Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • CD4 1200
  • NhaGiuXe1200
  • hinhCu 1200
  • DaiThinhDuong1200

Trong thời Việt Nam Cộng Hòa (1954 - 1975), tỉnh Bình Định có đủ sáu hệ thống trường trung học: Công lập (gồm Phổ thông, Kỹ thuật, Chuyên nghiệp) Tỉnh hạt, Văn hóa Quân đội, Bán công, Nghĩa thục, Tư thục cùng hoạt động, khiến cho nền giáo dục tỉnh nhà càng ngày càng đa dạng và phong phú.

Công lập là trường của Bộ Quốc Gia Giáo Dục thiết lập và đài thọ hoàn toàn từ nhân sự, phòng ốc đến lương bỗng. Giáo sư do bộ bổ nhiệm, gồm bốn thành phần: chánh ngạch, khế ước, lương khoán, tư nhân dạy giờ. Ba thành phần trước, số giờ dạy được quy định, dạy các lớp Đệ Nhất cấp (lớp 6, 7, 8, 9) thì 18 giờ/ tuần, các lớp Đệ Nhị cấp (lớp 10, 11, 12) là 16 giờ/ tuần, nếu dạy quá số giờ ấn định sẽ được tính trả giờ phụ. Giáo sư tư nhân, dạy giờ nào tính tiền giờ ấy, số giờ không hạn định. Trường công lập, tiêu biểu có Trung Học Cường Để Qui Nhơn (phổ thông), Trung Học Kỹ Thuật Qui Nhơn (kỹ thuật), trường Sư Phạm Qui Nhơn (chuyên nghiệp). Ngoài ra còn có trường Sư Phạm Thực Hành, vừa luyện tay nghề cho giáo sinh (chuyên nghiệp), vừa dạy chương trình tiểu học cho học sinh (phổ thông).

Trung Học Cường Để, nằm trên đường Cường Để, gần Tòa Tỉnh, phía Sân bay (Phi trường Qui Nhơn). Một trường Công lập Đệ Nhị cấp có tuổi đời cao nhất và lớn nhất của tỉnh Bình Định (65 lớp). Để kỷ niệm đúng 60 năm Trung Học Cường Để ra đời (1955 - 2015), chúng tôi xin được ghi lại lai lịch, và những sự kiện quan trọng của Trường trong 20 niên khóa (1955 - 1975) sống với đời.

I - GIAI ĐOẠN TIỀN THÂN

Nguyên là trường École Élémentaire Franco Annamite Cours Complémentaire, thành lập năm 1921, gồm các lớp: Năm còn gọi là Đồng ấu (Cours enfantin), Tư còn gọi là Dự bị (Cours préparatoire), Ba còn gọi là Sơ đẳng (Cours élémentaire), Nhì nhất (Cours moyen première année), Nhì nhị (Cours moyen deuxième année), Nhất (Cours supérieur) của bậc Tiểu học. Ngoài ra, còn có lớp Đệ Nhất niên (Cours de 1ère année p. s.) của bậc Cao đẳng Tiểu học (tức Trung học Đệ Nhất cấp thời VNCH), với 30 học sinh. Địa điểm ở khu vực trường Ấu Triệu ngày nay (cuối đường Tăng Bạt Hổ), Hiệu trưởng là ông Guyaume Rivière, các thầy dạy lớp có người Pháp và người Việt.

1/ Sự hình thành và tiến triển:

Niên khóa 1922 - 1923, Trường mở lớp Đệ Nhị niên (Cours de 2ère année p. s.) và dời về đường Odendal Blvd (sau đổi là đại lộ Võ Tánh), ngó thẳng ra ngã ba là đường Henry Russier (nay là đường Mai Xuân Thưởng) và ngó xiên là sân vận động. Trường sở có hai dãy phòng học, hai dãy ký túc xá, nhà chơi, nhà ăn đều xây gạch lợp ngói và bao quanh một sân rộng. Trường thu nhận học sinh sáu tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận, nên việc thi tuyển vào trường rất khó khăn.

Niên khóa 1923 - 1924 và niên khóa sau, Trường không mở lớp Đệ Tam niên (Cours de 3ère année p. s.), nay là Lớp 8, học sinh phải ra Huế vào trường Collège Khải Định (sau đổi là trường Quốc Học).

Niên khóa 1926 - 1927 Trường phát triển thành Trung học Đệ Nhất cấp có đủ 4 lớp: Nhất niên, Nhị niên, Tam niên, Tứ niên và đổi tên là Collège De Plein Exercice De Qui Nhon.

image001
H 1: Học bạ trường Collège de Quinhon, trang 2

02/ Hiệu trưởng và Ban Giảng huấn:

Từ cuối thập niên 20 đến đầu thập niên 40, Hiệu trưởng của trường lần lượt, các ông: Daydé, Bourguignon, Casimir Michel, LeBris, Grégory. Ban Giáo sư, người Pháp như: ông và bà Martin, bà Boétron, bà Boularand, ông Doris, ông Legal, ông Rivière...; người Việt có các thầy, tiêu biểu như:

- Thầy Lê Đình Khởi, dáng người cao dong dỏng, dạy lớp Nhì Nhất niên (phụ trách các môn học).

- Thầy Hà Huy Liêm, người Hà Tĩnh, khổ người mập và trắng, hoạt bát, thường mặc Việt phục áo lương hay áo xuyến đen, phụ trách lớp Nhì Nhị niên. Để làm quen với các lớp Cao đẳng Tiểu học, sau niên khóa 1934 - 1935, lớp Nhì Nhị bắt đầu dạy môn và thầy các lớp trên xuống phụ trách.

- Thầy Lê Trọng Thích luôn luôn mặc áo dài khăn đóng chỉnh tề, dạy các môn: Pháp văn, Việt văn, Sử Địa và Luân lý. Thầy giảng dạy rất rành mạch và diễn đạt rất dễ hiểu.

- Thầy Lê Ấm, người Quảng Nam, thấp và mập, trán cao, tóc cắt ngắn, thường mặc áo dài xa tanh màu đen cho mùa đông và màu trắng cho mùa hạ, chân mang giày hạ. Thầy là quý tế của cụ Phan Châu Trinh, một nhà cách mạng nổi tiếng.

