LTS. Thầy Chương và Cô về tham dự Đại Hội Cựu Nữ Hộ Sinh Quốc Gia Kỳ II ở Orange County tháng 5 năm 2008 (Cô là Cựu NHSQG). Bài này là bài đầu của một loạt ba bài về du lịch sau khi đại hội, hai bài kế tiếp là về Las Vegas & Grand Canyon, và Mexico.
Hawaii, tiểu bang thứ 50 của Hoa Kỳ, là quần đảo nằm giữa Thái Bình Dương. Từ đông sang tây có các đảo: Hawaii, Maui, Kahoolawa, Molokai, Lanai, Oahu, Kauai, Niihau; trải dài từ khoảng 155º đến 160º Kinh độ Tây, và khoảng 19º đến 22º Vĩ độ Bắc. Đảo Hawaii lớn nhất, nhưng đảo Oahu mới là quan trọng vì có thủ phủ của tiểu bang, có thành phố Honolulu nổi tiếng, có trung tâm bảo tàng, có phi trường quốc tế, có Pearl Harbor tức Trân Châu Cảng đều nằm dọc theo bờ biển phía Nam.
H 1: Đảo Molokai nằm giữa đảo Maui và Oahu.
Ảnh chụp từ phi cơ sắp hạ cánh xuống phi trường Honolulu.
1/ Chuyến bay về miền cực nam nước Mỹ:
Đêm qua, Đại Hội cựu Nữ Hộ Sinh Quốc Gia Việt Nam với chương trình văn nghệ phong phú, kéo dài đến quá khuya. Sáng nay, thứ Hai ngày 7- 4- 2008, chúng tôi lại phải dậy sớm, để kịp chuyến bay. Đoàn du lịch 120 người, không thể cùng đi một chuyến, phải chia làm ba nhóm: Nhóm A, gồm 44 người, do chị Minh Tham phụ trách, đáp chuyến bay 1579, hãng hàng không Delta, cất cánh lúc 8 giờ 25 sáng. Nhóm B, gồm 15 người, do anh Phan Đình Minh phụ trách, đi chuyến bay của hãng hàng không American, lúc 10 giờ sáng. Nhóm C, gồm 61 người, do chị Tôn Nữ Ngọc Bích phụ trách, cũng mua vé hãng hàng không American, nhưng cất cánh lúc 5 giờ chiều, cùng ngày.
Nhóm A và B tuy khác hãng máy bay, nhưng cùng cất cánh vào buổi sáng, nên lúc 5 giờ 30 sáng rời Little Saigon quận Cam đến phi trường Los Angeles trên một xe bus. Theo lịch trình chuyến bay, nhóm A, có mặt ở Hawaii sớm nhất, sau 6 giờ bay trên Thái Bình Dương, sẽ đến lúc 11 giờ 30 sáng (giờ địa phương). Bất ngờ vì lý do kỹ thuật, mãi đến 12 giờ trưa (giờ California) máy bay mới cất cánh, nên 3 giờ chiều (giờ Hawaii) mới đến phi trường quốc tế Honolulu trên đảo Oahu.
Cô Suzie Nguyễn (tên Việt là Tâm), nhân viên Công ty Hawaii Global Holiday đón chúng tôi tại phi trường và dùng hai xe bus nhỏ chở đến khách sạn Waikiki, địa chỉ 130 Liliuokalani Avenue, Honolulu; ở ngả tư đại lộ Liliuokalani và Koa. Đoàn chúng tôi, phần lớn ở tầng 7 của khách sạn, vì hết phòng, số còn lại, xuống ở tầng 6.
Đêm về, trên đường dọc theo bờ biển, đông nghẹt du khách dạo phố. Không những người Mỹ từ các tiểu bang khác về đây vãn cảnh, mà còn nhiều du khách ngoại quốc cũng tấp nập đến thăm viếng quần đảo đầy thơ mộng này. Nơi đây, có nhiều loại trái cây nhiệt đới như mít, xoài, nhãn, thơm… Nhãn Hawaii, ngon nổi tiếng, vỏ mỏng, cơm dày, mọng nước và ngọt lịm. Đến với Hawaii, du khách tìm thú vui lướt sóng, tắm biển; còn thấy tận mắt những miệng núi lửa đã nguội lạnh, những vết tích của dòng nham thạch bồi đắp cho các bờ biển tạo những hình thù lạ mắt. Hawaii còn có những vũ điệu độc đáo, thể hiện nét văn hóa đặc thù của thổ dân. Và nhất là đến Oahu để viếng Đài Kỷ Niệm USS Arizona ở Pearl Harbor, một chứng tích lịch sử.
