Trang sinh hoạt của Cựu Giáo Sư và Học Sinh trường Trung Học Cường Đễ Qui Nhơn

Trang NhàĐoản VănNgô LạpNăm Mão Nói Chuyện Mèo

Năm Mão Nói Chuyện Mèo

   Những ngày đầu xuân không khí mát mẻ dễ chịu, lòng người cũng trở nên nhẹ nhỏm. Ai nấy đều muốn vui chơi, giải trí cho đầu óc thư giản. Mà giải trí thư giản trong ba ngày xuân thì không gì bằng tập họp vài ba bạn bè thân thiết, làm một bàn tiệc nho nhỏ rồi vừa tán dóc chuyện đông tây kim cổ, vừa nâng ly chúc nhau một năm mới vui tươi và thắng lợi. Những lúc như thế thì lúc nào dưới gầm bàn cũng có một chú mèo tam thể cứ kêu meo meo dụi đầu vào chân tôi nũng nịu. Lắm lúc thấy nhột quá muốn hất mèo ra, nhưng rồi chợt nghĩ : năm nay năm Mão là năm của nó, nên nó có nũng nịu một chút cũng có sao đâu ! Vậy là có chuyện để viết cho bạn bè đọc trong ba ngày Tết.

  

Nghe nói loài mèo đã bắt đầu rời bỏ kiếp ” mèo rừng” để về sống với con người cách đây hơn chín ngàn năm, qua dấu tích còn để lại của cụ thuỷ tổ loài mèo trong một lăng mộ của người Ai cập cổ đại, được chôn chung với một vị hoàng tử. Lịch sử loài mèo khắp nơi trên thế giới đều vinh quang, hiển hách. Mèo đại diện cho trí thông minh ứng biến , sự khôn ngoan từng trãi của các bậc tiên sinh. Mèo được liệt vào đẳng cấp thượng lưu, quí tộc, được các bậc vương tôn, công tử săn sóc dấu yêu. Cổ tích phương tây luôn dành một mảng lớn để ca ngợi loài mèo, như chuyện “Con Mèo Đi Hia” đã giúp cho người chủ làm nghề xay bột nghèo khổ của mình lấy được công chúa con vua và chiếm được toàn bộ lãnh địa của tên phù thuỷ độc ác. Ở phần cuối câu chuyện, chàng thợ xay bột nghèo khổ đã lên nối ngôi vua và phong cho mèo làm ” quân sư”, đời đời vui hưởng vinh hoa phú quý…Còn các nhà văn nổi tiếng thế giới đều có những truyện ngắn hay viết về con mèo như truyện ngắn dễ thương” Con mèo trong mưa” của Ernest Hemingway hay ” Con mèo xấu xí” của Penny Porter. Các nhà văn Nhật Bản cũng đáng được liệt vào hàng …sư phụ về yêu thương mèo, nhờ thế mới có những chuyện ngắn cảm động như ” Con mèo đã chết một triệu lần” của nhà văn Sano Yoko hoặc những đoạn viết rất hay về con mèo bỏ nhà đi hoang của Murakami Haruki.

   Chỉ riêng cái chuyện con mèo được xếp vào linh vật thứ tư sau Chuột, Trâu và Cọp cũng đủ chứng tỏ cái đẳng cấp của mèo ta. Và cũng chỉ ở Việt nam, mèo mới có tên trong danh sách Mười hai con giáp, còn ở các nước châu Á khác, con Thỏ đều thế vào vai trò của con mèo.Các nước này giải thích lý do việc con mèo không được xếp vào hàng mười hai con giáp là bởi con mèo vắng mặt trong cuộc thi Mười Hai Con Giáp. Ban tổ chức cuộc thi đã nhờ con chuột, cũng là một thí sinh dự thi, về thông báo lại cho mèo về thời gian tổ chức cuộc thi, bởi vì mèo đang bận đi công tác về tận phương nam xa xôi. Không biết vì lý do gì- hay vì cố ý thì không rõ-mà chuột ta quên khấy đi mất. Thế là mèo bị nhỡ cuộc thi xếp hạng mười hai con giáp. Trái lại, chuột nhờ bám vào tai trâu nên khi đến đích chuột ta liền tung mình lên trước đoạt giải quán quân. Rốt cuộc những con thú to xác, mạnh mẽ như trâu, ngựa, cọp, rồng gì gì cũng đều xếp hạng sau lưng chuột, riêng mèo thì bị thay thế bằng chàng Thỏ liến láu mà chạy nhanh .Thế là mở đầu cho một mối thù truyền kiếp giữa hai dòng họ mèo và chuột.

