Chiếc đò ngang vừa cập bến, Bân đứng ngồi không yên, nó thấp tha, thấp thỏm ngóng nhìn bóng chị Bạch xuất hiện trên cầu ván. Cuối cùng nó thấy chị Bạch tay ôm thúng, nhanh nhẹn bước xuống bến sông, đằng sau chị là anh Tập đang quảy giùm quang gánh giúp chị, Bân chạy a lại ôm chị hỏi.
– Chị có mua quà cho em không ?
– Có chứ, làm sao chị quên mua cho em được – Chị quay lui bảo anh Tập.
– Anh lấy giúp em món đồ chơi với gói bánh ở thúng sau gánh.
Bân một tay cầm đồ chơi nặn hình thằng hề bằng bột, tay kia cầm gói bánh bò chạy lon ton phía trước trên đường làng dẫn về nhà. Anh Tập nắm tay chị Bạch thong thả bước theo sau. Anh ngập ngừng, rồi cuối cùng mạnh dạn nói với Bạch: – Bạch này ! Anh phải xa em một thời gian. Anh đã đăng ký ra ngoài Bắc tiếp tục học đại học, sau hai năm anh sẽ trở về xin phép bố mẹ cưới em. Nếu anh ở lai cũng không thay đổi được gì. Không lẽ hai đứa mình vì giai cấp tiểu tư sản của gia đình mà phải mua gánh bán bưng suốt cả đời hay sao ? Anh chỉ đi hai năm, khi anh quay trở về cuộc đời mình sẽ đổi khác. Em đừng buồn ! thời gian qua nhanh lắm. Anh và em sẽ được trùng phùng, không lâu lắm đâu.
Bạch thảng thốt: – Khi nào anh đi ?
– Sáng mai sớm là anh phải xuống Qui Nhơn làm giấy tờ, độ 10 giờ là anh phải lên tàu rồi.
Bạch nghẹn ngào quay mặt đi, âm thầm lặng lẽ khóc, dỗi bước lên phía trước, Tập lặng lẽ bước theo sau nàng. Đến ngả ba rẽ vào nhà nàng, Tập bước nhanh tới, trao quang gánh qua vai nàng rồi nói nhỏ: – Tối nay ra chòi chăn vịt gặp anh. Đừng cho ba mẹ em biết là ngày mai anh đi.
Đôi tình nhân ngượng ngập ngồi bên nhau trong cái tĩnh mịch của màn đêm, không ai nói với ai một lời, tiếng côn trùng kêu rả rích chung quanh họ. Đột nhiên Bạch nấc lên, khóc nức nở. Tập quay lại, choàng tay qua vai nàng, nâng cằm lên rồi hôn lên đôi mắt đẫm lệ, bất chợt anh chuyển xuống đôi môi rồi ôm Bạch siết mạnh trong vòng tay. Anh dìu nàng nằm xuống rồi hối hả hôn đắm đuối lên môi lên má, lên gò ngực căn phồng, lên da thịt mịn màng của Bạch như ngây như dại. Bạch bàng hoàng ngây ngất trước những cái ve vuốt đầy mê say của Tập, nàng chống trả một cách yếu ớt rồi sau đó buông thả, cuống quít, oằn người dưới tấm thân lực lưỡng, nóng hừng hực của Tập. Thốt nhiên như bừng tỉnh khỏi cơn mê điên cuồng, Tập ngừng lại, chàng nhẹ nhàng dìu Bạch ngồi dậy, âu yếm gài nút áo lại cho Bạch, vuốt tóc, kẹp tóc lại cho nàng rồi dịu dàng xin lỗi.
– Anh xin lỗi em ! Cứ nghĩ đến phải xa em hai năm là anh hóa cuồng mất. Anh phải để dành lại cho em trong đêm tân hôn khi anh trở về. Nhớ ! Không được kết hôn với ai trong thời gian hai năm anh vắng mặt. Ở Hà Nội anh sẽ thường xuyên viết thư về cho em, thỉnh thoảng chạy sang bên anh thăm viếng ba mẹ anh.
