Cụ tổ 9 đời của Đại Thi Hào Nguyễn Du là Hội Nguyên, Đình Nguyên Trạng Nguyên Nguyễn Thiến, quê ở trấn Sơn Nam-Hà Tây (đậu Khoa Nhâm Thìn,1532 – Đại Chánh thứ 3, trước Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm khoa Ất Mùi -1535), có người cháu nội là Nam Dương Hầu Nguyễn Nhiệm, thời Lê Trung hưng có dự mưu phục lại nhà Mạc, thất bại chạy về Nam, giấu hẳn tông tích, sinh cơ lập nghiệp tại Nghi Xuân, trở thành người khai sáng ra dòng họ Nguyễn Tiên Điền. Đến đời thứ 6 thì dòng họ này đã nổi tiếng với Tiến sĩ Nguyễn Huệ (bác Nguyễn Du) và Hoàng Giáp Nguyễn Nghiễm (1708-1775; thân phụ Nguyễn Du). Cụ Nguyễn Nghiễm làm quan thời vua Lê – chúa Trịnh lên tới chức Tể tướng, Đại tư đồ. Anh Nguyễn Khản đậu Tiến Sĩ làm Thượng Thư triều Lê Hiển Tôn (1740-1786) và Nguyễn Nễ (1761-1805) nổi tiếng với ba lần đỗ đầu ở các kỳ: Khảo khóa ở Quốc Tử Giám, kỳ hạch ở huyện Thọ Xương, kỳ thi ở phủ Phụng Thiên, được người đương thời có thơ ngợi ca “Danh ư kinh quốc liên tam tiệp, khoán tại gia đình hựu nhất tân” nghĩa là “Nổi tiếng ở kinh đô với ba lần đỗ đầu, nếp nhà nay lại một lần đổi mới”, thi hương đậu Tứ trường (cử nhân), đời Tây Sơn được cử làm Phó sứ sang nhà Thanh, hai lần được vua Càn Long và Gia Khánh khen thưởng về văn tài.
Nguyễn Du (1765-1820), đỗ tam trường (thi Hương), khoa Giáp Thìn 1784 (19tuổi). Năm 1786, quân Tây sơn ra Bắc hà đánh đổ Chúa Trịnh. Năm 1789, Vua Quang Trung chiến thắng Đống Đa đánh đuổi 20 vạn quân Thanh, Lê Chiêu Thống chạy theo Tôn Sĩ Nghị sang Trung Hoa. Nhà Lê mất, cựu thần, lớp tòng vong, lớp tìm nơi lánh nạn. Nguyễn Du lưu lạc trên đất Bắc (1786-1796), suốt thời gian 10 năm nương nhờ nơi phía vợ ở Quỳnh Côi, từng tham gia phong trào chống Tây Sơn, bị bắt nhờ anh Nguyễn Nễ bảo lãnh về ở ẩn tại quê nhà (1796), lấy hiệu Hồng Sơn Liệp Hộ (người đi săn núi Hồng) và Nam Hải Điếu Đồ (người câu cá ở biển Nam) cho đến khi nhà Tây Sơn chấm dứt.
Năm Nhâm Tuất (1802), Nguyễn Du ra làm quan cùng nhà Nguyễn: 1802: Tri Huyện Phù Dung, 1809: Cai Bạ Quảng Bình, 1813-1814: Chánh sứ sang Trung Hoa tuế cống, 1814: thăng Hữu Tham Tri Bộ Lễ, 1820: mất ở Huế.
Cuộc đời Cụ Nguyễn Du cũng đi theo bước thăng trầm của lịch sử, chứng kiến bao cảnh phế hưng. Ba tập thơ chữ Hán: Thanh Hiên, Nam Trưng và Bắc Hành Tập còn để lại:
Lọan thế toàn sinh cửu úy nhân…
(Thời lọan, nể người mong sống trọn,
Trường đồ nhật mộ tân du thiểu,
Nhất thất xuân hàn cựu bệnh đa.
(Mười năm gió bụi biệt gia hương,
Nương cửa người phơ mái tóc sương!
Bạn ít ngày chiều đường dịu vợi,
Bệnh nhiều xuân vắng quán thê lương)
Vì lắm nỗi phong trần, nên tuổi chửa bao lăm mà đầu đã bạc:
Tiêu tiêu bạch phát mộ phong xuy.
