Trang sinh hoạt của Cựu Giáo Sư và Học Sinh trường Trung Học Cường Đễ Qui Nhơn

Trang NhàDu KýNguyễn Chí Hòai NhơnThiên lý độc hành-Bài 2

Thiên lý độc hành-Bài 2

Hà Nội – Hải Phòng – Bãi cọc Bạch Đằng 1288 . ” Thiên lý độc hành ” , một mình một ngựa sắt Honda wave alpha 100cc , từ Móng Cái tây bắc Việt Nam xuống đảo Phuket tây nam Thái Lan và . . . về Saigon , khoảng hơn 3 tháng và chừng 10.000km . Bài số 2 .
Bai 2 0 Thailan
Phố cổ Hà Nội trước đây rất hấp dẫn nhưng giờ đây 36 phố phường thực sự là bi kịch của thời đại , rất đáng tiếc ! Thay vì tổ chức một khu trung tâm chỉ dành cho khách đi bộ , hạn chế tối đa các xe cơ giới lưu thông , gồm những đường như Đinh Liệt – phố Cầu Gỗ – Hàng Bè – Hàng Buồm – Hàng Đào – Hàng Ngang để khách thoải mái đi phố và mua sắm thì không gian nơi này có thể gọi là . . . vô chính phủ , vô tổ chức ! Vỉa hè bị tận dụng làm chỗ gởi xe để thu tiền , người đi bộ thì làm ơn . . . xuống dưới đường theo kiểu . . . sống chết mặc bay , phải tự tìm cách tranh đi với hàng ngàn xe máy và xe hơi chạy rất là . . . côn đồ ! Giải quyết chuyện này chẳng có khó gì và các thành phố bên châu Âu đã làm xong từ lâu rồi và thành phố Hội An – Việt Nam đã là ngọn cờ tiên phong để thủ đô ngàn năm . . . học theo !


Cụ thể là : Ngăn chận xe cộ lưu thông bằng những trụ hoặc chậu cây cảnh to hoặc bằng thanh dài gát ngang , có bảo vệ canh chừng tại chỗ . Sẽ có giờ ” thả cửa ” để xe cơ giới lưu thông , thí dụ trước 7 giờ sáng và sau 22 giờ và khi cấp bách như phòng cháy chữa cháy hoặc cấp cứu bệnh nhân thì đương nhiên có nhân viên trực cho qua ! Không cần phải đi Tây đi Mỹ gì cho xa , tốn tiền của dân , cứ cho các ” đồng chí ” ở thủ đô vào Hội An để học một bài về . . . ” Quốc gia hành chánh ” !

Và thực tế là đã làm được : Tối thứ sáu , thứ bảy và chủ nhựt cùng với chợ đêm dọc theo Hàng Đào – Hàng Ngang – Hàng Đường – chợ Đồng Xuân thì khu trung tâm phố cổ mấy năm nay đã là phố đi bộ và rất thành công . Như vậy còn chờ gì nữa mà không biến khu vực này ban ngày cũng thành phố đi bộ luôn ! Thấy chuyện chướng tai gai mắt thì phải lên tiếng thế thôi , mời các bạn cùng lên đường . . . đông tiến !
Lộ trình hôm nay sẽ là : Hà Nội – Hải Dương – Tứ Kỳ – Kiến An – Hải Phòng , đi vòng một chút nên dài chừng 115km .
Bai 2 1 Thailan
Vừa rời Hà Nội ngột ngạt đầy bụi khói và ồn ào , đi 45km gần đến Hải Dương thì được cảnh sát giao thông . . . hỏi thăm ! Chạy vượt quá tốc độ 5km hoặc 10km gì đó , ngoan ngoãn nộp phạt và tiếp tục đi , 10 phút sau quẹo vào thành phố Hải Dương thì lại bị cảnh sát giao thông thổi còi một lần nữa vì tội . . . quẹo phải không bật đèn xi nhan ! Lần này anh chàng đại úy mặt mày lầm lỳ nhăn nhó , bắt nộp phạt gấp 3 lần lỗi chạy quá tốc độ hồi nãy , trước đó 10 phút . Mình có trình bày ” hoàn cảnh ” là vừa bị phạt ngoài quốc lộ 5 nhưng vẫn không được . . . phạt nhẹ hơn . Lúc nộp phạt xong , lúc đó chàng đại úy mới nhe răng cười và nói : Bác có bộ ria đẹp quá !
Ghé Hải Dương uống nước mía bên hồ Bạch Đằng xong là theo đường 391 đi về hướng đông nam , hướng Tứ Kỳ – An Lão – Kiến An – Hải Phòng . Quá khỏi thị trấn Tứ Kỳ ta sẽ rời đường 391 để vào quốc lộ 10 , qua cầu sông Văn Úc đến An Lão rồi Kiến An . Thời Pháp thuộc , Kiến An là một tỉnh , có cả một phi trường nhỏ , đặc biệt có đồi Thiên Văn vì trên đồi có một trạm thiên văn rất lớn , lên đỉnh đồi sẽ được nhìn thấy thành phố Hải Phòng sát bên cạnh và Đồ Sơn về phía biển , cách đồi 20km .