Bạch nước mắt dàn dụa, khe khẻ gật đầu. Họ ngồi với nhau lâu lắm. Vòm trời trong vắt đầy tinh tú. Chị Hằng ẩn hiện sau vòm cây, kẽ lá. Chưa bao giờ Bạch thấy ánh trăng hôm nay buồn như vậy, trăng nhởn nhơ luồn lõi qua những đám mây đen như nhảy như múa như trêu ghẹo số phận hẩm hiu của nàng. Chẳng mấy chốc mặt trời đã hừng sáng ở phương Đông, lóe một màu vàng óng ánh nhảy múa trên mặt nước sông. Đã đến giờ chia tay sau một đêm bịn rịn không ngủ, Bạch quày quã bước vội về nhà, không dám quay mặt lại sợ rằng nàng sẽ bật khóc, nước mắt sẽ chan hòa, không giấu được cha mẹ.
Bẵn hai ba hôm không thấy Tập sang nhà thăm Bạch, ông bà Năm gọi Bạch lại hỏi chuyện. Bạch ấp úng: -Anh Tập sợ ba má cản nên đã ra ngoài Bắc tiếp tục học đại học trở lại mà không dám cho ba má biết. Anh nói ảnh đi hai năm rồi trở về cưới con, ảnh không muốn con buôn gánh bán bưng khổ cực nữa.
– Anh Bảy thiệt tình ! Ở trong chòm xóm với nhau mà cũng không cho ba má hay biết để ba má cho con đưa tiễn nó xuống Qui Nhơn. Đi hai năm hay mấy năm ai mà tin mấy ổng cho được !
Bà Năm nhìn con gái thở dài rồi bước xuống phản cầm nón đội trên đầu, ngoe nguẩy đi sang nhà ông Bảy để hỏi cho rõ chuyện.
Mấy tháng sau, nghe tin đất nước bị chia cắt làm hai, ranh giới là hai bờ sông Bến Hải, nối với nhau là cây cầu Hiền Lương, một bên là quốc gia, một bên là theo cộng sản, Bạch khóc hết nước mắt. Một lần đi buôn chuyến ra tận Quảng Trị, Bạch lặn lội xuống bến sông nhìn mông lung qua phía bờ bên kia mà buồn não lòng, bồi hồi nhớ thương Tập. Một lá thư, một lời nhắn gởi cũng không có, biệt vô âm tín, nàng chỉ còn biết gởi lòng theo tiếng gió xào xạc, theo cánh nhạn đem sang cho Tập đang ở tận phương trời nào đó, không biết bây giờ có còn nhớ đến nàng hay không ?
Bạch chờ đợi Tập hai năm, rồi năm năm, tiếp đến mười năm. Ông bà Năm sốt ruột thấy tuổi đời con gái càng ngày càng chồng chất, Bân đã đến tuổi vào Đại Học sửa soạn xuống Qui Nhơn để ở trọ học trường Sư Phạm. Nhân có ông bà Bảy sang chơi, bà Năm nhờ ông bà Bảy khuyên nàng.
– Hai bác biết là con thương con trai của bác, nhưng hai bác không biết là khi nào nó trở về, bác e rằng khi nó về nhà cũng không gặp được mặt hai bác, có lẽ lúc đó hai bác chết rồi. Con còn trẻ, đừng chờ đợi nữa, mười năm đủ rồi ! Con hãy đi lấy chồng cho cha mẹ con sớm có cháu bồng. Đừng để ba mẹ con lo lắng cho con nữa !
Bạch gạt nước mắt nhận lời cầu hôn của một anh sĩ quan đã giải ngũ, đang sống với một bà mẹ già bên kia sông. Ngày rước dâu, bước chân xuống thuyền, nàng rơm rớm nước mắt quay đầu nhìn lại căn chòi lụp xụp, nằm hiu quạnh ở bến sông mà nhớ Tập da diết. Sao anh đi mà chẳng hẹn ngày về để cho em phải làm kẻ bội tình, nửa đường phải lỡ bước sang ngang.