(Danh chưa thành thân đà xơ xác,
Ngọn gió chiều tóc bạc phất phơ)
Xuân thu đại tự bạch đầu tân.
(Nghèo bởi vụng múa men thư kiếm,
Xuân rồi thu lần điểm mái sương)
Ngót sáu năm trở về Hà tĩnh (1786) đời sống của Nguyễn Du cũng chẳng khá gì hơn lúc ở Thái Bình; đau ốm, nghèo túng:
Bách niên gia thiểu thương tâm sự.
Cận nhật Trườn An đại dĩ phi.
(Trường An cũng trải nhiều dâu bể,
Gẫm cuộc trăm năm lắm não nề)
Tứ hải phong trần gia khổ lệ,
Thập tuần lao ngục tử sinh tâm.
(Bụi ngấm non sông dòng khổ lệ,
Tù treo sống thác mối kiên tâm)
Trong bài Nhớ Anh gởi cho Nguyễn Nễ lúc làm quan với Tây Sơn:
Lục Tháp thành nam hệ nhất quan,
Hải Vân dạ độ thạch toàn ngoan.
Cùng xu lam chướng tam niên thú.
Cố quốc yên hoa nhị nguyệt hàn.
(Quan nơi Sáu Tháp buộc ràng thân,
Đá gập ghềnh đêm vượt Hải Vân.
Sương gió đồn xa hiu hắt phận,
Khói hoa quê cũ lạnh lùng xuân.)
Đa bệnh đa sầu khi bất thư,
Thập tuần khốn ngọa Quế giang cư.
Lệ thần nhập thất thôn nhân phách,
Cơ thử duyên sàng khiết ngã thư.
(Sầu lại bệnh lòng không thanh thản,
Miền Quế giang mấy tháng nằm suông.
Bắt hồn dịch rắt tai ương,
Chuột leo gặm sách quanh giường làm no.)
Hắc dạ hà kỳ mê thất hiểu,
Bạch đầu vô lại chuyết tang than.
Bất sầu cửu lộ triêm y duệ,
Thả hỷ tu mi bất nhiễm trần.
(Trời mãi còn đêm khôn dọ dẫm,
Già chưa nên việc khéo bôn chôn!
Đi đâu chẳng ngại sương dầm áo,
Mừng được mày râu khỏi bụi lòn)
Nguyễn Du ra làm quan với triều Nguyễn 19 năm (1802-1820), bước đường họan lộ tương đối hanh thông nhưng lòng luôn luôn bi quan và bất mãn. Trong bài thơ gởi bạn (Ký Hữu) lúc ra Thăng Long nhậm chức:
Thái phác bất toàn chân diện mục,
Nhất châu hà sự tiểu công danh!
Hữu sanh bất đái công hầu cốt,
Vô tử chung tầm thỉ lộc minh.
(Ngọc phác khôn gìn nguyên diện mục,
Thân đời khéo buộc nẻo công danh!
Công hầu cốt ấy đâu sanh sẵn,
Hươu vượn duyên kia quyết để dành)
Nhà Tây Sơn thay nhà Lê, rồi nhà Nguyễn thay nhà Tây Sơn; với những đổi thay, thù hận nhất là cảnh trả thù ti tiện của triều đình Nguyễn (người chiến thắng), đối với vua quan triều Tây Sơn (kẻ chiến bại). Gia Long vừa lên ngôi liền sát hại công thần. Đình thần vì quyền lợi cá nhân mà tìm cách hãm hại nhau. Những chuyện hiềm khích, ganh tị đưa đến những cái chết oan uổng như : Tả Quân Lê văn Duyệt (Tổng Trấn Gia Định Thành), Hữu Quân Nguyễn văn Thành (Tổng Trấn Bắc thành), Hậu Quân Lê Chất, Binh Bộ Thượng Thư Đặng Trần Thường vv.vv…
Đào hoa mạc trượng đông quân ý,
Bàng hữu phong di tinh tối toan.
(Hoa đào chớ cậy Đông quân mến,
Dì gió ghen tương chất chứa lòng)
Xuân tòng giang thượng lai hà khứ,
Nhân ỷ thiên nhai trệ nhất quan.
(Xuân theo ngọn nước về đâu tá?
