Trang sinh hoạt của Cựu Giáo Sư và Học Sinh trường Trung Học Cường Đễ Qui Nhơn

Trang NhàDu KýDu Ký - Nhiều Tác GiảBiệt điện Hoàng A Tưởng

Biệt điện Hoàng A Tưởng



Photo : Thúy Dung

Từ xưa, các thổ ty miền biên viễn vẫn được coi như lãnh chúa một vùng, mạn Lai Châu có vua Thái Đèo Văn Long, mạn Hà Giang có vua Mèo Vương Chí Sình và vùng Bắc Hà (Lào Cai) có cha con Hoàng Yến Chao, Hoàng A Tưởng.


Với các bạn miền Nam, có lẽ địa danh Bắc Hà hãy còn mới mẻ. Một phần cũng vì Sapa đã thu hút nhiều tâm trí các bạn; nghỉ mát cũng Sapa, chợ Tình cũng Sapa…Sapa có nhiều Tây đến du lịch…v.v… Đúng vậy, Sapa có sức hấp dẫn đáng nể. Nhưng theo hướng Đông – Bắc, cách Sapa 50 km theo đường chim bay còn có một thị trấn tên Bắc Hà (huyện Bắc Hà, Lào cai) với một bề dày lịch sử không kém phần hấp dẫn.

Dinh Hoàng A Tưởng ở trung tâm huyện lỵ Bắc Hà, nằm sát ngay tỉnh lộ 153-Photo : Thúy Dung
Thời phong kiến và thuộc Pháp, Bắc Hà không chỉ là con đường tơ lụa nối với Vân Nam (TQ) qua vùng Trung Á, mà còn là nơi trung chuyển thuốc phiện từ Trung Á qua Đông Dương xuống khu vực Nam Á và ngược lại. Cao nguyên Bắc Hà trước đây nổi tiếng là vùng cây thuốc phiện, thuế bổ xuống đầu dân bằng thuốc phiện. Sử sách còn ghi, mỗi năm Bắc Hà thu thuế từ 1,8-2,25 tấn thuốc phiện, riêng cha con Hoàng A Tưởng mỗi năm thu không của dân 500 kg thuốc phiện, ép dân bán rẻ 500 kg, đứng đầu đường dây buôn bán thuốc phiện và hàng hoá xuyên Á qua ngả Bắc Hà.

Ngày nay Bắc Hà thừa hưởng nhiều di sản văn hóa đáng kể, mà nổi bật là chợ phiên Bắc Hà, chợ phiên lớn nhất vùng Tây Bắc và Dinh cha con vua Mèo Hoàng Yến Chao – Hoàng A Tưởng. Sở dĩ mình lặn lội lên đây cũng vì muốn đi tìm một trải nghiệm mới, xem thử chợ phiên Bắc Hà có gì khác với chợ tình Khau Vai và Dinh vua Mèo Hoàng A Tưởng có khác gì với Dinh Vương Chí Sình ở vùng cực bắc Hà Giang ?

Cha con ông Hoàng A Tưởng là người Tày nhưng cai trị ở địa phương có trên 80% dân số là dân tộc Mông, nên được mệnh danh là “vua Mèo” (Mèo là tên gọi phổ thông ở vùng Hà Giang của người Mông)


Ảnh : Thúy Dung
Đây là một phần nhỏ của câu chuyện biệt điện Hoàng Yến Chao hay còn gọi là Dinh Hoàng A Tưởng, theo tên người con trai trưởng của thổ ty Hoàng Yến Chao.
Dinh Hoàng A Tưởng quay mặt về phía Đông Nam (tránh gió mùa Đông – Bắc khắc nghiệt và đón nắng ấm Đông Nam), lưng tựa vào núi Cô Tiên, mặt quay ra hồ Nà Cồ, đúng theo thuyết phong thuỷ của người Tàu ‘tựa sơn đạp thuỷ’, thế đất vững chãi và thơ mộng.

Photo : Thúy Dung
Nếu ai hỏi, bạn thích gì nhất ở Dinh vua Mèo ?
Mình xin trả lời: Đó là đường nét duyên dáng và các chi tiết chạm khắc đơn giản mà tinh tế của hai chiếc cầu thang ngay trước Dinh vua Mèo. Mình liên tưởng nó như một cô gái Việt lai Tây, thừa hưởng cả hai nét đẹp Âu – Á.

Không nghĩ rằng cách nay 100 năm tại một vùng thâm sơn cùng cốc này lại hiện diện một công trình kiến trúc có duyên đến như vậy !

Photo : Thúy Dung
Kiến trúc của dinh kết hợp giữa lối kiến trúc cổ thế kỷ 17-18 của Pháp với kiến trúc nhà sàn của người Tày, rất hài hoà nổi lên giữa vùng núi non hùng vĩ. Cửa nhà vòm cuốn, đắp nổi nhiều hoạ tiết dây lá nho, tường gạch nung, móng đá, mái lợp ngói âm dương. Cầu thang đi phía sau nhà, dưới cầu thang là bể hứng nước mưa, trong các phòng, mặt sàn bằng gỗ (đi cho ấm chân và sang trọng) đều có lò sưởi. Dinh Hoàng A Tưởng không chỉ là nơi sinh sống, nghỉ ngơi của dòng tộc vua Mèo, mà còn là thành quách với tường dày, trên có lỗ châu mai đặt súng để bảo vệ dinh. Dinh Hoàng A Tưởng không quy mô hoành tráng nhưng có nhiều đặc điểm kiến trúc hiếm có ở VN.

Thúy Dung

   Số lần đọc: 3494

BÌNH LUẬN

Vui lòng viết bình luận của bạn
Vui lòng điền tên của bạn ở đây

Bài Cùng Tác Giả