Trang sinh hoạt của Cựu Giáo Sư và Học Sinh trường Trung Học Cường Đễ Qui Nhơn

Tị Nạn

Ngày 25 tháng 9 năm nay, thành phố tôi ở sẽ tổ chức một chương trình đánh dấu 35 năm người Việt đến lập nghiệp tại đây. Thời gian đầu người ta hay gọi là đất tạm dung nhưng bây giờ hai từ này hình như đã đi vào quên lãng. Người ta đã xem như đây là quê hương thứ hai của mình. Nước Mỹ và người dân Mỹ đã mở vòng tay quá rộng lớn để ôm gọn những cảnh đời đang cần nơi nương tựa cả vật chất lẫn tinh thần trong bước đầu lưu lạc xứ người. Người dân Mỹ và chính phủ Mỹ đã không hề bỏ cuộc dù có đôi khi mệt mỏi với những cưu mang dài hạn vô ngần.

Chị Phước, bạn tôi, làm việc ở thư viện và tham gia chương trình này. Cách đây mấy tuần, chị gọi tôi và xin vài tấm hình lúc tôi còn ở trại tị nạn và nếu có thể viết vài dòng về thời gian ở trại. Đã lâu lắm rồi, tôi chưa có dịp xem lại những tấm hình của những ngày xa xưa cũ và tôi cũng chưa thật sự viết gì về đoạn đời lưu vong này. Đây đó những kỷ niệm vụn vặt, đứt khúc trong những bài viết của tôi mà thôi. Tôi nói tôi không dễ gì viết được. Tôi cần cảm xúc. Tôi hỏi chị: “Vậy chớ em gửi một bài thơ cũ cũng viết về đoạn đời tị nạn của em được không?” Thế là tôi gửi chị bài thơ theo thể tự do mà tôi viết cách đây mấy năm. Đó là bài thơ với cái tựa “Đoạn đời tị nạn”. Chị đọc và thích. Chị đã dịch ra tiếng Mỹ và cần một vài tấm hình cũ để minh hoạ cho bài thơ này.

Thời gian ở trại tị nạn Hồng Kông, về mặt vật chất rất tốt. Tôi được quyền đi làm, mà thật ra là phải đi làm để kiếm sống. Trại chỉ cung cấp chỗ ở. Tiền nước, tiền điện và tiền sinh hoạt hằng ngày là tự mình đi làm kiếm ra. Lúc bấy giờ, được đi làm là một diễm phúc vì có tiền mua quà gửi về cho người thân ở quê nhà. Gia đình tôi còn trong vòng chờ đợi nước thứ ba cho phép nhập cư. Những người được Mỹ chấp thuận ở trại khác, an ninh hơn và được nuôi ăn, nuôi ở. Họ không được phép đi làm. Thấy chúng tôi có tiền rủng rỉnh mua quà gửi về nhà, ai nấy cũng mơ ước được đi làm. Nhưng mà trời đâu cho ai hết mọi thứ và cũng đâu nỡ lòng nào lấy hết mọi thứ. Được cái này thì mất cái kia. Trong thời gian chín tháng ở đó, tôi chứng kiến rất nhiều trận đánh nhau đẫm máu. Suýt chút xíu tôi cũng đã là nạn nhân rồi. Những mâu thuẫn giữa người miền Nam và Bắc càng lúc càng leo thang cho đến một ngày nó vỡ òa ra như cơn hồng thủy. Tôi tưởng như mình lại lọt thỏm vào chiến tranh một lần nữa. Gia đình tôi và vài người bạn lại di tản ra khỏi trại. Chúng tôi sống nhờ ở trên một cầu tiêu của một người chủ hãng của người bạn trong nhóm. Đêm về, khi thợ thuyền của ông về hết, chúng tôi mỗi người có một tấm cạc tông làm giường, ngủ dọc theo hành lang của hãng. Ông chủ người Tàu thật tốt bụng. Chúng tôi có nồi cơm điện. Ông cho mượn cái bếp điện. Và những buổi cơm tạm bợ rồi cũng qua. Sau vài tuần lao đao lận đận như thế. Khi trại đã trở nên ổn định, bình yên hơn, chúng tôi lục đục kéo nhau về. Đêm nào tôi cũng cầu nguyện cho chúng tôi được rời nơi này sớm hơn, dù đến nước nào cũng được. Nhưng phải nói rằng, đến được nước Mỹ là một món quà lớn mà thượng đế đã cho gia đình tôi. Cô em tôi và tôi đã được chính phủ Mỹ giúp đỡ đi học lại. Được nhận một số học bổng và được mượn tiền cũng như được làm việc trong trường để trang trải học phí và nơi ăn chốn ở trong suốt năm năm trường. Và hai cháu tôi cũng được cắp sách đến trường mà tôi không phải trả tiền, dù chỉ một đồng. Ăn trưa ở trường chính phủ cũng cho. Nhớ lại những khó khăn, có đôi khi làm tôi mệt mỏi trong thời gian ở trại tị nạn chỉ làm tôi nhớ nhung thêm mà thôi. Nó chưa hề làm chùn chân tôi. Tôi luôn nhìn về phía trước và nghĩ trạm dừng chân này chỉ là tạm bợ. Một tương lai hứa hẹn hơn đang chờ phía trước, nên vui.