2/ Waikiki, bãi tắm thần tiên:
Rỗi rảnh cả buổi sáng ngày 8- 4- 2008, chúng tôi sinh hoạt riêng, tốp năm tốp ba dạo phố. Có nhóm mua vé xem các màn trình diễn trong thành phố. Có người rủ nhau đi chợ Tàu mua trái cây nhiệt đới. Nhưng phần lớn, họ dành hết thì giờ ra bãi biển Waikiki, rất gần khách sạn chúng tôi đang ở, chỉ đi bộ vài phút.
H 2: Bãi tắm Waikiki ở Honolulu trên đảo Oahu.
Thành phố Honululu ôm choàng bờ biển hình bán nguyệt đầy thơ mộng, với cát mịn trắng phau, hàng dừa xanh rợp bóng. Nước biển trong xanh, nhấp nhô những con sóng hiền lành, làn gió nhẹ mát rượi thơm thơm mùi biển mặn. Bãi tắm an toàn, bằng phẳng, nước không ngập đầu người, và có con lươn bằng xi măng ngăn cách khu vực tắm với biển sâu; đề phòng cá dữ và sóng lớn bất thần đổ ập vào bờ, kéo người ra khơi.
3/ Thăm Trung Tâm Văn Hóa của thổ dân:
Đúng 1 giờ 30 trưa, hai xe bus lớn của Công ty Hawaii Global Holiday chở chúng tôi đến khu Polynesian Cultural Center ở phía Bắc đảo Oahu. Vợ chồng tôi thuộc nhóm A, do chị Minh Tham phụ trách, lên xe số 525, có bà Suzie Nguyễn làm hướng dẫn viên du lịch; và tài xế là Jang Wan Chose người Đại Hàn.
Trên đường đi, xe dừng lại Macadamia Nut Farm 20 phút để nghỉ ngơi và xem các sản phẩm địa phương. Nơi đây, phòng vệ sinh không phải chữ Rest- room, mà đề là: Wahine Lady (cho đàn bà) và Kane Man (cho đàn ông).
Đến với Trung tâm Polynesian Cultural, nơi đây được thiết lập thành một dải đất trải dài, chằng chịt những kênh đào, du khách có thể dùng thuyền quan sát toàn khu vực này. Khoảng giữa có con đường lớn cắt ngang theo chiều nam bắc, chia làm hai miền. Phía đông, tạm gọi là Làng Văn Hóa, với các nhánh kênh len lỏi quanh co, phân chia vùng đất thành những đảo nhỏ, mang tên là Island of Samoa, Island of Aotearoa (New Zealand), Island of Fiji, Island of Hawai’i, Marquesas Village, Island of Tahiti, Island of Tonga, đảo Phục Sinh Rapa Nui,… mỗi đảo đặc trưng cho nét văn hóa của xứ sở đó.
H 3: Kiểu nhà mái đứng của thổ dân đảo Fiji.
Nguồn: Ảnh trong mẫu quảng cáo.
Phía tây là khu giải trí và kinh doanh gồm: hí viện Pacific, chợ Pacific, khách sạn Ambassador, khách sạn Gateway. Khu vực này còn lan sang bên kia đường thuộc phía đông và dọc theo đường tính từ nam đến bắc có các cơ sở như: Cửa hàng Mahinalani bán quà lưu niệm, bến đậu xuồng du lịch, Thánh đường của du khách, nhà hát Imax.
H 4: Các cựu NHSQG đi thuyền trên kênh đào trong khu Polynesian Cultural Center.
Xong phần xem phong cảnh bằng thuyền ở khu vực phía đông, chúng tôi lên bờ đi qua khu phía tây. Theo chương trình, 6 giờ chiều các màn biểu diễn đều nghỉ, chúng tôi phải nhanh chân mới kịp xem đầy đủ các vũ điệu độc đáo của thổ dân trên bảy đảo, thuộc tiểu bang Hawaii. Thật là tài tình, các vũ công, đầu và cổ mang vòng hoa xinh xắn, múa lắc nửa phần dưới của thân người một cách liến thoắng. Những bắp thịt ở hông, ở mông, ở đùi đều rung lên theo lời ca, điệu nhạc và tiếng trống bập bùng; tạo nên sắc thái vừa khích động, vừa réo rắt, với sức lôi cuốn lạ thường.