Quan lụn chân trời nghĩ chán không)
Năm 1804, Nguyễn Du đương làm Tri Phủ Thường Tín bị bệnh, xin từ chức. Về quê nghỉ được hơn 1 tháng lại có chỉ vào Kinh đô Huế nhận chức mới, ngang qua núi Phượng Hòang, nghĩ đường trước mặt mà lo; ngòai thì vượn hú, trong thời cọp beo:
Phát đoản bất câm phong.
Dã túc phùng tiều giả,
Tương liên bất tại đồng.
(Sương dầm những ngại lực suy,
Mái đầu tóc ngắn sợ gì gió tung.
Quán quê gặp gỡ tiều ông,
Thương nhau há lại cảnh đồng mà thương)
Hương Giang nhất phiến nguyệt,
Kim cổ hứa đa sầu.
Vãng sự bi thanh trủng,
Tân thu đáo bạch đầu.
Hữu hình đồ dịch dịch,
Vô bệnh cố câu câu.
Hồi phủ Lam giang phố,
Nhàn tâm tạ bạch âu.
Lai láng sầu cổ câm.
Chuyện xưa mồ cỏ biếc,
Thu mới tóc hoa râm.
Có hình thân phải khổ,
Không bệnh lưng vẫn khom,
Bến Lam giang ngỏanh lại,
Bầy âu vui sớm hôm.)
Đến năm 1809, Nguyễn Du được bổ làm Cai Bạ Quảng Bình. Nằm đất Giang thành chốc đã ba năm, trông về quê nhà phía Bắc ở tận cuối trời!
Thử thân dĩ tác phàn lung vật,
Hà xứ trùng tầm hãn mạn du.
Mạc hướng thiên nhai thán luân lạc,
Hà Nam kim thị đế vương châu.
(Chậu lồng vướng kiếp thôi đành đoạn!
Sóng nước vui chân há dễ dầu!
Luân lạc phương trời thôi chớ nghĩ:
Bờ nam đã thuộc đất Thần Châu.)
Thời gian làm việc ở đây Nguyễn Du bị quan trên chèn ép hơn lúc còn ở Huế, nghĩ thân phận trong kiếp phù sinh:
Khóang dã biến mai vô chủ cốt,
Thù phương độc thác hữu quan thân.
Sự lai đồ lệ giai kiêu ngã,
Lão khứ văn chương diệc tị nhân.
(Nội quanh chôn đầy xương bạc mệnh,
Quê người gởi tạm kiếp phù vinh.
Việc bày nha lại đều lên mặt,
Già đến văn chương cũng tránh mình.)
Cơ lai bất tác cầu nhân thái,
Lã khứ chung hòai báo quốc ân.
(Ơn người đói vẫn không cầu cạnh,
Nợ nước, già đâu bớt vấn vương).
Hốt kinh lão cảnh kim triêu thị,
Hà xứ thu thanh tạc dạ văn.
(Vừa nghiêng tai lắng thu lên tiếng,
Bỗng giật mình trông tóc trắng gương).
Suốt thời Trịnh- Nguyễn phân tranh (1566-1788), Sông Gianh là ranh giới giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài. Lũy cũ (cựu bích) tức là lũy Thầy do Đào Duy Từ xây; nơi nầy thường xảy ra nhiều trận ác chiến giữa quân Trịnh và quân Nguyễn ; cũng như giữa quân chúa Nguyễn và nhà Tây Sơn. Nguyễn Du trong thời gian làm quan ở đây có làm bài thơ Độ Linh Giang ( Qua Sông Gianh):
Bình sa tận xứ thủy thiên phù,
Hạo hạo yên ba cổ độ thu.
Nhất vọng tân nhai thông cự hải.
Lịch triều cương giới tại trung lưu.
Tam quân cựu bích phi hòang diệp,
Bách chiến tàn hài ngọa lục vu.
Bắc thương thổ dân mạc tương tị,
Trấp niên tiền thị ngã đồng chu.
(Ngòai bãi xa nước trời lồng lộng,
Bến đò xưa khói sóng ngời thu.
Vời trông tạn mặt biển sâu,
Cõi chia Nam Bắc khỏi đầu là đây.
Xương bách chiến lấp đầy nội cỏ,
Lũy ba quân lá đổ tà huy.
Cách bờ chớ ngại nhau chi,
Ba mươi năm trước cũng thì đồng châu).
Dạ tú vinh hoa thân ngọai huyễn
triêu vân danh lợi nhãn tiền phi
Lũng thiên tuế tuế qua điền thục,
Khổ tận cam lai thượng hữu kỳ.
