Trang sinh hoạt của Cựu Giáo Sư và Học Sinh trường Trung Học Cường Đễ Qui Nhơn

Trang NhàTruyện NgắnNguyễn Mỹ NữNhững Cơn Mưa Và Một Mùi Hương

Những Cơn Mưa Và Một Mùi Hương

1.

Huy nói tiếng nẫu chay. Cái gì mà gớm òm, chưng hửng… Cái gì mà dị, mị… khiến tôi không đừng được, phải cười. Mà cứ được cười hoài vì Huy cứ nói hoài. Con trai gì đâu mà ham nói, mê ăn. Cũng phải thôi, vì quê của Huy có nhiều món ngon khỏi chê. Hấp dẫn nhất là các loại bánh. Bánh khô, nổ, táp lô, hồng, rẽ quạt… Rồi bánh tổ, rế, hột xoài… Nội bánh ít mà nhớ cho đủ các loại, đã thấy mệt đừ. Mệt đừ là nói theo tiếng ngoài quê của Huy. Một vùng thuộc về phía bắc tỉnh Bình Định. Trở lại bánh ít. Thì bánh ít lá gai, bánh ít trần, bánh ít bột báng… Nhiều quá, tôi nhớ không nổi. Nhưng Huy thì nói làu làu. Đã nói là Huy có tâm hồn ăn uống mà lại. Huy là em kề của nhỏ bạn tôi. Tôi theo nó về quê chơi. Ở có hơn hai tiếng đồng hồ thì nó nhận được điện phải trở về thành phố gấp, vì có việc cần. Thế là Hoa – nhỏ bạn – hỏi: “Mày ở lại hử? Hay về?”. Huy ngồi gần đó, chỏ miệng qua: “Mắc gì về. Ở lại đi”. Tôi ngập ngừng: “Sợ… lạ. Sợ… buồn”. Cũng Huy: “Mắc mớ gì sợ. Mắc mớ gì buồn. Tròi! Còn tui chi”. Vậy là tôi không cùng Hoa quay về thành phố và ngày ngày theo Huy, lê la đi ăn hàng ở hết các chợ quán tại đây. Và cười hoài nữa bởi những tiếng nẫu chay, Huy nói.

Hôm qua, tôi thiếu điều ách bụng phải chở lên bệnh viện thị trấn cấp cứu vì bội thực bánh dây. Vậy mà hôm nay bớt bớt, tôi đã ngồi bên Huy ở chợ. Chồm hổm đợi bà bà hàng đổ từng cặp bánh xèo, để chia cho nhau. Cũng do trời nữa. Trời tự nhiên trở lạnh và có mưa. Huy đi ra – đi vô bần thần, khiến tôi nóng ruột, phải nói. Nói cũng bằng giọng nẫu chay của Huy:

– Ngồi một chỗ dùm, được không?

– Chớ tui đi sao na?

– Tui mỏi mắt.

– Tui đi hoài chân tui không mỏi. Mấy người dòm chi mỏi mắt rồi la khan vậy trời?

– Tự tui lỡ dòm nên mắt tui mới bị mỏi. Mà tui cũng chóng mặt nữa.

– Chóng mặt thì ráng chịu. Mắc gì la?

– Tui la để mà coi chừng…

– Hứ!

– Coi chừng tui quánh óc. Cái tội hỗn với chị. Em bạn tui mà bày dặt tui tui. Hỗn.

– Chớ tuổi hơn tui được mấy trỏng mà đòi.

– Tui bằng tuổi con Hoa. Thì tui với nó bạn.

– Khỏi cần nhắc. Tui đâu có sặc sừ mà không biết mấy người là bạn. Bạn… Bạn… Nhưng chắc gì đồng tuổi. Bà Hoa già chát đâu như mấy người.

– Tui sao?

– Nhỏ híu.

– Dỡn. kêu chị, xưng em đi.

– Còn lâu. Tui không có biết đàng kêu con gái là chị. Chỉ biết…

– Biết gì?

– Biết… Thì biết… rượt con gái chạy giẽ đất chơi.

