Trang sinh hoạt của Cựu Giáo Sư và Học Sinh trường Trung Học Cường Đễ Qui Nhơn

Duyên Văn Học

Tôi may mắn gặp duyên Văn học từ năm tôi học lớp Đệ ngũ, trường Trung Học Cường Để Qui Nhơn, gặp được Thầy Nguyễn Đức Giang dạy môn Quốc Văn kiêm GS cố vấn, mỗi tuần lớp tôi được Thầy dạy bảo đến 7 giờ. Các bài văn nghị luận luân lý và nghị luận văn chương tôi thường đạt điểm cao kèm theo những lời Thầy phê đầy khích lệ. Từ ấy, tôi yêu thích môn Văn. Cuối niên khóa, Bộ Quốc Gia Giáo Dục tổ chức Trại Hè Toàn Quốc, tại bãi biển Mỹ Khê (Quảng Ngãi), cho các trường Trung học Công lập, chỉ thị mỗi lớp chỉ được chọn 2 học sinh tham dự. Thầy Giang chọn tôi (dân Bích báo), và Phạm Khả Thinh (dân đá banh), khiến tôi càng phấn khởi, bài thơ đầu tay của tôi “Mùa Hoa Phượng” chào đời trong dịp này (Trích đoạn giữa):

Sân trường cánh lửa bay theo gió,
Đốt vội thời gian chín tháng qua.
Mái Trường Cường Để thân thương quá!
Náo nức tin vui dự trại hè.
Mỹ Khê, Toàn quốc về muôn ngả:
Dừa, Biển, Thầy Trò, Quyện tiếng ve…

(Bài luận văn 4 trang, Trích nhập đề và kết luận)

Năm học lớp Đệ tam ở Nha Trang, tôi được dịp đọc say mê hai tác phẩm của GS Lê Hữu Mục, đó là bộ sách Khảo luận về Khái Hưng và Nhất Linh, xuất bản trong những năm 1955, 1956. Từ ấy, tôi bắt đầu tìm hiểu, học hỏi thể loại này qua các sách khảo luận về: Truyện Kiều, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu…

Cũng trong năm học Đệ tam, tôi lại gặp duyên may được Thầy Cường dạy môn sử. Bài giảng của Thầy không khô khan khó nhớ, trái lại mượt mà lôi cuốn như đang kể chuyện đời xưa. Tôi còn nhớ mãi lời Thầy giảng: Vua Quang Trung vỗ nhẹ vào vai thi thể Trịnh Khải, và nói: “Con người như thế này, nếu biết liệu đường sớm, thì ta không ngại gì mà không bảo toàn phú quý cho.” Bởi vậy, ngoài việc yêu văn chương, tôi còn thích thú với giờ học sử và môn sử.

Lúc tôi theo học ở Huế, được dịp tìm hiểu về Phương pháp sử của GS Nguyễn Phương, GS dạy sử ở Đại học Huế. Qua tài liệu, tôi được biết thuật ngữ “cận án” trong Sử học là gì và sự phân định giữa hai loại cận án. Nếu Cận án ngoại là cách tìm hiểu sử liệu có được chính xác và nguyên toàn không; thì Cận án nội là phương pháp xét đoán nội dung của sử liệu có đáng tin hay không? Tôi cũng đã hiểu thuật ngữ Biên niên sử là cách chép sử lấy thứ tự thời gian làm bố cục (như bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư) và Thông sử đề cập đến tất cả các lĩnh vực đời sống trong quá khứ từ: chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội…(như Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim). Cũng từ Phương pháp sử, tôi biết cách thế nào là sử dụng đúng những tài liệu từ Tiểu sử, Hồi ký, Tự thuật, Nhật ký (gồm Nhật ký tư và Nhật ký ký sự), Thư tín, Báo chí, Truyền đơn, Truyền khẩu…