(Áo gấm ngòai thân trùm huyễn hoặc,
Bóng mây trước mắt thỏang giàu sang.
Năm năm luống đợi mùa dưa chín,
Khổ trước vui sau ước cũ càng)
Từ đời nhà Lý, kinh đô Việt Nam đóng tại Thăng Long (rồng hiện). Thời Gia Long đổi chữ Long (rồng) thành chữ Long (thịnh vượng) nhưng cổ nhân vẫn viết chữ Long là rồng. Nguyễn Du rời Thăng Long lúc nhà Lê mất (1789), năm 24 tuổi. Đến khi làm quan cho nhà Nguyễn (1802) và vâng mệnh đi sứ Trung Hoa (1813) thì cụ đã gần năm mươi rồi, trải qua một cuộc bể dâu mà nay đầu đã bạc mới trở lại Thăng Long xưa:
Tản lĩnh Lô giang tuế tuế đồng,
Bạch đầu do đắc kiến Thăng Long.
Thiên niên cự thất thành quan đạo,
Nhất phiến cô thành một cố cung
Tương thức mỹ nhân khan bảo tử,
Đồng du hiệp thiếu tẫn thành ông.
(Núi Tản Sông Lô vẫn núi sông,
Bạc đầu còn được thấy Thăng Long.
Nghìn năm cự thất thành quan lộ,
Một giải tân thành lấp cố cung.
Người đẹp thuở xưa đều bế trẻ,
Bạn chơi thuở nhỏ thảy thành ông)
Thiên niên phú quí cung tranh đọat,
Tảo tuế thân bằng bán tử sinh.
Thế sự phù trầm hưu thán tức,
Tự gia đầu bạch diệc tinh tinh.
(Danh lợi mồi ngon đua cướp dựt,
Bạn bằng lớp trước sống lơ thơ.
Nổi chìm thế sự đừng than nữa,
Mái tóc mình đây cũng bạc phơ!)
Và gặp lại người đào hát cũ của Ông:
Lọan rồi nhân vật đổi thay,
Phồn hoa chốn cũ ai hay hạc về.
Áo hường tưởng dạng cung Nghê,
Tiếng ca uyển chuyển từng nghe những ngày.
Tuổi già lại gặp nhau đây,
Bước đường lưu lạc lệ đầy thương đau.
Đã đành nước đổ khôn thâu,
Than ôi ! Ngó đứt dễ dầu dứt tơ!
Có chồng đã mấy con thơ,
Áo hương ngày cũ bây giờ còn mang!
Bài ca về Người gảy đàn trên Đất Long Thành. Chuyện người gảy đàn tện họ là gì không rõ. Nghe nói lúc nhỏ nàng học đàn Nguyễn (Đàn Nguyệt do Nguyễn Hàm, một trong thất hiền vườn Trúc đời Tấn sáng chế) nơi đội nữ nhạc trong cung Vua Lê. Binh Tây Sơn dấy lên, các đội nhạc cũ lớp chết, lớp bỏ đi. Nàng lưu lạc ở các chợ, ôm đàn gảy dạo. Những bản đàn nàng gảy là những khúc trong Cung Phụng gảy cho Vua nghe, người ngòai không ai biết. Cho nên tài danh nàng lừng lẩy một thời. Buổi niên thiếu Nguyễn Du lên Kinh Đô thăm anh đã từng quen biết nàng. Mùa Xuân, phụng mệnh đi sứ, khi đi ngang qua đất Long Thành. Các bạn mở tiệc tiễn Ông tại dinh Tuyên Phủ, có gọi vài chục nữ nhạc nhưng không quen mặt. Tiệc khởi lên làm Ông kinh dị nhìn người gảy đàn thì thấy thân gầy, khô đét, mặt đen, sắc trông như quỷ, áo quần tòan vải thô, bạc màu, vá nhiều mảnh trắng, ngồi lầm lì ở cuối chiếu, không nói, không cười. Khi tiếng đàn trổi lên dường như quen quen, động lòng trắc ẩn. Tiệc tan, hỏi thăm thì ra là người năm xưa đã gặp. Than ôi! Người ấy sao đến nỗi thế nầy! Cuối ngửa bồi hồi, nghĩ đến cảnh cổ kim. Đời trăm năm, những cảnh vinh nhục buồn vui thật không sao lường được!
