Cho đến bây giờ đây, người dân Bình Định quê tôi vẫn còn đang phải vật lộn với cơn đại hồng thủy lịch sử theo chu kỳ đã được xác định là 40 năm.
Ngày 2 tháng 11, tôi giỗ cha. Như mọi năm, trước đó 2 ngày, tôi về quê Nhơn Hòa, An Nhơn mời bà con nội ngoại về Quy Nhơn, nhà tôi, “uống chén rượu nhân ngày kỷ niệm “ông già””. Rồi bạn bè thân thiết… tính trưa, tính chiều hết thảy chừng 6 mâm. Dẫu vợ tôi đã chuẩn bị các món độc: lịch huyết um chuối cây, bao tử ếch xào rau đắng… mà đám bạn bè tôi rất thích song tôi đã không có ngày giỗ như ý. Sáng ngày 2 tháng 11, trời chuyển gió và mưa…
Trưa dần, tôi ngao ngán nhìn trời và bồi hồi đợi chờ khách. Hai cây Lộc vừng cổ thụ trong vườn nhà tôi đang trổ lộc mơn mởn là thế đã bị gió đánh mỗi lúc một tả tơi. Bà con quê tôi dẫu rất quý “đứa cháu trọng nghĩa trọng tình” vẫn không thể vượt cả 20 cây số về dự giỗ cha tôi vì mưa quá to và gió quá lớn… Ở quê, chỉ có cô em gái tôi là vượt mưa gió mang bánh ít, chả bông về cúng cha… Các cậu dì, chú bác rồi bè bạn lần lượt kẻ nhắn tin người điện thoại “xin kiếu, hẹn dịp khác”. Cuối cùng cũng còn quá phân nửa khách mời đến chia sẻ với tôi trong ngày kỵ “ông già”. Trưa mâm rưỡi, chiều hai mâm! Mưa bão thế cơ mà, trách sao được người mời mà không đến! Song tôi vẫn ứa nước mắt nhìn những người bạn, người thân đội
mưa bão về “ăn giỗ” cha tôi!
11 giờ khuya, nhà báo Đình Phú rồi các bạn bè thân hữu Trần Văn Bạn, Trần Viết Dũng, Trần Hà Nam – những vị khách cuối cùng – lần lượt rời khỏi nhà tôi trong mưa bão tơi bời. Em gái tôi không thể trở về quê, phải ngủ lại. Trưa hôm sau cô vẫn vẫn không thể rời khỏi trung tâm TP Quy Nhơn bởi lũ tràn về, băm vằm những con đường rời phố bằng những dòng nước đục ngầu, chảy xiếc.
Gần 2 giờ sáng ngày 3.11, điện thoại di động của tôi reo vang. Quá mệt mỏi vì đám giỗ song tôi cũng ngồi dạy cố bắt máy. Thì ra thầy D, thầy giáo thời cấp 2 của tôi, có nhà ở phường Nhơn Bình TP Quy Nhơn kêu cứu. Thầy bảo nước đã vào nhà thầy và ngập lút mặt. Cả nhà có thể kê gác chống chọi được song thầy có cô con gái đang mang bầu được xếp cho ngồi trên nóc tủ. Nếu nước cứ tiếp tục lên, trôi cả tủ e cô con gái khó bề an toàn. Thầy đã gọi kêu cứu khắp nơi nhưng chẳng ai hồi âm. Thầy hy vọng với cái mác nhà báo, quan hệ rộng của tôi có thể giúp kêu cứu hộ cô con gái của thầy! Nhưng vào giờ đó và trong tình cảnh đó, tôi cũng chỉ biết lắc đầu an ủi thầy: “Thầy cố xem, chắc nước cũng không dâng lên thêm nữa đâu thầy
ạ!”. Và quả nhiên lúc sau tôi gọi điện cho thầy bảo nước đã dần rút xuống.
Ở An Nhơn cậu em con dì, mãi sáng hôm sau mới liên lạc được với tôi bày tỏ sự tiếc nuối vì không chở dì tôi về dự giỗ được: “Anh thông cảm, nhà em chưa từng ngập lụt bao giờ vậy mà đêm qua nước dâng đến thắt lưng”.
