Mấy bửa nay người cứ bần thần, chẳng biết vui hay buồn . Mình vừa bất ngờ nhận được cuốn tuần-phả ( Hướng đạo Bình Định, Kha Đồ Bàn) từ người bạn . Trong suy nghĩ mình tưởng rằng nó phải dày dặn, đường hoàng lắm.. đến khi mở giấy gói ra mới thấy nó tang hoang, rách nát …
Đúng 41 năm từ lúc mình đóng bìa cho nó và viết những dòng chữ đầu tiên trong cuốn tuần-phả , giờ đây nó quay trở về . Xộch xệch, ố vàng và thảm thương cho những tấm hình đen trắng, cứ dính chùm với nhau hay được gở vội, rách nát – cái thì còn khúc trên, mất dưới , cái thì còn bên phải mất bìa trái…Thằng bạn phân trần , trải qua nhiêu đời Tuần trưởng , lúc thì chạy giặc năm 72, rồi lần cuối năm 75 .., té khỏi ghe ướt hết..may mà còn sống để đem về …thế là mình cũng sực tỉnh, đi chạy giặc mà mang theo cuốn tuần phả kể là “ quá quý’ rồi , còn gì mà trách nữa !
Chỉ những trang viết bằng bút bic là còn đọc được, nhiều tên vẽ vời , viết bằng viết lông kim nay lem luốc cả . Lần giở những trang còn đọc được, tổng cộng có 37 tên trong danh sách . Cũng may, số đã chết không nhiều, còn lại thì tứ tán 4 phương … Thôi thì cứ viết lên đây vài dòng cho chúng biết , đứa nào có quan tâm thì liên lạc , còn lại mình lưu thành những bài viết kỹ niệm một thời , trong đó – có những đứa vừa là bạn học Cường Để vừa là bạn Hướng Đạo Bình Định ..Đọc những dòng viết lúc đó sao thấy ngây ngô và thiệt tình quá . . .
Xin trích đăng 1 bài trong cuốn Tuần phả tuần Quang Trung …
Trại Họp bạn Đà Lạt 1971
(trích tuần phả Tuần Quang Trung )
Khi mùa đông đến, trời bắt đầu mưa ở Quy Nhơn thì hầu như tất cả chúng tôi đều nô nức- và hình như-có một nổi sao xuyến nhè nhẹ bao quanh. Những buổi học sớm mai, nhìn ra sân trường xa xa với dãy núi xanh tươi chìm đắm trong những lớp sương trắng đục thường làm tôi vẩn vơ với bài học. Giáng sinh sắp đến, kỳ này chúng tôi sẽ đi trại Họp bạn Giáng sinh ở Đà Lạt . Cái thành phố nằm sau dãy núi xanh xanh có mây mù lạnh lẽo kia, sao chúng lại có cái hấp dẫn thế nhỉ ?
Thế rồi những phong bì đựng văn thư gởi đến trường xin phép nghĩ học được tôi săn đón kỹ và truyền tay nhau xem… những hồi chuông ra chơi vang động là y như chúng tôi súm nhau lại bàn chuyện- Những mẩu chuyện vây quanh và lẩn quẩn xung quanh Đà Lạt làm cho chúng tôi lại càng háo hức . Kế tiếp những ngày chủ nhật, sao Kha –đoàn vui tươi lạ . Họp Tuần, Hội đoàn, bất cứ buổi họp nào cũng đều nhắc đến kỳ Họp bạn Đà Lạt sắp tới, như đó là là một việc hệ trọng. Chúng tôi, tên nào cũng đầy ắp những ý kiến và mẩu chuyện về kỳ họp-bạn, nhưng tất cả đều trang nghiêm, chỉ đợi có kẻ khơi mào, mở đầu là câu chuyện nổ dòn như bắp rang. Kế tiếp những buổi họp mặt, chúng tôi thường kéo nhau vào quán chè, trong giờ phút ấy- tên nào cũng tỏ ra rộng rãi trả tiền thay cho bạn. Ôi thời gian và hoàn cảnh làm cho chúng tôi thay đổi…
Càng gần đến Giáng sinh lại càng có nhiều buổi họp Hội-đồng-đoàn. Cứ tối thứ năm hàng tuần chúng tôi kéo nhau họp ở đạo quán. Khung cảnh vắng lặng, và thành phần chỉ gồm Tuần –trưởng ,Tuần_phó nên không khí có vẻ quan trọng – Sắp tới họp bạn mà Kha –đoàn vẫn chưa có Trưởng, thật là vấn đề nan giải ! Ôm ấp bao nhiêu hy vọng nay trước vấn đề đó chúng tôi thấy ngở ngàng và bứt rưt quá !
