Mùa hè chúng tôi hay gặp gỡ, tán dóc, kể chuyện xưa, chuyện nay, chuyện con cái, chuyện công ăn việc làm, chuyện phe cọng hoà, phe dân chủ. Đời sống chừng đó chuyện mà kể hoài không hết. Quanh đi quẩn lại nhiều lúc có một chuyện mà kể đến trăm lần cũng còn cùng nhau ôm bụng cười. Cười bằng mười thang thuốc bổ, cười là một giao tiếp làm cuộc đời thêm tươi đẹp. Cười mang đến nắng trong vườn và bình minh trong tâm hồn!
Chúng tôi tha hồ nhắc lại chuyện xưa. Kẻ ở tận miền tây sát biên giới Campuchia, kẻ ở tuốt Móng Cái, Lạng Sơn, kẻ ở dọc bờ biển quanh năm nghèo khổ tụ lại thành một nhóm bạn yêu thương, gắn bó với nhau. Chúng tôi gặp gỡ nhau và đến với nhau tự nguyện. Chúng tôi chia sẻ những khó khăn về công việc, về sức khỏe. Chúng tôi hát cho nhau nghe cả đêm với những bài tình ca một thuở em tan trường về anh theo Ngọ về. Đó là niềm vui tưởng chừng quá nhỏ bé nhưng lại là món quà xinh xắn nhất mà chúng tôi luôn muốn tặng cho nhau.
Hè vừa qua, chúng tôi, cả 5 gia đình cùng về Việt Nam với nhau. Gia đình nào cũng có thời khóa biểu riêng nhưng chúng tôi đã cố gắng chọn một ngày thứ 7 cùng nhau đi thăm hai trại mồ côi và tàn tật trẻ em ở Biên Hoà và Long Thành.
Sáu giờ sáng, chúng tôi tụ gọp lại ở trước khách sạn của một trong những người bạn đang trú ngụ. Chờ đến 6 giờ 30, xe bus tới cùng với hai chị ở Việt Nam làm hướng dẫn viên và lo mua sắm dùm những phần quà cho hai nơi. Mỗi gia đình có hai hoặc ba cháu. Các con vui và nôn nóng đi thăm. Chúng muốn thấy trại mồ côi như thế nào. Chỗ ăn, chỗ ở và sinh hoạt hàng ngày ra sao? Chúng tíu ta tíu tít hỏi nhiều câu thật dễ thương.
Xe lăn bánh ra khỏi thành phố. Đường sá mới sáng sớm mà đông nghẹt, xe cộ tấp nập. Những tiếng còi xe làm cả thành phố rộn rang hẳn lên trong cái nóng, ẩm, rít của buổi sớm mai. Khói xe, bụi đường mịt mù và những con đường không còn chỗ để thở. Phải mất cả giờ đồng hồ chúng tôi mới ra khỏi phố Sài Gòn.
Tôi đâu ngờ hai chị bạn ở Việt Nam lo quá chu đáo. Chị đưa cho mỗi người một ổ bánh mì hay một gói xôi và một ly cà phê sửa đá ăn sáng. Hương thơm của cà phê và sự ân cần của hai chị quyện vào nhau toả lan một mùi thơm ấm áp, nồng nàn. Tôi ngạc nhiên vô cùng và hỏi chứ hai chị sửa soạn hồi nào và dấu ở đâu mà có đủ hết mọi thứ, giống như ở tiệm vậy. Chị cười tươi và nói là chị đi làm việc thiện hoài nên quen rồi. Cả tuần lu bu lo buôn bán nuôi gia đình, cuối tuần là đi hết chỗ này đến chỗ kia để thăm viếng. Nghe qua, thấy mình nhỏ xíu xiu giữa những tấm lòng bao la quá đỗi!
Con nít và cả người lớn vui vẻ nói cười rôm rã trong khi chiếc xe phải né tránh một rừng người, chậm chạp trong một bầu không khí nặng nề với từng đoàn xe tải, lớn nhỏ, chen lẫn với xe máy, người đi bộ một cách xô bồ. Đời sống càng cao thì lực hút dân chúng tụ về càng đông ở những thành phố công nghiệp và đó là một lực hút mà không có sức mạnh nào có thể phá tan. Tôi nhìn chung quanh để cảm nhận một thực thể có muốn khác hơn cũng không thể. Hãy cứ để nó trôi theo cùng năm tháng và tìm đến chỗ bảo hoà! Bi quan quá phải không? Hay đó là cảm nhận lạc quan trong cái bi quan để hiện hữu!
