LTS. Cám ơn anh Nguyễn Lệnh đã có nhã ý gởi email góp ý về tính cách pháp lý của những quỹ tương trợ ở Việt Nam, cụ thể là Quỹ 1$. Mặc dù Quỹ 1$ không còn sinh hoạt với cuongde.org nữa, nhưng những ý kiến của anh Nguyễn Lệnh rất là quí giá cho những ai muốn lập quỹ ở Việt Nam. Bài này được copy và chỉnh vài điểm từ email của anh Nguyễn Lệnh cho hợp với hình thức bài viết, đề bài do chúng tôi đặt ra. Bài không có phần Lời Bàn, bạn nào muốn góp ý thì xin email về, chúng tôi sẽ chuyển đến anh Nguyễn Lệnh.
Tôi đã đọc THƯ NGỎ ngày 22/9/2010 của người đại diện cho nhóm 3 người là cựu học sinh CĐ&NTH QN trình bày về nguyên tắc và nội dung của việc thành lập “Quỹ 1$ Giúp Thầy, Cô & Bạn Cường Để – Nữ Trung Học Quy Nhơn” (Q1$GTCBCĐNTHQN). Tôi cũng đã đọc được những lời phê bình chỉ trích của đồng môn dành cho những người vận động lập quỹ. Administrator của trang web cuongde.org có lời yêu cầu nhờ giúp giải thích về mặt pháp lý của việc lập tương trợ / từ thiện ở Việt Nam. Với tư cách là một cựu học sinh CĐ&NTH QN NK 62-69 và có hiểu biết chút ít về pháp luật, tôi xin có lời giải thích như sau:
Theo tôi, qua những gì mà THƯ NGỎ trình bày, thì hình thức tổ chức là Doanh nghiệp không phù hợp cho Q1$GTCBCĐNTHQN vì Luật doanh nghiệp điều chỉnh các tổ chức kinh tế nhằm mục đích thực hiện các hoạt động kinh doanh tức là nhằm mục đích sinh lợi. Còn nếu chọn hình thức là một Hội theo Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ qui định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội – tức là tổ chức tự nguyện, không vụ lợi, thì “chiếc áo” Hội lại quá rộng so với các nội dung và nguyên tắc hoạt động của Q1$GTCBCĐNTHQN. Vì vậy, quan hệ pháp luật một khi được xác lập căn cứ vào THƯ NGỎ – được coi như là một “Đề nghị giao kết”, và sự “Chấp nhận đề nghị” của một cựu học sinh CĐ&NTH nào đó thể hiện dưới hình thức “Gởi 1$ vào tài khoản quỹ” thì đã giao kết, đã hình thành một Hợp đồng dân sự theo đúng các qui định trong Bộ luật dân sự. Mỗi lần nộp tiền vào quỹ – ví dụ nộp 120.000 đ/năm, thì từ thời điểm giao kết đó hợp đồng có hiệu lực (trong thời hạn 1 năm).
Việc giao kết hợp đồng dân sự như thế này phải tuân theo nguyên tắc tự do giao kết hợp đồng nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội. Như vậy rõ ràng là với những nguyên tắc và nội dung mà THƯ NGỎ đã trình bày cho thấy “Đề nghị giao kết” đó không có gì trái với pháp luật và rất đáng trân trọng về mặt đạo đức xã hội. Việc giao kết hơp đồng với nội dung và nguyên tắc đã ghi trong THƯ NGỎ cho thấy hợp đồng đã tuân theo các nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác, trung thực và ngay thẳng mà Bộ luật dân sự đã qui định. Về mặt hình thức của hợp đồng dân sự thì vì trong trường hợp cụ thể của Q1$GTCBCĐNTHQN không thấy có qui định nào của pháp luật buộc phải thể hiện bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép nên có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể; do đó hợp đồng không bị coi là vô hiệu về mặt hình thức.
Như vậy, theo tôi, cho đến ngày giờ này, việc làm của những người lập Q1$GTCBCĐNTHQN rất phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội; chưa làm điều gì trái với pháp luật, trái với đạo đức xã hội. Có thể sẽ có những phát sinh tranh chấp hoặc sai phạm trong quá trình thực hiện nhưng pháp luật hiện hành về dân sự và hình sự tương đối đầy đủ để điều chỉnh mọi hành vi và hoạt động của những người phụ trách Q1$GTCBCĐNTHQN.
Nguyễn Lệnh
(Cựu học sinh CĐ&NTH QN NK 62-69)
{jcomments off}
Số lần đọc: 4897