Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • CD4 1200
  • NhaGiuXe1200
  • hinhCu 1200
  • DaiThinhDuong1200

Một vài cảm nghĩ về ngày “ Kỉ niệm 50 năm ngày vào Trường Cường Đễ Qui Nhơn” tổ chức 5-8-2016 tại QN

50NamVaoTruong

Tôi đã nói với các bạn đừng quan tâm đến con số 50, vì có một số người vào trường một vài năm trong liên khóa 1966-1973. Với tôi đó chỉ là một cái cớ.Thông thường kỉ niệm cho ngày tốt nghiệp, cho ngày ra trường chứ ai kỉ niệm ngày vào trường, vả lại chúng ta đã làm kỉ niệm 20 năm ngày vào trường đâu, 30, 40 năm cũng không, hà cớ gì kỉ niệm 50 năm, nhưng tôi cho đây là một sáng kiến hay, một ý đẹp và kịp thời. Hay, vì nhờ thế bạn bè mới mặt gặp mặt, tay bắt tay, gặp lần đầu một số bạn và thầy cô hơn 40 năm không biết ở đâu .Đẹp, bởi tự dưng khơi lại những kỉ niệm nằm tận đáy lòng, như cùng nhắc nhớ một bóng hồng Trường Nữ hay những tà áo trắng Trinh Vương… và kịp thời vì để kỉ niệm 60 năm, có lẽ một nửa số ngồi đây không có mặt, không có mặt có thể vì bệnh tật già yếu không đi được cũng có thể họ đã đi về “ phương trời miên viễn chiêm bao “. Nhìn bạn bè cụng ly, cười nói, cả một không gian ấm áp tình người và đầy sức sống, ai dám nói họ đã qua tuổi 60.Tôi nhớ bài “Tình già “ của Phan Khôi:

Hai mươi bốn năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa.
Dưới ngọn đèn mờ , trong gian nhà nhỏ.
Hai cái đầu xanh, kề nhau mà than thở.
…………………………………………………………….
Hai mươi bốn năm sau, tình cờ đất khách gặp nhau’
Đôi cái đầu đều bạc.
Nếu chẳng quen lung , đố nhìn ra được.
Ôn chuyện cũ mà thôi.Liếc đưa nhau đi rồi,con mắt còn có đuôi.

Tôi không nói chuyện tình của cụ Phan Khôi, tôi muốn tính thời ấy mấy tuổi đã già.Hai mươi bốn năm trước người yêu ấy mấy tuổi ? 13 hay 15 , thời ấy con gái yêu sớm ( lấy chồng từ thuở 13 ) chắc ăn ta lấy 18. Hai mươi bốn cộng với mười tám là bốn mươi hai ( 24 + 18= 42 ). Bốn mươi hai đã già , tóc đã bạc, nếu không phải tình nhân thắm thiết ( quen lung )chưa chắc nhận ra. Nay hơn 60 ,tóc một số người còn đen mượt ( không biết có nhuộm tóc không ) và chỉ cần nói hai câu đã biết người xưa, há không phải là may mắn lắm sao.

Có một giờ về thăm lại Trường xưa, là một nội dung có ý nghĩa, nếu không việc gặp mặt chỉ còn 50% đáng nhớ. Hãy nhìn mọi người ùa vào trường như những đứa con về nhà cũ,những người hơn 60 tuổi ngồi vào bàn học nhìn lên bảng như muốn là học sinh ngày nào; Nhìn ngôi trường xưa với hàng phượng rồi cãi nhau vị trí từng lớp học; Trời nắng mà ai cũng muốn có một bức hình trước Đại thính đường. Tưởng tượng tổ chức kỉ niệm 50 năm vào Trường Cường Đễ mà không đến Cường Đễ ( ở ngay cạnh bên ) thì có ý nghĩa gì ,vì ngày hôm sau dường như chẳng ai dự lễ kỉ niệm 95 năm ngày thành lập trường Quốc Học QN. ( Giận thì giận mà thương thì thương )

Hôm sau (6-8) tôi có đi du ngoạn Trung Lương ( ở Qui Nhơn chứ không phải Miền Tây ) và một số nơi khác, núi và biển đẹp, có nơi còn hoang sơ như cô gái trinh nguyên chưa vướng bụi, nước biển xanh trong veo, không cưỡng nỗi phải nhảy xuống tắm dù ít phút đi lên cho kịp với đoàn.Tôi có dịp đi nhiều nơi, so với một số Tỉnh khác tốc độ phát triển của BĐ còn chậm, dân còn nghèo nhưng được môi trường trong lành, dù sao cũng còn hơn những nơi khác trăm năm nữa môi trường có được như ngày xưa. Môi trường là một vốn quí vô giá , không biết Bình Định giữ được bao lâu.

Trường Cường Đễ đã đổi tên, nhưng Tình Bình Định vẫn là tên cũ ( có một thời đã là Tỉnh Nghĩa Bình) May nhất vẩn còn là Thành phố Qui Nhơn.Tưởng tượng thành phố này là Thành phố ông A hay Thành phố cô B, thì thất vọng biết bao.Cám ơn Ban Tổ chức đã làm tốt ngày họp mật, tôi biết các bạn đã bỏ nhiều công sức, tranh luận từ nội dung khẩu hiệu, từ dấu hỏi dấu ngã chữ Cường Đễ,I ngắn hay y dài chữ Qui Nhơn và nhiều người đóng góp khác , cũng nhờ đó tôi tự nhận ra 3 điểm sáng : 1-Tuổi thọ của chúng tôi dài hơn người xưa. 2 - Bình Định có nhiều cảnh đẹp và môi trường sống còn trong lành. 3- Lên Thành phố nhưng không ham vui vẫn giữ tên Qui Nhơn cũ.Về quê có 2 ngày mà tìm ra 3 điểm sáng để mà vui. Âu cũng là hạnh phúc.

Sài Gòn 8-8-2016.
Trần Phi Hùng

Nguồn: FB của TPH
Thêm bình luận


Đăng Nhập / Đăng Xuất