Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • DaiThinhDuong1200
  • NhaGiuXe1200
  • hinhCu 1200
  • CD4 1200

thu-cung
Photo : Tu Nguyen

Nhiều lúc tôi vẫn thường hình dung về khuôn mặt của mình ngày thơ dại, rồi tuổi niên thiếu nhiều khát khao và viễn mộng lúc còn sống cùng với ba má ở quê nhà. Nhưng hình như trí nhớ nhỏ nhoi cứ chực trêu ngươi tôi hoài. Thành ra nhớ miết, nhớ miết mà cũng tiêu tan không biết bao nhiêu mảnh vụn nhân diện mình. Tôi hối tiếc. Rồi tôi lại bắt đầu một nỗ lực mới. Thôi thì cứ để ký ức được tháo dây.

Với đời sống cũng vậy, sự thay đổi và dịch chuyển là cần thiết và dẫu sao cũng đem lại nhiều lợi ích cho con người. Tuy vậy, rất nhiều, rất nhiều thứ cứ đâu phải tiện ích là tốt đẹp. Với tôi, mỗi lần lục lại trong cái nhà kho trí nhớ tồi tàn và rệu rã của mình, tôi lại nhận ra, gương mặt thời gian đã vơi đi nhiều thứ. Nếu có ai đó đem thuyết tương đối ra để nhắc tôi thay cái mới vào chỗ trống thì tôi vẫn buồn bã lắc đầu và thất vọng. Ôi chao, ngày hôm qua đã đành là quá khứ mà sao ta không giữ lại, hay ít ra cũng có một lần bâng khuâng đưa tiễn!

Hình như đời sống của mọi người quá tất bật, quá mệt mỏi, đến độ không kiếm đâu ra một chút để hoài niệm, để đắm chìm, để phiêu lãng dù chỉ là ý niệm?

Cách đây không lâu, cũng nhờ FB tôi liên lạc được với người bạn học cũ từ thời sinh viên mà từ sau chia tay đến giờ có đến hơn 30 năm. Tôi có nhắc lại một kỷ niệm rất cảm động về người cha của bạn. Về ngôi nhà xưa của gia đình bạn nằm sâu trong hẻm trên đường Lê Quang Định ở gần chợ Bà Chiểu, có bờ tường đá ong phủ đầy rêu xám mọc nhiều rau càng cua mà mỗi lần về chơi cả bọn thường hái trộn dầu giấm. Có cây mận trắng trái nhỏ nhưng rất ngọt mà mỗi khi đạp xe về lại ký túc xá Ngô Gia Tự ở quận 5 thể nào bọn tôi cũng leo hái một bọc đã đời. Ba bạn, bác Sáu mà cả bọn sinh viên xa nhà chúng tôi được bác cưu mang, đã cho từng bữa ăn ngon mỗi cuối tuần trong khi gia cảnh nhà bạn đâu dư dả gì. Mỗi dịp tết về quê, ba Sáu, cả bọn chúng tôi gọi bác là ba, còn lì xì tiền mua vé xe. Giờ viết mấy dòng này mắt tôi chợt cay cay như những lần nhớ về ngôi nhà nhỏ trong con hẻm nhỏ năm nào nhưng đã vương vất rất nhiều kỷ niệm đẹp đẽ và cảm động của tôi. Tôi có nhắc điều này trong một comment với bạn nhưng vì bận việc hay vô ý mà bạn không trả lời. Chuyện này làm tôi bùi ngùi, không trách bạn nhưng thấy thương cho hoài niệm của mình!

Một chuyện khác. Hơn mười năm trước, tôi có dịp trở lại làng cũ nhiều lần. Cảnh vật và con người ở đây đã thay đổi nhiều. Tôi chú tâm vào mấy ngôi nhà xưa còn sót lại trong cơn lốc "đô thị hóa" định bụng sẽ chụp ảnh ngôi nhà ngói âm dương, vẫn còn cái sân gạch tàu xám rêu, hàng cau lặng lẽ và nhất là tấm liếp đan bằng tre che trước hiên có bộ ngựa ván gõ chắc đã nhiều tuổi lắm rồi. Thế rồi, do công việc cuốn đi, lần lữa mãi (mà cũng vẫn thấy ngôi nhà ấy mỗi ngày). Bỗng một hôm về ngang thì ôi thôi, nhà xưa đã ra... thiên cổ. Hỏi thăm con cháu chủ nhà có chụp ảnh lại trước khi tháo dỡ ngôi nhà không. Bọn trẻ cười ha ha, chụp lại làm chi chú, ba cái... ho lao đó! Đời nay thiếu gì nhà đẹp, mấy loại nhà cũ rục đó... ai thèm!

Bạn trẻ không thèm nhưng tôi và chắc nhiều người khác thèm. Chúng tôi thèm giữ lại cho riêng mình mớ tâm tưởng vốn mong manh nay thêm nhiều dâu bể. Dù không thể, khuôn mặt ngày hôm qua đã trôi tuột mù xa, nhưng lòng vẫn tiếc nhớ vô cùng.
Trước rằm tháng giêng vừa rồi, đang chạy xe trên phố, nghe vợ bảo, anh nhìn kìa, hay không. Phía trước tôi là hình ảnh dễ thương và "quý hiếm": hai chú tiểu đạp xe đạp chở nhau chạy ngược gió. Vừa đạp vừa vịn tay giữ chiếc nón lá. Nón lá. Thiếu nữ. Xe đạp. Dù là hai chú tiểu nhưng nhìn cảnh hai bé gái tuổi thiếu niên hồn nhiên với trang phục nâu sồng và đội nón lá lòng tôi thấy nao nao. Một nét đẹp xưa mà giờ đã hiếm gặp. Mà chắc, một mai nó cũng sẽ bị xóa nhòa giữa đời sống hiện tại với nhiều tân kỳ mà lắm khi được vồ vập thái quá nên không ít va vấp.

Ngày hôm qua đã lạc mất, tôi ơi!

Bùi Diệp
Thêm bình luận


Đăng Nhập / Đăng Xuất