Hôm qua tôi có một buổi sáng bồng bềnh trên chợ nổi Cái Răng. Một chuyến đi du ngoạn ngắn (chỉ vài giờ) nhưng cũng đọng lại vài kí ức khó quên. Hình như bất cứ ai đi du lịch Cần Thơ cũng đều được khuyến khích đi chợ nổi Cái Răng, vì đây được xem là điểm tham quan của vùng sông nước. Riêng với tôi thì đây là lần thứ hai đi thăm cái chợ nổi này, nên chẳng có gì làm tôi ngạc nhiên. Mục tiêu của chuyến đi trước hết là có dịp trải nghiệm cái bồng bềnh trên sông, và sau là xem có gì thay đổi so với 3-4 năm trước đây hay không.
Photo : triman
Vì Chợ Nổi Cái Răng nhóm rất sớm, nên tôi và một anh bạn bác sĩ đến bến Ninh Kiều lúc 6 giờ sáng. Xe đến nơi đã có nhiều người mời mọc đi ghe / xuồng đến chợ. Những người này gọi là “cò”. Cò là người trung gian, họ không lái đò, nhưng là người dẫn khách cho các lái đò, và ăn công từ người lái đò. Nói cách khác, họ là người làm tiền từ lời nói chào mời dịch vụ. Có rất nhiều cò ở đây, và hình như chẳng có tổ chức gì cả, mạnh ai nấy tìm khách. Người Cần Thơ nói chung nổi tiếng là hiền lành, nhưng các cò ở bến Ninh Kiều thì không hiền lành chút nào. Thật ra, tôi nói vậy cũng hơi quá đáng; họ chỉ nói năng bặm trợn và hay chửi thề với nhau, chứ với khách thì họ nói chuyện đàng hoàng, họ không ép khách phải theo họ. Tuy nhiên, sự có mặt của cò làm tôi thấy không thoải mái, và tự hỏi tại sao kĩ nghệ du lịch Cần Thơ không có cách tổ chức tốt hơn và văn minh hơn.
Photo : triman
Chúng tôi được cò chỉ định một chiếc ghe có mui, nhưng hơi lớn, nên tôi chọn chiếc xuồng nhỏ hơn. Chiếc xuồng dài chỉ khoảng 6 mét, có gắn hai cái chèo và một máy đuôi tôm loại Kohler rất phổ biến như miền Tây. Người lái xuồng là một chị trạc 60 tuổi, rất vui vẻ với khách và rất tiêu biểu người miền Tây. Xuồng không có phao (và hai chúng tôi cũng chẳng cần vì đều là dân miền sông nước, lội khá). Nếu là người không quen sông nước sẽ rất sợ khi đi chiếc xuồng này, vì nó lúc nào cũng chồng chềnh, nhất là khi có mấy chiếc ghe lớn chạy ngang hay qua mặt. Nhưng với tôi thì chẳng hề hấn gì, vì tôi từng chèo xuồng loại này trong quá khứ. Phải cả 30 phút, chiếc xuồng mới chở chúng tôi đến Chợ Nổi Cái Răng, và tôi thích sự chậm chạp của nó, vì có thời gian ngắm hai bên bờ sông.
Photo : triman
Hai bên bờ sông có nhiều thay đổi. Một số hộ gia đình đã được di dời để xây bờ kè chống sạt lở, một số khác thì phải đi để nhường chỗ cho những toà nhà mới. Một trong những công trình mới và đình đám ở bên sông Cần Thơ là khách sạn 5 sao và casino của tập đoàn Vincom, đang được rầm rộ xây dựng. Ngoài công trình đó ra, hai bên bờ sông còn có nhiều dự án khác. Tôi không rõ Cần Thơ hiện có bao nhiêu khách sạn 5 sao (ngoài Mường Thanh), và khả năng thu hút khách của một khách sạn 5 sao mới sẽ như thế nào. Nói chung, người dân ở Cần Thơ tuy có khá hơn các tỉnh lân cận, nhưng vẫn là nơi còn nhiều hộ nghèo. Sự ra đời của một khách sạn 5 sao mới là tin mừng cho dân địa phương vì tạo công ăn việc làm cho họ, nhưng sự ra đời của casino là một tin không vui mấy.
Photo : triman
Sông Cần Thơ coi vậy mà ít rác hơn các con sông khác ở miền Tây. Thỉnh thoảng cũng có rác chứ không phải hoàn toàn không, nhưng nó không dày đặc như các con sông nhỏ hơn. Tôi đoán là vì sông này lớn và chảy ra sông Hậu nên rác cũng ra ngoài đó. Nhưng nói chung hình như chẳng ai dám tắm sông nữa, vì biết bao nhiêu thứ hoá chất đang trôi chảy trong đó. Như tôi từng nói, sự xuống cấp của môi sinh là mối đe doạ lớn nhất, nguy hiểm nhất đối với sự sinh tồn của người dân ở đây. Chưa biết chính quyền sẽ giải quyết mối đe doạ này ra sao.