Thời ấy, tôi cũng thường mua Tạp chí Đại Học do Viện Đại Học Huế ấn hành, để đọc say mê những bài thuộc thể loại biên khảo Lịch sử. Chẳng hạn như bài “Cái chết 8 người trong Gia đình Hồng Bảo” và bài “Giặc Chày Vôi.” Tôi cũng tìm được tài liệu cuộc tranh luận giữa GS Nguyễn Phương (Sử gia Miền Nam) và ông Văn Tân (sử gia Miền Bắc), hai sử gia cãi nhau nẩy lửa, cả hai đều dùng những ngón đòn tuyệt chiêu để bẻ gãy lập luận đối phương, trên một tờ báo ngoại quốc về đề tài: “Quang Trung và Nguyễn Ánh, Ai Đã Thống Nhất Đất Nước.

Lúc đi dạy, tôi tìm đọc các sách sử, chẳng hạn như: Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim (1964), Xứ Đàng Trong của Phan Khoang (1969), bộ Việt Sử Tân Biên (gồm 7 quyển) của Phạm Văn Sơn, Việt Sử Toàn Thư của PhạmVăn Sơn (1960), Quang Trung Nguyễn Huệ của Hoa Bằng (1944), Phan Đình Phùng của Đào Trinh Nhất (1945), Chủ Nghĩa Thực Dân Pháp Ở Việt Nam của Nguyễn Văn Trung (1963), Đại Việt Thông Sử của Lê Quý Đôn, Lê Mạnh Liêu dịch (1973), Vua Hàm Nghi của Phan Trần Chúc (1952), Bùi Viện Với Chính Phủ Mỹ của Phan Trần Chúc, Phong Trào Kháng Thuế Miền Trung của Nguyễn Thế Anh (1973), Quốc Hiệu Nước Ta của Bửu Cầm (1969), Nguyễn Du và Truyện Kiều của Nguyễn Bách Khoa (1942), Hạnh Thục Ca của Lễ Tần Nguyễn Nhược Thị Bích, Trần Trọng Kim phiên dịch (1950), Vua Quang Trung Nguyễn Huệ của Phan Trần Chúc (1957), Trông Dòng Sông Vị của Trần Thanh Mại (1956)…Đọc để học, để nâng cao kiến thức và rút tỉa kinh nghiệm ưu, khuyết điểm của mỗi tài liệu sử.

Về phương pháp biên khảo, tôi cũng được đọc: Phương Pháp Soạn và Viết Bài Khảo Luận của Nguyễn Hữu Phương (1971), Phương Pháp Viết Bài Khảo Luận và Sưu Tầm của Nguyễn Thái Lai (1972).

Tôi bắt đầu viết biên khảo từ những năm cuối thập niên 1960, nhưng nay chỉ còn lưu lại được hai bài: “Đào Tấn Trong Nền Ca Kịch Cổ Điển Việt Nam” đăng trong Đặc San Xuân Canh Tuất (1970), từ trang 8- 17, của Trường Trung Học Bán Công An Nhơn. Và bài “Đào Duy Từ, Cuộc Đời Và Sự Nghiệp” biên soạn để thuyết trình trong dịp lễ giỗ lần thứ 340 của Lộc Khê Hầu ngày 17- 10- Giáp Dần tức ngày 30- 11- 1974 tổ chức tại sân Trường Trung Học Đào Duy Từ, An Nhơn.

