Có lần trong cà phê sáng, một người bạn nhắc tới ban nhạc sinh viên ở Đại Học Vạn Hạnh của mấy chàng trai quê xứ củ mì. Hát hay không tày hay hát, vừa mới rộ đã tan theo mùa Xuân năm 75 !
Chuyện cũ giờ mòn hết, còn sót lại trong kí ức về một thành viên khá nhất ban nhạc hồi ấy là Nguyễn Vinh Quang, Cường Để 71-74.
Quang và Nhơn, Đà Lạt, tháng Tư
Thời trung học, rất ít bạn bè nghe Quang hát, một phần vì tới đệ nhị cấp Quang mới vô Cường Để. Ba năm cuối trung học, chuyện quân dịch và gì gì nữa…là nỗi lo thường ngày trong đầu đám con trai. Hát xướng thôi đành thu xếp lại lo chuyện sách đèn. Vậy là hầu hết anh em mất cơ hội để biết “có một chàng ca sĩ miền quê” tên Quang. Với lại Quang trông mộc vậy mà cả thẹn (Hình trên, Quang bên phải), chỉ cất tiếng lòng khi xung quanh chân thành thôi thúc. Làm gì có một không gian như vậy với đám học trò gái trai nổi loạn thời chiến kia ! Trong khi các ca sĩ học đường Nguyễn Hữu Dự, Diệp Thái Thôn, Đỗ Ngọc Hoánh…dằng dặc bề dày ca hát, luôn có mặt trong danh sách đùn đẩy đờn ca sáo thổi của anh em. Vậy là cùng lắm chỉ có đám bạn đồng hương như Đồng, Đức*… mới nghe tiếng hát của Quang.
Nay Quy Nhơn tiết trời đã vào cuối thu. Sáng, mây xám trôi giạt theo gió heo may. Chiều về, trời âm u, trở gió lành lạnh, ẩm ướt, làm tôi nhớ Đà Lạt và Quang…
Một chiều tháng Tư, Đà Lạt giống Quy Nhơn bây giờ. Quang đưa tôi và Nhơn tới phòng trà Cung Đàn Xưa của Hồng** nghe, hát nhạc xưa.
Cô chủ mở đầu bằng Kẻ ở của Cung Tiến mùa cổ điển, nồng nàn. Nhiều người lên hát … rồi Nhơn hát, tới Quang thì đã vào khuya, khách khứa lợt lạt dần…
Ở đây (Đà Lạt) dân văn nghệ ai cũng từng nghe giọng hát của Vinh Quang, ông giáo Toán đại học Đà Lạt; lãng đãng mà buốt giá, vậy mà giờ tôi mới được nghe tiếng hát muộn của ông bạn già: mỏng, nhẹ tênh. Quanh co huyền hoặc như khói thuốc.
Đêm ấy Quang hát như chỉ hát riêng cho một người: tự tình, than thở, tái tê. Tôi thì bộn bề vui, niềm vui khó tả. Dạt dào như cô gái quê mê tiếng đàn anh nhạc sĩ. Mà cũng thăm thẳm buồn, vì trong đêm đen Đà Lạt, lạnh đẫm sương, giọng hát thổn thức của Quang giăng mắc tâm tư.
Diễn giải một giọng hát dù có vạn từ sắc màu đi nữa cũng chệnh choạng. Ước lệ chữ nghĩa không thể trỗi dậy vào tai, chi bằng chép vô đây mấy bản ghi âm nỗi niềm âm nhạc của ông bạn già để các bạn tựa vào đó mà giữ giùm trong trí nhớ.
Giờ đây, thời gian ơi, xin chậm lại để tiếng nhung mềm của Vinh Quang kịp lay động kỉ niệm một thời yêu thơ dại đã qua.
1.Bản tình cuối – Ngô thụy Miên
2.Giết người trong mộng – Phạm Duy
3.Thuyền viễn xứ – Phạm Duy
4.Tuyệt tình – Đỗ Lễ
KXH
Cuối Thu, 2011
* Đức đã ra đi từ lâu lắm rồi !
** dì của N.Th
Số lần đọc: 3613
Tiếng Hát Mơ Vàng
Trước 1975, chúng tôi sinh viên ở chung phòng (có Đặng Đình Đức nữa), trong đại học xá Minh Mạng, SG. Quang hát đẹp như khát vọng tuổi hai mươi. Năm 1980 tôi ghé thăm, thầy Quang đãi tôi ăn cơm có thịt kho với vợ chồng thầy tại nhà (căn phòng nhỏ) trong Đại Học Đà Lạt, rồi buổi tối chúng tôi xuống ăn bánh xèo nóng ở quán dốc đồi sương.
Mỗi lần nghe tiếng hát Quang tôi như sống với giấc mơ vàng.
RE: Vinh Quang, tiếng hát tự tình
Gịong hát của anh Quang nhẹ và truyền cảm , rất hay !
RE: Vinh Quang, tiếng hát tự tình
Vinh Quang hát hay không ngờ, giọng ca ngọt ngào truyền cảm…êm êm như ru người…quá tuyệt vời.
Cám ơn Khổng Xuân Hiền rất nhiều.
RE: Vinh Quang, tiếng hát tự tình
Đa nghe anh hát từ ngày đó… như tan vào da diết những buồn đau những đam mê với yêu thương vô bờ. Giọng hát ấy có chở theo bao nhiêu cuồng si, khát khao được yêu …Nó làm cho ta muốn được yêu mãi…dù có phải ra sao ! Cảm ơn anh Nguyễn Vinh Quang và cả anh Khổng Xuân Hiền nhé !.Em QN.