Trang sinh hoạt của Cựu Giáo Sư và Học Sinh trường Trung Học Cường Đễ Qui Nhơn

Trang NhàĐoản VănĐất Màu Đỏ Và Tuổi Thơ Thì Mang Mùi Nắng

Đất Màu Đỏ Và Tuổi Thơ Thì Mang Mùi Nắng

Tôi không ngớt cau có phàn nàn với Ba Mẹ về con đường đất đỏ trước nhà nhất là mỗi khi mùa mưa tới. “Sao hồi đó mình không ở ngoài đường Cái như nhà Bác Hai vậy?” Tôi vừa lèm bèm vừa xách đôi dép bám đầy đất đỏ giờ đây đã nặng độ cả ký đi ra sàn nước chà cật lực vào phiến đá sau khi đi chợ về. Đặc sản của vùng này là đất đỏ bazan, đất đỏ ngập mắt người, khởi đầu đâu đó từ rìa những cánh rừng cao su bạt ngàn này đến những rẫy khoai mỳ ngút tận đường chân trời nọ, rồi thì mất hút điểm kết thúc sau những dãy đồi. Đất màu mỡ trù phú, ăn trái nhãn tiện tay quăng cái hột đen tuyền ra ngoài vườn rồi quên luôn để rồi một buổi sáng nọ thấy từ mặt đất đâm chồi lên một cây con mạnh khỏe chắc chắn nơi hột nhãn đáp xuống. Cứ để như thế, chỉ vài năm sau có khi được cả một cây nhãn lúc lỉu trái. Đất ban cho con người nơi đây nhiều đặc ân vì thế cũng làm con người cơ cực vất vả ở những mặt khác một khi đã quyết định gắn bó với nó. Vì thế, đất này để sống với nó phải cần rất nhiều tình thương và tấm lòng thành.


Sống ở mùa nào thì chịu cái cực của mùa đó, đến độ nếu có đang đứng giữa đồng khô cỏ cháy xót xa thương cho cái cây đứng chết khô trơ ra những mảng vỏ cây xù xì cũng chẳng dám ước bây giờ là mùa mưa. Bởi cái cực của mùa mưa cũng dữ dằn không chịu kém cạnh một chút nào. Đối với tôi, nỗi cơ cực đọng lại trong ký ức vẫn là những buổi chiều mưa lết thết ở rẫy. Chạng vạng tối, trước mắt là một ụ những trái điều nhoe nhoét bùn đất chưa lặt hạt và đàn muỗi thì vẫn nhiệt tình không ngừng tấn công ở mọi chỗ trên khắp cơ thể. Đó là lúc bản thân phải dụng đến ý chí nhiều nhất để chống chọi với những cơn châm chít vì ngứa mà không thể nào phản kháng vì hai tay đã nhẹp nước bùn. Sự chịu đựng phải kéo dài có khi đến hàng tiếng đồng hồ cho đến lúc nào đống điều trước mặt hoàn toàn được vặt hết hột, khi đó màn đêm đã lẳng lặng buông xuống tự lúc nào.

Càm ràm mãi là thế, nhưng tôi yêu quê tôi khôn xiết, thương đến xót xa cái cơ cực khốn khó của nó. Tôi yêu từng bông dại ngoài bờ rào, yêu cái mùi thơm đượm chất đất và bùn còn bám mãi vào những vồng củ mỳ vừa mới nhổ lên, yêu nồi bắp lù đang bắc trên cái bếp gang mà lũ trẻ háo hức cứ mãi dõi mắt trông chờ. Tôi yêu tình người nơi xứ này, nhà nào có chút đồ trong vườn cũng đem chia nhau, nhà trồng bắp vẫn có nồi đậu phộng nấu để ăn, người có mỳ thì chia mỳ, người có khoai thì cho khoai, nên mớ đậu phộng tươi mới dở của Cô hàng xóm thơm hơn ngọt hơn bao giờ hết. Tôi nhớ đến từng làn khói mỏng manh tỏa ra từ đụn rơm nhà hàng xóm, nước mắt chảy vì khói hay vì cái đẹp đến buồn lòng của xứ này? Mưa xuống. Cỏ mọc lún phún xanh mướt rạng rỡ khắp vườn sau mưa, Ruộng lúa, rẫy bắp xanh mượt mà quyến rũ lả lơi chảy dọc khắp các triền đồi. Những buổi chiều cuối vụ mùa, khi những rẫy mỳ đã được thu hoạch, những trái nhãn lồng vàng bóng bẩy trải dài khắp trên mặt đất kêu gọi những chú sóc ở cái tổ gần đấy, những đàn chim sẻ nâu chao liện trên bầu trời kéo đến. Mấy đứa trẻ chúng tôi đứng hạnh phúc dưới ánh nắng vàng rộm và làn gió nồm từ xa thổi tới. Nhắm mắt và để những mùi cỏ hăng hăng đánh thức khứu giác, để những hạnh phúc ấm êm quấn lấy chúng tôi, để những ký ức tuổi thơ này mãi nuôi sống tâm hồn tươi trẻ của chúng tôi đến tận những ngày cuối đời. Tối đến thì cả bọn thu lại quanh đống lá điều của Mẹ, tối mùa thu khô lạnh, những chiếc lá bắt lửa nhanh và tỏa ra những đụn khói thơm mùi hương ngai ngái hăng hăng. Chúng tôi nghĩ ra trò chơi tìm những que tre nhọn đâm những chiếc lá điều vào đem nướng trên ngọn lửa như người ta nướng thịt rồi hít hà mùi hương từ đó tỏa ra. Cho đến tận bây giờ, tuy rằng mỗi đứa một ngả nhưng tôi luôn tin rằng trong ký ức bạn tôi, tôi một con nhỏ đen nhẻm tinh tướng vẫn đẹp rạng ngời giống như hình ảnh cô bé răng sún hiền dịu và chịu thương chịu khó vẫn luôn sống mãi trong trí nhớ của tôi vậy. Và tôi luôn có một niềm tin vững chãi tuyệt đối rằng những điều đẹp đẽ này sẽ không thể bị xóa nhòa đi trong tâm trí một con người, vì có khi đó lại là những ký ức đẹp nhất đời người.