Theo lịch trình chúng tôi đến trại Bé thơ ở Biên Hoà trước cho tiện đường. Xơ Hằng ở bên này đỡ đầu cho trại mồ côi Bé Thơ nên xơ là cầu nối để chúng tôi có dịp chia sẻ với những thân phận kém may mắn hơn mình. Mấy chục năm nay, ngoài giờ làm việc, xơ đi lượm lon bán để dành tiền gửi về giúp trại mồ côi Bé Thơ. Khi xe gần tới trại, chúng tôi liên lạc với xơ H. hiện đang trong coi trại và cho biết là xe sắp tới. Xơ cho hai em chừng trên dưới 10 tuổi chạy ra đón và dẫn chúng tôi vào.
Trại có hơn 115 em, không nhiều thì ít các em đều không được bình thường. Nhìn các em mà tim tôi thắt chặt. Một cảm giác buồn thương cứ chực chờ trong tôi để những giọt nước mắt từ từ lăn trên đôi gò má. Chúng tôi vào cuộc ngay, chia những phần quà bỏ vào bao giấy rồi phân phát cho các em. Con của nhóm bạn đi cùng và cả hai đứa con tôi làm việc rất hăng say. Và có lẽ đó là một trong những bài học quí giá nhất mà chúng tôi đã cho con em chúng tôi trong chuyến đi Việt Nam vừa qua. Sách vở và hình ảnh không đủ để chúng ta cảm nhận được nỗi khó khăn của bao con người đang ngày đêm vật lộn với thân phận mỏng manh của mình. Một thâm nhập thực tế như thế này biết đâu một lúc nào đấy sẽ đánh thức trái tim còn non nớt của các con khi chúng lớn lên. Tôi tin rằng trong đời sống này chúng ta đã nợ lẫn nhau quá nhiều và đó là mắc xích tạo nên những chia sẻ, vỗ về nhau!
Các con thích chụp hình với những người bạn mới, thích bồng bế, nựng nịu các em nhỏ mồ côi còn nằm nôi, giành nhau cho các em nhỏ bú sửa. Nhìn các con ẳm bồng, cầm cái bình sửa vụng về trên tay mà lòng ấm áp vì tôi tin rằng một tấm lòng thơm như mùi sửa đang âm ỉ luân lưu trong tâm hồn các con. Thì giờ quá eo hẹp mà lòng thì dạt dào thương cảm nên các con cứ bịn rịn không muốn chia tay. Các con ôm ghì lấy những em bé mới vừa hơn tháng, đi không đành.
Tôi tin vào cái duyên của mỗi chúng ta khi tôi ôm một cậu nhóc chừng 6 tháng tuổi, cậu ta cứ nhìn chăm chăm vào tôi, cậu nắm tóc tôi cứng ngắt, cứng đến nỗi tôi không thể gỡ ra ngay. Cặp kiếng tôi đang mang cũng thế, cậu không muốn thả ra, nắm chặt trong tay. Nhìn cậu nhỏ mà trong lòng cứ ước gì nếu tôi còn trẻ, hay việc xin con nuôi không nhiêu khê, chắc là tôi muốn xin đem về nuôi. Cảm nhận này là một cảm nhận thiêng liêng, nó theo tôi cho đến bây giờ. Mới đây, ông xã còn hỏi: “em à, em có còn muốn có thêm một đứa nữa không, anh thấy thằng nhỏ lúc em bồng có duyên với em lắm đó, nó nhìn em chăm chăm và bấu lấy em không chịu thả em ra đó. Em còn nhớ không?” Nhớ chứ làm sao quên ánh mắt nhìn âu yếm ấy!