Nhưng Huy đâu có chịu rượt. Huy đi. Đi rất chậm bên tôi. Hai đứa nép dưới những mái hiên để tránh mưa và ngang qua quán, chịu không nổi bởi… thơm lựng nên giở liếp, bước vô. Trời đâu phải mưa có bữa đó. Mưa tiếp mười mấy ngày nữa. Ở nhà được ăn ngày hai bữa cơm với mắm cua đồng ngon khỏi nói. Cua thì do Huy đi bắt mà mắm thì do chị Hai nấu. Soong cơm bữa nào cũng vun mà luôn phải vét sồn sột. Huy ăn nhiều nhưng xế rồi trưa luôn đói bụng, thèm: “Trời mưa vầy có nước ăn bánh xèo vỏ là ngon nhất mà lại rẻ”. Huy nói vậy và tôi bám theo Huy không rời. Tự vì tôi cũng giống Huy. Giống chỉ có một điểm: ưa ăn hàng. Mưa thêm mười mấy ngày, tôi đi ăn bánh xèo vỏ, thêm hai mươi lần nữa, với Huy. Thì xế rồi khuya. Trời hết mưa, nắng lại. Huy gợi ý một món khác cho phù hợp. Tôi chưa kịp thưởng thức, đã vội về vì nghe tin má bịnh. Đi, với hương bánh xèo, vị mắm đục quyện chặt lấy từng cái chân răng và lấp đầy hết cả vị giác. Đúng sáu tháng sau, tôi biết tin Huy chết vì một trận bão lớn ngoài biển khi theo ghe đi bạn. Hoa nấc lên: “May là còn vớt được xác”. Cũng lúc đó tôi mới biết Huy bằng tuổi tôi: mười bảy. Tôi không dám theo Hoa về dự lễ tang và thương đến quắt quay những tiếng nẫu chay, Huy nói.

2.

Có những loài hoa gợi nên một nơi chốn. Như hoa quỳ khiến liên tưởng đến Đà Lạt, hoa sữa thì Hà Nội. Rồi cứ thế mà nhớ về một thị thành ở trên cao, một nơi nào đó có biển hay là sông, phố cổ, nhà quê… Cũng có những mùa màng, những chuyển đổi của thời tíêt làm nhớ đến một món ăn rồi… một người. Và tất cả bỗng dẫn đưa tâm hồn mình, trở về với kỷ niệm.

Tôi hay nghĩ tới cái vùng quê ấy. Nghĩ tới Huy và món bánh xèo vỏ, mỗi khi trời tự nhiên ẩm ướt, lành lạnh và có mưa lất phất. Dù đang lúc ở nhà, đi ngoài phố hay ngồi trong lớp học. Dù cho giữa khi thật bận bịu hay rất rãnh rang. Mà cứ trời thế, không gian thế… là lòng bỗng chùng rồi nhớ. Hồi trước, Huy thường đưa tôi tới ăn nơi mấy cái lều ở chợ hay những cái quán xập xệ ven đường. Có những cái quán phải giở tấm liếp và cúi khom lưng, mới có thể bước vô. Thích lắm cái khung cảnh đơn sơ ở những chỗ ấy, với vài ba cái bếp than có lửa nhỏ liu riu cùng dăm ba người vây quanh xúm xít. Nghe ấm áp đến lạ lùng, nhất là khi từ ngoài mưa bước vào. Mùi hương ngào ngạt dậy lên khắp cùng gian quán hẹp khiến bụng thấy đói cồn cào và tiếng kêu “xèo xèo”, “xèo xèo”… phát ra từ những cái khuôn, khiến tất cả giác quan ở trong người mở bung hết ra và được kích thích đến tận cùng. Huy cho tôi biết bánh xèo vỏ được đổ bằng bột gạo, dầu phộng. Bột không được pha chế. Bánh không có nhân và phải ăn với mắm đục. Đây là một loại mắm chưa đủ ngày để thành mắm trong nhưng được gạn lọc rất kỹ và phải đựng trong “tỉn” đất nung mới đúng cách.

Sau khi hai đứa đã lọt thỏm vào bên trong, Huy thường kiếm hai cái đòn để ngồi, lấy hai cái chén nhỏ múc mắm ra và xé ớt bỏ vô. Rồi lấy thêm hai cái đĩa không, gác hai đôi đủa kế bên và ung dung… chờ đợi. Huy vốn rất háu ăn nhưng lối thưởng thức bánh xèo vỏ bắt người ta phải như vậy. Háo hức thì được nhưng nôn nóng thì không. Mà cũng sao đâu! Y hình như chúng tôi còn ưng hơn nữa, cái khoảng thời gian được ngồi thu lu bên nhau và thích thú ngó theo đôi tay thuần thục của bà hàng. Bánh chín rất nhanh và do quá mỏng nên phải xếp theo từng cặp một. Được cặp nào, bà hàng đặt ngay vô đĩa của khách cặp đó. Phải nhìn vô cặp mắt của Huy khi xắn đôi cặp bánh ra, chấm mắm từng nửa một rồi đưa lên miệng, mới thấy hết cái sung sướng của chuyện… ăn. Tôi không dám nhai vội và cũng chẳng muốn nuốt ngay. Cứ muốn giữ mãi hương vị thơm ngon của bánh, như muốn níu lại những khoảnh khắc của gần gũi, với những cặp bánh xèo vỏ được san sớt cùng nhau. Cái nóng hổi từ bánh, tỏa ra. Từ trong lòng, tỏa ra. Từ những yêu thương, tỏa ra khiến cho cái quán nhỏ xập xệ, đỏ rực lửa, bỗng như đổi khác. Chợt huyền ảo, lung linh một nét đẹp rời rợi và lạ lùng.