   Người Trung Quốc , tuy không chọn mèo vào mười hai linh vật, nhưng thật ra lại rất tôn trọng con mèo.Qua lịch sử của các hoàng triều, mèo được các bậc quý nhân vô cùng sũng ái. Những câu chuyện mang đầy tính lịch sử như ” Linh miêu hoán chúa” đã được truyền tụng sâu rộng khắp nhân gian cũng như trong hàng trí thức, là một bản án nghiêm khắc của cuộc đời dành cho những tham quan ô lại ở bất cứ quốc gia nào, triều đại nào, và gián tiếp đề cao những con người thanh liêm chính trực như Bao Hắc Tử. Còn những vị anh hùng võ công cái thế như đại hiệp Triễn Chiêu thì lại được nhà vua yêu mến mà phong cho chức danh là ” Ngự Miêu”, nghĩa là mèo cưng của hoàng thượng, đủ rõ đức tính biết tôn trọng nhân tài, thật khác xa với việc “trãi thảm đỏ mời người tài” ở đất nước chúng ta, chỉ là một việc mang tính hình thức, qua loa chiếu lệ..

   Ai đã từng về thăm Bình Định chắc đã có dịp nghe nói đến võ phái Lý Gia ở An Nhơn , có truyền nhân là võ sư Lý Thành Nhân và võ sư Lý xuân Hỷ với tuyệt kỹ ” Miêu Tẩy Diện” tức là thế võ mèo rửa mặt lừng danh. Bài quyền ấy được ông nội võ sư Nhân là võ sư Lý Hân, người gốc Hoa, mô phỏng theo thế đánh nhu nhuyễn, linh hoạt của loài mèo. “Miêu tẩy diện” được truyền cho cha ông là võ sư Lý Xuân Tạo rồi tới đời ông là đời thứ ba “Miêu tẩy diện” đã trở thành gia bảo của Lý gia Võ đạo. So với bài quyền trấn môn nổi tiếng “Lão hổ thượng sơn”, của Thiếu lâm Nam tông, thì tính “nhu” trong “Miêu tẩy diện” còn linh hoạt và có thần hơn nhiều Và nếu có dịp được xem Thành Long biểu diễn công phu trong phim ” Miêu Quyền” thì mới thấy võ”mèo” quả là một bí kíp võ công vô cùng tuyệt diệu.

   Có một điều lạ. Dù được tôn trọng ,yêu mến ở khắp nơi trên thế giới, nhưng khi về đến Việt nam ta, thì con mèo bổng nhiên biến thành một ” thành phần bất hảo”, bị ngăn cấm, nghi kỵ về nhiều mặt. Có lẽ xã hội ta từ ngàn đời nay có tư tưởng ” nặng phần lý lịch”, như: “con sãi ở chùa thì quét lá đa”, hoặc là bởi tại con mèo có ” lý lịch không trong sáng”, nên mèo hầu như ít được tham gia vào sinh hoạt cộng đồng trong đời sống hàng ngày , hễ nơi nào có sự xuất hiện của nó là bị xem như điềm gở. ” mèo đến nhà thì khó”, mèo bị cho là tay tinh ranh giảo quyệt trong thành ngữ “mèo già hoá cáo”, ngoài đồng ruộng mèo bị chê là :”mèo mã, gà đồng”, còn trong góc bếp mèo cũng bị nghi ngờ :”chó treo, mèo đậy”. Mèo trở thành một biểu tượng của sự giả dối:”khóc như mèo khóc chuột”. Trai gái lén lút hẹn hò với nhau gọi là ” mèo mỡ”, làm biếng thì bị gọi là: ” làm như mèo mửa”, a dua nịnh hót thì gọi là ” mèo khen mèo dài đuôi”, viết chữ xấu thì bị chê là; ” chữ viết như mèo cào”, nói chung, cái gì của mèo cũng xấu.

   Những câu chuyện kể về mèo khi về đến Việt nam cũng biến thể một cách khác lạ, có lẽ để thích hợp với tính cách dân dã bình dị của người dân nước ta. Không còn cái phong vị quý phái trữ tình trong Chú Mèo Đi Hia của Châu Âu hay thâm trầm hùng tráng như trong Linh Miêu tráo chúa của Trung Quốc.Truyện kể về mèo Việt nam thì nổi tiếng nhất là chuyện con mèo của chúa Trịnh và Trạng Quỳnh. Con mèo của chúa Trịnh vốn quen ăn thịt thà cao lương mỹ vị, khi qua một khoá huấn luyện khắc nghiệt của Trạng Quỳnh rồi thì chỉ biết ăn cơm với tương chao mà thôi, vậy là Chúa Trịnh đành hậm hực chịu mất đi con mèo yêu dấu và mang trong lòng một mối thù sâu nặng với Trạng Quỳnh , dẫn đến cái chết bi thảm của Trạng về sau…