Thế rồi những ngày tháng háo hức lại qua đi, xích gần lại một kỳ trại thích thú . Kha-đoàn phải chập thuận cho Trưởng Nguyễn Vinh Thái xuống hướng dẫn với tính cách tạm thời. Chủ nhật ấy, chúng tôi cắm trại kha đoàn- kỳ trại đầy nô nức vì viễn ảnh sắp tới. Chúng tôi chới trò-chơi-lớn, Tuần Quang Trung vẫn dẫn đầu. Đeo ba lô, chúng tôi chạy đến những trạm trước cả “thần” . Mưa tầm tả. Nồi cơm “lưu động” được chúng tôi đem đến Gềnh-Ráng và chín trước tiên. Các bạn cỡi những đôi dày bố sũng nước, máng áo quần lên bờ tường rồi xúm vào nồi cơm vừa chín. Chiếc nắp vung được nhấc lên thì hơi nóng tỏa ra ngào ngạt , thêm vài hộp kim chi cay sè, chúng tôi thanh toán trọn nồi cơm lưu động..”cực khổ” ấy !
Chiều về, Thọ một Thiếu sinh đội Hưu-Đống Đa bị Anh Đức và Anh Thái tống lên Kha vì lý do “chính trị” . Thấy thế, tôi liền nhận Thọ vào Tuần để hắn khỏi chán nản . .
Cả Kha-đoàn tập họp tại sân Trường Nữ Trung Học, cạnh đấy, Thọ đang lần lượt bắt tay các Thiếu sinh Đống Đa để từ giả và xong xuôi Thiếu Đống Đa rút gọn….Trưởng Đức dẫn Thọ tới giới thiệu với Kha-đoàn. Lúc đó Thọ đứng im và ngơ ngác..Anh Đức vừa quay gót thì cả Kha-đoàn choàng tay nhau ca bài “ yêu nhau cởi áo..ối à…cho nhau…” Lần lượt cái vòng tay khép nhỏ dần . . .chỉ thấy cái áo Thọ được vất tung lên, và tiếng cười đùa vang dậy hòa lẫn những tiếng ấm gọn cua những cú đấm…Thọ té lăn cù, tấm poncho được đem đến…Đến màn trùm poncho và thả xuống biển ….
Kha –đoàn được tập họp lần cuối để mãn trại. Anh Thái ra nói vài lời về kỳ trại và Tuần Quang Trung được gọi ra. Tôi dẫn tuần chạy đến trình diện, chỉ có 3 đứa : Tôi, Hoánh và Mười carbon . Những cái nồi buộc vào ba-lô kêu lẻng xẻng . Ba đứa mắt mày bơ phờ, đen đúa . bên kia, bọn Hồng-thập-Tự đang họp cũng ráng ghé mắt nhìn…, Anh Thái tuyên bố kết quả kỳ trại và treo cờ danh dự cho Tuần Quang Trung –( thật ra thì anh ấy phải gắn thêm cho chúng tôi 1cờ danh dự nữa, vì lá cờ này chúng tôi đã đoạt vào kỳ trại-đoàn 01/11 ) và nay anh ấy mới gắn và dùng chung . Hai tay tôi dương thẳng cờ Tuần, chiếc gậy được tôi và Ngô Xuân khắc kỹ lưỡng mất cả nửa tháng trời và sơn phết…rung rung dưới tay tôi, nó thật cũng đáng nhận lá cờ danh dự ấy ! Trước mặt là hàng liễu dang rung động vì gió biển và nhuộm qua kẻ lá những tia nắng vàng hắt đến. Tiếp theo là lễ tấn-phong các tân Tuần-trưởng.Bài hát được nối tiếp trong lòng lòng tay, tiếng vỗ nhịp nhàng và sắc gọn …. Cuối cùng là lễ tấn phong Tuần Trưởng Nhất : Lê đình Khải- nguyên Tuần Trưởng Tuần Quang Trung. Đối với chúng tôi đó là một kỳ trại vẻ vang, nhờ sự tập luyện của chúng tôi trước khi “ứng chiến” . Truyền tin vẫn là cái chốt đầu quan trọng mà ngoài dân Tuần Quang Trung, Kha –đoàn không ai địch lại cả . Hiếu vào thời ấy rất khá semaphore, chàng ta giữ một vai trò quan trọng trong lúc nhận những bản tin.và trước khi nhập cuộc tôi và Hoánh lôi 2 cuốn sổ “Cẩm nang chuyên môn” ra cho tuần gạo lại “tinh thần” thế là chắc như bắp !!