Ở Hồng Kông, tôi đã làm rất nhiều nghề, từ may những cái túi đựng máy chụp hình đến vặn những con vít hơn một ngàn con, hay ngồi luồn những sợi dây điện mười tiếng đồng hồ mỗi ngày. Nhưng nhớ nhất là công việc cuối cùng trước khi tôi được nước Mỹ nhận và tôi phải chuyển trại. Tôi làm thợ gắn và hàn những capacitor và resistor của bàn phím máy computer. Bây giờ tiếng Việt mình gọi là vi tính. Thật tình lúc bấy giờ tôi không hiểu máy vi tính là máy gì. Ngày xưa, vào những năm cuối của trung học, tôi có nghe đến máy IBM, tú tài IBM, chỉ vậy thôi. Một hôm, tôi được người trưởng nhóm dẫn vào trong một căn phòng với nhiều máy vi tính. Tôi nghĩ là hãng tôi làm máy truyền hình. Tiếng Tàu thì không biết. Tôi chỉ biết đếm từ một đến mười đủ để đi chợ mua thức ăn mà thôi. Ông nói gì cũng gật, ông giải thích gì cũng cười. Đến khi ông gõ vào bàn phím, trời ơi, một hàng chữ màu xanh xuất hiện trên màn hình làm tôi sững nguời. Lần đầu tiên tôi thấy. Ông càng gõ, chữ nghĩa cứ thế nối đuôi nhau xuất hiện trên màn hình. Tôi thấy mình như thông thái thêm. Tôi thấy mình như trí thức thêm. Mong mau mau về nhà để ta đây với con nhỏ em. Thật ra tôi có hiểu ổng nói gì đâu.

Chiều về tôi thủ thỉ với con nhỏ em là hãng tôi làm máy truyền hình. Rồi còn diễn dịch như một trí thức gia: “Em biết người ta kiểm tra máy truyền hình bằng cách nào không?” Con nhỏ em tôi lúc nào cũng xem tôi như thần tượng của nó mà. Tỏ ra hãnh diện về tôi ghê lắm, đi đâu cũng ca ngợi tôi. Nó luôn làm tôi mắc cở đến muốn độn thổ luôn. Nó dồn dập hỏi: “Họ kiểm tra làm sao? Kể em nghe đi. Kể đi họ làm sao.”. Tôi làm một tràng như pháo nổ đêm ba mươi : “Nghe nè, họ gắn bàn máy đánh chữ vào máy truyền hình, rồi họ gõ chữ vào, từng hàng chữ hiện lên màn hình. Nếu có chữ hiện ra là máy tốt. Vậy đó.” Con nhỏ em mặt mày tươi rói : “Chà, hay quá há. Mình xem truyền hình mà đâu biết họ làm sao đâu. Cũng công phu quá chớ. Mà bộ chị hiểu tiếng Tàu hay sao mà chị biết ông chủ của chị nói gì”. Tôi luôn trả lời như một nhà thông thái tầm cỡ: “Thì mình nghe, nhìn, rồi đoán đó mà. Chị đoán đâu là đúng đó, không tin hả.” Đó là công việc làm cuối cùng khi tôi rời trại Hồng Kông để đến trại chuyển tiếp Bataan, Phi Luật Tân. Sau bốn tháng ở đó, gia đình tôi đến Mỹ vào cuối tháng 9 năm 1982.