H 5: Du khách xem thổ dân trình diễn một vài nếp sinh hoạt.
Chúng tôi cũng được xem biểu diễn cách lấy lửa của thổ dân. Họ dùng cây bùi nhùi cọ xát vào một thân cây, chỉ vài phút sau khói bốc lên mỗi lúc một nhiều và cháy bùng. Cách lột dừa khô bằng tay của thổ dân còn nhanh hơn là chúng ta dùng dao. Họ chỉ cần một cây cọc hai đầu nhọn, cắm chặt một đầu xuống đất. Dùng hai tay ấn mạnh trái dừa khô cho đầu nhọn kia găm sâu vào lớp xơ dừa, và nạy ra từng mảng, phút chốc chỉ còn lại sọ dừa nhẵn thín. Rồi một tay bợ trái dừa, tay kia dùng khúc cây gõ mạnh, sọ dừa bể đôi đều đặn, nhanh nhẹn lật ngửa mỗi nửa trái dừa nằm gọn trong hai tay, không một giọt nước dừa nào đổ xuống đất, thế mới tài tình. Cách nạo cơm dừa rất thô sơ, nhưng nhanh và khéo hơn cả bàn mài. Dùng một khúc cây có nhánh chỉa ra, được cưa bằng thành bốn chân, ngồi kềm trên thân cây cho vững chắc, mài gáo dừa vào đầu thân cây đã xẻ răng cưa. Cơm dừa từng sợi dài rớt xuống một cái đĩa, dùng xơ dừa bó lại, soắn hai đầu cho chặt và vắt mạnh. Nước cốt dừa trắng như sữa, được hứng vào bát, chỉ còn xác dừa đã kiệt, dùng làm thức ăn cho gia súc.
Chúng tôi sắp hàng lấy vé vào nhà hàng Buffet dùng bữa cơm chiều cho kịp giờ, vì đúng 7 giờ 30 tối còn xem buổi diễn Horizons, cũng trong khu Polynesian Cultural Center.
Nơi trình diễn là một khán đài rộng, hình bán nguyệt, có mái che mưa, sàn được thiết kế trước thấp sau cao, các hàng ghế ghi từ A đến Z, mỗi hàng các ghế được đánh số theo thứ tự từ trái sang phải.
Sân khấu lộ thiên, rất rộng, có thể trình diễn cùng lúc trên vài chục vũ công. Hậu cảnh là một giả sơn khổng lồ, cây cối um tùm, như một núi thật. Từng đoàn vũ công biểu diễn nếp sinh hoạt hằng ngày của các thổ dân. Thể hiện những đêm trăng sáng hội hè, những đêm tối trời nhảy múa trước đống lửa cháy bùng, những ngọn đuốc lung linh ẩn hiện trong cảnh núi rừng hoang dại. Và những nét văn hóa đặc thù của mỗi bộ tộc được cách điệu hóa, chan hòa tiếng trống bập bùng, lúc rộn rã, lúc nhịp nhàng, lúc thúc giục, lúc réo rắc, tất cả phản ánh cuộc sống tập thể của thổ dân.
H 6: Một màn vũ trong Horizons Show.
Nguồn: Ảnh từ mẫu quảng cáo.
5/ Trung tâm thành phố với khu bảo tàng:
Chuyến du lịch Hawaii sang ngày thứ ba. Theo chương trình ngày 9- 4- 2008, buổi sáng ghé Downtown Honolulu, rồi đến thăm Pearl Habor và xem phim trận Trân Châu Cảng; buổi chiều du lịch Little Circle Island trên đảo Oahu, thưởng ngoạn các thắng cảnh dọc theo bờ biển vòng cung phía tây như: Diamond Head, Hanauma Bay, Flow Hold và Sea Life Park.
H 7: Tượng đài vua Kamehameha dựng năm 1874.
Nguồn: Ảnh trong báo chí.