Sau khi chia tay chúng tôi ra về, trong lòng vẫn còn vươn những vui thú. Chiều đến, chúng tôi xin được vài chỗ trên xe rau đi Đà Lạt, thế là Mười, Hoánh và Hiếu đi ngay hôm ấy, gần cuối tháng 12 . Tôi và những người chưa đi vẫn ở lại Quy Nhơn với nổi háo hức gia tăng, ít ngày sau chúng tôi lại xin được vài chỗ trên chiếc xe rau. Thế là tôi và Hùng ti hí đi, còn lại Xuân và Thọ .
Chiếc xe chở chúng tôi quá rộng rãi, cả xe trống và chỉ có chúng tôi . Qua những phong cảnh quen thuộc trên đường, xe vẫn chạy đều và dừng lại ở ngả 3 Cam Ranh- Đá Bạc-Phan Rang. Chúng tôi khoảng 10 người, cả Thiếu và Kha bước vào quán cơm bên cạnh. Người hầu bạn dọn ra, chúng tôi cười nói vui vẻ và gọi thêm cơm. Bao giờ chúng tôi cũng ăn mạnh mẽ khi vào tiệm, hầu như chuyện vào ăn cơm nhà hàng thành xa xỉ và bất đắc dĩ với chúng tôi, nên sinh ra một thành kiến là “ làm sao cho đáng đồng tiền” Kết quả là lọ tăm cũng bị nằm gọn trong túi mỗi tên dăm cây, ấm trà cũng hết và cơm cũng sạch . . . thế mà vẫn nài nỉ Bà chủ bớt tiền !
Xe chuyển bánh, đường Cam ranh-Phan Rang sỏi đá khô cằn, xa xa là biển xanh rì, tôi nhớ lại đêm khởi hành : . .
Tối hôm ấy là trại CPS tại Trường Kỹ Thuật. Trời mưa và gió mạnh. Tôi xách ba-lô vào đạo-quán. Ở đấy đã có một ít Thiếu sinh Hùng Vương, Đề Thám và Đống Đa. Bên cạnh, anh Nghiêm , Dũng và Liêm đang kết rơm làm hang Bethlem cho kỳ Noel sắp tới. Lòng tôi thoáng gợi một tí buồn vì ngăn cách . Tôi sẽ hưởng Noel ở Đà Lạt nhưng lại tiếc không có mặt tại đây cùng với mấy tên ở lại chia sẻ niềm vui … Một lát sau Hùng ti-hí dẫn Dũng chí-mén lại ( vì tôi đã thông tư cho hắn ). Trời tạnh mưa, khu vực đạo-quán vắng lặng, tôi và Mỹ răng-khểnh đi ngược lên Phan Bội Châu gặp bọn Nhơn, Lộc và chúng tôi vào tiệm phở trước rạp Lê Lợi. Tôi nói chuyên với Mỹ và gọi phở .Trời hơi rét, hai tô phở nóng ngon chi lạ , rồi chúng tôi trở về đạo-quán. Không ai ngủ được cả. Hùng dỡn ồn ào với Dũng . Lát sau tất cả chúng tôi đi tản bộ trong thành phố vắng lặng ban đêm. . . .
