LTS. Chị Kim Huê học ở Nữ Trung Học và Cường Để Qui Nhơn, sau vô Sài Gòn học Luật, và Báo Chí ở Vạn Hạnh. Chị hiện sống ở Mỹ với gia đình, và chăm sóc yahoo group NhatCCuongDe. Cuongde.org rất hân hạnh được giới thiệu chị Kim Huê với bạn đọc.
Trời mù mù mịt mịt, mưa thì mưa phức cho rồi, bỗng nhiên lại thèm một ly cà phê. Xếp lại đống sách vở, túm hết vào cái cặp, loay hoay sao không biết lại làm rớt cuốn sách xuống đất, cuốn sách Luật dày ơi là dày, tiếng dội lên không phải là nhỏ, bao nhiêu cặp mắt nhìn về phía tôi, thư viện thì lúc nào cũng im như tờ, do đó tiếng động nhỏ cũng thành to, có tiếng xuỵt xuỵt (biết rồi khổ quá nói mãi), tôi đâu có muốn làm ồn đâu, rủi ro cuốn sách nó “tự” rớt xuống thôi mà.
Có lẽ gương mặt tôi lúc đó chắc là đỏ kè như mấy bợm nhậu? miệng thì nhấp nháy nói xin lỗi, xin lỗi.
Bước nhanh ra khỏi Thư viện Vạn-Hạnh, định cuốc bộ qua hẻm kiếm một ly cà phê của ông già thì có tiếng chân theo sau, quay lại té ra anh bạn quen trong thư-viện.
– “Đi đâu vậy?” anh hỏi,
– “Trời buồn quá đi kiếm một ly cà phê”.
– “Cho theo với được không?”
– “Được chứ, có người cùng uống thì còn gì bằng”.
Kéo ghế (cái đòn thì đúng hơn) tôi nói với anh bạn:
– “Đi đâu uống rồi cũng phải về lại đây, cà phê của ông ta không ai sánh bằng”, anh bạn cũng đồng ý với tôi.
Vừa uống hai đứa vừa nói chuyện trời trăng mây nước, nghĩ cũng tức cười, con gái mà muốn uống cà phê là đi uống không cần phải có ai đi cùng, ông bà già mà thấy mình ngồi một mình là đã oé lên huống hồ gì lại cùng ngồi với một anh con trai. Nhưng rồi lại nghĩ ” Làm sao ông bà già mà kiếm ra chỗ này được”, cái hẻm Trương Minh Giảng này chỉ có dân Vạn- Hạnh mới kiếm ra được mà thôi.
Sở dĩ tôi khám phá ra cái quán cà phê này là lúc mới vào Sài-Gòn, sau khi đậu Tú-tài để chuẩn bị cho Đại-học, tôi đã được Ba Me gởi ở với ông Chú của Me tôi, nhà của ông cạnh bên trường Vạn Hạnh, Ba Me chọn ở với ông bà vì bà Thím vợ của ông rất khó nên Ba Me yên tâm khỏi lo cho con gái.
Do đó mặc dù là dân trường Luật nhưng tôi lại đóng đô ở thư- viện của Vạn- Hạnh nhiều hơn.
Đang để đầu óc suy nghĩ vẩn- vơ thì anh bạn đứng lên, nói là có lớp nên phải trở về và hẹn lần khác, tôi lại tiếp tục cho đầu óc lang thang. Sáng nay có lẽ trời kéo mây nên thiên hạ sợ mưa uớt không dám ghé thăm hàng cà- phê của ông già, do đó tôi mặc sức mà ngồi đồng.
Rõ ràng là nói trước bước không tới, đúng ngay lúc đó có người bước tới và kéo “cái đòn” bên cạnh tôi ngồi xuống, mặc dù anh ta mặc quần áo xi-vin nhưng vẫn không dấu được cái phong cách lính tráng của mình, nhất là với đầu tóc cắt rất là ngắn của anh.
