Trang sinh hoạt của Cựu Giáo Sư và Học Sinh trường Trung Học Cường Đễ Qui Nhơn

Hai mảnh tình đời

Ngọc Bông

Mở cánh cửa xe bước ra ngoài, một làn gió mát lạnh lùa vào làm tôi tỉnh táo không còn những cơn ngáp dài trên xa lộ đeo theo. Trước khi rút chìa khóa tôi liếc qua chiếc đồng hồ trong xe để tin chắc mình đến đúng sau bửa ăn điểm tâm kịp đưa mẹ dạo vườn để nhân viên tiện việc lau chùi, dọn phòng

Mẹ tôi được chuyển vào khu dưỡng đường nầy gần một tuần nay sau ca mổ ráp xương hông do bị té gãy. Bốn lần trong tuần mẹ tôi được bác sĩ đến hướng dẩn trị liệu để đôi chân và cơ thể sớm hồi phục và di chuyển bình thường. Nhìn mẹ tiều tụy lòng tôi quặn thắt

Nở nụ cười thật vui những lần thấy tôi vào thăm, mẹ bảo tôi ngồi cạnh uống trà nóng và trao cho tôi chiếc bánh ngọt mà mẹ để dành cho tôi. Dưới mắt mẹ,tôi vẫn mãi là đứa bé. Tôi thong thả vì hôm nay mẹ tôi không phải đi tập và cũng là ngày nghỉ giữa tuần của tôi. Không chờ cô nhân viên đến, tôi giúp mẹ làm vệ sinh cá nhân rồi thay áo quần, vớ giày… Sau khi choàng khăn cho mẹ tôi nhấn chuông gọi cô nhân viên vào phụ tôi dìu mẹ vào xe lăn,

Tia nắng ấm dịu vào cuối thu thật nhẹ nhàng khoai khoái. Mẹ tôi hỏi han và rất áy náy vì tôi quá đa đoan bận rộn vậy mà nay phải vào thăm mẹ mỗi ngày. Gia đình chúng tôi đơn chiếc, hai đứa tôi thường thay phiên nhau vào chăm lo. Mẹ tôi không rành tiếng Mỹ, may mà nơi đây có được hai y tá và ba nhân viên dọn dẹp người Việt. Muốn có thời giờ chơi với mẹ, những lần thăm nuôi tôi thường chọn buổi chiều ngày đi làm để đỡ kẹt xe và trễ hẹn với khách.
 
Sau hơn hai tiếng đồng hồ dạo chơi ngoài sân, mẹ muốn tôi đẩy xe vào trong để đi xem vòng quanh khu dưỡng đường. Gian nhà ăn rộng lớn có sân khấu và dàn nhạc với chiếc đàn piano. Hôm nay thực đơn buổi trưa có món đậu hủ kho thịt. Tôi nghe có nhiều bệnh nhân Việt Nam ở đây. Trong này còn có phòng làm móng tay, móng chân và tóc.

Tuần sau đó cũng vào ngày nghỉ tôi đến sớm thăm mẹ với hy vọng là gặp được gia đình con gái và rể của bà Thomson, họ cũng sẽ vào thăm bà sáng nay. Bà Mỹ nầy được đưa vào ở cùng phòng với mẹ tôi đã ba hôm rồi. Những buổi chiều vào thăm, tôi thấy bà luôn nằm im lìm, Có lần thấy bà ú ớ ra dấu với người nhà, lòng tôi ái ngại lắm. Chùm tóc đỏ trước trán cùng cái tên Thomson của bà làm tôi liên tưởng đến một người khách năm xưa; người khách ấy cómột lần quay trở lại tiệm vì quên cho tôi tiền tip mà bị đụng xe.

Căn phòng nhộn nhịp với tiếng trẻ em khóc và tiếng trò chuyện của một cặp vợ chồng trẻ, Bà Thomson được người con gái chải tóc, quấn khăn, đội mũ. Chàng thanh niên trẻ đang đem chiếc xe lăn đến bên cạnh rồi bồng xốc bà lên đặt vào xe.

Tôi lặng lẽ đến ngồi cạnh mẹ, rót nước trà mời mẹ uống tráng miệng. Mẹ tươi tỉnh và tiến bộ thấy rõ, đã tự mặc áo và xoay người được rồi. Khi tôi phụ mẹ mặt quần tây và mang vớ giày vào, mẹ nói nhỏ vào tai tôi:

-Con gái bà cụ nói rành tiếng Việt khi chào hỏi mẹ đó.

-Cô ấy tên Kim Lan hả mẹ? Ồ thiệt sao… ? Tôi lẩm bẩm một mình.