3.

Chiều nay, lại mưa và rất nhớ. Nghe đâu như ắp đầy hết cả không gian nơi này là những tiếng “xèo xèo”… Hương vị đậm đà của những cặp bánh, bếp than ấm nồng… Và cả nữa đôi mắt nhiều háo hức của một chàng trai nhà quê, nói tiếng nẫu chay và mới có mười bảy tuổi…

Nguyễn Mỹ Nữ

  

   Số lần đọc: 2875

4 BÌNH LUẬN

  1. RE: Những Cơn Mưa Và Một Mùi Hương
    Trời SG đang mưa đọc bài Mỹ Nữ làm mình nhớ bánh xèo võ Tam Quan quê mình quá! thế là mình nói với người nhà ngâm gạo xay bột bằng máy sinh tố ngay. Đang có tiếng xèo xèo từ cháo không dính thơm lừng nhưng chắc thiếu một chút hương của dầu phộng TQ rồi. Cám ơn Mỹ Nữ gợi nhớ…như một bức tranh đầy màu sắc hương quê mà không có nơi nào có được…

  2. RE: Những Cơn Mưa Và Một Mùi Hương
    Bạn ơi ,tôi đang cần tư liệu về bánh Tét , bánh tổ- Thấy bạn đề cập đến bánh tổ tui mừng quá . (cả bánh ú nữa)
    Xin bạn nào biết -lịch sử, xuất xứ , phạm vi các vùng miền xài hai loại bánh này ,xin cho tôi biết với . Bằng cách Post lên đây . hoặc gởi về:
    [email protected]
    Cám ơn các bạn nhiều

  3. RE: Những Cơn Mưa Và Một Mùi Hương
    Cám ơn Mỹ Nữ đã dắt tôi về những nơi chốn — với những món “khoái khẩu” tôi — giông giống như những nơi tôi đã ghé qua thuở ấy và những năm gần đây.

    Lâu rồi, mấy quán bánh xèo ở góc Võ Tánh – Tăng Bạt Hổ (sát cổng sân vận động) giờ còn không ? Mấy quán ở góc Phan Bội Châu – Ngô Quyền giờ còn không ?

    Còn nữa… Quán bún thịt nướng, nem cuốn của cô Lợi với nước chấm tương đậu phộng cay cay hết xẩy (ở góc Tăng Bạt Hổ – Trần Cao Vân, gần chùa Long Khánh) giờ còn không ? Quán bánh bèo bánh nậm bánh hỏi của bà Cúc trên đường Phan Đình Phùng (khoảng giữa Phan Bội Châu và Gia Long) giờ còn không ? Quán bánh mì la gu ở sâu trong hẽm trước bệnh viện đa khoa ở Khu Hai giờ còn không ?

    Còn nữa… Mấy năm trước đây khi tôi về, ba má và anh chị em tôi thường “độc quyền” thưởng thức hết trơn hết trọi gánh đậu hũ của cô Sáu (hay mặc áo bà ba trắng) thường gánh ngang qua nhà. Đậu hũ nóng của cô Sáu quê mình được gánh bằng cái hũ đất, ăn với nước đường ngà deo dẻo có pha chút gừng cay cay âm ấm thì khỏi chê. Lần về quê cách đây hai năm tôi không thấy cô Sáu nữa. Cô Sáu wơi… Cô đâu rầu !?

    Đậu hũ Sài Gòn và đậu hũ Hà Nội (ngoài đó gọi là vữa) cũng nóng, được gánh bằng cái xoon lớn có chút hương vị lá dứa lại ăn với nước đường cát trắng, theo tôi là… hỏng rồi.

    Lần nữa, cám ơn Mỹ Nữ nhiều, nhiều lắm…

  4. RE: Những Cơn Mưa Và Một Mùi Hương
    Chị Mỹ Nữ ơi ,bài viết của chị hay quá ! Em chắc chị nhớ bánh xèo dỏ ( dân Nẫu không nói vỏ )thì ít mà nhớ nẫu của ngày xưa nhiều hơn phải không ? Em thấy gần tiệm may Huy , đường Hai bà Trưng – Quy Nhơn mình có một hàng bánh xèo vỏ vĩa hè cũng ngon lắm , chắc chị biết ?

BÌNH LUẬN

Vui lòng viết bình luận của bạn
Vui lòng điền tên của bạn ở đây

Bài Cùng Tác Giả