Tôi và Nhơn đi dọc con đường Nguyễn Huệ, không thấy sự sinh hoạt sống động trên con đường này . Bước huyênh hoang trong vùng sáng rõ của ngọn đèn đường neon, chỉ nghe tiếng sóng vỗ ì ầm xa xa vọng lại… vài ngọn gió biển phớt qua mặt đem theo vị mặn tanh của biển . . .Trong một luc nào đó, tự nhiên như ngọn gió biển thổi tới, tôi và Nhơn cùng đọc bài “thu cảm” của Đinh Hùng : “ thu năm nay tôi lại đi trên trên con đường vắng này nghe từng chiếc lá rơi trên bờ cỏ. Nước trong như cặp mắt tuyệt vời, và trong vườn ai- thấp thoáng dưới bóng phù du buổi sáng nở trắng như một linh hồn còn trẻ …”
Hình như cảnh vật đã đem lại cho chúng tôi cùng một cảm hứng, và không ai bảo ai – cả 2 đều đọc bài trên – cái bài trong trang giấy đầu tiên của quyển tập Kim văn đầu năm học lớp đệ ngũ, tôi không sao quên được. Chữ “thu cảm” đầu bài tôi đã tô bằng bút đỏ, những dòng chữ nắn nót ngưỡng nghịu đầu năm học sau 3 tháng hè ngưng bút đã làm tôi xé vở, chép lại mấy lần … .và kết quả là bây giờ, tôi đang tranh luận với Nhơn về câu “ và trong vườn nhà ai..…dưới bóng hoa phù dung” . Tôi thì nói rằng, không có chữ “ nhà” trong câu “ và trong vười ai “ và không có chữ “hoa” trong câu “ dưới bóng phù dung buổi sáng” . Nhưng Nhơn lại bảo rằng “ có” .
Tôi cố gắng lý luận, nào bảo là Đinh Hùng không dùng chữ “nhà” cốt để câu “ và trong vườn ai thấp thoáng..” có vẻ bâng khuâng, không nhớ rõ cảnh vật của tác giả. Tiếng “ai” tế nhị chỉ khi nó đứng một mình ..v..v..Nhưng rồi Nhơn, hắn có lập luận của hắn. Kết quả là chúng tôi đến đầu đường Võ Tánh hồi nào không hay và …kết thúc tranh luận . Nhưng bây giờ tôi biết, có lẻ tôi và Nhơn có một điểm hòa đồng trong cái bất đồng đó : là biết thưởng thức câu văn trên theo cảm súc riêng của mình, và chỉ như thế, mới có giá trị…. Cả hai đứa bước dọc theo đường Võ Tánh- con đường sáng sủa với 2 hàng đèn, những cây sao bên đường ngủ yên và lấp lánh những chòm lá xanh dưới ánh sáng dịu của những ngọn đèn 2 bên đường . Trên bầu trời, những vì sao như mờ nhạt bớt vì ánh sáng này . Đường Võ Tánh trông cũng thẳng tắp và hiền hậu, chúng tôi đi dọc lại đường Gia Long thì lại gặp bọn Mỹ và Hùng, nhập bọn đi tiếp đường Phan Bội Châu . Khi đã chồn chân, chúng tôi trở về đạo quán và đợi xe ….
. . . . . . . . . . . . . .
Chiếc xe đã qua Phan Rang và bắt đầu bò lên đèo Krongpha. Mấy năm về trước khi đến đây phải đợi mất cả 2 tiếng đồng hồ, chờ đến lượt lên xe mới được chạy và chỉ chạy từng đợt- một chiều-và luôn luôn nhường cho xe cơ giới hạng nặng làm đường của Mỹ. Bây giờ, đường rộng rãi , có thể chạy một lúc 3 chiếc , không vướng víu gì . Xe chúng tôi chạy nhanh, thỉnh thoảng lại bị những chiêc xe jeep lùn vượt qua chứa đầy nhóc người. Những con đường ngoằn nghoèo bò trên lung lũng phía sau, ôm sát góc núi xanh… Chẳng mấy chốc, xe chúng tôi chui qua ống dẫn nước từ dập Đa Nhim chạy thẳng song song từ đỉnh núi xuống , hệ thống này nhìn từ xa như hai con đường thẳng tắp đã làm tôi tưởng lầm là đường đi khi đến Đà Lạt lần đầu !
Những cây thông đầu tiên xuất hiện , dần dần liền kế với nhau trên con đường qua khung cửa xe, trải dài xanh um những tấm thảm su su hai bên đường. Đến chiều, tới Đơn Dương, một quận lỵ sầm uất. Xe chạy chậm qua đường phố, tung bụi mù che những cái vẫy tay và nụ cười tinh nghịch của những cô bé hai bên đường …
Lúc chạng vạng chiều xe vào thành phố, hiện rõ trong bóng nhập nhòe là những chiếc áo len xanh của đám học sinh chen lẫn với màu vàng của hoa dã quỳ . Trên xe, Hùng và Dũng Chí mén chỉ trỏ đám học sinh cười đùa vui vẻ. Trời tối dân, màu xanh của áo len, màu hồng trên gò má… tất cả tạo thành khung cảnh êm đềm , giờ thì chiếc gậy Tuần của tôi được giơ ra cửa sổ, phất phới dưới bóng chạng vạng để chào mừng những nét sống động nhất của khung cảnh . . ..