Mười năm tới trôi qua, Bạch có được đứa con trai cùng chồng. Ông bà Năm, ông bà Bảy và mẹ chồng đã qua đời. Bân đã ra trường, lập gia đình và dạy học tại Qui Nhơn. Năm 1972 chồng nàng sợ rằng đất nước bị phân chia lần nữa, bàn tính với nàng bán hết ruộng vườn vào Nam lập nghiệp. Hai vợ chồng mua nhà trong hẻm gần chợ Tân Định, quen với công việc, chẳng bao lâu Bạch đã hòa nhập với đời sống của người dân Sài gòn một cách nhanh chóng. Buôn bán, kiếm tiền ở chợ Tân Định dễ dàng hơn là ở quê nhà nhiều.
Sau tháng 4 năm 1975, thời hậu chiến bán buôn thật khó khăn. Đó là tình hình chung của dân miền Nam, bất cứ buôn bán mặt hàng nào nhà nước cũng cho là quốc cấm, con buôn phải lén lút, che giấu và ngụy trang một số lượng hàng hóa nhỏ. Bạch buôn bán tảo tần rất khổ cực, đôi khi còn phải chia chác cho người kiểm soát viên, lơ xe và tài xế. Tiền lời đem về nhà chẳng còn được bao nhiêu. Bạch buôn thuốc tây ra miền Trung, thuốc bỏ trong bao nilon nhỏ giấu trong vỏ chôm chôm, còn vỏ hộp thuốc thì giấu ở toa khác. Chuyến vào thì đi máy bay và buôn thịt bò, nàng giả làm bà bầu, độn thịt bò trong bụng giả và cột ở hai ống chân. Bạch đi buôn trót lọt được bốn năm chuyến thì chuyến thứ sáu bị bắt, mất hết cả vốn liếng. Nản lòng, nàng tìm đường vượt biên, để cho chắc ăn nàng làm trung gian cho ban tổ chức đóng ghe, mua bãi và những bạn hàng mua bán giàu có của nàng một thời gian. Khi nhận được tin của chuyến đi đầu tiên thành công, đã đến được trại tỵ nạn,an toàn, Bạch quyết định cùng chồng với con đi chuyến cuối cùng của ban tổ chức. Nhưng không may cho nàng, bãi bị động, ghe lớn đi thẳng ra Đà Nẵng, không ghé vô Vũng Tàu được. Vàng bạc bị mất sạch, gia đình nàng chạy về Sài gòn với hai bàn tay trắng.
Không còn vốn liếng để đi buôn, Bạch xin làm công cho một quán cơm gần chợ Tân Định, chồng nàng chạy xe thồ cũng đủ tiền đắp đổi qua ngày để nuôi con. Vào những năm 1985 trở về sau, nhà nước thay đổi chính sách cai trị, đổi mới hoàn toàn. Cho phép tự do buôn bán, nhưng phải chia chác cho những người có quyền hành, cấp giấy phép trong lãnh vực đó. Vì thế, một giai cấp mới ra đời. Ai giỏi móc ngoặc, lanh lẹ mà có vốn liếng nhiều để buôn bán, đầu tư hoặc quen biết với những người có thế lực sẽ làm giàu mau chóng . Người ta gọi giai cấp mới giàu nổi này là những đại gia, họ ở nhà cao cửa rộng như tỷ phú, có người hầu kẻ hạ, có tài xế lái xe, họ xài tiền dễ dàng, hưởng thụ và sống một đời xa hoa, vương giả.
Một buổi trưa nọ, Bạch bưng dĩa cơm tới bàn cho một ông khách trung niên, ông ta cho biết là đang làm tài xế cho tòa nhà nguy nga, tráng lệ, có cổng sắt ở phía bên kia đường. Bà chủ nhờ ông tìm giúp cho bà người phụ bếp, tưới cây cảnh và chăm sóc ba con chó nhỏ của bà, lương trả gấp đôi tiền lương hiện tại nàng đang làm. Nàng nhờ ông giới thiệu cho Bạch gặp bà chủ Đoan ngày mai.