Đất này không phải đất tổ tông của chúng tôi. Ba tôi một tay dắt vợ, tay kia hai đứa con thơ bỏ xứ ra đi. Ngày đó tôi chưa chào đời. Dây nhau cuống rốn của tôi không được chôn trong đất của dòng tộc, nhưng đất Mô Xoài là mảnh đất đã nuôi sống gia đình chúng tôi, đã chứng kiến tôi khi còn là đứa nhỏ ẵm ngửa lớn lên như thế nào vì thế tôi có một quê hương cho riêng tôi, khác hẳn các chị.

Những con người đầu tiên trên đất này không phải là người Kinh. Chúng tôi chỉ là những lưu dân từ vùng Nghệ An, Quảng Bình cho đến vùng “Thuận – Quảng” di cư vào làm ăn sinh sống. Từ trước, Mô Xoài đã là đất của rừng hoang đất đỏ, là của những cơn mưa âm trời âm đất, đã mưa thì khó có gì làm cho nó ngưng. Vì thế, chẳng phải vô duyên vô cớ mà người ta gọi là mưa rừng, mưa là bá chủ những ngày này, người nông dân không thể vào rừng lấy củi, cũng chẳng lên rẫy chăm vườn cây, chỉ ở nhà đan lát trong những ngày nông nhàn. Sau một cơn mưa, cỏ mọc lên xanh lún phún, rêu bám chặt vách gỗ, muỗi từ khắp nơi bay ra hàng đàn khát máu và hung hãn đi tìm con mồi thỏa mãn cho cái bụng đói sau nhiều ngày trú mưa. Đất trở nên khó chịu hẳn, những bước chân đầu tiên có cảm giác như bước trên một chảo mỡ, đi nhiều rồi thì lại trở thành một vạc dầu hắc hay đi trong vũng lầy, dẻo quẹo và nhão nhoét níu giữ tất cả những gì chạm vào nó. Bước chân con người trở nên nặng hơn, cẩn thận hơn để khỏi làm mất chiếc dép nào trong lớp đất đó.

Mùa mưa là thế, nhưng mùa nắng cũng chẳng đỡ khắc nghiệt hơn. Nhất là những ngày nắng tháng chạp gần Tết, tuy là cái nắng cuối mùa nhưng vẫn có cái khó ưa đặc trưng riêng. Lúc này, cái nắng rủ thêm cái gió về chơi cùng, những cơn gió nồm Nam. Chúng nó dạo chơi khắp các ngóc ngách của những vườn cây xóm này. Chúng len lỏi vào những tàu lá chuối của Mẹ, thổi bần bật vào những tàu lá làm chúng rách tả tơi không còn gì cho Mẹ gói bánh. Chúng chạy đuổi nhau xung quanh tán cây vú sữa sau nhà nghe xào xạc, chúng đuổi hết những chiếc lá điều ra khỏi cành, chỉ còn trơ ra những cành khô queo. Rồi khi chúng rủ nhau vào nhà thì ôi thôi, một màn bụi đỏ theo sau vào thăm không một chút kiêng dè. Những lớp bụi được soi dưới ánh nắng lọt vào nhà tạo thành những vệt ngang dọc lung linh mờ ảo như những hạt bụi tiên. Chúng nó đi đến đâu thì nhuộm đỏ mọi thứ đến đó, chiếc áo trắng của những em học sinh đầu ngày sáng tinh tươm thì trưa về ngang qua một làn gió bụi đỏ trở thành màu cam lè cộng thêm mùi hăng hăng của bụi và nắng, Những chiếc lá non chưa kịp xanh thì có thêm một màu đỏ mới mẻ phủ kín khắp thân. Màu đỏ xuất hiện ở mọi nơi của xứ này, mắt con người hiếm thấy được một màu trắng thuần chất. Nhưng tất cả những điều đó lại không làm phiền lòng bọn trẻ con chúng tôi, bởi đó là dấu hiệu cho một mùa Tết sắp đến. Mùa duy nhất trong năm chúng tôi được mặc đồ mới, những bộ đồ đủ màu sặc sỡ chứ không phải chỉ là quần xanh áo trắng như những ngày tựu trường. Ngày Ba mươi Tết, tôi và các chị cũng được Mẹ sắm cho bộ đồ mới đi chúc Tết khắp các nhà họ hàng, vượt qua con đường mù bụi đỏ viếng mộ Ông Bà rồi về canh nồi bánh Tét.

Tiếng pháo giao thừa vang lên rồi, tiếng pháo giao thừa hay tiếng chuông báo thức ấy nhỉ ??? Đầu óc mụ mị cả rồi, nhớ ra là giờ chưa phải Tết đâu và chắc Tết này mình sẽ mở bài Tết này con không về nghe vậy…

Makati, 26.10.2015
Thảm Tỷ Tỷ

   Số lần đọc: 2706

BÌNH LUẬN

Vui lòng viết bình luận của bạn
Vui lòng điền tên của bạn ở đây

Bài Cùng Tác Giả