , đa số là người Khmer , hoàn toàn vắng vẻ !
Km 48 - Tỉnh lộ . Đi tới lúc xe máy không đi được nữa , phải đi lên đường " đàng hoàng " chừng vài cây số thì gặp quốc lộ 91C . Thêm 8km , sẽ có tấm bảng to chỉ đường quẹo phải đi đến khu du lịch sinh thái Hồ Bể .

Km 56 - Biển Hồ Bể . Cái tên thiệt là lạ : Đã Biển rồi thêm Hồ rồi lại Bể ! Địa danh này được hình thành từ quá trình xâm thực của biển hàng trăm năm nay . Chính sự bồi , lở của biển đã tạo nên khu đất lõm giống như một hồ rộng nên dân địa phương gọi là Hồ Bể !
Bãi cát ở đây dài 5km mịn màng , hoang sơ nhưng nước thì sáu tháng đục ít và sáu tháng đục ngầu do ảnh hưởng phù sa của sông Mỹ Thanh và sông Hậu .

Tại đây còn có tấm bia kỷ niệm nơi dừng chân của đoàn tù chính trị do Bác Tôn Đức Thắng dẫn đầu từ Côn Đảo trở về ngày 23 tháng 9 năm 1945 .

Km 63 - cầu Mỹ Thanh 2 . Cây cầu bê tông dài và rộng qua sông Mỹ Thanh .
Km 80 - Thị trấn Trần Đề . Từ mấy trăm năm trước nơi này có tên là Trấn Di thuộc đất hạ lưu sông Bassac . Sách thời Nguyễn sắp chữ bằng chữ Hán in nhầm nên vừa đọc là Trấn Di lại vừa đọc là Trần Đề vì cùng mặt chữ nhưng hai cách đọc khác nhau ! Đến khi bị Pháp đô hộ , thực thực dân lại ghi nhầm một lần nữa , đọc trại ra thành Trần Đề ! Âu cũng là sự trả giá cho kiếp bị làm nô lệ cho ngoại bang !

Đây là cửa biển cuối cùng trong chín cửa của sông Cửu Long , tính từ phía bắc xuống phía nam . Từ đây ra Côn Đảo chỉ 90km và mới đây đã có tàu cao tốc Superdong chạy tuyến Trần Đề - Côn Đảo và ngược lại , chở được 300 khách với vận tốc 50km /giờ .

Đã quá trưa , trời nắng gay gắt , cũng là lúc nghỉ một lát , dùng cơm và giải khát ! Bên cảng cá Trần Đề , bên sông Bassac - Hậu Giang mênh mông , bờ bên kia là Cù lao Dung , mình nhớ lại lúc còn ở trường tiểu học - cấp 1 bây giờ , đã được thầy cô cho học thuộc lòng 9 cửa biển của 9 nhánh sông Cửu Long chảy ra Biển Đông .
Nam_song_Hau
Không biết trong sách giáo khoa thời bây giờ có còn những bài học như vậy để các em , ngay từ nhỏ đã có ý thức rõ rệt để yêu và gắn bó với quê hương , đất nước mình ! Hay là người lớn chỉ muốn cho con em mình biết về Singapore , Paris , California và New York ?
Quốc lộ 91C còn được gọi là đường Nam Sông Hậu vì nó đi từ Cần Thơ và chạy dọc dài theo bờ nam - hữu ngạn sông Hậu đến Bạc Liêu , giải thoát bớt áp lực cho quốc lộ 1A .
Km 115 - Thành phố Sóc Trăng . Chỉ 115km nên vừa đi vừa chụp hình , vừa ghé chỗ này chỗ kia , được ăn trưa , thư giãn mà về đến Sóc Trăng vẫn còn sớm , vẫn có phòng ở khách sạn đã ở hồi năm 2009 , nhìn ra sông Maspero , gần cầu quay , gần chợ trung tâm .

Nguyễn Chí Hoài Nhơn
Thêm bình luận


Đăng Nhập / Đăng Xuất