Bước vào cổng, Bạch ngẫn người trước quang cảnh lộng lẫy và hoành tráng giống như những tòa lâu đài mà nàng chỉ được coi qua phim ảnh. Trước khi bước vô nhà là một vườn hoa đủ màu sắc, được chăm sóc và cắt tỉa cẩn thận, trên các khóm hoa là một vòm lưới khổng lồ, có muôn chim ca hót. Giữa những khóm hoa là những bức tượng đang phun nước hay là ghế đá được tái tạo quang cảnh như một công viên thu nhỏ lại. Một bên nhà là một hồ tắm lớn có những chỗ nằm tắm nắng có mái che đẹp tự nhiên như những resorts của các khách sạn lớn ở Tahiti, người thiết kế căn nhà đã bắt chước theo những mẫu mã của những địa điểm du lịch quốc tế. Bạch không ngờ là ở giữa trung tâm Sài gòn chật hẹp, người người sống chen chúc lại có những ngôi nhà như dinh thự, như cung điện như vậy.
Bạch được nhận vào làm ngay nhờ khuôn mặt phúc hậu và hiền thục của nàng. Nàng được đưa xuống bếp hướng dẫn làm phụ bếp. Tiếp nàng là một bà mập mạp người Nam bếp chính, lớn hơn nàng vài tuổi, nhờ quen việc với quán ăn cho nên nàng giúp bà Ba nấu nướng được nhanh chóng. Bà Ba dặn nàng để món cà hấp ở đầu bàn bên bà Đoan, món gỏi trộn bên ông Đoan, còn hai dĩa thịt bò steak để ở giữa bàn cho hai đứa con, cơm soup, đồ xào mỗi người một dĩa riêng. Bà nói thêm: – Không biết ở ngoài Bắc, họ ăn uống như thế nào chứ vô Nam, họ dùng dao nỉa, bày bàn, chọn món, trang hoàng y hệt như người ngoại quốc nhưng mà phong cách nói chuyện, cử chỉ trong khi ăn uống thì Bắc Kỳ rặc.
Tôi cười thầm, không biết bà muốn ám chỉ cái gì. Lát nữa mình sẽ biết ! Những bữa ăn sang trọng, lịch sự mình đã coi nhiều trong phim bộ. Người Nam thiệt tình ! Nghĩ cái gì là nói cái nấy, bà chủ mà nghe được là mất việc làm là cái chắc.
Bàn ăn vừa dọn xong là hai vợ chồng với hai đứa con, một trai một gái, cỡ tuổi thằng Lập con Bạch, vừa xuống đến nơi. Chúng nói chuyện ồn ào, the thé, tiếng Bắc Kỳ chua như dấm, Bạch không hiểu gì hết. Bạch gật đầu chào ông chủ ngờ ngợ như mình gặp ông nầy ở đâu đó, quen lắm. Ông chủ không thèm nhìn đến nàng, kéo ghế ngồi sát bên vợ bàn tính chuyện làm ăn. Họ ăn uống thô tục, khua chén khua muổng, nói chuyện lớn tiếng, mạnh ai nấy nói như một cái chợ nhỏ, không tế nhị, nói nhỏ nhẹ, ăn uống dịu dàng, lịch sự như trong phim. Bây giờ nàng mới hiểu ý bà Ba muốn nói gì : trưởng giả muốn học làm sang, chân quê vẫn là chân quê, không giấu đi đâu được.
Bữa cơm trưa được dọn xuống, tới phiên nàng với bà Ba ăn cơm trưa, nàng hỏi dò: – Ông chủ có phải tên là Đoan không ? Ổng quê quán ở đâu vậy chị Ba ?
– Tôi không rõ quê quán ổng ở đâu, chỉ biết là họ ở Hà Nội dọn vô Nam hơn hai chục năm. Đoan là tên bà vợ, bã là người có thế lực, con ông lớn, em út đang nắm những địa vị then chốt trong bộ máy điều hành nhà nước, có chân trong trung ương Đảng. Bởi vậy, ai tới đây nhờ cậy cái gì cũng giải quyết xong trót lọt. Phong bì lớn, phong bì nhỏ mang tới dập dìu. Bởi vậy, họ mới mới có cơ ngơi như vầy và mau giàu như vậy. Mà này ! Em hỏi tên ông chủ làm gì ? Đừng có nhìn quàng bà con, mà dù em có nhìn, ổng cũng không nhận hạng tôi tớ như mình là bà con của ổng đâu.