Thính giả mĩ mĩ bất tri quyện.
Tiện thị Trung Hòa đại nội âm.
Tây Sơn chư thần mãn tọa tận khuynh đảo,
Triệt dạ truy hoan bất tri bảo.
..Thử tịch hồi đầu nhị thập niên,
Tây Sơn bại hậu dư Nam thiên
Chỉ xích Long thành bất phục kiến,
Hà huống thành trung ca vũ diên.
(Người nghe saysưa không mỏi,
Là những khúc đàn trong Đại Nội Trung Hòa.
Các quan Tây Sơn đều say sưa điên đảo,
Mải vui suốt đêm không biết chán.
Nhớ lại bữa tiệc đã hai mươi năm,
Sau khi Tây Sơn bại vong, tôi vào Nam,
Long Thành trong gang tấc không thấy,
Huống hồ tiệc múa hát trong thành)
Cựu khúc thanh thanh ám lệ thùy,
Nhĩ trung tĩnh thính tâm trung bi.
Mạnh nhiên ức khởi nhị thập niên tiền sự,
Giám Hồ tịch trung tằng kiến chi
Thành quách suy di nhân sự cải,
Kỷ xứ tang điền biến thương hải
Tây sơn cơ nghiệp tận tiêu vong,
Ca vũ không di nhất nhân tại.
Thuấn tức bách niên năng kỷ thì,
Thương tâm vãng sự lệ triêm y.
(Khúc đàn xưa, nước mắt tuông từng tiếng,
Tai lắng nghe mà lòng chua xót.
Bỗng nhớ chuyện hai mươi năm,
Trong chiếu tiệc bên hồ Giám.
Thành quách suy dời, việc người đổi.
Bao nương dâu biến thành biển xanh.
Cơ nghiệp Tây Sơn tiêu sành sạch,
Trong làng múa hát sót lại một người).
Đại Thi Hào Nguyễn Du (1765-1820) đã để lại cho hậu thế một tác phẩm tuyệt tác bằng chữ Nôm là Truyện Kiều (Đọan Trường Tân Thanh). Thiên tài của Cụ Nguyễn Du là dùng ngôn ngữ của chính Dân tộc mình để diễn tả hết tâm sự mình mà ông được may mắn là chứng nhân của lịch sử, trong việc gởi gắm qua tập truyện Trung Hoa.
Truyên Kiều là gia tài quý báu, là niềm hãnh diện của người Việt nam. Hai nhà văn hóa lớn Nguyễn văn Vĩnh và Phạm Quỳnh đã nói: “Chữ Việt còn, Nước ta còn – Truyện Kiều còn, Nước ta còn”. Thời đại của Nguyễn Du trải qua gần ba thế kỷ, ngày nay thơ văn trong truyện Kiều nó đã trở thành ca dao , tuc ngữ trong dân gian; nhất là hậu bán thế kỷ 20.
..Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
…Nỗi niềm tưởng đến mà đau,
Đời phồn hoa cũng là đời bỏ đi!
..Nỗi riêng lớp lớp sóng dồi,
Nghĩ đòi cơn lại sụt sùi đòi cơn.
Cũng liều nhắm mắt đưa chân,
Mà xem con Tạo xoay vần đến đâu !.
…Đã đày vào kiếp phong trần,
Sao cho sỉ nhục một lần mới thôi !
…Ở đây tai vách mạch rừng,
Thấy ai người cũ cũng đừng nhìn chi.
Phải điều ăn xổi ở thì,
Gặp cơn vạ gió tai bay bất kỳ
… Biết đâu ấm lạnh biết đâu ngọt bùi
…Kiến trong miệng chén có bò đi đâu?
Kiến bò miệng chén chưa lâu.
…Xưa nay nhân định thắng nhiên cũng nhiều
…Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.
Lời quê chắp nhặt dông dài,
Mua vui cũng được một vài trống canh.
Nhà thơ Vương Trọng một hôm về thăm mộ Nguyễn Du, ông thấy ngôi mộ của một đại thi hào sao quá thảm:
Tưởng rằng phận bạc Đạm Tiên,
Ngờ đâu cụ Nguyễn Tiên Điền nằm đây.
Ngẩng trời cao cúi đất dày.
Cắn môi tay nắm bàn tay của mình.
Một vùng cồn bãi trống trênh.