Rồi chúng tôi cũng phải chia tay vì còn phải ghé thêm một trại nữa ở tận Long Thành. Trại này xa thành phố nên đất đai thoáng mát và rộng rãi hơn. Ngay bên trong khuôn viên có một nhà nguyện. Trại này có thêm một số phòng dành cho những người già không thân nhân hay quá nghèo khó và bệnh tật. Mỗi cụ được một người ở nước ngoài bảo trợ nên có phòng riêng. Tôi có hỏi sơ về nhóm thiện nguyện này nhưng tôi đã không nhớ kỹ họ thuộc giòng nào và ở nước nào. Trại thứ 2 này, khang trang hơn. Có đất để trồng trọt và phòng ốc thoáng mát. Mỗi phòng có phòng vệ sinh riêng rất sạch sẽ. Những phần quà lại được các con chia nhau đi phân phát trong niềm vui chia sẻ với tha nhân. Trại này cũng có hơn trăm em và có thêm chừng hai mươi cụ già. Những thăm hỏi qua về đã tạo nên một không khí ấm nồng. Có vài em con của mấy người bạn đi cùng không nói rành tiếng Việt nhưng cũng đã cố gắng hết sức chào thưa, hỏi thăm và bắt chuyện bằng tiếng Việt. Nhìn chúng vui trong công việc làm tôi cũng vui lây.
Với một không khí ấm áp tình người trong một ngày hè nắng nóng nơi quê nhà, tôi như thấy mình rộn lên trong lòng một tình thương mến không tả được bằng lời. Chôn chân đứng ở một góc vườn nhìn các em mồ côi chạy nhảy, tung tăng, vui cười sung sướng tôi tự nói với lòng mình rằng, chắc các em phải thấy đời sống vui tươi trong mọi hoàn cảnh thì mới sống nỗi chứ! Có bao giờ các em ngồi thẩn thờ tự hỏi ba mẹ mình đâu, sao mình lại ở nơi này. Phải chăng vì các em chỉ có thể thấy một góc nhỏ chung quanh như thế này mà thôi nên vui trong cái hồn nhiên của tuổi thơ. Những va chạm với đời sống bên ngoài chưa có và tuổi đời chưa đủ nên tâm hồn em trong sáng và ngây thơ! Rồi suy tư của tôi dẫn tôi đi xa hơn, lớn lên ra đời, những đòi hỏi về tình thương, về một tổ ấm trổi dậy, liệu các em sẽ nghĩ gì và ao ước gì trong đời sống của các em. Có phải lúc bây giờ, trái tim của em mới nức nở và nhìn thân phận mình như bọt nuớc chiều hôm. Vẫn mãi mãi là một câu hỏi lớn trong tôi.
Chiều đến, chúng tôi từ giả ra về. Những ánh mắt nhìn theo của những người bạn mới, các xơ, các cụ già và các em hình như đã trói chân của chúng tôi lại. Chúng tôi đã quay lưng bước đi mang theo một nỗi niềm riêng. Chẳng ai nói với ai tiếng nào, ngoái đầu nhìn cổng trại cho đến khi chiếc cổng mờ dần. Buổi sáng ra đi và buổi chiều trở về! Buổi sáng với lòng háo hức sẻ chia. Buổi chiều với lòng nặng trĩu suy tư. Những cái vẩy tay, những vòng ôm thật chặc làm trái tim tôi mềm nhũn.
Một cơn gió nhẹ thổi qua, bốc lên từng vòng xoáy bụi đỏ trong một buổi chiều cuối tháng 6 ở quê nhà đã để lại trong lòng chúng tôi bao bùi ngùi, luyến tiếc và lo lắng cho một tương lai!
Vẩy tay chào tạm biệt và hẹn ngày tái ngộ. Dù có gặp lại hay không thì trong mỗi chúng tôi, đêm về là những thao thức và lời cầu nguyện đã có thêm hằng đêm.
Hay là đã, đang và sẽ về thăm, về thăm trong những giấc mơ đời!
Nguyễn Kim Tiến
Tháng Giêng năm 2011
Số lần đọc: 3045
RE: Cảm tưởng về một chuyến đi
Tiến ơi
Bài viết đã làm mình thắt cả lòng. Không gì đau lòng bằng nhìn thấy đôi mắt của những đứa trẻ mồ côi.
Cám ơn Tiến về một bài viết đầy ý nghĩa, đầy tình người.
Haxua
RE: Cảm tưởng về một chuyến đi
Chị Hà Xưa thân mến,
Cảm ơn chị đã chia sẻ với Tiến. Người ta hay nói: “đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn”. Ngày xưa Tiến nghe mà không hiểu mấy, nhưng giờ đây Tiến cảm nhận được rằng, hỉ, nộ, ái, ố, sầu, bi thể hiện từ đôi mắt mà thoạt tiên mình nghĩ công dụng của đôi mắt là chỉ để nhìn thấy….Cảm ơn chị. KT