Trong buổi lễ, tác giả Đào Đức Chương trong lễ phục cổ truyền, thuyết trình đề tài “Đào Duy Từ, Cuộc Đời Và Sự Nghiệp”

Sau biến cố 30-4-1975, tôi bị tù “cải tạo” (sĩ quan biệt phái), ra tù lại bị quản chế ở địa phương. Trong hoàn cảnh “cá chậu, chim lồng” tôi đành phải thiêu hủy phần lớn sách sử, sách văn. Tôi ứa nước mắt, nhìn ngọn lửa phừng phựt nhảy múa, hủy hoại các tài liệu mà tôi khổ công sưu tầm góp nhặt và lưu trử từ bấy lâu nay; lòng đau thắt khi mất đi đứa con tinh thần. Mãi sau này, từ “kinh tế mới” về Sài Gòn cộng tác viết văn với Mộng Bình Sơn, tôi tìm mua ở các tiệm bán sách cũ, để tương đối phục hồi những sách vở đã bị thiêu hủy. Thế nhưng, tài liệu về cuộc tranh luận giữa hai sử gia, và tập báo ghi lại toàn bộ hình ảnh cuộc hành trình 8 ngày của phi thuyền Apollo 11, đưa 3 phi hành gia của Mỹ lên mặt trăng, không tìm thấy trong tất cả các tiệm bán sách cũ ở Sài Gòn.

Trong hoàn cảnh khó khăn nghiệt ngã, cuộc đời nhà giáo bị tức tử, tôi nhờ lời dạy của cụ Đào Tấn, như ánh hào quang rọi vào quảng đời đen tối:

Nguyên văn:

吾 家 世 業 惟 耕 讀
此 外 應 非 我 所期。

Phiên âm:

Ngô gia thế nghiệp duy canh độc
Thử ngoại ưng phi ngã sở kỳ.

Việt Thao phụng dịch:

Nhà ta nối nghiệp cày và đọc
Ngoài nữa, không gì được thích ưng.

Dòng huyết thống khiến tôi lấy lại tự tin, tự đứng dậy từ hai đôi chân của mình, làm lại cuộc đời, chuyển từ cầm phấn sang cầm bút thực hiện hoài bão, mà tôi ước mơ từ năm học Đệ Tam. Tôi bắt đầu biên soạn hai đề tài “Giọng Bình Định” và “Khảo Sát Thể Thơ Đường Luật.”

Và đầu thập niên 1990, tôi cộng tác với Mộng Bình Sơn, Nhà văn có 87 đầu sách đã xuất bản. Chúng tôi biên soạn hai tác phẩm: Nhà Văn Phê BìnhThi Ca Việt Nam Thời Cần Vương. Một kỷ niệm đẹp, lại một duyên văn học nữa đi vào ký ức:

Nửa đêm thức giấc nhớ Văn Nhân,
Cầu Chữ Y qua rẽ một lần.
Dương Bá Trạc đường quen mến bạn [1]
Luận bàn tác phẩm quá trưa say.
(Trích Nhớ Bạn Tri Âm, Đoạn 7/12)

Với tác phẩm Nhà Văn Phê Bình, khảo sát phương pháp phê bình của 18 Nhà văn phê bình thời tiền chiến (1932-1945), tôi lại được dịp tiếp cận nhiều tài liệu văn học và sử học quý hiếm của thế hệ 32-45, đầu tư dồi dào cho kiến thức biên khảo của tôi. Cũng nhân những tài liệu này, tôi biên soạn riêng một đề tài “Phan Khôi, Con Nguòi Và Tác Phẩm” viết tay trên 150 trang giấy khổ vở học trò.

Khoảng cuối tháng 5 – 1995, phần tôi biên soạn xong, copy bản thảo 523 trang viết tay, và trao cho Anh MBS để đánh máy.

Trên đây là những điểm nhấn Văn học mở đầu, những duyên may tích lũy trong thời gian dài, cho tôi đủ sức lấy đà, suốt 30 năm ở Hải ngoại biên soạn xong 18 tác phẩm, tại Thành phố San Jose, miền đất lành chim đậu.

Thay lời kết

Tóm lại, về Văn chương, tôi được may mắn học ở trường lớp; về Sử học, tôi cũng được may mắn học ở ngoài đời trong quá trình tìm đọc và nghiên cứu các tài liệu sử. Lại nữa, lúc còn trẻ tôi được lợi điểm là nhớ ngày tháng xảy ra các sự kiện lịch sử. Vì thế, lúc đi dạy tôi thường phụ trách môn Quốc văn và môn Sử địa.