Cụ cùng thập loại chúng sinh nằm kề.
Ngút tầm chẳng cánh hoa lê.
Bạch đàn đôi ngọn gió về nỉ non,
Xạc xào lá cỏ héo hon.
Bàn chân cát bụi lối mòn nhỏ nhoi.
Lặng yên bên nấm mộ rồi,
Chưa tin mình đã đến bên mình tìm.
Không cành để gọi tiếng chim,
Không hoa cho bướm mang theo nắng trời.
Không vầng cỏ ấm tay người,
Nắm hương tảo mộ thắp rồi lại xiêu.
Thanh minh trong những câu Kiều,
Rưng rưng con đọc với chiều Nghi Xuân.
Cúi đầu tưởng nhớ vĩ nhân,
Bắt phong trần để phong trần riêng ai.
Bao giờ cây súng rời vai,
Nung vôi chở đá tượng đài xây lên.
Trái tim lớn giữa thiên nhiên,
Tình yêu nối nhịp suốt nghìn năm xa
(Vương Trọng)
Sau năm 1975, tôi tình cờ được đọc lại bài thơ:
Bài ký về nàng Tiểu Thanh (Tiểu Thanh: Vào khỏang đầu nhà Minh, có nàng họ Phùng tài sắc, lấy lẻ một người cũng tên Phùng, nàng đặt tự hiệu là Tiểu Thanh (để tránh trùng tên chồng). Vợ cả của Phùng ghen tuông bắt Tiểu Thanh phải lên ở trên núi Cô Sơn cạnh Tây Hồ; chẳng bao lâu nàng buồn mà chết, xác chôn dưới chân núi. Nàng Tiểu Thanh có để lại một tập thơ chép tâm sự của mình, bà vợ lớn tìm thấy lấy đem đốt đi để trả thù sự ghen tuông, nhưng sách cháy không hết, có người lượm được cất lại . Người yêu văn chương chép số bài còn sót, đặt tên là Phần Dư Cảo, nghĩa là Cảo thơm còn sót lại. Người viết truyền lại sau này đặt là Tiểu Thanh Ký). Thi sĩ Quách Tấn có dịch thơ:
Độc Tiểu Thanh Ký
Hồ Tây hoa kiểng giải gò hoang,
Cửa hé trang thơ chạnh điếu nàng.
Hận luống vương thêm hồn phấn đại,
Tro chưa tàn hết nghiệp văn chương.
Thanh thương khó hỏi oan chồng chất,
Phong nhã đành chung nợ vấn vương.
Rồi Tố Như nầy ba kỷ nữa,
Trần gian ai kẻ sụt sùi thương? !
Thu 1967.
Để qua một chặng đường gian nan, tôi có dịch bài thơ trên như sau:
Khóc nàng Tiểu Thanh
Tây Hồ hoa đã hoang tàn,
Chỉ còn tập sách viếng nàng trước song.
Phấn son chắc cũng một lòng,
Xót xa cái chết gởi cùng mai sau.
Văn chương vô cớ lụy vào,
Xưa nay mối hận hỏi sao được trời!
Ta xem cùng hội với người,
Tài hoa, oan trái kết đôi lạ lùng.
Ba trăm năm lẻ đã từng,
Biết ai sau có khóc cùng Tố Như?!
Bình Sơn, 1981.
Truyện Kiều là Di sản Văn hóa của dân Tộc Việt nam, một Nguyễn Nhược Pháp với Đi chùa Hưong, Hàn Mặc Tử với Đây thôn Vỹ Dạ, Y Vân với Saigon Đẹp lắm, Văn Phụng với Ghé Bến Saigon sẽ mãi mãi là gia tài quý báu của người Việt nam
…Cổ kim vị kiến thiên niên quốc,
Hình thế không lưu bách chiến danh
Mạc hương Thanh Hoa thôn khẩu vọng,
Điệp sơn bất cải cựu thời thanh.
(Nước nghìn năm xưa nay không thấy,
Thế hiểm còn lừng lẫy chiến công.
Thanh Hoa chớ ngoảnh đầu trông,
Điệp sơn núi vẫn trập trùng như xưa).
Lê Quang Mỹ
California, Xuân Mậu Tý 2008.
Tham khảo: Tố Như Thi trích dịch của Nguyễn Du do Quách Tấn xb. 1973)
Số lần đọc: 4375