- Thầy Thái Chí, cũng người Quảng Nam, dạy môn Lý hóa, Vạn vật. Ngoài ra Thầy còn kiêm luôn những giờ Sinh hoạt thanh niên, gọi là Cours de Loisirs dirigés, dạy thủ công, trồng hoa, ghép cây, làm diều. Với giờ thợ mộc (menuiserie), thầy cũng phụ trách, nhưng dạy về lý thuyết và có một bác thợ chuyên nghiệp phụ tá về thực hành.

- Thầy Trần Cảnh Hảo rất nghiêm nghị, phụ trách môn toán.

- Thầy Thuần (không nhớ họ và chữ lót) người Hà Nội, phụ trách môn hội họa. Dáng người mập mạp và khỏe mạnh, nhưng bất thần bị đột quỵ trong khi đang giảng dạy và từ trần trên bục giảng.

- Thầy Ngô Xuân Thọ (thân sinh của thi sĩ Xuân Diệu) dạy chữ Nho cho tất cả 10 lớp học của Trường, từ lớp Đồng ấu đến lớp Đệ Tứ niên Cao đẳng Tiểu học.

- Thầy Phạm Trường Xuân, người Nam Kỳ, dáng người nhanh nhẹn, và có tiếng giỏi võ Tàu. Thầy dạy Văn chương Pháp.

- Thầy Nguyễn Vỹ dạy môn văn chương.

- Thầy Nguyễn Văn Mùi nói tiếng Pháp đúng giọng và lưu loát, lại có phương pháp giảng bài dễ hiểu nên rất nổi tiếng dạy giỏi. Tiếc rằng Thầy chỉ dạy hai niên khóa rồi thuyên chuyển về trường Vinh.

- Thầy Huỳnh Văn Di, giáo sư Khoa học, được bổ nhiệm làm Tổng Giám thị (Surveillant general). Ngoài ra, Thầy còn được đề cử dạy thế cho những giờ vắng thầy. Ông là người thực thi nghiêm chỉnh kỷ luật nhà trường, một hình tượng đáng kính nể

Từ lớp Nhứt (nay là Lớp 5, bậc Tiểu học) đến lớp Đệ Tứ niên (nay là Lớp 9, bậc Trung học Đệ Nhất cấp), các giáo sư đều tốt nghiệp trường Cao Đẳng Sư Phạm Hà Nội phụ trách dạy môn.

image002
H 2: Collège de Quinhon đổi tên Collège Võ Tánh - Trang học bạ lớp Tứ niên, năm học 1943 - 1944.

Niên khóa 1944 - 1945, Trường lấy tên Việt là Collège Võ Tánh, nhưng vẫn do người Pháp, ông Boularand, giữ chức chức Hiệu trưởng, thầy Huỳnh Văn Di làm Tổng Giám thị. Trường có 320 học sinh, với 8 lớp, gồm 2 Nhất niên, 2 Nhị niên, 2 Tam niên, và 2 Tứ niên. Ngày 9- 3- 1945, Nhật đảo chánh, ông Hiệu trưởng và các giáo sư người Pháp đều bị bắt. Thầy Huỳnh Văn Di được đề cử thay thế, và là vị Hiệu trưởng người Việt đầu tiên của Trường này.

Niên khóa 1945 - 1946, Việt Minh cướp chính quyền, thành phố Qui Nhơn bị oanh tạc, Trường dời về thôn An Lương xã Mỹ Chánh huyện Phù Mỹ. Lúc này, Trường vẫn mở đủ 4 lớp Trung học Đệ Nhất cấp, nhưng chỉ có 41 học sinh theo học.

Niên khóa 1947 - 1948, Pháp đổ bộ lên An Lương, trường dời về thôn Hòa Bình, xã Nhơn Phong, huyện An Nhơn, thầy Huỳnh Văn Di vẫn làm Hiệu trưởng.

Niên khóa 1949 - 1950, Trường lại dời ra thôn Vạn Thắng xã Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn, cải danh là Trường Phổ Thông Cấp III Nguyễn Huệ và thầy Đinh Thành Chương làm Hiệu trưởng.

Đầu năm 1951, trường Nguyễn Huệ dời đến xã Hoài Xuân, huyện Hoài Nhơn và chỉ hoạt động đến cuối năm thì giải tán.

image003
H 3: Thầy Huỳnh Văn Di, Tổng Giám thị (Ảnh: Đặc San Cường Để Nữ Trung Học Qui Nhơn)

II - GIAI ĐOẠN HÌNH THÀNH

Trường Trung học Cường Để được thành lập từ năm 1955, thầy Thái Vĩnh Thung tạm quyền Hiệu trưởng. Cơ sở Trường nằm trên đường Võ Tánh, khu vực của trường Collège Võ Tánh ngày trước. Mới đầu, Trường chỉ có dãy nhà lợp tôle gồm 3 phòng (nằm phía Tây, gần phi trường), và dãy nhà tranh cũng 3 phòng, nằm đối diện qua một sân rộng, dùng 2 phòng làm lớp học, một làm văn phòng.

Tháng 11, thầy Đinh Thành Chương nhậm chức Hiệu trưởng. Nhân viên văn phòng chỉ có thầy Lê Quang Chiếm, vì ông Võ Cự Nguyên làm thư ký vài tháng rồi nghỉ việc. Ngoài ra có ông Bùi Thẩu vừa làm tùy phái vừa lao công.

Niên khóa đầu tiên, 1955 - 1956, số học sinh nộp đơn xin nhập học quá đông, trong lúc trường sở và giáo sư chưa đủ cung ứng, nên đã mở kỳ thi tuyển thu nhận 401 học sinh cho 8 lớp, gồm 3 Đệ thất, 2 Đệ lục, 2 Đệ ngũ, và 1 Đệ tứ là lớp cao nhất của tỉnh nhà.