Xe tăng tốc cố vướt qua những trạm gát đang rào dây kẽm ngang đường. Cái vui tươi lúc nãy giờ như biến mất.. Qua những lần năn nỉ ở những trạm gát đường đã đóng cửa, xe chúng tôi tiếp tục thi triển tốc lực. Đèn mắt mèo thay thế cho đèn pha nên chỉ đủ soi sáng một vùng nhỏ trước xe. Từ ngọn đồi nhìn xuống thung lũng thật là một cảnh tượng huy hoàng làm tôi mất đi sự lo lắng, bất giác tôi nhớ đến một câu chuyện trong tạp chí Văn… Truyện kể có một vị bá tước đi chiếm đất . Lúc trở về, trời đã hoàng hôn. Ông ta chạy ngược lên đồi, càng lên cao thì lại thấy mặt trời càng le lói… và cuối cùng, khi leo đến được đỉnh đồi thì Ông ta gục ngã……” Trong truyên, những cảnh tượng hoàng hôn thật tuyệt vời, giờ tôi mới có dịp ngắm hoàng hôn, một vùng sáng rực rỡ với những áng mây óng ánh nhuộm vàng . Bên kia thung lũng, nền trời sạm dần…
Chiếc xe vẫn chạy vun vút trên còn đường rừng rú tẻ ngắt, khoảng sáng của đèn xe chỉ đủ soi rõ những khúc quanh bất chợt . Trên xe tối om, vắng ngắt những bài hát vang dôi lúc mới khởi hành. Không khí ngột ngạt, trời tối om, thành phố Đà Lạt ở hướng nào nhỉ ? Nhìn xuống dưới thung lũng, mặt trời tròn , to đỏ ối soi sáng một nùng xung quanh nó, những giải mây nhiều màu đang nhạt dần… và cứ như thế, xe càng chạy lên cao thì chúng tôi càng trông rõ mặt trời . Giống như chạy đua với thời gian, tôi cứ nhìn chăm chăm vào mặt trời, như thể hễ nó lặn đi là chúng tôi “ bỏ cuộc” … Chiếc xe bỗng thắng gấp, tất cả đều chúi về phía trước, song nồi cột theo ba lô kêu loảng xoảng rớt xuống sàn xe . Qua ánh đèn xe, một tấm bảng gỗ máng trên hàng thép gai dăng ngang đường với dòng chữ viết nghuệch ngoạc “ COI CHỪNG MÌN” . Không nghe ai nói gì, hai bên đường tôi om, không đồn bót nào cả . Những giọt mồ hối lấm tấm đổ xuống từ cổ bác tài qua ánh đèn tù mù trong xe, bên ngoài hàng thông dày đặc đứng im lìm trong tiếng kêu rả rích của côn trùng … Trên xe chỉ có bác tài, chú ét-xe nhỏ và chúng tôi, ngủ lại đây chăng , thật khủng khiếp ! Đôi môi tôi khô cứng, buốt lạnh cố trấn tỉnh mình : “ điều luật thứ 8 đầu rồi ? “ …lúc này bỗng dưng tôi mong nghe tiếng chó sủa, gà kêu, người nói chuyện … Bỗng dưng , một làn khói thuốc lá thơm dịu thoảng qua mũi tôi, vừa hít mạnh làn khói ấy vừa đưa mắt tìm đối tượng bên kia đường .. Khi tìm được đốm lửa thì một giọng nói lạnh lùng vàng lên : “ hết giờ ! rào đường rồi ! “ Định thần lại thì thấy hai người lính cầm súng đang đứng phía trên đường …
Cho đến khi xe chạy lại, trời đã tối om, chỉ thấy bóng đêm . “ mấy cây số tới Đà Lạt ta ?”, “thôi hát lên tụi bây ơi, hát đi …anh không chết đâu em …” Chúng tôi như tỉnh dây sau giấc ngủ vùi, xe chạy vun vút … “Vào thị trấn rồi !” , chúng tôi vào một khu phố đông người, đèn sáng choang, và ngừng lại , Bác tài chạy vôi vào nhà nói chuyện với ông chủ ( tôi cho rằng đó là ông chủ vì ông ta có bụng bự, có râu mép,tướng bệ vệ ) .Khoảng 10 phút sau, xe chúng tôi chuyển bánh . Tôi đoán đã đến gần Đà Lạt, con đường nhựa êm ru, hai bên đường ruộng rẫy và hàng thông nối tiếp nhau trong có vẻ hiền lành và ít..đe dọa ….