Từ bến Ninh Kiều đến Chợ nổi Cái Răng phải đi ngang qua hai cây cầu lớn: Quang Trung và Cái Răng. Cả hai cây cầu này rất giống nhau về thiết kế, hơi thô kệch, và không giống mấy cây cầu do Nhật và Tây xây. Hoá ra hai cây cầu này là do Tàu cộng xây. Hôm đó, từ sông nhìn lên thấy cầu Quang Trung hình như bị kẹt xe rất lớn, nhưng trong thực tế thì người ta đang sửa chỗ nối cầu và đường. Ở VN, chẳng hiểu các kĩ sư làm việc ra sao mà chỗ nối đường lộ và cầu thường rất gập ghềnh. Hầu như bất cứ cây cầu nào do VN và Tàu xây cũng bị cái “bệnh” này. Nhưng ở cầu Quang Trung, đây là một chỗ nối nguy hiểm, chứ không phải bình thường, vì ngay chỗ này đã có khá nhiều tai nạn chết người trong thời gian qua. Trong một tai nạn mới nhất xảy ra ở đây, một quan chức cao cấp của địa phương đã chết. Thế là chính quyền địa phương phải hành động, họ ra lệnh phải làm lại chỗ nối chết người đó. Thật là nhẫn tâm. Họ để cho nhiều người chết rồi mới hành động, và chỉ hành động khi một quan chức bị chết.
Ảnh : chợ nổi Cái răng -Photo : triman
Rồi chúng tôi cũng đến chợ nổi Cái Răng. Có rất nhiều thuyền bè đang tấp nập buôn bán nông sản ở đây. Mỗi ghe có một “cột cờ”, và trên cột cờ là nông sản mà ghe bán. Ngoài đội ghe buôn bán nông sản, còn có một đội xuồng phục vụ tất tần tật những món ăn sáng, từ hủ tíu, bánh mì, bánh khọt, đến cà phê. Thậm chí có cả một nhà hàng sông phục vụ tất cả những món ăn vừa kể. Tôi thì không mặn mà mấy món ăn này, nhất là trên sông nước bồng bềnh rất khó giữ thăng bằng để ăn uống. Tôi cũng chẳng có ý định mua gì, mà chỉ chủ yếu quan sát cảnh chợ nổi. Nhưng thấy hai vợ chồng kia bán dâu, nên tôi hỏi giá cho biết. Họ ra giá 20 ngàn đồng một kí. Bà chèo xuồng nói với tôi là nên trả giá 3 kí = 50 ngàn đồng. Tôi cũng giả bộ trả giá như bà chèo xuồng khuyên, nhưng hai vợ chồng bán cho tôi đến 4 kg = 80 ngàn đồng. Bà chèo xuồng cằn nhằn là sao tôi trả như thế, nhưng thử hỏi 20 ngàn đồng là chỉ 1 đôla, vậy mà còn trả giá cái nỗi gì chứ.
Ảnh : cây bèo-photo : triman
Nhìn chung, chợ nổi Cái Răng không phong phú và có vẻ thiếu tổ chức như chợ nổi Damnoen Saduak (gần Bangkok bên Thái Lan). Chợ nổi Damnoen Saduak không có những chiếc ghe lớn như ở Cái Răng, mà chỉ có những chiếc xuồng gần như cùng một kiểu, và mỗi xuồng bán khá nhiều trái cây. Ngoài ra, người bán ở Damnoen Saduak ăn mặc có vẻ tươm tất hơn hẳn các đồng hương ở Cái Răng. Tôi không biết bên Thái Lan họ “đóng kịch” cho du khách hay là một nét văn hoá thật của họ, nhưng rõ ràng là các chủ hàng ở Cái Răng thì trông có vẻ lam lũ và “bình dị” hơn các bạn hàng bên Thái Lan. Hàng hoá ở chợ nổi Damnoen Saduak là cả một bức hoạ màu sắc và náo nhiệt, nhưng trật tự hơn hẳn ở Cái Răng.
Trên đường về, chúng tôi trả tiền cho bà chèo xuồng (giá 300 ngàn đồng). Lúc thanh toán, chúng tôi mới biết là bà chỉ hưởng phân nửa số tiền này, còn cò hưởng phân nửa! Chèo xuồng trong cái nắng bức 28 độ C cả giờ đồng hồ mà chỉ có 150 ngàn (tức khoảng 8 đôla Úc). Tuy đồng thu nhập ít ỏi nhưng cũng khá hơn là làm nghề nông. Nhìn cái dáng xieo vẹo bà chèo xuồng đi giao tiền của cô cò làm tôi thấy chùn lòng.
Qua chuyến đi này, tôi càng hiểu thêm tại sao du lịch ở vùng miền Tây Nam Bộ chưa phát triển được. Chỉ một chương trình tham quan chợ nổi Cái Răng rất đơn giản mà chẳng có gì mang tính tổ chức hay có trật tự cả. Những thuyền bè chở khách phần lớn là tự phát và mang tính gia đình, rời rạc, chứ không mang tính đồng bộ và có hệ thống. Thành ra, những chiếc xuồng chở khách mỗi chiếc một phách, trông rất manh mún. Đó là chưa kể nạn cò, mà tôi nghĩ không nên có, vì nếu tổ chức mua vé và sắp xếp thứ tự thì đâu cần đến cò làm gì. Nói chung, ngành du lịch ở thành phố mang tiếng là Tây Đô này còn rất sơ khai, thua kém xa so với các địa điểm du lịch ở Thái Lan.
Nguyễn Tuấn
Số lần đọc: 2802