* Đệ tứ (1 lớp): có hơn 120 đơn xin nhập học, trường tuyển lấy 43 học sinh gồm: Bùi Chí Lương, Bùi Tiên Khôi, Đặng Kính, Đặng Văn Hiếu (chết), Đinh Thành Vinh (chết), Đinh Thị Vân, Huỳnh Hữu Dụng, Huỳnh Thắng, Lâm Thị Ngưu, Lê Công Hổ, Bùi Đắc Liễu (chết), Lê Hữu Tuyển (chết), Lê Thanh Đàm, Lê Thanh Đào, Lê Thị Thanh Oanh, Mai Kỳ, Ngô Liêm Kỷ, Nguyễn Bá Thư, Nguyễn Bích (chết), Nguyễn Cúc, Nguyễn Đình Xuân, Nguyễn Đình Yến, Nguyễn Minh Đức, Nguyễn Minh Hải, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Phúc Liên, Nguyễn Thủ, Nguyễn Thế Kỳ, Nguyễn Văn Thọ, Phạm Ngọc Bích (chết), Phạm Thanh Lý, Phan Anh, Phan Quán, Phan Tuấn (chết), Trần Kỳ Võ, Trần Tiên Tây (chết), Trần Văn Tiên, Văn Hùng, Văn Thị Phi Nga, Võ Khanh,Võ Tăng Thọ (chết), Võ Trung Hậu (chết), Võ Văn Ba. Lớp Đệ tứ còn có Nguyễn (?) Thị Khanh (chết), Nguyễn Thị Kim Loan, Tôn Nữ Thị Chúc, Tôn Thất Khát ở trường khác chuyển đến (con công chức theo cha đến nhiệm sở) khỏi thi. Ngoài ra có Đinh Thị Nguyệt (con của thầy Đinh Thành Chương) vào học dự thính. Trong số học sinh trúng tuyển có Nguyễn Bích và Nguyễn Minh Hải tình nguyện xin học lớp Đệ Ngũ cho vững chắc đường học vấn [1]. Sau khi thêm và bớt, sĩ số chính thức của lớp Đệ tứ là 45 người và 1 dự thính.

Ban giáo sư dạy lớp Đệ tứ của Trường gồm thầy Đinh Thành Chương đương kim Hiệu trưởng dạy môn Pháp văn vừa là giáo sư hướng dẫn của lớp này, thầy Nguyễn Hữu Quyến dạy Quốc văn, thầy Hồ Văn Thái dạy Anh văn, thầy Vũ Quốc Oai dạy Lý Hóa, cô Nguyễn Thị Xuân Bích dạy Toán, Nguyễn Trung Hối dạy Vạn vật. Phụ trách các lớp khác còn có thêm các thầy ở Sài Gòn ra như Lâm Phi Điểu, Trần Đức Thông; ở Huế vào có cô Ngô Thị Nga ; tại địa phương có các thầy Mẫn, Dương Lễ, Thái Vĩnh Thung, cô Chương tức Nguyễn Thị Giàu.

Cuối niên khóa trường ra quân lần đầu tiên đưa học sinh Đệ tứ đi thi lấy bằng Thành Chung tức Trung học Đệ Nhất cấp tại Hội đồng thi Bồng Sơn, dành cho thí sinh 3 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên ứng thí. Bốn mươi sáu thí sinh của Trường Cường Để, thi kỳ 1 đỗ được 70%; trong đó có Lâm Thị Ngưu không những dẫn đầu lớp suốt niên khóa, mà còn đoạt thủ khoa Hội đồng thi; 30% còn lại thi tiếp kỳ 2 đã đậu gần hết, chỉ rớt 4 người. Với thành tích kỷ lục về tỷ số cả vị thứ, đem lại vẻ vang cho Trường và tấm gương sáng để lớp đàn em noi theo.

* Đệ Ngũ (2 lớp): Hà Ngọc Liễng, Lê Thanh Hà, Lê Thanh Trì, Nguyễn Bích, Nguyễn Kim Ba (chết), Nguyễn Minh Hải, Nguyễn Tấn Bá, Nguyễn (hay Phạm) Thị Kim Liên, Phạm Xuân Ẩn (chêt), Quách Giám (chết), Trần Đình Ngạc, Trần Đình Sơn (chết), Trần Đình Tưởng, Trần Quốc Sủng (chết), Võ Bá Tôn (chết)...

* Đệ Lục (2 lớp): Bùi Thị Hạnh, Bùi Thị Liễu, Bùi Tiên Ngô, Bửu Nhẫn, Cai Văn Dung, Diệp (?) Bảo Khương, Đào Đức Chương, Đào Thị Kim Cưu, Hà Nguyên Hân (chết), Hà Nguyên Huýnh (chết), Huỳnh Quang Thế, Lê Ái Long, Lê Phương Đăng (chết), Lê Tất Hiển (chết), Lê Thị Huỳnh Mai, Lê Văn Dung, Lương Đăng Trình, Mạc Thị Như Lệ, Ngô Nải Chấn, Ngô Xuân Nhựt, Nguyễn An Bàn, Nguyễn Bá Diên, Nguyễn Duy Tính, Nguyễn Gia Phú, Nguyễn Hòa (chết), Nguyễn Hữu Ân (cháu thầy Quyến), Nguyễn Hữu Hòa, Nguyễn Ngọc Thọ, Nguyễn Quốc Hòa, Nguyễn Tân, Nguyễn Vạn, Nguyễn Văn Học Xuyên, Nguyễn Văn Tịnh Chí (chết), Ôn Mỹ Thọ, Phạm Khả Thinh, Phan Đình Sang, Phan Long Tưởng, Quách Thị Trung Thu, Trần Bá Hảo, Trần Hữu Thích, Trần Quang Khảo, Trần Thành Tín, Trần Xuân Du, Văn Thị Như Khuê, Võ (quên chữ lót) Quốc (danh sách còn nhiều, không nhớ hết).


H 4: Sân trường Trung Học Cường Để cũ, tại Collège Võ Tánh. (Ảnh: Đặc San Cường Để & Nữ Trung Học Qui Nhơn, 2010)

* Đệ Thất (3 lớp): Bùi Văn Liễn, Quách Thị Tường Vi, Trần Đình Ngọ (chết), Trương Trọng Thông, Võ (Thị) Cẩm Tú...

Niên khóa thứ hai, 1956 - 1957, trường phát triển thành 11 lớp gồm 2 Tứ, 2 Ngũ, 3 Lục, 4 Thất và trường cũng đã xây nhà ở cho Hiệu trưởng và nhà làm văn phòng.