Rời khách sạn Waikiki lúc 7 giờ 30 sáng bằng hai xe bus đi đến Trân Châu Cảng. Trên đường, chúng tôi ghé qua trung tâm thành phố Honolulu. Trời đang mưa, không thể đi dạo, chỉ cho xe chạy chậm rảo khắp phố phường, qua những khu quan trọng như tòa nhà Thủ phủ Hawaii, Bệnh viện lớn của tiểu bang, Trung tâm Hàng Hải… Và xe dừng lại để chúng tôi chiêm ngưỡng những tòa nhà bảo tàng lịch sử như dinh Nữ hoàng Lili’uokalani ở số 364 South trên đường King. Năm 1893, bà chúa này bị người Hawaii truất phế và lật đổ nền quân chủ. Một lâu đài nữa cũng nằm trên đường King, số 417 South, trước sân có tượng đài vua Kamehameha Đệ Nhất mang vóc dáng của Kamehameha Đệ Ngũ, dựng năm 1874.
6/ Viếng thăm Trân Châu Cảng:
Bởi chương trình di dạo được rút ngắn, chúng tôi đến Arizona Memorial Visitors Center sớm hơn dự định. Bước vào tòa nhà bảo tàng, chính giữa là sân lộ thiên, bên phải là dãy phòng rộng trưng bày hình ảnh, di vật, thư từ, sơ đồ, sa bàn về chiến hạm Arizona và trận Trân Châu Cảng. Dãy nhà bên trái là rạp chiếu phim, nhưng suất vé còn hơn 1 tiếng nữa mới đến lượt vào xem. Chúng tôi có đủ thì giờ dạo quanh khu vườn của Trung tâm thăm viếng, nằm trên bờ đông vịnh Pearl Harbor.
Trân Châu Cảng nguyên có tên là Wai Momi (nước của trân châu), còn thổ dân gọi Pu’uloa. Trước kia nơi đây là vịnh nước cạn, có nhiều ngọc trai; sau khi được sửa sang và mở rộng, vịnh có tên mới Pearl Harbor, tiếng Việt là Trân Châu Cảng.
Ở vào vị trí then chốt, vịnh Pearl Harbor vừa rộng vừa kín đáo, nằm về phía nam đảo Oahu và phía tây thành phố Honolulu. Quả là một quân cảng lý tưởng của tiểu bang Hawaii và của Hoa Kỳ. Ở phía bắc của vịnh có hai bán đảo thòng xuống, song song theo hướng bắc – nam, và đảo Ford theo hướng đông bắc – tây nam chia làm 3 vịnh nhỏ, gồm West Loch, Middle Loch và East Loch. Ở phía nam vịnh có Pearl Harbor Entrance là lối thông ra biển duy nhất, và gần đấy về phía đông là phi trường quốc tế Honolulu.
H 8: Khu Bảo Tàng trận chiến Trân Châu Cảng.
Sắp đến giờ chiếu phim, chúng tôi sắp hàng vào cửa, thức ăn không được mang vào rạp. Suốt 1 giờ 15 phút, mọi người yên lặng, chăm chú xem trận chiến Trân Châu Cảng trên màn ảnh rộng.
Nguyên ngày 7 tháng 12 năm 1941, lúc 7 giờ 58 phút sáng chủ nhật, máy bay Nhật tập kích bất ngờ vào hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ tại Trân Châu Cảng, trên đảo Oahu thuộc tiểu bang Hawaii.
Trước đó, vào tháng 3 năm 1941, Đô đốc Yamamoto Isoroku lập xong kế hoạch hành quân. Và 6 tháng sau, ông cho đội đặc nhiệm tập trận trong một địa hình tương tự như Trân Châu Cảng. Rạng ngày 25 tháng 11 năm 1941, Hạm Đội Đặc Nhiệm gồm 31 tàu chiến đủ loại, do Phó Đô đốc Nagumo Chuichi làm tư lệnh, rời căn cứ hải quân Tancan ở quần đảo Kuril, theo hải trình đã hoạch định, lặng lẽ tiến về mục tiêu. Ngày 7 tháng 12 năm 1941, lúc 5 giờ sáng, Hạm Đội Đặc Nhiệm chỉ cách Trân Châu Cảng 200 hải lý (hơn 370 km). Các phi công trên 6 tàu sân bay nhận lệnh hành quân và họ đã nhanh chóng xuất kích. Đợt đầu có 183 máy bay, tiếp theo đợt hai có 170 chiếc đồng loạt tấn công. Chưa đầy 3 tiếng đồng hồ, lại có đến 414 máy bay Nhật chia nhau không tập cùng một mục tiêu, phần lớn các hạm đội của Mỹ bị trúng bom bốc cháy và chìm trong biển cả.