Nơi đây trời vào thu. Lá đã đổi màu vàng tím đỏ, đâu đó cũng còn những chiếc lá xanh quyện vào nhau thật quyến rũ. Mùa thu nơi tôi ở rất đẹp, rất nên thơ. Và muời ngàn hồ với giòng sông Misssissippi chảy ngang chia đôi thành phố. Gió se lạnh, từng chiếc lá vàng rơi. Rơi trên tóc, trên vai như vỗ về tôi hãy kiên nhẫn, hãy bình tĩnh. Những khó khăn bước đầu nếu có rồi cũng sẽ qua. Tôi nghe như tiếng gió thì thầm bên tai tôi. Tôi thả bộ dọc theo bờ hồ Nokomis. Mặt hồ yên tỉnh lạ thường mà lòng tôi ngổn ngang trăm mối. Giòng tư tưởng trong tôi bỗng dưng đứt khúc khi tôi nhìn thấy môt con cá thật lớn. Mình cá có vảy giống như con cá rô bên mình. Thời đó chỉ có một tiệm bán thực phẩm Việt Nam thôi. Rất đắc và xa. Vừa đi vừa về bằng xe buýt mất hết nửa ngày, nên ít khi đi. Lòng muốn lượm đem về nhà nhưng sợ. Tôi quay qua hỏi ông anh tôi: “Em muốn lượm đem về có sao không?” Ông anh tôi trố mắt nhìn tôi: “Đem về làm chi? Họ câu chơi thôi. Họ không ăn nên họ bỏ đó.” Tôi cười sung sướng. Nhìn chung quanh và biết chắc là không có ai. Tôi mang về. Buổi cơm tối đó, tôi lấy cái đầu cá và khúc đuôi nấu một tô canh chua với thơm và cà chua. Còn khúc mình thì chiên dòn chấm nước mắm. Cả nhà tôi đã có một buổi ăn thật ngon và nhớ đời.

Rồi muà thu đầu tiên cũng qua đi, niên học mới bắt đầu. Tôi không nghĩ là tôi có thể đứng xắt thịt và xắt rau cả đời. Tôi và con nhỏ em quyết định đi học trở lại. Ngày đầu tiên con nhỏ em tôi và tôi đi ghi danh học trở lại, tôi mới nhìn thấy và biết là cái màn hình mà tôi thấy lúc tôi làm ở hãng điện tử bên Hồng Kông không phải là máy truyền hình mà là máy vi tính. Con nhỏ em tôi nhìn tôi rồi tôi nhìn con nhỏ em tôi. Bỗng dưng hai chị em cùng phá lên cười mặc kệ những ánh mắt nhìn tò mò của những học sinh đứng gần đó. Thôi rồi, từ đó về sau tôi không còn là thần tượng của con nhỏ em tôi nữa.

Khi còn ở trại Hồng Kông, vì phải đi làm mỗi ngày nên bạn bè cũng ít, chỉ có vài người đi cùng thuyền và ở chung, nên ngày đưa tiễn cũng lặng lẽ. Tôi và con nhỏ em cùng hai cháu ra đi trước. Bốn người bạn chưa được nước thứ ba chấp thuận nên còn kẹt lại. Sau này mới biết là ba người định cư ở Úc, môt người định cư ở Canada. Cũng liên lạc được một thời gian nhưng rồi dòng đời trôi nổi, mất dấu nhau từ đó đến giờ.