Đầu niên khóa, trường mở kỳ thi tuyển vào Đệ thất, thí sinh cả ngàn chỉ tuyển 200 người. Ngoài ra còn thi lên lớp cho tất cả các lớp cũ với thông cáo niêm yết ở văn phòng: Học sinh các lớp có điểm trung bình cuối năm từ 6/10 trở lên được lên lớp, dưới số điểm 6/10 phải thi lại các môn Quốc văn, Pháp văn, Anh văn và Toán.

image005
H 5: Thầy Nguyễn Đức Giang và học sinh lớp Đệ Ngũ 2, ảnh chụp ngày 26- 1- 1957 tại thềm lớp học, trước khi về nghỉ Tết 10 ngày.

Năm học này có thêm nhiều giáo sư mới từ Huế vào như các thầy Hoàng Thế Diệm, Lữ Mộng Phương, Ngô Nẫm, Nguyễn Đức Giang, Nguyễn Tế, Nguyễn Văn Bài, Trần Đình Hoàn tức Trần Nhất Hoan, Võ Đen, Võ Văn Đệ, sau có thầy Võ Ái Ngự; và ở Sài Gòn ra có thầy Lương Diên Lữ; người địa phương có thầy Đinh Thành Bài (Hiệu trưởng trường Trung Học Nguyễn Huệ Tuy Hòa chuyển về).

Vào dịp tết Đinh Dậu (1957) trường tổ chức du lịch và cắm trại ở Gềnh Ráng cho tất cả các lớp. Cuối niên khóa trường tham dự trại hè toàn quốc [2] tại bãi biển Mỹ Khê (tỉnh Quảng ngãi). Phái đoàn trường Cường Để có trên 30 người gồm thầy Đệ, thầy Giang, thầy Hoàn, thầy Oai, thầy Thái... và học sinh tuyển chọn trong các lớp Đệ ngũ, Đệ lục (vì Đệ tứ bận thi lấy bằng Thành chung).

image006
H 6: Học sinh Đệ Ngũ 2 và các thầy dạy lớp, du ngoạn Gềnh Ráng, ngày 19- 1- 1957.

Niên khóa thứ 3, 1957 - 1958, cất xong 2 phòng ngói nối tiếp với văn phòng, và dùng làm phòng học cho hai lớp Đệ tứ. Trường phát triển thành 13 lớp gồm: 2 Tứ, 3 Ngũ, 4 Lục, 4 Thất. Kể từ năm học này công việc văn phòng có thêm thầy Thái Đình Quỳnh. Cuối niên khóa Bộ Giáo Dục tổ chức trại hè toàn quốc tại Lăng Cô (Thừa Thiên). Cũng như các năm trước, Trường Cường Để chỉ tuyển chọn học sinh các lớp Đệ ngũ và Đệ lục, vì hai lớp Đệ tứ chuẩn bị thi Trung học Đệ Nhất cấp, còn học sinh lớp Đệ thất quá nhỏ.

image007
H 7: Giáo sư và học sinh toàn trường trước dãy phòng lợp ngói mới cất. (Ảnh từ Đặc San CĐ & NTT Qui Nhơn)

Niên khóa thứ 4, 1958 - 1959, mở lớp Đệ tam đầu tiên, gồm 1 lớp ban A và 1 ban B, trường đã phát triển đến 17 lớp. Tháng 3 năm 1959, GS Tôn Thất Ngạc về làm Hiệu trưởng trường này thay thế thầy Đinh Thành Chương đi làm Hiệu trưởng trường Sư Phạm Cấp Tốc Qui Nhơn. Mùa hè năm 1959, trường tham dự trại toàn quốc ở Đại Lãnh tỉnh Khánh Hòa.

image008
H 8: Nguyễn Hòa [3], học sinh Đệ tam, đọc lời tri ân thầy Hiệu trưởng Đinh Thành Chương rời nhiệm sở.

Niên khóa thứ 5, 1959 - 1960, Trường mở lớp Đệ nhị đầu tiên, gồm 1 lớp ban A và 1 ban B, phát triển thành 22 lớp. Bộ Quốc Gia Giáo Dục ký Sự vụ lệnh và hợp thức hóa bằng Nghị định cử thầy Lương Thanh Danh giữ chức Tổng Giám thị đầu tiên của trường này.

Cơ sở mới của Trường nằm trên đường Cường Để (gần Tòa tỉnh) vừa xây xong dãy A, gồm 6 phòng trệt và 6 phòng lầu, nên các lớp từ Đệ tứ trở lên học ở Trường mới do thầy Hiệu trưởng điều hành. Cơ sở cũ, do thầy Tổng Giám thị trông coi 12 lớp, gồm 4 Ngũ, 4 Lục, 4 Thất.

image009
H 9: Lớp Đệ ngũ, niên khóa 1959 - 1960, dãy ngói, Trường cũ. (Ảnh: Cuongde.org)


H 10: Trường Cường Để mới, dãy A, góc phía Bắc, được xây cất đầu tiên, cuối dãy là phòng Hiệu trưởng. (Ảnh: Lê Quang Mỹ, Cuongde.org)

Niên khóa thứ 6, 1960 - 1961, Trường phát triển thành 23 lớp, nhưng vẫn chưa mở lớp Đệ nhất, các học sinh đỗ Tú tài bán phần (Tú tài I) phải vào Nha Trang hoặc ra Huế tiếp tục sự học. Kỳ thi Trung học Đệ Nhất cấp, một học sinh của trường đoạt thủ khoa toàn Trung Nguyên và Cao Nguyên Trung phần.

Năm 1961, Lễ Hai Bà Trưng vào ngày mồng 6 tháng 2 âm lịch, Nữ sinh trường Trung Học Cường Để tham dự và diễn hành trên đường phố Gia Long Qui Nhơn.

image011
H 11: Nữ sinh Trung Học Cường Để diễn hành trên đường phố Gia Long Qui Nhơn, ngày Lễ Hai Bà Trưng năm 1961.

Niên khóa thứ 7, 1961 - 1962, Bộ Quốc Gia Giáo dục ra Sự vụ lệnh và hợp thức hóa bằng Nghị định cử thầy Trương Ân giữ chức Giám học đầu tiên của trường này.

Trong niên khóa này, trường Trung Học Cường Để cử thầy Nguyễn Văn Độ làm Hiệu trưởng trường Trung Học Bán Công An Nhơn, thay cho thầy Dương Văn Lộc.

image012
H 12: Ban Giám Đốc, Giáo Sư và Nhân Viên Văn Phòng, Trường Trung Học Cường Để, niên khóa 1961 - 1962.