Chiến hạm hạng nặng USS Arizona bị trúng bom, phát ra hai tiếng nổ cực lớn và chìm vào lòng biển. Hai chiến hạm Mỹ USS West Virginia và USS Tennessee bốc cháy. Mặc cho toán lính cứu hỏa ra sức chế ngự ngọn lửa, nhưng chiếc USS West Virginia vẫn cháy từ 9 giờ 40 sáng đến 4 giờ 30 chiều mới dập tắt được. Còn chiến hạm USS Oklahoma bị tiếng nổ mạnh hất tung, làm lật ngửa phơi bụng bên bến cảng. Và kho vũ khí trên chiến hạm USS Shaw cũng bị trúng bom, nổ liên hồi rền cả trời biển.
H 9: Di tích tàu Arizona chìm trong vịnh Pearl Harbor.
Không quân Nhật tập kích phủ đầu bất ngờ, lực lượng Hải Quân Mỹ ở Trân Châu Cảng mặc dù cố chống trả, nhưng không tránh khỏi tổn thất nặng: 5 thiết giáp hạm bị chìm và 3 hư hại, 3 tuần dương hạm bị hư hại, 2 khu trục hạm bị chìm và 1 hư hại, 1 tàu khác bị chìm và 3 hư hại, 343 máy bay bị phá hủy hay hư hỏng, 2345 quân nhân và 57 thường dân bị chết, 1247 quân nhân và 35 thường dân bị thương.
Rời phòng chiếu phim, lòng chưa hết bồi hồi, chúng tôi vội vã ra bến cảng cho kịp lên tàu đến viếng thăm khu di tích trận Trận Châu Cảng. Đài Kỷ Niệm USS Arizona dài 184 bộ Anh (hơn 56 mét), giống như một tàu chiến, xây dựng trên mặt biển, phía đông đảo Ford, nơi mẫu hạm Arizona chìm, mang theo 1177 thủy quân mắc kẹt trong khoang tàu vào lòng biển cả. Tòa nhà này gồm 3 gian lớn: bước vào là phòng hội, kế đến là phòng lộ thiên và trống vách để du khách có thể thấy vết tích của chiếc Arizona chìm, một phần nguyên trạng của ngày xảy ra biến cố được bảo tồn, cả vết dầu loang vẫn còn giữ lại, tưởng chừng như chiến trận mới xảy ra. Kế nữa là phòng chứa thánh tích, một tấm bia lớn bằng đá cẩm thạch khắc tên những người đã hy sinh.
Từ năm 1943, người ta đã nghĩ đến việc dựng đài kỷ niệm song song với việc duy trì một vài chứng tích, để ghi nhớ và tỏ lòng tôn kính những chiến sĩ đã hy sinh. Đến đời Tổng Thống thứ 34, Dwight D. Eisenhower (nhiệm kỳ 1953- 1961), Đài Kỷ Niệm được xây dựng, hoàn thành năm 1961. Từ ấy, nơi đây hằng ngày đều có du khách đến viếng.
Đoàn du lịch chúng tôi, 120 người, cùng lúc cũng có những đoàn du lịch khác đến viếng. Nơi đây trở nên đông đúc, nhưng trong khung cảnh trang nghiêm của đài kỷ niệm, mọi người đều tỏ lòng tôn kính: lặng lẽ, trật tự, không nói chuyện, đùa cợt.
H 10: Đài Kỷ Niệm USS Arizona ở Trân Châu Cảng.