Đến trại tị nạn Bataan, bỡ ngỡ bước đầu. Xếp hàng và được phân công nhà ở. Mỗi căn sáu người. Gia đình tôi có bốn nguời nên được thêm vào hai người độc thân, một trai và một gái. Nhận nhà xong xuôi, tự làm quen, giới thiệu với nhau. Tình bạn trong khó khăn đến với nhau thật dễ dàng. Mấy chị em bạn gái cùng nhau nấu ăn chung rất vui vẽ. Môt hôm, mới vừa ăn xong, chị bạn ở cùng nhà ra sau bếp để dọn dẹp, bất ngờ chị lăng đùng ra xỉu, nằm bất tỉnh. Tôi nghe một cái đùng, chạy ra xem chị ra sao. Tôi thấy chị mặt mày tái xanh, sùi bọt mép. Tôi lính quýnh vì sợ quá. Từ nhỏ đến giờ có bao giờ thấy cảnh này đâu. Không biết làm gì, la toáng lên. Anh ở cùng nhà chạy xuống. Anh cũng như tôi, chôn chân đứng sững. Bỗng tôi nhớ đến hồi còn ở quê nhà, người ta hay cạo gió, thế là sẵn dầu hôi trong cái rechaud cạnh đó, tôi thấm vào lưng, cạo gió cho chị. Vậy mà mấy phút sau thấy chị cục cựa, mở mắt ra nhìn tôi. Hai hàng nước mắt trong đôi mắt chị và đôi mắt tôi như đan quyện vào nhau trong nỗi vui mừng khó tả. Cho nên bây giờ hể có ai lăn đùng ra xỉu là tôi cứ đè ra cạo gió. Chắc có ngày đi ở tù quá.

Sau đó hai tuần thì chị tìm gặp được người thân cũng ở cùng trại mà khác vùng. Thế là một sự trao đổi xảy ra. Người đàn ông ở nhà người thân chị qua ở với chúng tôi, và chị qua thế chỗ người đàn ông. Cái số tôi là số đầu bếp, là số phục vụ hay sao nên cứ phải nấu cơm, nấu nước hầu hạ thiên hạ hoài thôi. Lúc ở trại tị nạn Hồng Kông cũng thế, cũng được chia ở chung với đàn ông con trai. Rồi cũng cơm cũng nuớc. Qua Mỹ cũng vậy, hết bà con rồi đến bạn bè cũng toàn là phái nam mướn nhà ở trọ chung với nhau. Rồi tôi cũng cơm, cũng nước và giờ đây là ông xã Lộc và Bi Bo của tôi. Ôi! suốt đời tôi là đầu bếp. Nói thế chứ, có đàn ông trong nhà cũng yên tâm hơn. Một người thì giúp tôi đi xách nước. Một người thì đi chụp hình kiếm tiền mua thêm những thứ cần thiết khác. Tôi và con nhỏ em thì lãnh phần đi nhận thức ăn và nấu nướng. Hai đứa nhỏ thì vui chơi rong ruổi với bạn bè. Anh thợ chụp hình đến từ Hồng Kông nên anh tậu được máy chụp hình. Gia đình tôi phụ anh đi giao hình sau khi gửi phim ra ngoài thành phố lớn Manila sang. Đêm đêm mấy anh em ngồi bỏ hình vào từng bao ni lông, rồi kể chuyện gia đình cho nhau nghe. Mấy anh em sống thật hoà thuận và vui không tả xiết. Ông thợ chụp hình có tính hài hước, hay kể những chuyện tiếu lâm. Mấy anh em cười hết cở nên sáng nào cũng bị hàng xóm mắng vốn. Nhưng có một kỷ niệm mà tôi không thể nào quên. Nó bám riết lấy tôi. Đó là trận bão năm 1982.