Niên khóa thứ 8, 1962 - 1963, trường mở 4 lớp Đệ nhất, gồm 2A, 2B và là năm học đầu tiên trường đào tạo học sinh thi Tú tài toàn phần.

Trường cử thầy Phạm Ngọc Bích làm Hiệu trưởng trường Trung Học Bán Công An Nhơn (một niên khóa) nhưng vẫn thuộc giáo sư của trường về lương bỗng và quyền lợi.

image013
H 13: Nam sinh Trung Học Cường Để diễu hành, năm 1962.

Niên khóa thứ 9, 1963 - 1964, theo thầy Lê Văn Hòa và Nguyễn Đình Nhàn [4], năm học này trường có 1700 học sinh chia thành 29 lớp, sinh hoạt ở hai nơi:

Trường cũ, cổng ngó ra đường Võ Tánh, do thầy Tổng Giám thị Lương Thanh Danh điều hành, có 13 lớp gồm 5 Thất, 4 Lục, 4 Ngũ. Trường sở có ba dãy nhà (ngói, tole, tranh) nối nhau thành hình chữ U, gồm 13 phòng. Cạnh cổng là nhà Hiệu trưởng cũ, nay dùng làm phòng Giám thị và phòng Giáo sư.

Trường mới, cổng ngó ra đường Cường Để, do thầy Giám học Trương Ân điều hành, có 16 lớp gồm 4 Tứ, 4 Tam, 4 Nhị, 4 Nhất (2 ban A và 2 ban B). Trường sở là dãy nhà lầu hình chữ L có 17 phòng, gồm 13 phòng dành cho 16 lớp học, 1 phòng Hiệu trưởng, 1 phòng dành cho Giám học và nhân viên văn phòng, 1 phòng dùng cho thư viện và Giáo sư, 1 phòng làm nhà vệ sinh và kho chứa vật liệu. Thầy Hiệu trưởng Tôn Thất Ngạc tuy ở Trường mới nhưng cũng thường lên Trường cũ giám sát.


H 14: Thầy Tôn Thất Ngạc Hiệu trưởng CĐ lâu năm nhất từ tháng 3- 1959 đến hè 1965. (Ảnh từ Cuongde.org)

Giáo sư của trường hiện diện trong niên khóa này có 56 vị, gồm 3 vị trong Ban Giám đốc (miễn dạy), 1 vị quản thủ phòng thí nghiệm là thầy Võ Hồng Phong (cũng miễn dạy), còn 53 vị khác có giờ dạy các lớp [3], chia ra như sau:

Giáo sư dạy Quốc văn có 8 vị, gồm các thầy: Hà Thúc Hoan, Lê Đại Đồng, Lê Văn Hòa, Trần Gia Thùy; và các cô: Cao Thị Xuân Yến, Lương Thị Nga, Lương Thị Quyên, Võ Thị Hồng Vân.

Giáo sư dạy Triết lý có 2 vị, thầy Nguyễn Phụ Chính, cô Lê Thị Cúc.

Giáo sư dạy Công dân, Sử địa có 6 vị, gồm các thầy: Lê Văn Tự, Mai Viết Tấn, Nguyễn Khuê, Nguyễn Phụ Chính, Tôn Thất Kiên và cô Lương Thị Quyên.

Giáo sư dạy Pháp văn có 5 vị, gồm các thầy: Bùi Luân, Lưu Quang Sang, Nguyễn Hoàng Sanh; và các cô: Ngô Thị Hoa, Phan Thanh Tường Nga.

Giáo sư dạy Anh văn có 7 vị, gồm các thầy: Hoàng Thạch Thiết, Nguyễn Văn Sở, Nguyễn Túc, Phan Bá Trác, Tạ Quang Khanh; và các cô: Ann Jacobs, Nguyễn Thị Tuyết.

Giáo sư dạy Toán học có 10 vị, gồm các thầy: Đinh Văn Hiền, Ngô Minh Thành, Nguyễn Duy Luật, Nguyễn Đình Nhàn, Nguyễn Văn Độ, Phạm Ngọc Bích, Phạm Ngọc Hài, Trần Quang Khảo; và các cô: Lê Khắc Ngọc Cầu, Phan Thị Kiều Nhi.

Giáo sư dạy Vạn vật, Lý hóa có 8 vị, gồm các thầy: Đặng Ngọc Tuấn, Lê Nhữ Tri, Phạm Ngọc Quang, Trần Đình Chi, Trần Xuân Lộc, Vương Quốc Tấn; và các cô: Trần Thị Đào, Trần Thị Gia.

Giáo sư dạy Hội họa, Âm nhạc, Nữ công có 3 vị, gồm các thầy Phùng Văn Viễn, Dương Minh Ninh và cô Nguyễn Thị Thái Nhĩ.

Giáo sư dạy Thể dục có 3 vị, gồm các thầy Đinh Văn Hiền, Hoàng Ngọc Du, Nguyễn văn Sở.

Công việc văn phòng có các nhân viên chuyên nghiệp đảm trách, ngoài ra còn một số giáo sư sung vào và được phân phối như sau: Chuyên môn có ông Nguyễn Phùng và bà Đinh Thành Chương; Kế toán có ông Trần Trọng Duy; Nhân viên có ông Phan Văn Hoài; Thí vụ và Tư thục có ông Thái Đình Quỳnh; Thư viện, văn phòng, kiêm nhiệm giám thị có các ông Lê Quang Chiếm, Nguyễn Phùng, Thái Đình Quỳnh, Trần Gia Thùy, Trần Trọng Duy.

Tùy phái và lao công có các ông: Bùi Thẩu, Lê Anh, Lê Xem.

Riêng thầy Trần Quốc Sủng được đề làm Hiệu trưởng Trung Học Bán Công An Nhơn, thay cho thầy Phạm Ngọc Bích về lại Trường Cường Để.

image015
H 15: Thầy cố Hiệu Trưởng Trương Ân. (Ảnh: Đặc San Cường Để Qui Nhơn, 1998)

Niên khóa thứ 10, 1964 - 1965, trường Cường Để cũ ở đường Võ Tánh bàn giao cơ sở cho trường Tiểu học Nguyễn Huệ, dời tất cả các lớp còn lại về Trường mới, nhưng vì không đủ phòng học, nên tạm gửi các lớp Đệ thất học tại trường Nữ Trung Học. Kể từ niên khóa này, Trung học Cường Để là Trường nam, chỉ những lớp nào trường Nữ Trung Học chưa mở thì trường Cường Để mới thu nhận nữ sinh.