Hóa ra đây là bà khách nhân hậu của tôi mười tám năm trước. Tuần nào bà Kristine thường đến tiêm làm tóc một lần. Chồng bà, ông Thomson là cựu chiến binh Việt Nam.Hai người có nuôi cô bé mồ côi Việt Nam tên là Kim Lan Kayle. Ngày cô bé này vào đại học có học bổng của thành phố Boston,ông bà về hưu muốn gần bên con nên dời khỏi Cali. Vài năm đầu chúng tôi liên lạc thường xuyên vơí nhau, rồi sau đó tôi bán nhà sang tiệm. Nghe ông cụ bị lẫn làm bà vất vả nhiều trong việc chăm sóc nên phải đưa ông vào nursing home. Vì thay đổi số điện thọai, tôi mất liên lạc với ông bà Thomson   .Và ông đã không bao giờ tỉnh dậy sau một giấc ngủ ngàn thu vì lên cơn đau tim.

Chúng tôi vô cùng nghẹn ngào ôm chầm lấy nhau.

Mắt ngấn lệ đỏ hoe, hai tay bà Kristine run rẩy, miệng ú ớ… Có lẽ hiểu được nhờ congái viết và ra dấu cho bà,

Sau cơn stroke miệng bà bị méo qua một bên, có lẽ lưỡi cũng bị rút vào nên bà nói lọng ngọng ú ớ. Căn bệnh hiểm ác đã xóa nhòa đi hình ảnh quí phái của bà ngày xưa.

Chúng tôi ra ngoài sân quay quần bên nhau.

-Cháu lập gia đình hơn hai năm rồi bác ạ !

-Làm sao mà gia đình lại trở vê Cali?

-Dạ anh Brian chồng cháu được hãng thuyên chuyển về làm cho một chi nhánh năng lượng mới mở năm ngoái ở gần Mission Viejo.Mẹ cháu bênh gout không chiụ nổi khí hậu lạnh, hơn nữa có dì Beth, em của mẹ cháu ở ngay Mission Viejo rất rảnh rổi và vẫn thường đên chơi với mẹ cháu mỗi ngày.

-Vì hai bé gái sanh đôi, chắc cháu bân nên chỉ có Brian đi thăm nuôi ?

– Cũng nhờ dì Beth chứ không vợ chồng cháu bây giờ không biết ứng phó như thế nào nữa.

– Bác vẩn thon gọn như ngày nào, không mấy thay đổi.-Cháu lên cân nhiều, xấu hổ quá !

-Để rồi coi…  Nó hành cho vài trận bỏ ăn mất ngủ là xuống cân ngay

-Không ngờ cả gia đình cháu được găp lại bác và cụ hôm nay,may quá. Cháu định bụng hôm nào rảnh sẽ ghé tiệm hỏi tin tức bác đó….

* * *

Tôi đặt bình hoa và dĩa trái cây xuống mộ mẹ, tay nắm chặt xâu chuỗi hạt Bồ Đề mà bà Kristine trao cho mẹ tôi nhân ngày mẹ bình phục xuất viện. Xâu chuỗi ấy bà bạn Mỹ đã thỉnh cho mình trong chuyến đi viếng chùa ở Ân Độ trước ngày bị bại , bà học ngồi thiền và hành thiền. Bà còn ở lại lâu vì đứt dây thần kinh chính và khó mà trở lại bình thường.

Mùi thơm của hương hoa trầm quyện vào gió khiến tôi hình dung ra ánh mắt nụ cười bất tử của mẹ và bà KristineThomson cho dầu hai cụ không còn hiện hữu trên thế gian nầy nữa.!

Đêm vắng lặng với đường trăm lối rẽ
Lòng rớt rơi một chút ngậm ngùi…

(Viết nhân ngày Mother’ s Day)

* * *

Nói một đường mà làm một đường
Cái thằng họ Sở mấy ai thương
Năm châu đều biết tay lừa phỉnh
Bốn bể cùng hay tiếng gạt lường

Ngoài mặt rêu rao niềm độ lượng
Trong lòng sắp sẵn mối tai ương
Cũng dòng văn học như ai đấy
Sao chỉ mưu toàn chuyện bất lương ? !
(trích từ trang nhà Nữ Trung Học Qui Nhơn – Thơ của thầy Trần V Dật)

Cầm cuốn đặc san Cường Để – Nữ Trung Học Qui Nhơn mắt tôi lướt qua nhiều lần bài viết của anh làm tôi mườn tượng ra anh. Thật đúng rồi, không thể có thêm một anh nào nữa ở Qui Nhơn.

Thế là sau nhiều lần email qua lại và vài lá thư ngắn gọn, anh ấy đã gọi điện thoại vào một sáng sớm cuối tuần. Anh đã reo vui huyên thuyên kể rất nhiều về những kỷ niệm cũ cùng những năm tháng ngà ngọc trước ngày anh du học 1970; rồi nói vềgia đình và cuộc sống hiện tại – năm 2002 – bên Đức của anh. Anh ấy cũng gởi lại cho tôi những copy của mấy tấm hình cũ có đám bạn của anh bên Cường Để… và bầy chị em chúng tôi. Anh cho tôi đọc lại những dòng chữ của bạn bè viết cho nhau trong tập album lưu niệm, còn có cả những lời đùa chọc của bọn tôi. Lòng tôi lúc ấy rất hân hoan như một kẻ lạc loài nay tìm lại được người thân xa xưa vì tôi đã vĩnh viễn mất hết thảy chị em từ ngày vượt biên.