Không nhìn nhưng tôi biết anh đang nhìn tôi một cách tò mò dò xét, không cần phải thông- minh tôi cũng biết anh đang nghĩ gì? Đúng vậy đó, đâu phải là con trai mới ra hàng cà- phê ngồi như tôi, anh muốn nghĩ gì thì nghĩ, mặc kệ, tôi với anh chỉ là người dưng nước lã không có gì mà phải bận tâm, uống xong ly cà- phê tôi với anh đường ai nấy đi, chắc gì anh lại trở lại cái hàng cà- phê này.
– “Cô ơi!”
Tôi làm lơ như không nghe,
– “Hình như tập giấy này của cô, hồi nãy trong thư viện, lúc cô nhặt cuốn sách cô đã quên nhặt tập giấy này, tôi đã nhặt nó nhưng không biết chắc có phải của cô hay không?”. Thì ra những gì xảy ra trong thư viện lúc nãy đã có người chứng kiến từ đầu đến cuối, gương mặt tôi lại đỏ lên.
Lúc này thì tránh hết được, tôi đành phải nhìn anh,
– “Đúng rồi tập giấy này của tôi”,
Vừa nói tôi vừa đưa tay ra định cầm lấy thì anh lại giật trở lại, vừa cười vừa nói:
– “Tôi xin lỗi vì không biết rõ của ai nên tôi đã coi sơ qua, té ra cô là một nhà văn, hèn gì tôi đã đoán rất đúng là sẽ kiếm được cô ở đây, giá trị của một tác phẩm như vầy có đổi được với một ly cà phê không vậy?”
Lúc này có lẽ gương mặt của tôi lại đỏ lên một lần nữa, nhưng tôi ráng lấy hết can đảm nhìn anh và ấm ớ:
– “Một ly cà phê thì quá dễ, cám ơn anh, như vậy là anh đã đọc những gì tôi viết trong đó? Tôi không phải là nhà văn như anh tưởng đâu, tôi chỉ viết chơi trong những lúc học bài quá mệt mỏi mà thôi”.
– “Cô cũng là sinh viên trường Luật hả?”
– “Dạ, đúng vậy, sao anh biết?”
– “Nhìn mấy cuốn sách dày cộm của cô là biết ngay”
– “Anh làm gì trong thư viện vậy?” Tôi hỏi một câu ngớ ngẩn,
– “Tôi chỉ vào để ngắm người đẹp thôi”, anh cười nhạo tôi.
– “Cô tưởng chỉ có cô mới vào đó để học thôi sao, tôi cũng học như cô vậy”.
Sau đó tôi biết ra được là anh đã phải ngưng việc học để gia-nhập quân đội và sau một lần bị thương tích trầm trọng anh đã được giải ngũ và trở lại tiếp tục với con đường học vấn và anh cũng là dân trường Luật như tôi, chỉ khác ở chỗ là anh sắp sửa ra trường.
Từ đó hàng cà phê trong hẻm Trương Minh Giảng và thư viện Vạn-Hạnh là chỗ gặp gở của chúng tôi, ở đâu có anh là có tôi, có tôi là có anh, chúng tôi như bóng với hình.
Đời sống cứ như vậy thì không có gì để nói, biến cố năm 75 xảy ra, trước đó khoảng một tháng anh đã chia tay với tôi để trở về với gia đình anh ở Nha-Trang, Ba Mẹ anh gọi anh về để lo xếp đặt kiếm đường đi ra ngoại quốc.
Trước khi chia tay, anh và tôi hứa bằng mọi cách sẽ liên lạc với nhau, hứa là một chuyện nhưng làm được hay không lại là một chuyện khác. Mọi việc đã thay đổi một cách mau chóng, tụi tôi đã không có dịp để liên lạc với nhau vì chỉ trong một thời gian ngắn, bốn tuần lễ, tôi đã theo gia đình sang đến Mỹ, còn anh không biết đã đến chốn nào?