Từ Kiến An chỉ đi vài phút là tới Hải Phòng . Hải Phòng là thành phố lớn thứ hai của miền Bắc , diện tích 1.519km2 lớn bằng cả một tỉnh , dân số gần 2 triệu người , bao gồm thị xã Đồ Sơn và huyện đảo Cát Bà . Tên Hải Phòng có từ triều Nguyễn và có nghĩa là phòng thủ vùng biển . Bắt đầu từ năm 1874 Pháp đã xây dựng cảng Hải Phòng .

Mặc dù là thực dân nhưng người Pháp đã thiết kế , xây dựng nên thành phố Hải Phòng rất đàng hoàng và to đẹp ! Ngay trung tâm thành phố là nhà hát và một dãi công viên xanh mát , rất rộng , trải dài hàng cây số , có cả hồ Tam Bạc khá rộng ! Nếu được nghỉ ở khu trung tâm , du khách có thể đi bộ hàng giờ trên những vỉa hè to rộng để khám phá vẻ hấp dẫn của thành phố .

Đặc sản của Hải Phòng đầu tiên phải kể là bánh đa cua với nước dùng đậm vị cua đồng . Sợi bánh là bánh tráng gạo khô , khi ăn được trụng trong nước sôi cho mềm . Thường dùng loại gạo tại vùng này , có màu đậm nên bánh có màu sẩm , vì vậy bánh còn được gọi là bánh đa đỏ . Lúc dọn ra còn có rau muống , cà chua , rau rút , hành phi , thịt viên , nước mắm Cát Hải .

Món này bình dân , thông dụng và được bán khắp nơi , gần nhà hát lớn , gần tượng đài Bà Lê Chân .
Trong lần đi xuyên Việt cuối năm 1998 bằng xe máy Tula 200cc của Liên Xô mình đã có dịp ghé qua Bãi cọc Bạch Đằng , bây giờ thử ghé qua thăm , coi di tích lịch sử này có còn không hay đã bị ” các quan ” thời nay lấp đất xây chung cư cao tầng để . . . phục vụ nhân dân !

Ngày xưa từ Hải Phòng muốn đi về phía Uông Bí – Hạ Long – Cẩm Phả ta phải qua phà Bính – sông Cấm và phà Rừng – sông Bạch Đằng , ngày nay chỉ còn phà Rừng thôi ! Rời khu trung tâm chừng 5km về hướng bắc ta sẽ qua cầu Bính – sông Cấm , vào tỉnh lộ 359C , đi thêm 18km là đến phà Rừng – sông Bạch Đằng . Tên phà Rừng vì hồi xưa nơi đây toàn rừng rậm , cây cối um tùm .

Qua phà Rừng ta vào địa phận tỉnh Quảng Yên cũ , bây giờ thuộc tỉnh Quảng Ninh . Đền Trần Hưng Đạo và Miếu Vua Bà nằm ở phía bắc con đường chính dẫn vào thị xã Quảng Yên và nằm ngay bên tả ngạn sông Bạch Đằng , gần bến phà . Đền và Miếu được xây dựng trên một diện tích rộng vài mẫu và có địa thế rất đẹp .
Bai 2 2 Thailan
Đầu năm 1288 , Hưng Đạo Vương – Trần Quốc Tuấn đã đến bến đò này nghiên cứu địa hình , chuẩn bị thế trận tiêu diệt đạo thủy binh quân Nguyên – Mông . Tại đây Hưng Đạo Vương đã được bà hàng nước thưa tỉ mỉ , chính xác lịch con nước và địa thế giòng sông , giúp bố trí trận địa cọc và chọn thời điểm quyết chiến . Sau đại thắng Bạch Đằng trở lại bến đò tìm Bà để tạ ơn nhưng không thấy gì , chỉ thấy đống mối đùn lên rất to nơi Bà ngồi . Hưng Đạo Vương đã tâu với Vua Trần phong Bà làm ” Vua Bà ” và cho lập Miếu thờ Bà tại nơi Bà đã bán hàng nước .

