Trang sinh hoạt của Cựu Giáo Sư và Học Sinh trường Trung Học Cường Đễ Qui Nhơn

Lòng tơ vương

LTS. Anh Hồ Sĩ Đình là dân CĐ khóa 66-73, thường viết cho website CĐ 66-73 và Đặc San CĐ-NTH. Là lớp đàn anh nhưng là chỗ thân tình, cuongde.org rất hân hạnh và vui mừng có anh Đình về sinh hoạt. Bài này đã đăng trên website CĐ 66-73, xin được đăng lại và hi vong trong tương lai sẽ nhận được những đóng góp mới của anh Đình.

Việt Nam và Mỹ – Canada vẫn còn, và vẫn luôn luôn là, bên này và bên kia của quả địa cầu, nhưng sao tôi cảm thấy gần gũi hơn trước nhiều.  Có lẽ vì tôi “sắp là lão già” nên tiếc nuối thời “xưa còn non trẻ”. Vi` “sắp xuống lỗ” nên ráng nhớ lại cái lúc “mới chào đời”. Cũng có thể vi` thời đại “internet” đã ngược thời gian trở lại cái thuở “Tam Tạng Thỉnh Kinh”, bằng chứng là “e-mail” tin tức đã biết “biến hoá“ như Tôn Ngộ Không, chỉ một lá thư biến ra thành mấy chục bản sao, bay đi trong khoảnh khắc, cho mấy chục người, ở mấy chục nơi khác nhau, đọc cùng một lúc.

 

Bây giờ là một trời, hai mươi sáu năm trước đây là một vực, vực rất sâu.  Một lá thư gửi đi từ Qui Nhơn, hơn hai tháng sau, tại Long Khánh, tôi mới nhận được.  Tôi nhớ thuộc lòng và không bao giờ quên được lá thư này. Không phải vì nó có công lặn lội ròng rã hơn hai tháng trời mới đến tay tôi, nhưng vì nó đã làm cho cuộc đời tôi thay đổi và hơn nữa, rất dễ nhớ vì trong thư chỉ võn vẹn vài hàng:

Thằng Cậu,
Hãy về QN trước ngày … , mình cố gắng ra khơi lần cuối cùng.
(ký tên) Vĩnh”

Vĩnh, là bạn thân, chia vui xẻ buồn suốt quãng đời ngắn ngủi. Sau khi lấy cháu tôi, Vĩnh đã gọi tôi bằng “cậu” nhưng thường đi sau tiếng “thằng” – “thằng cậu” cho nó đầy tình bè bạn và đủ nghĩa bà con. Tôi không ngờ bức thư có chữ “ra khơi” vẫn đến được tay tôi, tuy hơi trễ. Cái ngày mà Vĩnh nói trong thư, đã qua đi gần một tháng. Ngày tháng này đã làm tôi phân vân, lúng túng biết bao. Cố gắng làm việc cho hết ngày dù đầu óc bị chi phối bỡi nhiều thắc mắc. Tôi nghĩ đến Vĩnh, vẫn còn ở QN hay đang lênh đênh? Tôi nghĩ đến tôi, có nên về QN hay đã là quá trễ? Vấn đề đi lại lúc bấy giờ không dễ dàng, cho dù từ xóm nhỏ này qua xóm kế cận, nên đã làm cho việc lựa chọn của tôi thêm khó khăn.

Sau một đêm không ngủ, tôi cũng đã đi đến một quyết định và gọn ghẽ trong hành trang gồm: tờ “giấy đi lại” do tôi tự đóng dấu, ký tên (dù tôi chưa được thăng chức tước tỉnh huyện) và tiền lộ phí chỉ đủ đến Nha Trang (dù đã quơ sạch túi của ông anh).

Nha Trang cát trắng thơm tho của miền Trung mình rất nổi tiếng. Tôi thường đi ngang qua, nhưng chưa bao giờ được dịp viếng thăm thực sự. Tôi không tài giỏi như Phạm Duy để sáng tác bài “Nha Trang Ngày Về”, tệ hơn, tôi phải ráng moi óc mới nhớ lại những “Nha Trang Ngày Ghé” của tôi: Lần đầu tiên ngủ tại ga xe lửa để chờ chuyển tàu đi Long Khánh, sáng tỉnh giấc tôi phát giác túi đồ đã không cánh mà bay. Lần thứ hai, lần này, phải ghé lại vì lộ phí không cho phép tôi tiếp tục. Nếu gia đình Dự, bạn thân, không về lập nghiệp tại đây, thì có lẽ tôi đã phải làm phụ tá các anh khuân vác tại bến xe Nha Trang vài ngày, mới hy vọng đi thêm được quãng đường nữa.