Năm năm sau, tôi lại ngồi đây, cũng trong một quán cà-phê, không giống như quán cà-phê “ông già” ở hẻm Trương Minh Giảng và ngay cả mùi vị cũng khác. Tôi thường đến đây trước và sau giờ học, khi thì ngồi một mình, khi thì chờ mấy nhỏ bạn, tôi vẫn chung tình với anh, vẫn còn hy vọng một ngày nào đó được gặp lại anh nên không muốn dính dáng đến một anh con trai nào.
Hớp một ngụm cà-phê đậm đà, ngọt ngào không thua gì cà-phê “ông già”, tôi cũng còn cái tật viết lách, cuốn sách nặng nề bị bỏ quên trên đùi lại rớt xuống đất, cây viết ngậm trong miệng, mắt không rời những dòng chữ đang viết, tôi cúi xuống lượm cuốn sách thì tay tôi đụng phải một bàn tay của một người con gái, thì ra có người lượm dùm, tôi vừa cầm lấy vừa nói cám ơn cô ta, lúc ngẩng lên thì ra cô ta lại đi cùng với một người đàn ông, anh nhìn tôi chăm chú, miệng thì mấp máy không ra lời, tôi cũng sững sờ, mặt lúc này không đỏ mà lại tái đi, cô gái nọ quay qua hỏi anh: Anh sao vậy? bộ có quen với cô ta hả?” anh lắc đầu, cô gái kéo anh đi, tôi vẫn còn ngỡ ngàng, sững sốt nhìn theo, tôi thấy anh ngoái đầu nhìn lại, nhưng bây giờ lại tới phiên tôi làm lơ cúi xuống. Thật bẽ bàng, bao nhiêu năm tôi chờ đợi, tìm kiếm anh để bây giờ gặp lại anh trong một hoàn cảnh oái ăm, tự nhiên nước mắt tràn ra và rớt xuống trộn lẫn với cà-phê, tay run run bưng lên hớp một ngụm, cũng là ly cà-phê đó nhưng bây giờ sao nó lại đắng một cách lạ lùng.
Kim Huê
Nguồn: http://www.nthqn.org
Số lần đọc: 3062
RE: Cà Phê Đắng
Hay quá! Bài viết rất hay! Rất mach lạc….& thật xúc động với cảm xúc cuộc gặp gỡ oái ăm! Đúng là ly cà phê thật đắng…!
…nhưng không sao, bạn cứ cho thêm đuờng vào!
NGUYENPHUCL
RE: Cà Phê Đắng
Uống cà phê với đường là một trong những nhầm lẫn lớn của nhân loại 😆
Giới thiệu một bài thơ hay:
Đợi Em
Đợi em bên tách cà phê
Giọt đen đọng đắng lòng tê tái sầu
Biết rồi em chẳng đến đâu
Mà tôi vẫn đợi thâm sâu với tình
Giọt cà phê cũng thương mình
Giọt buồn giọt chậm cho mình đợi em
Nhạc chiều xao động ánh đèn
Lung linh em đến mắt đen tuyệt vời
Ly cà phê lạnh chơi vơi
Em cười trong tách mà đời tôi đau
-TRẦN LỄ
Nhà thơ là thân sinh của bạn Trần Bình, hiện ở tại Sydney, Úc. Cụ là thành viên CLB Văn học Nghệ thuật Xuân Diệu BĐ, đã qua đời năm 2009. Bài thơ này cụ sáng tác năm 70 tuổi.
RE: Cà Phê Đắng
Chừng 35 năm lẽ, ai không vợ không chồng mới là chuyện lạ.
Ai mong ngóng một mối tình non nửa thế kỷ lại càng lạ hơn.
U55, gặp nhau từ chốn cũ mà hờ hững quay lưng thì lạ hết biết.
Uống một ly cà phê mặn môi y như chuyện mới hôm qua quả lạ nhứt trần gian.
Một câu chuyện lạ, ơi là lạ !
Buồn 🙁
Người lạ