   Những năm gần đây, do yêu cầu đổi mới cho kịp với sự hội nhập vào thế giới, quan niệm của người Việt đã có một bước chuyển biến mới mẻ.Tình cảm của giới trẻ, nhất là đối với loài mèo hiện nay đã tăng lên rõ rệt. Mèo đã trở thành thú cưng sáng giá nhất trong hai loại thú cưng tiêu biểu là mèo và chó. Đủ loại ” cat model” gồm mèo Xiêm, mèo Nhật, mèo Pháp, mèo Ấn Độ, mèo Trung Quốc, mèo Nga đua nhau du nhập vào Việt nam làm phong phú thêm cho thị trường mèo cảnh quý hiếm. Đã qua những năm đói khổ, giờ đây, kết hợp với việc bỏ tiền ra mua những chiếc xe hiện đại và đắt tiền nhất thế giới, người ta cũng mua những con mèo vừa to lớn vừa lộng lẫy để trang trí cho chiếc xe cùng với những con mèo ” hai chân” thơm nức mùi nước hoa cao cấp. Đa số mèo thành phố đã hoá thân từ mèo bình dân sang mèo quý tộc. Chúng bắt đầu làm quen với thức ăn cao cấp dành cho thú cưng nhập khẩu từ nước ngoài, buổi sáng được điểm tâm bằng sữa đắt tiền, đi tắm có xà phòng thơm phức, được chủ đem gửi ở khách sạn riêng dành cho thú Vip cưng, đêm ngủ được quý cô, quý bà yêu thương ôm ấp trong chăn êm nệm ấm. Chắc chắn sau này con cái chúng ta sẽ phải thay đổi câu châm ngôn; ” lên voi, xuống chó” thành ” lên mèo, xuống chó” mới phù hợp với thời đại mới…

                                                      *** 
   Những ngày Xuân êm ả ở thị trấn quê tôi thật là nên thơ mà cũng không kém phần sôi nổi. Ở nhà này, nghe nói ông A có …mèo, nhà kia thì hai cậu con trai đêm nào cũng lấy xe gắn máy của ông bố đi…o mèo. Riết rồi, đi đâu cũng nghe thấy chữ mèo vang lên rộn rã còn hơn pháo tết. Đã gần hết ngày Mùng Một tết, tôi mở Internet và lẩm nhẩm hát theo giọng hát của Duy Quang:

Hôm nay Nga buồn như con chó ốm.
Như con mèo ngái ngủ trên tay anh.
……………………………………………………………….
Người ta làm thế nào cấm được chúng mình yêu nhau
Nếu anh không có tiền mua nhẫn đeo tay
Anh sẽ hôn đền em
Và anh bảo em soi gương
Nhìn vết môi anh trên má …

   Đang thả hồn mơ mộng, tôi chợt giật nảy mình khi nghe tiếng vợ tôi vang lên như tiếng sấm: – Trời ơi, anh ơi là anh ơi…Anh lại bắt chước ông A có…mèo rồi phải không? Cái gì mà Nga buồn, Nga như …con mèo ốm.Cái gì mà nhẫn cưới, cái gì mà vết môi hôn!!!…Trời ơi là trời, tết nhất mà tôi cũng không yên thân với mấy …con mèo nè trời…

 Chợ Lầu, chiều Mùng Một Tết năm Tân Mão (2011)

 Ngô Lạp

   Số lần đọc: 2933

4 BÌNH LUẬN

  1. RE: Năm Mão Nói Chuyện Mèo
    Anh Lạp, vậy anh có biết vì sao mình và người Trung Quốc dùng năm tuổi giống nhau trừ năm con mèo, mình dùng linh vật Mèo, họ dùng linh vật Thỏ không? Tiến có thắc mắc mà không hiểu vì sao?

    Còn quyển truyện của Murakami Haruki mà anh nhắc đấy, đó là một quyển truyện rất khó đọc, khó hiểu đối với Tiến. Tình tiết, chi tiết của nhân vật quá ư là rối mù…ông dẫn mình đi theo đường ziczac làm mình chóng mặt, nhưng phải thừa nhận rằng sức sáng tạo của ông thật lớn! Cảm ơn anh đã cho biết thêm ý nghĩa về loài mèo. Chúc anh năm mới vui. KT

  2. RE: Năm Mão Nói Chuyện Mèo
    Kim Tiến thân mến,đầu năm mới Tiến đã có điều gì vui để kể cho mọi người nghe chưa? Năm mới chúc Kim Tiến và gia đình nhiều may mắn và hạnh phúc.
    Về chuyện mèo và thỏ là một tập tục lâu đời thì chắc không ai giải thích được vì sao? Mình nghĩ chắc Thỏ có nhiều điểm được ưa chuộng hơn mèo, và Thỏ Ngọc trên cung trăng của Chị Hằng xem ra tiếng tăm cũng lừng lẫy hơn mèo,chọn vào mười hai con giáp cũng có lý, phải không?
    Chúc Kim Tiến vui vẻ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng viết bình luận của bạn
Vui lòng điền tên của bạn ở đây

Bài Cùng Tác Giả

Lưu bút 9E…

Cuối Hạ

Công Việc

Giang Hồ…Vặt

Xóm Chợ Buồn Thiu

Đu Dây Qua Sông