Đến bây giờ đây, khi tôi ngồi viết những dòng này, người dân quê tôi vẫn đang vật lộn trong dòng nước lũ; hai chiếc máy bay trực thăng vẫn ầm ào đi về nhâïn và chuyển hàng cứu trợ ở nhưng nơi bị lũ cô lập. Còn cả nghìn ngôi nhà nước ngập đến tận nóc, người phải mở ngói chui lên để kiếm tìm sự sống. Ở tòa soạn Báo Bình Định, cánh phóng viên vẫn hăng hái tỏa đi khắp nơi để làm tin, chụp ảnh, viết bài song nhà in tọa lạc trên Cụm Công nghiệp Nhơn Bình bị chìm trong lũ nên báo thứ ba mãi đến 9 giờ sáng thứ tư mới ra được, còn báo thứ tư lại phải ra lúc 16 giờ!
Thiệt hại của lũ chính xác như thế nào vẫn đang còn tiềm ẩn phía dưới dòng nước đục song mỗi giờ trôi qua, tôi lại nghe được những thông tin đau lòng. Có người thanh niên vì tiếc những chòi, rớ đã bơi thuyền thúng ra biển và khi gió to sóng lớn, anh đã phải chơi vơi vật lộn với sóng gió cả 2 giờ đồng hồ cách mặt những người thân đứng nhìn ở trên bờ chừng vài trăm mét mà không sao cứu được. Có bác nông dân sợ bò chết đói đã dắt ra đồng và rồi cùng với đàn bò mãi mãi không trở về nhà được nữa. Rồi có chiếc quan tài của kẻ xấu số, đất lấp chưa đủ nặng đã bị dòng lũ cuốn phăng ra biển trôi lềnh bềnh, tấp vào bãi cạnh phía Chùa Hang, để nhờ lòng từ bi của phật tử siêu độ… và chôn lấp cho lần thứ 2.
Đến ngày thứ 4 sau bão lũ, Bình Định đã xác định có 13 người chết, 15 người bị thương còn chuyện đói cơm lạc muối thì không kể sao cho xiết. 2 chiếc trực thăng của quân đội được điều động cùng hàng chục chiếc ca nô, thuyền máy, hàng trăm thanh niên tình nguyện, hằng nghìn chiến sĩ các binh chủng được huy động dồn sức cho việc đưa người ra khỏi vùng nguy hiểm và cứu trợ thực phẩm để vượt qua đói rét.
Trong số hơn 300 khu vực bị lũ cô lập có rất nhiều khu vực nhà ngập đến tận nóc, các gia đình phải dắt díu nhau dỡ ngói chui ra ngoài kêu cứu…
Miền Trung – Bình Định quê tôi năm nào cũng chịu lũ; sức đề kháng với lũ tưởng chừng đã ăn vào máu thịt vậy mà với cơn lũ tháng 11 sau cơn bão số 11 này người dân đã không còn sức đề kháng bởi lũ lớn quá và bất ngờ quá!
Lũ đã cuốn đi bao lương thực, tài sản, làm hư hỏng bao thứ cần thiết cho cuộc sống con người và hâïu quả của nó sẽ còn dai dẳng. Song trước mắt là sự đói, sự rét… do thiếu cơm, thiếu áo của bao người dân vừa có nhà bị ngập chìm trong cơn lũ kinh hoàng. Sự cứu trợ những ngày qua của tỉnh, của Trung ương thực sự mới chỉ là cứu trợ khẩn cấp…
Người dân quê tôi đang rất cần sự dang tay chia sẻ từ những tấm lòng của đồng bào bốn phương…
Trần Quang Khanh
Tái Bút:
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh, đến ngày 4.11, trên địa bàn Bình Định bão lũ đã làm 11 người chết, 2 người mất tích, 15 người bị thương; 311 ngôi nhà sập hoàn toàn, 3.549 nhà hư hỏng và 41.750 ngôi nhà bị ngập nước. Đối với sản xuất nông nghiệp, bão lũ đã làm ngã ngập hư hỏng 4.074 ha lúa, 5.208 ha hoa màu, hơn 900 tấn giống chuẩn bị cho vụ Đông Xuân 2009- 2010 và 349 ha cây công nghiệp bị hư hại; trên 30.000 con trâu, bò; trên 50.000 con heo và hơn 150.000 con gia cầm bị nước lũ cuốn trôi. Bão lũ còn làm hàng chục ngàn cây lâu năm gãy đổ, 823 ha cây lâm nghiệp bị hư hại; 108 ha diện tích sản xuất bị sa bồi; 260 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản bị hư hại. Về thủy lợi, bão lũ đã làm 325 m đê kè bị vỡ trôi và 1.535 m đê kè bị sạt lở; 13,9 km kênh mương bị bồi lấp, sạt lở và bị nước cuốn trôi; 8 đập tràn, đập dâng bị hư hỏng; 89 đập tạm bị cuốn trôi.