Trần Quốc Tuấn , sau được phong Hưng Đạo Đại Vương , cùng gia đình ông đã viết lên những trang sử oai hùng nhứt của Việt Nam . Cách đây hơn 700 năm Ông và cả gia đình đã cố quên đi thù riêng thù nhà , luôn luôn nhứt quyết đặt sự độc lập tổ quốc và an bình thịnh trị cho dân lên vị trí cao nhứt ! Không cần phải nói dài dòng và chi tiết nhưng người nào gắn bó với quê hương dân tộc đất nước sẽ không khỏi đau lòng và phẫn nộ với những gì chúng ta nhìn thấy đang xảy ra hàng ngày trên đất nước Việt Nam !
Bai 2 3 Thailan
Trên đoạn đường từ phà Rừng đến thị xã Quảng Yên ta sẽ gặp Đền Trần Hưng Đạo và Miếu Vua Bà phía bên trái trước , sau đó khoảng một cây số sẽ có ngõ quẹo phải , để vào thăm quan di tích Bãi cọc Bạch Đằng .

Dựa vào địa thế lòng sông Bạch Đằng , Trần Hưng Đạo đã cho đóng những bãi cọc ở vị trí hợp lí , kết hợp với các dải đá ngầm tạo thành một phòng tuyến chặn đánh đường rút của giặc Nguyên – Mông . Với thế trận đó và hùng khí ” sát Thát ” của quân và dân ta , chỉ trong một ngày 9 tháng 4 năm 1288 , toàn bộ cánh quân giặc gồm hơn 600 thuyền chiến và hơn 40.000 tên giặc đã bị tiêu diệt và bắt sống cùng với tướng giặc Ô Mã Nhi .

Do đắp đê sông Chanh nên bãi cọc hiện nay nằm trong đầm Nhử thuộc phường Yên Giang – thị xã Quảng Yên – tỉnh Quảng Ninh . Bãi cọc này hướng Bắc –Nam , dài khoảng 120m rộng 30m . Cọc được cắm theo hình chữ Z , cách nhau từ 0,9m – 1,1m và nghiêng theo hướng ngược dòng sông . Trải qua nhiều trăm năm , số cọc hiện nay còn khoảng 300 cọc là gỗ lim , táu , sến . Đường kính cọc từ 15cm – 33cm .

Đi thăm những di tích này , được đi hơn 700 năm ngược dòng lịch sử , được mơ màng thăng hoa trong khí thế hào hùng ngút trời của cả dân tộc , đoàn kết một lòng từ Vua đến quan đến dân để đánh đuổi tan tành đội quân xâm lược mạnh nhứt thế giới thời đó nên mình quên cả nắng nóng , quên cả mệt ngọc , quên cả đói khác để . . . thừa thắng xông lên và . . . đi thăm thêm một di tích nữa !
Bai 2 4 Thailan
Di tích Hai cây lim giếng rừng nằm ngay trung tâm thị xã Quảng Yên . Đây là hai cây lim cổ thụ , dấu tích của một trong những khu rừng mà quân và dân nhà Trần đã lấy gỗ dựng trận địa cọc , góp phần quan trọng làm nên chiến thắng Bạch Đằng oanh liệt ngày 9 tháng 4 năm 1288 .
Bai 2 7 Thailan
Về Hải Phòng , vẫn còn đủ thời giờ để đi coi cây đa bảy gốc . Vừa hỏi đường vừa đi , một chặp sau cũng đến nơi nhưng không phải là cây đa bảy gốc mà là . . . di tích Từ Lương Xâm , căn cứ bản doanh và có cả tượng của ông Ngô Quyền lúc đánh thắng quân Nam Hán năm 938 , hay quá ! Cây đa bảy gốc để dành lần tới đi coi cũng được !

Chưa đi chưa biết Đồ Sơn
Đi xong mới biết không hơn đồ nhà !
Nhưng có vị còn cả gan dám nói khác đi :
Chưa đi chưa biết Đồ Sơn
Đi xong mới biết hay hơn đồ nhà !

Bản thân mình không có ” đồ nhà ” nên chắc chưa đủ tư cách để lạm bàn về mấy câu thơ vừa nêu trên , chỉ biết là đã đến Hải Phòng thì cũng nên đi Đồ Sơn chơi .