Thầy Lê Nhữ Tri được cử giữ chức Hiệu trưởng trường Trung học Công lập An Nhơn (sau đổi là Đào Duy Từ) kiêm Trung học Bán Công An Nhơn, nên chỉ còn dạy hưởng lương giờ phụ môn Vạn vật lớp 12 ở trường Cường Để.

Cô Trần Thị Gia, giáo sư dạy Vạn vật trường Trung Học Cường Để, được Bộ Giáo Dục ký Sự vụ lệnh thuyên chuyển về trường Nữ Trung Học Qui Nhơn để nhậm chức Hiệu trưởng của Trường này.

Niên khóa thứ 11, 1965 - 1966, thầy Trương Ân lên giữ chức Hiệu trưởng thay thế cho thầy Tôn Thất Ngạc về Bộ Quốc Gia Giáo Dục làm Thanh tra Trung học. Chức Giám học có thầy Nguyễn Đình Nhàn lên thay thế. Còn chức Tổng Giám thị có thầy Võ Ái Ngự thay thế thầy Lương Thanh Danh về hưu vào cuối niên khóa trước.

Trường Cường Để cử thầy Nguyễn Kim Ba làm Hiệu trưởng Trung Học Bán Công An Nhơn, thay cho thầy Lê Nhữ Tri.

Kể từ năm học này Trường Cường Để có đủ lớp học cho tất cả các lớp, không còn mượn phòng học ở trường Nữ Trung Học Qui Nhơn nữa.

Trong năm 1965, Sư đoàn Mãnh Hổ của Quân đội Đại Hàn xây cất và biếu tặng cho Trường tòa Đại Thính Đường dài 43 m, rộng 18 m, chứa cả ngàn người, nằm trong khuôn viên Trường.


H 16: Đại Thính Đường được xây cất năm 1965. (Ảnh từ Cuongde.org)

Niên khóa thứ 12, 1966 - 1967, trường mở một lớp Đệ tam ban C đầu tiên, đa số chọn sinh ngữ chính là Anh văn, số còn lại chọn Pháp văn, nên giờ sinh ngữ chính và phụ chia làm hai nhóm học riêng. Các lớp Đệ nhất ban A, B và Đệ tam ban C, còn thu nhận nữ sinh, vì trường Nữ Trung Học chưa mở các lớp này.

Từ ngày thầy Võ Ái Ngự làm Tổng Giám thị, kỷ luật trường rất nghiêm. Thầy chú trọng việc học sinh mặc đồng phục, và hớt tóc ngắn.


H 17: Thầy cố Tổng Giám Thị Võ Ái Ngự.

Niên khóa thứ 13, 1967 - 1968, là năm học đầu tiên trường có học sinh thi Tú tài bán phần Ban C.

Trường Cường Để cử thầy Trần Thúc Bửu làm Hiệu trưởng trường Trung Học Bán Công An Nhơn, thay cho thầy Nguyễn Kim Ba có lệnh gọi động viên.

Niên khóa thứ 14, 1968 - 1969, thầy Nguyễn Mộng Giác giữ chức Giám học thay cho thầy Nguyễn Đình Nhàn đổi về Sài Gòn. Thầy Nguyễn Phúc được cử làm Phụ tá Giám học.

Thầy Trần Quốc Sủng được biệt phái về dạy lại ở Trường Cường Để, nhưng không bao lâu lại được cử làm Hiệu trưởng Trung Học Bán Công An Nhơn, thay cho thầy Trần Thúc Bửu có lệnh gọi vào quân ngũ.


H 18: Thầy Nguyễn Mộng Giác và lớp Đệ Nhất C, niên khóa 1968 - 1969. (Ảnh từ Cuongde.org)

Niên khóa thứ 15, 1969 - 1970, các giáo sư của Trường đã thi hành lệnh động viên vào quân đội từ những năm trước, niên khóa này hầu hết được biệt phái về lại trường cũ, như các thầy: Nguyễn Kim Ba, Trần Thúc Bửu, và Trần Quốc Ưng (nhân viên văn phòng)...

Đầu niên khóa này, thầy Lê Minh Ba được cử giữ chức Hiệu trưởng trường Trung Học Tỉnh Hạt Hoài Ân [6].

Đến giữa niên khóa, Bộ Quốc Gia Giáo Dục cải tổ đổi danh xưng các lớp: Bậc Tiểu học, tên cũ là: lớp Năm, Tư, Ba, Nhì, Nhất nay gọi là Lớp 1, 2, 3, 4, 5. Bậc Trung học Đệ nhất cấp, tên cũ là: Đệ thất, Đệ lục, Đệ ngũ, Đệ tứ; nay gọi là Lớp 6, 7, 8, 9. Bậc Trung học Đệ nhị cấp, tên cũ là: Đệ tam, Đệ nhị, Đệ nhất; nay gọi là Lớp 10, 11, 12.

Niên khóa thứ 16, 1970 - 1971, nhà trường đặt kế hoạch trồng cây me tây và phượng vĩ trong sân trường. Chia khu vực, giao cho mỗi lớp Đệ Nhị cấp trồng một cây và chịu trách nhiệm săn sóc.

Đầu niên khóa này, cô Lê Thị Cúc giáo sư dạy Triết trường Trung Học Cường Để, được Bộ Giáo Dục ký Sự vụ lệnh thuyên chuyển về trường Nữ Trung Học Qui Nhơn để nhậm chức Hiệu trưởng của Trường này.

Niên khóa thứ 17, 1971 - 1972, thầy Nguyễn Mộng Giác thăng chức Hiệu trưởng thay cho thầy Trương Ân đổi vào Sài Gòn làm thanh tra ở Bộ Giáo dục, thầy Nguyễn Phụ Chính được đề cử làm làm Giám học, thầy Nguyễn Phúc vẫn giữ chức Phụ tá Giám học và thầy Nguyễn Văn Sở giữ chức Phụ tá Tổng Giám thị.

Kể từ năm học này, trường Nữ Trung Học Qui Nhơn mở Lớp 10 ban C, và Lớp 12 ban A & B, nên Trường Cường Để không còn nhận nữ sinh của Trường ấy nữa.