Ngày hôm sau, Dự dúi vào tay tôi một số tiền, rồi cùng người em trai đạp xe đạp chở tôi đến cuối phố. Tôi và Dự, đã lâu không gặp, hàn huyên bên quốc lộ, cho đến lúc tôi đón được xe “dù” để tiếp tục hành trình về Qui Nhơn.

Thành phố của tuổi mơ mộng tôi đây rồi, Vĩnh vẫn còn đó, bề ngoài dáng dấp của một nhà giáo đang nghỉ hè, bên trong đang chờ đợi đêm “ra khơi lần cuối”.
Đêm ấy, khoảng mười hai giờ khuya. Dù đầy sao trời lấp lánh cũng không xóa tan được âm u của một đêm hè đầu tháng.  Dù có gió hiền dịu mát thổi từ đất liền cũng không làm bình lặng những đợt sóng nhấp nhô của biển khơi. Trên sàn ghe bé nhỏ giữa biển rộng bao la, chúng tôi đang dần xa đất liền. Suy nghĩ và âu lo cho sự sống còn đang bao vây tâm não. Tôi chầm chậm hít thở những hơi thở thật dài với hy vọng níu kéo thêm phần nào của không khí quê nhà và trấn an được phần nào tinh thần đang bấn loạn để có thể ghi lại cái giây phút đang bắt đầu thay đổi, hoặc chấm dứt, cuộc đời tôi.

Tôi quay lưng nhìn lại thành phố Qui Nhơn thân yêu lần cuối cùng. Thành phố đã cho tôi biết bao kỷ niệm, buồn ít hơn vui. Thành phố đã chứng kiến giai đoạn đầu của đời tôi, ưu phiền ít hơn hạnh phúc. Thành phố mà bạn bè thân thuộc tôi có lẽ giờ này đang suy tư nhiều rồi thiếp đi trong giấc ngủ. Thành phố sáng sủa nên thơ trước kia, bây giờ ưu tư tăm tối. Tôi nhìn thật lâu. Vài ánh đèn điện lờ mờ, như đang cố gắng chống cự để khỏi bị chìm đắm trong màu đen của đêm khuya, và để soi đường cho những anh xích lô có bằng đại học, kiếm cơm suốt sáng.

Trong màu đen kia tôi nhìn thấy rõ ràng những hình ảnh:

Bên kia là ngôi trường Cường Đễ thân yêu với hàng cây phượng vĩ đang nở hoa. Nơi đã làm cho tuổi thơ tôi thêm ý nghĩa qua những đêm văn nghệ, những kỳ trại Tết và những buổi chào cờ. Nơi đã cho tôi cơ bản kiến thức để làm người quá lời chỉ dạy của các Thầy Cô. Cũng là nơi đã cho tôi rất nhiều bạn bè hiền hậu chăm chỉ và không ít bạn bè chuyên phá phách nhưng rất dễ thương. Và cũng chính ngôi trường này đã dạy cho tôi biết được cái bất tử của tình bằng hữu.

Bên này là những mái nhà của bạn bè, nơi chúng tôi tụ tập nhau để trao đổi cá kiểng, là nơi có khi làm một vài đứa bạn tức giận vì thua cờ tướng hoặc “domino”, có khi cả binh “xập xám”.

Hướng dưới là nhà của thầy cô, có lần bạn T. đã vào xin mực mượn viết của thầy (lúc thầy vắng nhà) để giả chữ ký của thầy rồi tự cho điểm cho những bài tập chẳng hề làm.

Hướng trên là quán cà phê cóc, nơi chúng tôi thường họp mặt để bàn chuyện buồn vui.

Trước mặt tôi là trường Nữ Trung Học có sân trường rộng lớn, nơi mà đội, đoàn Hướng Đạo chúng tôi thường chọn làm địa điểm cắm trại. Cũng là nơi mà chân trái tôi đã bị gãy trong kỳ Trại Tết năm học Đệ Tam (1970). Cùng với Nữ Trung Học, Bồ Đề và Trưng Vương là bông hoa của Qui Nhơn vì những cô nữ sinh thơ ngây với tà áo trắng. Là nơi mà, lúc thơ mộng ấy, đã làm cho tâm hồn tôi vấn vương xao xuyến khôn cùng, vì có một tà áo trắng hơn những tà áo khác. “…ngôi trường còn đó, tơ lòng còn vương…”

Gần tôi nhất bây giờ là bãi biển Qui Nhơn yêu dấu, nơi đã dạy cho tôi biết bơi lội và sau này để tôi, thằng bơi hạng bét, cùng một số bạn bè được Bộ Thanh Niên SG cấp bằng “Bơi Lội và Cứu Cấp”. Cũng là nơi mà hình như trong suốt thời trung học, ngày nào tôi cũng dẫm chân lên cát vàng và bơi lội trước khi cắp sách đến trường.