Mưa như trút. Mưa xối xã. Cái vườn xoài chia hai khu vực trại. Những nhánh cây xoài lũng lẳng từng chùm quằng mình trong những cơn gió bão bùng. Mưa cả đêm. Gió gào thét. Căn hộ bằng ván mà chúng tôi ở rung rinh. Chúng tôi ngồi chụm lại với nhau. Cúp điện, tối thui. Sợ. Sáng ra, nhà cửa, đường sá ngập lụt. Mấy anh em được nghĩ hoc, ở nhà dọn dẹp, mệt đừ vây mà vui vì được nghỉ học. Thật buồn cười, chừng đó tuổi mà được nghỉ học, cũng vui mừng như một đứa trẻ. Ban đêm không có chỗ ngủ. Mấy anh em bàn với nhau leo lên cái gát. Gọi là gát, chứ đó chỉ là cái chỗ trống trên mái nhà, thấp lè tè, để cất đồ không xài tới mà thôi. Thật ra, ở căn hộ bằng ván này mấy tháng rồi chứ có bao giờ leo lên trên đó làm chi đâu. Vậy mà đêm đó mấy anh em mang mền mùng chiếu gối lên trên đó ngủ. Bụi bặm lớp lớp trông ghê lắm. Nhưng rồi điều kiện nào rồi cũng phải sống. Mấy anh em nằm xếp lớp, kể chuyện đời xưa, rồi ngủ lúc nào không hay. Đến nữa đêm, tôi giật mình tỉnh đậy vì thấy nhột ở nách, sờ vào thấy mềm mềm, bắt ra là con chuột. Trời ạ, cho đến bây giờ khi tôi đang ngồi viết mấy giòng chữ này, tôi vẫn còn rùng mình, ớn lạnh. Một cảm giác rờn rợn vẫn như đang chạy dọc theo xương sống của tôi. Tôi bật dậy, thất thanh la hét, á khẩu không nói được tiếng nào. Người tôi run lập cập, tay chân toát mồ hôi hột, đến nổi mà hai anh ôm tôi, vỗ về tôi một hồi mà tôi vẫn còn run như cậy sấy. Và sau đó là nước mắt nước mũi tèm lem. Cả đêm chẳng ai ngủ được. Kỷ niệm thì quá nhiều. Muốn giữ điều gì, muốn nhớ điều gì là tùy mỗi người chọn lựa, với tôi hình như những kỷ niệm của những đoạn đời khốn khó là những kỷ niệm sâu đậm nhất. Nó bám lấy dày vò tôi. Nhưng lúc nào tôi cũng thấy nó đẹp. Đẹp vô cùng!

Những tấm hình cũ cứ làm tôi nhớ lại hết chuyện này chuyện kia. Chuyện bán gạo lấy tiền bỏ ống. Chuyện lâu lâu thưởng mấy anh em thêm chút thịt hay thêm chút cá, hay hơn nữa là được chai xá xi hay nước cam. Chuyện hai đứa nhỏ, một vài viên kẹo hay vài viên me ngào đường giống như ngày xưa mình thường ăn me cam thảo có hình bìa Bạch Tuyết, Hùng Cường cứ gợi nhớ trong tôi. Tôi nhớ có lần mua được 3 viên me ngào đường mà gia đình tôi có đến bốn nhân khẩu. Thèm quá mà không biết sao mà chia. Nhưng rồi, hai viên cho hai đứa nhỏ. Còn lại một viên, tôi một nửa, con nhỏ em một nửa. Giờ đây, khi nào ăn viện kẹo me ngào đường là tôi lại nhớ đến một nửa viên kẹo me ngào đường ở trại tị nạn Bataan. Rồi hai đứa nhỏ có bạn, chúng cùng bạn bè đi bắt nòng nọc về nuôi mà tôi tưởng là hai đứa nuôi cá. Sau mới biết đó là nòng nộc là nhờ một hôm anh bạn đến nhà thăm chơi, hai đứa mang ra khoe. Trời nóng nên hai đứa hay ở trần, cà nhỏng ngoài đường suốt ngày. Bây giờ nhìn hình thấy thương quá đổi. Nhìn hình đứa cháu gái ở trần, sao mặt thì buồn hiu mà nhớ quá một thời khó khăn.