Nhìn lại lịch sử, trong chiến lược hành quân, Đô đốc Nhật Yammamoto Isoroku, đã nhận định sai lầm. Ông cho rằng, nếu đập tan hạm đội ở Trân Châu Cảng, Hải quân Mỹ sẽ tê liệt và rút khỏi Thái Bình Dương, Nhật sẽ rảnh tay bành trướng. Nhưng chính biến cố Trân Châu Cảng bất ngờ bị tấn công đã kích thích lòng yêu nước của nhân dân Mỹ, khiến xung đột Mỹ Nhật quyết liệt hơn và đẩy nước Mỹ nhập cuộc Thế Chiến Thứ Hai. Ngay hôm sau, lúc 4 giờ chiều ngày 8- 12- 1941, ông Franklin D. Roosevelt, vị Tổng Thống thứ 32 của Hoa Kỳ, ký bản tuyên chiến với phát xít Nhật, và 4 năm sau khiến Nhật phải đầu hàng vô điều kiện qua các diễn biến sau đây:
Ngày 16- 2- 1945 quân đội Mỹ tái chiếm đảo Coregidor (Phi Luật Tân) và ồ ạt ném bom thủ đô Đông Kinh (Tokyo) của Nhật, rồi ngày 23- 2- 1945 tái chiếm thủ đô Manila của Phi Luật Tân (Philippines). Ngày 1- 4- 1945 quân Mỹ với 1200 tàu chiến, 560 máy bay, 4 hàng không mẫu hạm yểm trợ cho 45 vạn quân đổ bộ lên đảo Okinawa (Nhật). Ngày 7- 4- 1945, hạm đội cuối cùng của Nhật bị không quân Mỹ ném bom tan tành và soái hạm khổng lồ Yamato bị chìm. Ngày 6- 8- 1945 trái bom nguyên tử đầu tiên ném xuống thành phố Hiroshima (Nhật). Ngày 8- 8- 1945 trái bom nguyên tử thứ hai thả xuống thành phố Nagasaki (Nhật). Ngày 10- 8- 1945 Nhật Hoàng họp Nội Các, đưa đến quyết định xin hàng và ngày 14- 8- 1945 Hoa Kỳ chấp thuận sự đầu hàng của Nhật.
Hai năm trước, Đại Hội cựu Nữ Hộ Sinh Quốc Gia Việt Nam, tại New York, thành phố lớn ở miền cực bắc nước Mỹ, chúng tôi được viếng Ground Zero nơi Tòa Nhà Tháp Đôi, trong biến cố 9/ 11 phút chốc đã trở thành bình địa. Năm nay, cũng theo đoàn du lịch cựu Nữ Hộ Sinh Quốc Gia Việt Nam đến Honolulu, thủ phủ cực Nam của nước Mỹ, lại được thăm Trân Châu Cảng và viếng Đài Kỷ Niệm USS Arizona. Lịch sử đã chứng minh, chính hai biến cố đau thương đó đã làm cho dân Mỹ càng yêu nước hơn, đoàn kết hơn bao giờ hết, quyết tâm chống trả lại kẻ thù và bảo vệ giang sơn.
7/ Little Circle Island Tour:
Theo chương trình, còn 4 giờ du ngoạn ở bốn thắng cảnh dọc theo bờ biển phía tây đảo. Nhưng trời vẫn mưa, chúng tôi không thể xuống xe đi dạo ngắm cảnh. Tuy vậy, xe vẫn đến từng nơi, dừng lại khoảng 15 phút để chúng tôi quay phim, chụp ảnh kỷ niệm.
H 11: Khu Di Tích Diamond Head trên bờ biển.
Điểm đến đầu tiên là khu di tích Diamond Head. Ngày xưa, các bộ lạc ở các đảo lân cận như Hawaii, Maui, Kahoolawe, Lanai, Molokai, Kauai, Niihau đã dùng thuyền đổ bộ lên Oahu, đánh nhau với bộ tộc ngự trị trên đảo. Nơi đây, địa thế rất hiểm trở, đồi núi chập chùng và cây cối rậm rạp lấn ra sát biển, lại có nhiều hóc núi, và có một đường hang dài từ núi cao thông ra biển. Bộ tộc trên đảo đã lập căn cứ phòng thủ nơi này, và cũng từ đây xuất quân đánh chiếm các bộ tộc khác.
Kế đến là Hanauma Bay, còn gọi là Đồi Xán Lạn. Nơi đây, núi phún xuất thạch tiếp giáp với mặt nước, tạo bờ biển cao ngất, dốc đứng, với những hình thù kỳ dị, thật hùng vĩ. Sóng biển xô vào vách đá, để lại đường viền màu trắng xóa hun hút chạy dài, trông rất đẹp mắt.