Càng lúc tôi càng xa đất liền. Thành phố Qui Nhơn nhỏ dần để tôi thấy rộng hơn cái giang sơn nước Việt:

Phía bên phải tôi, một vùng xa xôi kia, nơi có Mẹ và em tôi đang lo sống từng giờ. Có lẽ giờ này Mẹ, em tôi đang cố tìm giấc ngủ, để còn sức tiếp tục cho ngày mai, mà không hề hay biết con, anh mình đang vĩnh viễn xa rời mình, không dám một lời từ giã.

Phía xa thật xa kia, một nơi rừng rú Cao Nguyên âm u nào đó, Ba tôi chắc giờ này không sao ngủ được, suy nghĩ đến sự ly tán đột ngột của gia đình tôi mà nước mắt đang chảy dài. Một gia đình ấm cúng trước đây, đã năm năm dài Ba tôi không được gặp. Dù Ba tôi có đang nghĩ đến sự khổ cực của gia đình, cũng không thể tưởng tượng được cái cực khổ ngoài sức tưởng tượng của Mẹ và em tôi đang trải qua. Dù Ba tôi có đang nghĩ đến sự lang thang lưu lạc của anh em tôi, cũng không thể tưởng tượng được rằng tôi đang lênh đênh trên đường vạn dặm.

Đêm đã khuya sao không ai được an giấc. Trời trong lấp lánh sao giang sơn u ám tột cùng. Gió thổi hiền hòa sao sóng khơi như hung dữ. Trí óc bảo ra đi sao lòng tôi luyến lưu vô hạn!

Thái Bình Dương ban đêm, bao la nhưng không u tối vì đang lung linh phản chiếu vạn ánh sao trên nền trời hun hút.

Tiếng máy ghe nổ đều, chúng tôi chậm chậm tiến dần vào mênh mông của biển cả.

Quần áo tôi ướt đẫm vì những đợt sóng ngược đập mạnh vào ghe chúng tôi. Tôi thấy lạnh. Co ro trong tấm poncho mà mong ước cho một bình minh đến thật sớm, một bình minh sáng lạng có giọt nắng chang hoà sưởi ấm, soi sáng chúng tôi và xóa tan u tối trên cả giang sơn yêu dấu.

Chung quanh chúng tôi, ngoài tiếng gió hiền hoà như đang trầm buồn:  “... Bước đi bâng  khuâng, muôn ngàn sầu nhớ.  Bóng mờ mờ xa …..” , tôi còn nghe thấy tiếng thốt tự tận đáy lòng tôi: “Cảm ơn Vĩnh và cô cháu gái!”. “Cảm ơn Dự!”

Thành phố thân mến rồi cũng mất hút. Việt Nam dấu yêu rồi cũng nhỏ dần và tan biến phía sau tôi.

***

Dự, mày đã cho tao cơ hội để có thể còn ngồi đây nhớ lại chuyện xưa. Tao vẫn còn nhớ lại lúc tụi mình đứng chờ xe đò, mày kể cho tao nghe chuyện của em trai mày bên Mỹ.
Vĩnh, cùng lênh đênh là đã cùng tự thầm hứa “
đồng sinh đồng tử”, vậy mà mày đã sớm vĩnh viễn ra đi, để bây giờ còn lại cô cháu thân yêu, 2 con thơ dại và 1 “thằng cậu” đồng hành.

Hồ Sĩ Đình
tháng 4/2005

   Số lần đọc: 4457

2 BÌNH LUẬN

  1. Hanh van con nho viec Dinh ra ung cu Ban Dai Dien CD luc xua la hay lam do.
    Minh cung ung ho lam do chu nhung ma la phieu khong duoc count…chac co le la “no chat”…
    Bao nhieu nam troi qua, duoc gap lai nguoi ban rat de thuong, hien lanh trong chuyen di Toronto vua roi, van thay khong thay doi mot chut nao, ma hinh nhu lai thay hien lanh hon xua nua…Buu ne, minh noi co dung khong vay?
    Dinh oi, neu co thoi gio ranh roi, vao mai nha truong Nu de tham gia voi bon nay cho vui.
    Chac la minh phai nho Boi Buu nuong mot cai banh mi that ngon, nong don dum de hoi lo Dinh truoc , duoc khong?

  2. Đình

    Nhớ hồi xưa Đình ra ứng cử Ban Đại Diện trường. Mặc dù H. có [i]serve[/i] trong [i]nội các[/i] của Phạm Đào Phát một thời gian ngắn, nhưng vẫn luôn nghĩ là nếu thắng cử thì Đình có lẽ là một [i]”better President”[/i] 😆

    Welcome on board!
    H.

BÌNH LUẬN

Vui lòng viết bình luận của bạn
Vui lòng điền tên của bạn ở đây

Bài Cùng Tác Giả