Tôi trở về chuyện bán gạo đây. Mấy anh em nghe bạn bè nói là mấy bà người Phi hay đi ngang qua nhà hỏi mua gạo. Nghe chữ rice…rice…rice….là bả muốn mua gạo đó. Thức ăn thì tạm đủ ăn nhưng gạo thì bao giờ cũng dư, dồn đầy bao cất dưới gầm giừơng mà không biết phải làm gì. Thế là một buổi chiều nọ, mấy anh em bàn nhau nên bán gạo để có chút tiền. Ngồi chờ cả buổi không thấy ai đi ngang qua, đang rầu rĩ râu ria thì thấy có một bà người Phi xuất hiện và nghe mấy chữ “Rice…Rice…Rice.” Mấy anh em mừng quá nhưng ai nấy đều mắc cở không ai dám chịu ló mặt ra để trả lời là có gạo muốn bán. Thậm thụt thậm thò một lát rồi một anh chường mặt ra nói “Yes! Yes! Rice”. Thế là đong là đếm là có tiền. Mấy anh em có một bửa ăn thật ngon lành với đủ vị cho ngày hôm sau. Từ đó, hể ăn dư gạo là cứ dồn vào bao. Khi bao đầy thì bán. Tôi lượm được một cái lon để đựng tiền mấy anh em xài chung. Tôi được bầu làm thủ quỹ. Anh thợ chụp hình và gia đình tôi đến từ Hồng Kông nên quần áo tạm đủ dùng, còn anh kia từ trại Bi đông, Mã lai đến thì cần thêm quần áo. Anh là người nhận được giấy báo đi Mỹ đầu tiên trong nhóm sau bốn tháng học tiếng Mỹ và văn hoá Mỹ để khỏi quá bỡ ngỡ cũng như để những cơ quan thiện nguyện tìm được người bảo trợ cho mình. Mấy anh em quyết định mua cho anh một cái quần Jeans để anh mặc đi định cư ở Mỹ. Tôi lấy cái lon ra, rồi ngồi đếm. Đếm xong, thấy chưa đủ để mua cái quần, nên phải chờ bà Phi đi ngang qua hỏi “Rice…Rice…Rice”. Vài ngày sau, bà người Phi xuất hiện. Tiền đủ, cả nhà dẫn nhau ra chợ. Hồi đó chỉ có cái quần Jeans mà mặt mày chúng tôi hớn hở lạ kỳ. Tôi không thể nào quên ánh mắt nhìn của anh, long lanh vui như một đưá trẻ. Về đến nhà, anh mặc thử vào, ngắm nghía cứ hỏi tôi “Tiến thấy anh mặc có đẹp không?” Anh xoay vòng, nhìn ngắm lui tới hoài. Cả nhà có một buổi tối thật vui. Không biết bây giờ anh có đếm nổi trong tủ anh có bao nhiêu cái quần Jeans và anh có bao giờ nhớ đến cái quần Jeans mua từ những lon gạo mà mấy anh em đã để dành không? Cũng đã hai mươi tám năm rồi tôi không có dịp liên lạc với anh. Tưởng là anh đi định cư trước, không ngờ sau đó vài ngày, gia đình tôi cũng nhận được giấy báo. Anh và gia đình tôi đi cùng chuyến bay qua Mỹ. Anh về tiểu bang Georgia. Gia đình tôi về Minnesota. Anh thợ chụp hình còn ở lại thêm thời gian nữa, qua sau chúng tôi một tháng đến tiểu bang California.