H 12: Đồi Xán Lạn trên đảo Oahu.
Tiếp nữa là thắng cảnh Flow Hold, ngoài khơi có nhiều đảo nhỏ. Có đảo giống như một con rùa khồng lồ nổi trên mặt biển, mang tên là Đảo Rùa. Có đảo nhô cao trông giống con thỏ ngồi, gọi là Đảo Thỏ. Còn một đảo nữa lại giống hình con chuột, có cái mỏm nhọn, nên gọi là Đảo Chuột.
H 13: Từ bờ biển nhìn ra Đảo Rùa và Đảo Chuột.
Ngoài ra, còn có một vùng biển gọi là Sea Life Park, nơi chôn nhau cắt rún của cá voi. Hằng năm, đến mùa sinh sản, từng đoàn cá voi ở Alaska kéo nhau về đâysinh đẻ. Du khách viếng thăm đúng lúc sẽ thấy đông đúc cá voi bơi lội.
Về đến khách sạn Waikiki lúc 3 giờ 30 chiều. Những giờ còn lại của ngày, chúng tôi, có người đón xe bus đi quanh thành phố ngắm cảnh, có người dạo phố tìm mua những sản phẩm của Hawaii. Ở đây, xe bus không có vách thùng bao quanh nên rất thông thoáng, tiện cho du khách ngắm cảnh, gió biển lùa vào mát rượi, lòng người khoan khoái lạ thường. Đường phố ở Hawaii tuy chật hẹp, nhưng ít xe cộ, dáng dấp xinh xinh và thơ mộng.
8/ Chào tạm biệt Hawaii:
Sáng ngày 10- 4- 2008, hai nhóm A và B của chúng tôi trả phòng, tề tựu ở phòng tiền sảnh (lobby), đợi xe bus chở đến phi trường Honolulu, trở về Los Angeles. Nhóm C, còn có thể dạo phố trong buổi sáng vì đáp chuyến bay vào buổi chiều.
Cuộc du lịch của gia đình cựu NHSQG Việt Nam, đông đảo nhất là chuyến đi Hawaii 4 ngày 3 đêm. Ban Tổ Chức nhờ tôi quay phim, chụp ảnh và viết bài tường thuật, nên ít có thì giờ trò chuyện với bạn bè. Giờ đây, tại tiền sảnh của khách sạn, trong lúc ngồi chờ xe, chúng tôi hân hạnh tiếp chuyện nhiều với Giáo sư Nguyễn Văn Trường, cựu Tổng Trưởng Giáo Dục và Bác sĩ Nguyễn Bá Vận, cựu Giám Đốc Trường Nữ Hộ Sinh Huế. Hai vị trưởng ngành của vợ chồng tôi thời Việt Nam Cộng Hòa. Hình ảnh ngày xưa còn khắc đậm trong ký ức, con đường Hai Bà Trưng xuôi ngả bến Bạch Đằng, rẽ mặt gặp đường Lê Thánh Tông, đến số 70 là Bộ Giáo Dục, lên lầu 3 có dãy phòng hành chánh, học vụ, nhân viên… mà mỗi lần chúng tôi vào Sài Gòn thường liên hệ. Con đường Nguyễn Bình Khiêm với hai hàng cây mát rượi, đối diện với Sở Thú là Nha Trung Học có Giám Đốc Đàm Xuân Thiều lời lẽ ồn tồn, mỗi lần chúng tôi từ Miền Trung vào đây công vụ xin yết kiến…
H 14: Tại khách sạn, từ trái sang phải: Tác giả, GS Nguyễn Văn Trường, BS Nguyễn Bá Vận.
Đến giờ, mọi người lên xe. Chào tạm biệt khách sạn Waikiki, đem lại những giấc ngủ ngon sau mỗi ngày viếng cảnh. Chào quán ăn xinh xinh của người Đại Hàn, nằm nép mình bên góc khách sạn, giá cả vừa phải và cung cấp những món ăn hợp khẩu vị của người Việt. Cảm ơn xứ sở và con người đảo Oaho, đã cho chúng tôi 4 ngày thưởng ngoạn đầy thích thú.
Đào Đức Chương
Số lần đọc: 5315