Qua những bữa ăn kế tiếp, tôi đã hiểu rõ cách làm ăn của họ là bỏ tiền ra mua những dải đất hoang vu nhưng trong qui hoạch xây dựng đô thị của nhà nước mà nhờ quen biết, họ biết trước được và sau đó bán lại kiếm lời, một vốn bán triệu lời, tiền của vô như nước, đếm không xuể.
Một lần tôi đang tưới hoa gần garage để xe, tôi vô tình nghe được anh tài xế nói chuyện với ông chủ: – Tối nay tôi chở ông xuống một quán mới mở gần chợ Thị Nghè, mấy em toàn là người dưới quê lên, cỡ chừng mười bảy, mười tám, sạch sẽ và không bệnh tật. Bà chủ quán bảo đảm 100%.
Giàu có sinh bệnh hoạn, tôi cứ tưởng vợ chồng họ hạnh phúc lắm, cứ rù rì, to nhỏ bàn chuyện làm ăn suốt ngày, không ngờ ông lén vợ đi tìm mấy em bằng tuổi con mình. Bà chủ mà biết được là xong đời ông. Hèn nào ! Từ ngày vô làm công đến giờ, ông không hề ngước mặt nhìn tôi một cái, đối tượng của ông là những cô gái còn măng non, đâu thèm để ý chi đến người làm công lớn tuổi trong nhà. Nhưng tôi cứ thắc mắc hoài không hiểu gặp ông ta ở đâu đó. Trông quen lắm !
Phụ bếp, tưới hoa, chăm sóc ba con chó được hai tháng, nhà không bị mất mát gì. Bà chủ Đoan mới tin cậy tôi, bà kêu tôi vào nhà căn dặn: -Chị Hai nè ! Bữa nay gia đình tôi đi Vũng Tàu, tối ngày mai mới về, chị ở nhà quét dọn phòng khách và bốn phòng ngủ trên lầu cho sạch sẽ trước khi tôi về tới nhà. Sẽ có quà cho chị và chị Ba.
Phụ bà Ba dọn bếp xong, tôi chuẩn bị lấy chổi và khăn lau lên lầu để dọn phòng cho bà chủ. Ở trên lầu, họ trang trí nội thất không kém phần sang trọng như nhà dưới nhưng đồ đạt để bừa bãi vì hai tháng qua không ai quét dọn. Tôi chọn phòng hai vợ chồng ông bà chủ dọn trước, thấy tập album để trên đầu giường, không ngăn nổi tính tò mò, tôi lấy xuống mở ra coi. Ngay trang đầu tiên, Bạch run lẩy bẩy, bàng hoàng nhận ra Tập đang đứng chụp hình chung với bà Đoan thời còn sinh viên trước trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội, hơn ba chục năm sống trong sự sung sướng, Tập đã thay đổi nhiều đến nổi nàng nhận không ra.
Bạch ngẩn ngơ, không ngờ mình gặp lại Tập trong một hoàn cảnh nghiệt ngã như hôm nay, Tập đã thay đổi hoàn toàn từ thể xác cho đến nhân cách, làm sao nàng nhận ra cho được. Bởi vậy, mấy tháng nay, nàng cứ đinh ninh chồng bà Đoan là người ở cùng quê quán với mình hay là một người khách hàng buôn bán với mình ngày xưa. Uổng công cho nàng chờ đợi mười năm trời ròng rã, trong khi ở Hà Nội, còn đang đi học, Tập đã có người khác. Nàng quét dọn thất thần như người mất hồn cho đến hết giờ làm.
Bấy lâu nay sống trong ảo mộng với tình yêu đầu đời, nàng ít quan tâm đến chồng và con, sống bên họ như một nghĩa vụ . Bạch liêu xiêu ghé tiệm mua về nửa ký phá lấu và thịt heo quay trên đường trở về nhà. Chồng con nàng hớn hở, vui mừng vì tự nhiên không phải ngày giỗ mà có một bữa ăn ngon. Nàng gắp thức ăn bỏ vào chén cho con rồi thờ thẫn hỏi chồng: – Anh có bao giờ ăn thịt gà nuôi ống tre chưa ? Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài, con người mình nếu sống ở trong một môi trường khác có thay đổi nhanh như con gà nuôi ống tre không anh ?
Số lần đọc: 2849