Trong những tháng đầu tiên đến nơi ở mới, chúng tôi có liên lạc thư từ với nhau. Rồi đời sống bận rộn, chuyển chỗ ở nhiều lần làm chúng tôi mất tin nhau, đến bây giờ là gần ba mươi năm rồi. Cách đây mấy hôm tôi đi tìm những tấm hình tôi chụp quên trại tị nạn để gửi cho chị bạn. Tôi tìm thấy những tấm hình xưa cũ này. Chúng nằm trong một quyển album đã cũ, ngã màu vàng úa. Chúng làm tôi nhớ quá những người bạn năm xưa. Thế là, tôi email, tôi gọi điện thoại liên lạc với những người tôi quen ở San José để hỏi thăm và nhờ tìm giùm. Tôi nhớ mang máng anh thợ chụp hình chắc còn làm nghề chụp hình và nghe đâu hồi mới qua Mỹ anh làm cho một tờ báo. Tôi nói với bạn tôi anh cở tuổi bảy mươi, hồi xưa làm cho tờ báo Thằng Bờm. Vậy mà, hôm qua, tôi nhận được tin từ người bạn với số điện thoại của anh. Tôi liền gọi và đầu giây bên kia trả lời “Báo Thằng Mõ đây.” Tôi do dự, sợ bạn tôi có nhầm lẫn không? Nhưng rồi nghe tiếng gọi vang lên trong điện thoại : “Sỹ ơi, có điện thoại, ai gọi cho Sỹ nè”. Rồi nghe: “Tới liền, tới liền”. Giọng anh vẫn còn rất khoẻ. Thỉnh thoàng tôi cũng tự hỏi không biết anh còn hay mất với tuổi bảy mươi. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Đó là anh thợ chụp hình Thân Trọng Sỹ, một người bạn rất thân tình sống cùng một nhà ở trại tị nạn Bataan với gia đình tôi. Còn anh được mặc cái quần Jeans mua ở trại tị nạn Bataan đi định cư ở tiểu bang Georgia, tôi không biết ở đâu mà tìm. Thôi thì hạnh ngộ hay chia lìa là duyên. Nếu còn duyên thì còn gặp lại. Hết duyên thấy gần đấy nhưng lại xa nghìn trùng!

Anh nhận điện thoại và nói: “Tôi là Sỹ đây, dạ xin lỗi ai vậy”. Tôi reo mừng trả lời : “Kim Tiến đây anh Sỹ à. “Tôi có thể đoán được là anh cũng reo mừng không kém gì tôi. Một đoạn đời tị nạn bỗng dưng như một cuốn phim quay chậm hiện về. Rồi chưa hỏi gia cảnh của tôi hiện giờ ra sao như những câu hỏi xã giao thường tình, anh nói gì các bạn có biết không? Anh khoe: “Tiến à , anh có gia đình và có một đứa con đươc 13 tuổi. Tôi chưa kịp hỏi gì thì anh hỏi thêm: “Tiến có nhớ cái đêm vì lụt lội nước vào nhà, mấy anh em lên cái gát bụi bặm, dơ dáy ngủ và nửa đêm có con chuột chui vào nách của Tiến, Tiến đã khóc lóc và run rẩy như con thằn lằn đứt đuôi không?” Trời ạ, làm sao mà tôi có thể không nhớ! Vì trong giờ làm việc nên tôi không muốn làm phiền anh, tôi hẹn lúc khác sẽ gọi lại. Cúp máy xong, tôi nhớ là anh chưa kịp nói với tôi con anh là trai hay gái. Mà trai hay gái chắc anh cũng quá vui mừng khi có con ở tuổi 55!

Làm sao mà tôi có thể quên được những gì mà tôi đã trải qua. Những người bạn đã đi qua đời tôi luôn để lại trong tôi những yêu dấu lạ kỳ. Nỗi nhớ bạn bè cứ thế mà đong đầy trong trái tim tôi. Tôi thấy mình quá giàu có, bạn ơi!

Nguyễn Kim Tiến
03 tháng 09 năm 2010
  

   Số lần đọc: 2498

9 BÌNH LUẬN

  1. RE: Tị Nạn
    Bài kể thật hay và đậm đặc những hồi tưởng giàu cảm xúc. Có lẻ vì nó rất thật nên câu chuyện hay quá Kim Tiến ơi!