Khi nghe tiếng nói chuyện lao xao của bọn Thiếu thì tôi bừng tỉnh nhìn ra của xe, một chùm sáng lóng lánh chụp vào mắt tôi . Xa xa, lưng chừng ngọn núi tối đen, thành phố Đà Lạt nằm vươn mình như một đóa hoa mẫu đơn , những ngọn đèn sáng lóng lánh như chùm sao Sirius trên bầu trời .. Xe chạy nhanh, có lúc thành phố bên này đường, rồi chạy qua bên kia… mất hút một lúc lâu và lại bất ngờ xuất hiện trước mặt, giống như một cuộc đuổi bắt …
Những bước chân đầu tiên khi xuống xe- thật bỡ ngỡ trên con đường vắng bên bờ hồ Xuân Hương. Con đường Hồ xuân Hương không thay đổi gì mấy- những trụ ciment trắng tròn vòng quanh bờ hồ vẫn im lìm . Dưới ánh đèn sáng trắng của trạm xăng Shell, sóng gợn lăn tăn chạy theo vệt sáng dài trên mặt hồ. Thành phố ngủ kỹ, nhìn lại cả bọn co ro cất bước bên nhau, quần cộc, áo cộc vai mang ba-lô nặng trĩu, đút túi quần những cánh tay trần nổi rõ làn gai trên làn da thâm lạnh . Chẳng nghe ai nói gì, tôi như đê mê trong làn không khí mát lạnh đi qua từng trụ cây im lìm. Bước chân tối như đá vỡ những kỹ niệm xưa, ngày nào bên gốc cây, hàng cây xanh này… Thấy như vùa mới trải qua, chờn vờn trong óc như tiếng còi hú lên xa vời, vọng lại . Mỗi bước chân như bóc mỏng từng phiến kỹ niệm, gầy gõ trên con đường cũ một nổi bâng khuâng , nhớ nhung êm dịu. Tôi như thấy hồn mình trải rộng theo bước chân, từng chùm kỹ niệm kéo về bao bọc, níu kéo lấy tôi . . . .”chỗ này là lúc mới xuống xe, chúng tôi quàng vai nhau chụp hình .” Từng nét khờ khạo, ngây ngô trên khuôn mặt như hiện dần dần lại … bên kia , trong buổi sớm mai nào tản dọc trên đường dẫm lên những ngọn cỏ chìa ra trên lối đi … . Quay vờn trong những luồng êm ái, chân tôi vẫn bước đều theo cả bọn, hình như tất cả đều hăng hái bước nhanh . . .
Từ đầu đường đến Đạo quán không xa lắm, nhưng con đường cong theo bờ hồ khiến chúng tôi phải bước mãi. Vào trong Đạo quán Lâm viên, ba-lô vứt trước thềm, vươn vai, uốn mình cho mạch máu lưu thông, cánh tay như bị tê dại đi . Xoa bóp vai một lúc, tôi bước ra đường không quan tâm đến cảm giác tê dại, những kỳ xuât du với ba-lô đường trường, thỉnh thoảng tôi lại thấy cảm giác này… Quanh Đạo quán không có nhà dân nào, trước mặt – ngọn đồi như khối đen vĩ đại bao quanh những thân cây đen xì đang ngủ kỹ , thoảng lao xao cơn gió từ bờ hồ phía sau . Bên kia hồ, vài ánh đèn di động xa hun hút , bốn năm đứa đứng chuyện gẫu với nhau trước cổng, cửa Đạo quán khóa kín . Mốt người đàn ông bước vào cổng nhờ chúng tôi đẩy hộ chiếc xe bị tắt máy dọc đường, tôi cắt 2 tên ở lại rồi kéo cả bọn đi giúp . Thậ là đại nạn khi bị ban xe ở đây vào ban đêm, nếu không có chúng tôi chắc người tài xế phải cuốc bộ thêm vài cây số nữa để tìm người phụ giúp .. đi cả cây số mới tới chiếc xe bị ban, phía sau hai người đàn bà và đàn ông đang ngồi nói chuyện vói nhau dưới ánh lửa lập lòe của điếu thuốc trên mội ….
. . . . . . . . . . . .
Nguyễn Trí Mẫn
Số lần đọc: 2326