H 19: Ban Chấp Hành Học Sinh Trường Cường Để NK 1971 - 1972. (Ảnh: Diệp Thái Thôn, Cuongde.org)

Niên khóa thứ 18, niên khóa 1972 - 1973, theo số liệu thống kê của Trần Đình Thái (Ai Có Về Qui Nhơn, trang 55), biên soạn năm 1973, Trường Cường Để có 3.227 học sinh.


H 20: Lớp 12/B2, niên khóa 1972 - 1973, chụp tại cổng trường. (Ảnh từ Cuongde.org)

Niên khóa thứ 19, 1973 - 1974, Ban Giám đốc của Trường thay đổi toàn bộ: thầy Nguyễn Phụ Chính thăng chức Hiệu trưởng thay thế cho thầy Nguyễn Mộng Giác làm Chánh sở Học Chánh tỉnh Bình Định, thầy Nguyễn Minh Đức giữ chức Giám học, thầy Võ Thăng làm Phụ tá Giám học, thầy Phạm Ngọc Bích lãnh chức Tổng Giám Thị và thầy Nguyễn Vui làm Phụ tá Tổng Giám thị.

Ngoài thầy Nguyễn Mộng Giác, còn có các Giáo sư cũng của Trường Cường Để, được Bộ Giáo Dục ký Sự vụ lệnh thuyên chuyển đến Sở Học Chánh tỉnh Bình Định để nhậm chức mới, gồm: thầy Huỳnh Hữu Dụng giữ chức Phó Sở Học chánh, các thầy Phan Bá Trác và Trần Quốc Sủng giữ chức Thanh tra Trung học, thầy Phan Bang giữ chức Chủ sự phòng Học vụ [7].

Cũng niên khóa này, trường Cường Để chỉ còn một Lớp 12 ban C có thu nhận nữ sinh mà thôi.


H 21: Thầy Cố Hiệu Trưởng Nguyễn Phụ Chính. (Ảnh: Đặc San Cường Để Qui Nhơn, 1998)

Niên khóa thứ 20, 1974 - 1975, là niên khóa cuối cùng của trường Cường Để. Ngày 1 tháng 2 năm 1975 tức ngày 21 tháng chạp năm Giáp Dần, trường tổ chức trại lấy tên là Sư Đệ, 2 ngày 1 đêm, trong khuôn viên trường, họp mặt học sinh và giáo sư cuối năm trước khi về nghỉ Tết. Có thể nói đây là lần tổ chức trại ở lại đêm, đông đảo nhất của trường, vì học sinh các lớp 12 đều được tham dự, những lớp khác tuyển chọn theo tỷ số là 1/4. Không ngờ, đây là lần cuối thầy trò họp mặt, vì đúng hai tháng sau Thị xã Qui Nhơn thất thủ, và danh hiệu thân yêu TRUNG HỌC CƯỜNG ĐỂ không còn tồn tại với ngôi trường xưa!


H 22: Dãy Lớp C trong khuôn viên Trường Cường Để. (Ảnh từ Cuongde.org)

Tóm lại, trường Trung Học Cường Để, sau 21 năm phát triển, hệ thống kiến trúc đã hoàn thành, với 5 khu nhà bằng vật liệu kiên cố, tọa lạc trên khoảnh đất hình chữ nhật, chiều dài 180 m, chiều rộng 135 m, diện tích 2, 3 ha, cùng phía với Tòa tỉnh và ngó qua Sở Học Chánh.


H23: Khuôn viên trường Trung Học Cường Để, qua Google & Wikimepia. (Ảnh: Khổng Xuân Hiền giới thiệu, Cuongde.org)

Nếu đứng ở cổng trường ngó vào, phía tay phải và nằm sát góc phía Bắc, là dãy lầu A hình chữ L, dài 67 m, dùng làm phòng học. Phía bên tay trái, lưng chừng giữa sân có dãy nhà trệt B dài 50 m, nằm song song và đối diện với dãy A qua một sân rộng, đó là khu nhà hành chánh gồm phòng Hiệu trưởng, phòng Giám học, phòng Tổng Giám Thị, phòng Giáo sư, phòng nhân viên, phòng thư viện vừa làm phòng hội cả trăm người. Cũng phía bên tay trái, nằm sau lưng và song song với dãy B, có dãy lầu C dài 67 m, dùng làm phòng học. Kế đến là dãy D dài 50 m, nằm gần góc khuôn viên phía Nam và song song với các dãy kia, dùng làm phòng học.

Cuối sân, có Đại thính đường dài 43 m, rộng 18 m, chứa cả ngàn người, nằm song song với chiều dài của khuôn viên, mặt ngó ra đường Cường Để.


H 24: Dãy nhà để xe. (Ảnh từ Cuongde.org)

Phía bên mặt của cổng vào có phòng thí nghiệm nằm dọc theo đường Cường Để và ngó vào sân trường. Với cơ sở này, Trường có trên 30 phòng dành cho lớp học, ngoài ra còn có phòng thí nghiệm, thư viện, phòng họp, hội trường, nhà để xe và các phòng hành chánh.

III - LỜI KẾT

Theo sơ đồ quy hoạch thành phố Qui Nhơn thời Việt Nam Cộng Hòa, dự trù sân bay dân sự tại thị xã Qui Nhơn sẽ dời ra Phù Cát, và mở đại lộ Cộng Hòa song song với đường Cường Để, nối từ đường Nguyễn Thái Học đến đường Nguyễn Huệ. Trường Cường Để sẽ được ưu thế nằm trên hai mặt đường, cổng trước thông ra đại lộ Cộng Hòa, cổng sau là cổng ngó ra đường Cường Để. Và lúc ấy, Đại thính đường gần với cổng trước, chứ không còn cái cảnh nằm lẻ loi ở cuối sân nữa.

Tính đến ngày 31 tháng 3 năm 1975, Trung Học Cường Để hoạt động gần trọn 20 niên khóa, luôn luôn dẫn đầu 50 trường trung học trong tỉnh, có 65 lớp, với chừng 3300 học sinh và lớp 12 mở đủ các ban A,B,C. Trường Cường Để đã trải qua 7 đời Hiệu trưởng: Thái Vĩnh Thung (1955), Đinh Thành Chương (1955 - 1959) Tôn Thất Ngạc (1959 - 1965), Trương Ân (1965 - 1971), Nguyễn Mộng Giác (1971 - 1973) và Nguyễn Phụ Chính (1973 - 1975).

image025
H 25: Cổng Trường, ảnh chụp sau năm 1975.