  2. TỊ NẠN
    Mình rất thích bài viết của bạn.Bạn viết hay,lôi cuốn người đọc,qua đó giúp mình hiểu thêm nhiều điều về cuộc sống nơi đất khách quê người.Cám ơn bạn.

  3. RE: Tị Nạn

    Nhưng mà trời đâu cho ai hết mọi thứ và cũng đâu nỡ lòng nào lấy hết mọi thứ. Được cái này thì mất cái kia.

    [i]Đúng vậy, bạn ơi… ! Ở đâu cũng vậy và thời nào cũng vậy, mọi người ai ai cũng đều “được cái này thì mất cái kia”.
    Ra ngoài này tôi cũng “đụng gì làm nấy, gọi là thợ đụng” — việc nó chọn mình chớ mình có rất ít cơ hội để chọn việc, miễn là mình đừng có làm chuyện gì phạm pháp thôi.[/i]

  4. RE: Tị Nạn
    Bài viết rất thật, lôi cuốn người đọc…Rất cảm động hoàn cảnh bạn bè cùng giúp đỡ, cùng sẻ chia nhau trong hoạn nạn, góp tiền bán gạo để mua cho bạn cái quần jean mặc đẹp để đến nước thứ 3….
    Cuộc sống tị nạn là vậy đó có mấy ai được đầy đủ, nhưng cũng cho ta nhiều kỷ niệm khó quên trong đời, phải không Kim Tiến, nhờ vậy bài viết KT càng hay hơn!
    KL

  5. RE: Tị Nạn
    Câu chuyện Tị nạn của Kim Tiến viết thật hay.Vượt mọi khó khăn trong thời gian tị nạn ắt hẳn không bao giờ nhòa trong trí mọi người.Một anh Sỹ nghe điện thoại đã rộn ràng kể chuyện mưa lụt,nhắc lại con chuột nằm cùng Tiến và nỗi hãi hùng của Tiến .KC đọc mà nước mắt cứ chảy ra.Câu chuyện làm động lòng người trước cảnh người thân tha phương.KC thấy KT giàu nghị lực lắm.

  6. RE: Tị Nạn
    Một bài viết rất hay ,rất thật nên hấp dẫn người đọc một lèo từ đầu trang đến cuối trang trong một lúc cho dù có bận rộn đi nữa, cám ơn KIMTIẾN rất nhiều, văn phong của bạn súc tích , thâm thuý và rất sâu sắt nên đọc rất dễ cảm thông, chúc KIMTIẾN luôn vui, khoẻ.

  7. Tị Nạn
    Đọc bài của Tiến làm mình nhớ lại những tháng ngày mình đã sống… những ngày vui khi tất cả cùng khổ cùng nghèo cùng tay trắng nhưng sống gắn bó đùm bọc lẫn nhau như anh chị em một nhà!!! Một thời gian ngắn của đời người nhưng in rất đậm nét trong ký ức của mình… và mình luôn cảm ơn những người bạn, người chị đã một thời cùng mình chia sẻ rất nhiều thứ!!!

  8. RE: Tị Nạn
    Mình cảm ơn các bạn đã đọc và chia sẻ những kỷ niệm một đoạn đời tị nạn của mình.

    Phải chi mà mình có đủ tài để kể hấp dẫn hơn, hết những gì mà mình đã trải qua như một cuốn phim có mở đầu và kết thúc hỉ.

    Lâu lâu mình mở ra một ngăn tủ kỷ niệm rồi kể cho các bạn nghe nhé. Có được không? :=)

    Hôm nào mình kể đoạn đời sau 75, những ngày tháng ở chợ trời đường Lê Thánh Tôn,(SG) gần chùa bà Đen. Ai đã từng kiếm sống ở chợ trời, có bao giờ ngậm ngùi nhớ lại? Mình thì vẫn nhớ như in bạn ơi.KT

BÌNH LUẬN

Vui lòng viết bình luận của bạn
Vui lòng điền tên của bạn ở đây

Bài Cùng Tác Giả