Mặc dầu may mắn sống ở quận Orange từ ngày đặt chân đến Mỹ, và chỉ hơn nửa tiếng lái xe xuống Little SG nhưng công việc tôi làm và nơi tôi ở ít có người Việt. Ngày mẹ tôi qua đoàn tụ tôi phải mất nhiêu ngày đi vòng quanh xóm mới tìm ra được một gia đình có cụ bà trạc tuổi mẹ tôi để mẹ tôi chuyện trò những lúc con cháu vắng nhà. Mẹ tôi càng thêm vui mừng qua những cuộc đàm thọai trên phone và biết thêm mẹ anh có qua ở với anh, còn người dì ruột của anh ở Qui Nhơn không còn dạy học đã về hưu.

Những năm tháng đầu anh ấy thường xuyên gọi điện thoại cả tiếng đồng hồ, kể về công việc làm ăn kinh doanh rất thành công . Rồi đến một hôm anh nhờ tôi tìm xem có ai để anh vay vốn trả gấp ba / bốn lần vì anh đang bị kẹt hàng ở nước ngòai. Có lẽ anh ấy than thở nhiều làm mẹ tôi cũng đọng lòng xót xa như tôi và khuyên tôi gởi cho anh mượn bốn ngàn đô. Lúc đầu anh ấy bảo không đủ vào đâu ít nhất anh cần phải vài chục ngàn đô. Nhưng độ vài tháng sau, anh lại hỏi mượn để tạm đở bước đầu trong thời gian chờ đợi số hàng tiêu thụ.

Thời gian trôi dần qua không đếm nổi bằng tháng, dân dà đã gần mười năm trôi qua, bao nhiêu sự việc đã đổi thay. Mẹ tôi đã qua đời năm 2006, công việc làm ăn bị chông chênh. Tôi đã trải qua nhiều khó khăn. Mọi chuyện anh ấy đều hay biết cả nhưng vẩn những giải thích quanh co dài dòng và những hứa hẹn mông lung hảo huyền … Nhưng tất cả chỉ là con số không, rồi im băt, không điện thoại cũng chẳng email gì nữa.

Cách đây bốn năm – 2008 – tôi liên lạc được với anh, tôi hỏi lại số tiền nợ, anh ấy chỉ gởi cho tôi xem nhiều bằng chứng công việc làm ăn trắc trở của anh thôi chứ không đá đụng đến món tiền mượn của tôi. Cũng vì quá ngại và nể tôi lại im lặng cho đến tháng vừa qua từ một email của anh bạn, tôi có được email mới của anh. Tôi làm gan nhắc lại số tiền anh đã nợ tôi để trang trải công việc. Lần nầy tôi bị quất thê thãm với những lời lẽ khiếm nhã… Tôi thật hải hùng kinh ngạc vì anh là người có học lại tuôn ra những lời chói tai quá thô bỉ.

Đây quả là bài học dạy cho tôi đừng quá tin người; bên cạnh những người nhân từ vẫn còn có vài kẻ đê tiện lợi dụng lòng tốt của bạn bè.

Thật không hiểu nổi tại sao lại có những người sẵn sàng bán rẻ thanh danh mình mà hậu quả là muôn đời sẽ không tìm ra được tình người ấm áp chân thành. Ở đâu đó có thể họ rất đắc ý với chiến công từng đem thắng lợi dễ dàng hay tự cho mình quá xuất sắc trước sự khờ dại của nạn nhân.

Đời người một trăm năm vay trả
Hãy giử mình đừng điên đảo đổi thay
Sống sao cho đáng kiếp người
Xuôi tay nhắm mắt nhẹ nhàng thênh thang

Ngọc Bông
6.2012
  

 

   Số lần đọc: 3536

1 BÌNH LUẬN

  1. RE: Hai mảnh tình đời
    Bài viết hay! Làm động lòng. Thi sĩ, nhà văn (đầy dẫy) viết thu hút lòng người đến như thế này là cùng.
    Đông ý với bạn Hạnh: Không lẽ bài viết trở thành “một mảnh tình đời”.
    Chị Ngọc Bông thân mến,
    Nếu trí óc chưa lú lẫn, tôi nhớ là từng cùng anh nhà làm chung xưởng tại “Chi-Ma-Wan”, Hong Kong.
    Cảm ơn chị đã chia xẻ kinh nghiệm qua [i]hai mảnh tình đời[/i]: Hâm mộ Thomson, chỉ lỡ quên “tip” mà đã phải áy náy là không đối xử phải với người, rồi bị tai nạn; và thật đáng thương hại cho người đã bán thanh danh quá rẻ.
    Chúc chị và gia đình bình an!

BÌNH LUẬN

Vui lòng viết bình luận của bạn
Vui lòng điền tên của bạn ở đây

Bài Cùng Tác Giả