Ngoài ra, còn có 4 phòng học bị sập đổ, 144 phòng học bị hư hỏng, tường rào bị ngã đổ 1.030 m2; 5 trạm y tế bị hư hỏng. Đối với giao thông, bão lũ đã làm 148,84 km đường giao thông bị sạt lở; mặt đường bê tông nhựa, bê tông xi măng bị bong tróc 86.210 m2; 45 cầu cống bị hư hỏng. Bão lũ cũng đã làm 18 tàu thuyền và 2 chiếc sà lan chở hàng hóa bị chìm; 4.020 tấn phân bón, vật tư nông nghiệp bị ngập nước, hư hỏng; 101 cột điện bị đổ ngã; 2 trạm biến thế bị hư hỏng; 12 nhà làm việc cơ quan bị hư hỏng; 26 kho tàng nhà xưởng hư hại; 10.505 giếng nước sinh hoạt bị ngập, hư… Tổng thiệt hại ước tính lên đến 587 tỉ đồng.
Trần Quang Khanh
Số lần đọc: 36
Cơn Lũ
Chào anh Quan Khanh,
Cảm ơn bài viết của anh. Tiến thắc mắc là chính quyền có cách gì hữu hiệu để giúp đỡ bà con mình không anh. Bởi vì lá lành đùm lá rách chỉ là tạm thời thôi, chỉ là cấp cứu thôi. Tiến nghĩ mình không thể tránh lũ lụt được bởi vì vùng đất mình thấp quá, và cái lưng hình cong chữ S hướng ra biển cả một chiều dài như thế.
Mình có cách nào để hạn chế những cơn lũ bằng cách trồng thêm rừng thay vì chỉ biết bán gỗ mà không có kế hoạch trồng rừng, tính toán cẩn thận trước khi xây những cái đập, những hồ chứa nước. Không thôi cứ mỗi lần mưa to gió lớn cùng xả những cái đâp môt lúc thì chịu sao cho thấu…
Và điều này thì cần một chính phủ biết nhìn xa và một đội ngũ kỹ thuật giỏi.
Tào lao với anh chút xíu!
Cảm ơn chị Kim Tiến. Những điều chị Kim Tiến hỏi Quang Khanh thật khó trả lời. Những ngày này tấm lòng của đồng bào cả nước đang đổ dồn về quê mình những mong sẻ chia ít nhiều sau cơn hoạn nạn. Song bà con quê mình cũng thật khó gượng dậy do những mất mát của cơn lũ kinh hoàng này.
Những mong Chính phủ thấu hiểu và có cách phòng lũ chứ chống được những trận lũ kiểu như thế này thì đã nằm ngoài sức vóc của bà con. :cry::
re:
[quote=Quang Khanh]…cơn đại hồng thủy lịch sử theo chu kỳ đã được xác định là 40 năm.[/quote]
Quang Khanh có thể cho biết căn cứ nào để ”xác định là 40 năm” như đã viết.
Với quá nhiều “nhạc trưởng” (chứ không phải thiếu nhạc trưởng như một ông quan nào đó đã nói trên báo, đài) như hiện nay thì ngờ rằng sẽ có nhiều chu kỳ cực ngắn: 1 năm, 2 năm, 3 năm… để dân ta lãnh trọn dài dài nhiều trận hồng thủy như thế, chứ không lạc quan tới 40 năm chẵn đâu!!!