Bởi học về Văn chương, lại thích sử, và nghiên cứu về quy tắc biên khảo, nên bài viết của tôi thường pha trộn ba thể loại ấy trong khi biên soạn. Nói rõ hơn, lối viết văn của tôi là đan xen thi ca có liên quan sự kiện, để củng cố cho lập luận, và kèm thêm hình minh họa để vi bằng. Tiêu biểu cho sự kết hợp này là bộ sử phẩm Cao Dao Nẻo Vào Lịch Sử, chia làm 4 thời đại, bao gồm 24 chương, lập thành 2 tập; đã đăng dài hạn từ ngày 3-9-2014 đến ngày 27-5-2017 trên Nguyệt san Viet Life Styles, ở Arizona. Ngoài ra, trong tập Sắc Hương Quê Nhà, có các chương: 2, 3, 7, 9; Dung Nhan Ngày Cũ, có các chương: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 10; và Giai Điệu Hồn Quê, có các chương 2, 5, 7, 8 cũng áp dụng sự kết hợp ấy.

Chỉ còn non một tuần nữa là đời tôi bước vào ngưỡng cửa 88, lạy Trời Phật thương tình cho kẻ “đầu thai lầm thế kỷ” (thơ Vũ Hoàng Chương) đã cho tôi đủ minh mẫn tự layout trót lọt 3 tác phẩm đúng tiêu chuẩn, được Nhà xuất bản Lulu.com ở Durham NC (North Carolina) nhận ấn hành, có bản lưu tại Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ, và có mặt trên kệ sách của Amazon books, Lulu.com, Walmart, eBay… cùng các trang mạng khác của Mỹ. Trước thềm Năm Mới 2025, tôi nguyện lòng trong năm tới (2025) phải hoàn tất việc tự layout và xuất bản 3 tác phẩm nữa, để lưu lại cho hậu thế, là mãn nguyện lắm. Rồi các năm sau nữa, với những tác phẩm còn lại, tuy đã biên soạn xong, nhưng không dám hứa vì còn tùy thuộc vào sức khỏe, một khi “lực bất tòng tâm.”!

Năm mươi năm nhìn lại, chỉ tiếc là số phận đời tôi đã trải qua 15 năm luân lạc (1975-1900). Một quãng đời sung sức nhất và bút lực dồi dào nhất, lại gặp phải hoàn cảnh nghiệt ngã “Thanh lâu hai lượt. thanh y hai lần” (Truyện Kiều) đã cướp đi 1/3 cuộc đời cầm bút!

Để kết thúc lời trần tình, theo tôi “Đời chỉ cho ta trái chanh (chua), ta phải cố làm ra ly nước chanh (chua ngọt) mà uống” (danh ngôn). Vậy, đời đã cho ta những duyên may, nếu ta vin vào hoàn cảnh đang khó khăn, mà thờ ơ không nắm bắt, sẽ lỡ cả Chuyến tàu đời. Vì thế, mượn câu thơ tôi viết trong những năm thập niên 1970:

Kiếp này vói hụt tầm tay,
Chờ ngàn năm nữa dịp này có chăng!

Nay được sửa lại để phù hợp với những lời tâm tình này:

Kiếp này nếu vuột duyên may,
Ngàn năm một thuở duyên này có không?

Viết tại thảo trang Thung Lũng Hoa Vàng
Ngày 25 tháng 11 năm Giáp Thìn (25-12-2024)
VIỆT THAO ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG

[1] Tư gia Mộng Bình Sơn tức Phan Canh ở 169 đường Dương Bá Trạc, Quận 8, Sài Gòn.

   Số lần đọc: 509

BÌNH LUẬN

Vui lòng viết bình luận của bạn
Vui lòng điền tên của bạn ở đây

Bài Cùng Tác Giả