Ngôi trường thân yêu vẫn còn đó, nhưng bị đổi tên từ năm 1975. Sau 41 năm xa cách, Thầy Trò ngày xưa (1955 - 1975), ai mất, ai còn, và nay tản mác nơi đâu!?


San Jose, ngày 20- 5- 2005

Bổ chính xong 05- 5- 2016

ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG


GHI CHÚ

[1] Cựu học sinh Nguyễn Bích, sau đỗ Cử nhân Giáo khoa Vật lý ở Đại Học Khoa Học Sài Gòn về làm Hiệu trưởng trường Trung Học Kỹ Thuật Qui Nhơn từ 1970 - 1975, và mất cuối năm 1976. Nguyễn Minh Hải, sau là Giáo sư trường Trung Học Đống Đa Qui Nhơn.

[2] Gọi là trại hè toàn quốc nhưng chỉ tổ chức cho có các trường Trung học Công lập từ Quảng Trị đến Phan Thiết tham dự vào mỗi cuối niên khóa.

[3] Cựu học sinh Nguyễn Hòa, sau tốt nghiệp Cao học Quốc Gia Hành Chánh khóa IV.

[4] Lê Văn Hòa và Nguyễn Đình Nhàn; Trường Cường Để Qui Nhơn: Chuyện Cũ Nhắc Lại; Đặc San Cường Để Qui Nhơn 1998 (Houston, Texas); trang 15 & 16.

[5] Thầy Nguyễn Phụ Chính dạy Triết và Công dân, thầy Nguyễn Văn Sở dạy Anh văn và Thể dục, cô Lương Thị Quyên dạy Quốc văn và Sử địa, tính theo môn dạy có 56 vị, nhưng tính theo đầu người chỉ có 53 vị.

[6] Lưu Xuân Cảnh, Quá Trình Hình Thành Trường Tỉnh Hạt Hoài Ân Bình Định, http://sites.google.com/site/luuxuancanh/, đã chép: “Niên khoá 1969 - 1970, trường chính thức được thành lập. Thầy Lê Minh Ba, GS trường Trung học Cường Để Quy Nhơn được cử làm Hiệu trưởng.” (Lời ghi của Lưu Xuân Cảnh: “Thông tin trên hoàn toàn theo trí nhớ của Thầy Đàm Công Định (năm 2013 đã 81 tuổi) và một số cựu học sinh Hoài Ân.”)

[7] Theo Phan Bá Trác, cựu Phó Ty trưởng Ty Văn Hóa Giáo Dục và Thanh Niên tỉnh Bình Định, trong lần phỏng vấn ngày 4- 5- 2016.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1/ ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG; Các Trường Trung Học Tỉnh Bình Định; Đặc San Liên Trường 2005 (Nam Cali); trang 37 - 64.

2/ LÊ ĐẠI ĐỒNG; Thầy Nguyễn Phụ Chính, Hiệu Trưởng Cuối Cùng Của Trường Cường Để; Đặc San Cường Để & Nữ Trung Học 1999 (Houston, Texas); trang 33 - 40.

3/ LÊ VĂN HÒA và NGUYỄN ĐÌNH NHÀN, Trường Cường Để Qui Nhơn: Chuyện Cũ Nhắc Lại; Đặc San Cường Để Qui Nhơn 1998 (Houston, Texas); trang 9 - 20.

4/ NGUYỄN BÁ THƯ, Trường Xưa Bạn Cũ; Đặc San Cường Để & Nữ Trung Học 2001 (Houston, Texas), trang 39 - 49.

5/ TRẦN ĐÌNH THÁI; Ai có về Qui Nhơn; Sài Gòn, Tủ sách đẹp Quê Hương xuất bản, 1973.

6/ TRANG MẠNG cuongde.org

7/ PHỎNG VẤN QUA ĐIỆN THOẠI

- Ngày 8- 5- 2005, phỏng vấn các thầy: Huỳnh Hữu Dụng cựu Ty trưởng Văn Hóa Giáo Dục và Thanh Niên tỉnh Bình Định (hiện ở San Jose, CA), Tôn Thất Ngạc cựu Hiệu trưởng Trung Học Cường Để 1959 - 1965 (hiện ở Houston, TX), Nguyễn Mộng Giác cựu Giám học và cựu Hiệu trưởng trường Cường Để 1968 - 1973 (ở Westminster, CA); và các thầy Lê Đại Đồng (Katy, TX) , Lê Văn Ba (Westminster, CA); Nguyễn Tế (San Jose, CA); Võ Đen (Dorchester, MA); Vũ Quốc Oai (San Diego, CA) đều là cựu giáo sư trường Cường Để.

- Ngày 9- 5- 2005, phỏng vấn qua điện thoại các bạn cựu học sinh Cường Để, hiện định cư tại San Jose (CA): Nguyễn Bá Thư (1955 - 1956), Đặng Đức Bích (1956 - 1963), Đặng Đức Thông (1958 - 1965),

- Ngày 14- 5- 2005, phỏng vấn qua điện thoại ông Đặng Hiếu Kính cựu học sinh Collège de Quinhơn (1933 - 1944), hiện ở Herndon, VA. Ngày 8- 6- 2015, phỏng vấn qua điện thoại ông Đặng Hiếu Kính lần thứ 2; và ngày 5- 5- 2016, phỏng vấn lần thứ 3.

- Ngày 15- 5- 2005, phỏng vấn qua điện thoại các bạn cựu học sinh Ban C, trường Cường Để: Trần Văn Thuận (1964 - 1971), Huỳnh Thị Hồng (1967 - 1970), Huỳnh Thị Bích Sơn (1969 - 1972), đều ở San Jose.

- Ngày 4- 5- 2016, phỏng vấn qua điện thoại thầy Phan Bá Trác, cựu Phó Ty trưởng Ty Văn Hóa Giáo Dục và Thanh Niên tỉnh Bình Định, hiện ở Dallas, Texas.
Thêm bình luận


Đăng Nhập / Đăng Xuất