Đồ Sơn là một bán đảo đẹp , cách Hải Phòng 21km đường rất tốt , có nhiều bãi tắm , có đồi núi , có thông Đà Lạt , có Đền Bà Đế , chùa Hang , dinh Bảo Đại , bến Nghiêng . . .
Bai 2 5 Thailan
Trên một ngọn đồi đẹp nhìn ra bốn phương tám hướng , vua Bảo Đại có một biệt thự riêng cho gia đình ông sử dụng , hiện nay nhà nước quản lí , có mở cửa cho khách vào coi và nếu muốn khách có thể thuê phòng để được ngủ nghỉ tại đây . Đến để hiểu thêm về tên vua cuối cùng của nước ta , tên vua đã chịu sự dạy và dỗ của thực dân Pháp , suốt cả cuộc đời chỉ biết cúi đầu nghe theo lời giặc Pháp và suốt đời cũng chỉ biết ăn , chơi , cờ bạc, săn bắn động vật hoang dã và . . . săn gái ! Sau Bảo Đại hơn nữa thế kỷ không biết các ” vua ” của ta bây giờ có hơn được Bảo Đại tí nào không hay có khi còn . . . tệ hơn nữa !

Ở bến Nghiêng còn có một tấm bia nhắc cho chúng ta nhớ là tại bến này , ngày 15 tháng 5 năm 1955 những tên thực dân Pháp cuối cùng rút khỏi Hải Phòng để . . . vào dưới vĩ tuyến 17 , cụ thể là vào miền Nam , đóng quân tại Vũng Tàu , Saigon để rồi không lâu sau đó lặng lẽ trở về cố hương !
Bai 2 8 Thailan
Tại phần cuối ở phía nam bán đảo Đồ Sơn , bộ tư lệnh công binh đã xây dựng cầu tàu Đồ Sơn , nơi xuất phát những con tàu không số thuộc đoàn 125 hải quân nhân dân Việt Nam , mở tuyến đường chiến lược ” Đường Hồ Chí Minh trên biển ” .

Chuyến đầu tiên , 11 – 16/10/1962 chở 30 tấn vũ khí do thuyền trưởng Lê Văn Một và chính trị viên Bông Văn Dĩa chỉ huy cùng 13 chiến sĩ đã cập bến Vàm Lũng – Cà mau an toàn .
Trong 10 năm , 1962 – 1972 , gần 100 lượt tàu đã đưa hàng ngàn cán bộ và hàng chục ngàn tấn vũ khí , hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam .

Bên cạnh ” Bến tàu không số ” là Casino và Resort Đồ Sơn , đã đưa vào khai thác từ lâu , nghe nói lỗ lã triền miên nhưng vẫn ” hiên ngang tồn tại ” ! Tại ngọn đồi cực nam bán đảo Đồ Sơn , trước đây có biệt thư Vạn Hoa , hiện đang bị bỏ hoang ! Cũng tại khu vực này còn có khu du lịch Hòn Dấu , thuộc dạng . . . đầu voi đuôi chuột , dự án lấn biển , muốn xây dựng đủ các thứ và các thứ đều đang . . . dở dang !

Đồ Sơn còn có hội chọi trâu vào ngày 9 và 10 tháng 8 âm lịch hàng năm . Phần lễ có đám rước long trọng , gõ chiên trống , múa cờ trận . . . Phần hội là chọi trâu . Mỗi phường đưa ra một số ” Ông trâu ” đại diện , bốc thăm bắt cặp chọi , con nào thắng đi tiếp vòng sau , tìm nhà vô địch . Điều dã man , ngu ngơ và khốn khiếp mà người đàng hoàng tỉnh táo sẽ không chấp nhận được đó là : Sau ngày chọi , trâu thua và kể cả trâu thắng , thay vì giữ lại để truyền giống tốt , thì đều bị mổ thịt cúng thần và mọi người xúm lại , dành nhau mua thịt mang về . . . ăn lấy hên !

Lần nào ghé Hải Phòng cũng được vợ chồng bạn Ngọc Tuấn – Phương Nhi tiếp đãi nồng nhiệt làm ” lữ khách lang thang ” cảm động quá xá ! Nhưng đường còn rất dài , không phải thiên lý mà là . . . vạn lý nên sau mấy ngày là đã ngứa chân và chia tay để tiếp tục . . . về nơi gió cát !

Có trở ngại về kỹ thuật nên rất tiếc chưa chú thích cho từng tấm hình được nhưng tất cả hình đều được sắp xếp theo thứ tự không gian và thời gian như bài viết nên các bạn có thể đoán được nội dung các hình dễ dàng . Mấy hình đầu là Hair Phòng , sau đó đi thăm Đền Trần và Miếu Vua Bà , rồi Bãi cọc Bạch Đằng , Hai cây Lim cổ thụ , Đền Ông Ngô Quyền , hôm sau đi Đồ Sơn và hai hình của nghệ sĩ Saxophon Ngọc Tuấn – nghệ sĩ Cello Phương Nhi .
                                                                                                                           
Nguyễn Chí Hòai Nhơn

   Số lần đọc: 2039

BÌNH LUẬN

Vui lòng viết bình luận của bạn
Vui lòng điền tên của bạn ở đây

Bài Cùng Tác Giả