Trang sinh hoạt của Cựu Giáo Sư và Học Sinh trường Trung Học Cường Đễ Qui Nhơn

Trang NhàĐoản VănNgô LạpBa Chàng Cường Để Du Xuân

Ba Chàng Cường Để Du Xuân

1. Mùng 3 Tết : Thị Xã Ninh Hòa.

Tết ở Chợ Lầu năm nào cũng vậy. Mùng Một đi cà phê với vài người bạn thân. Mùng Hai cùng vợ về thăm gia đình bên ngoại. Mùng Ba đi thăm bạn bè. Mùng Bốn là bắt đầu lôi giáo án và bài kiểm tra ra ngồi soạn soạn chấm chấm. Thế là mấy ngày Tết cứ trôi qua thật là buồn tẻ và đơn điệu ! Cứ nghĩ cuộc đời mình thật giống như một cái đĩa hát bị vấp cứ nhảy đi nhảy lại một đoạn nhạc nhàm chán mà thấy buồn buồn….

Nguyễn Phan Đối, Huỳnh Minh Lệ và Ngô Lạp  Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ: Nguyễn Phan Đối, Huỳnh Minh Lệ và Ngô Lạp
  

10h30 sáng Mùng Ba nhận được phone của bác Đối báo tin sẽ ghé nhà, trên xe còn có cả bác Lệ cùng đi, lòng chợt vui một nỗi vui thật nhẹ nhàng. Năm ngoái bác Đối đã cùng với gia đình ghé thăm một lần với món quà của Kim Tiến gửi cho, nhưng do cập rập không mời được cả nhà một bữa cơm thân mật nên phải ra quán ăn, lần này cũng vậy thật là áy náy quá, chợt nhớ mấy câu thơ Nguyễn Khuyến thấy sao rất giống hoàn cảnh mình:

“Đã bấy lâu nay bác đến nhà
Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa/
Ao sâu nước cả khôn chài cá
Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà
Cải chửa ra hoa, cà chửa nụ
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa
Đầu trò tiếp khách trầu không có
Bác đến chơi đây, ta với ta!”.

Khác với Nguyễn Khuyến, nhà mình ở ngay chợ, nhưng ngày tết không chuẩn bị kịp đành mời khách ngày Tết uống đở lon Coca lạnh. Mong bác Đối đọc đến đoạn này thì cũng rộng lòng thông cảm cho mình nhé!
Bác Lệ vẫn như ngày gặp ở Long Hải , tuy có hơi gầy vì bệnh nhưng vẫn hồn nhiên vui vẻ. Bác Đối thì trông trẻ hơn đến mười tuổi so với mình và bác Lệ, quả là “Việt kiều” có khác, ăn nói nhẹ nhàng tình cảm dễ hấp dẫn phái nữ… Rốt cuộc lại để cho bác Đối mời ra quán Thắng gần công viên để ăn bữa cơm trưa. Ngày Tết món ăn đắt đỏ, lại không có cơm, đành tạm dùng vài món thịt cá. Câu chuyện thật là rôm rã. Cảnh cũ người xưa trong ký ức được khôi phục một cách sinh động. Thêm vào đó, những người đi cùng bác Đối như chú Sáu ( chú của Đối), Hiếu ( cháu gọi Đối là cậu, là phóng viên của báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh) đều rất vui vẻ dễ mến. Bác Lệ chưa qua căn bệnh, người còn vẻ “héo hắt” nhưng rất hoạt bát trái với cái tính ôn trầm của mình, tuy nhiên, cơ bản là hợp tính nhau. Cùng xuất thân là nhà giáo cả mà…Chợt nhớ bài thơ đã từng gửi tặng Lệ:

“Tôi ở Chợ Lầu thích đọc thơ
Anh nơi Xuyên Mộc sóng ru bờ
Hai ta cùng xuất thân thầy giáo
Bán chữ mua về một gánh thơ”.

Thơ Lệ thì đã in và đã bán rồi, nhưng chỉ để tặng bạn bè là chính. Còn tuyển tập truyện ngắn ” Chuyện buồn của một gánh trầu không” của mình thì đến giờ hình như download cũng chưa đến ba trăm người.

hình 2
Đôi Ta Cùng Xuất Thân Thầy Giáo
 
Không định tháp tùng theo chuyến du xuân của bác Đối và bác Lệ ra Quy Nhơn, nhưng sau cùng mình thay đổi ý định. Có lẽ những ngày Tết buồn tẻ ở Chợ Lầu làm mình thấy chán và muốn có một bầu không khí mới mẻ và thi vị hơn chăng ? Bác Đối rất chân tình và bác Lệ cũng khuyên mình một câu chí lý: ” Hoặc là đi bây giờ, hoặc là …không bao giờ!” Thật là một ý kiến hay, vì nếu không đi vào dịp này, thì khi có dịp đi biết đâu chúng mình đều đã chống gậy cả rồi, còn thích thú gì chuyện đi hay ở nữa ???

* * * * *

Như con dế mèn của Tô Hoài trước lúc đi xa, mình bùi ngùi nhìn “vườn xưa cảnh cũ” lùi lại sau lưng và trước mặt là con đường xa tít tắp. Kể từ năm bảy lăm, ba mươi mấy năm rồi mình chưa hề có dịp về lại quê xưa một lần nào. Nhìn bác Đối nằm ngủ lim dim trên xe, chợt liên tưởng đến nhà văn Jiro Osaragi và cái không khí Âu châu nhẹ nhàng trong Quy cố hương( Homecoming) của ông, với một nước Nhật hậu chiến, một nước Nhật thất trận Nhân vật của Osaragi phải ra hải ngoại sinh sống rồi quay về nhìn cố hương và thấy rằng sau bao năm xa cách những ngôi đền trên đỉnh núi vẫn đáng ngưỡng vọng, những cội anh đào trước sân chùa vẫn đáng chiêm bái, những vườn đá sỏi rêu phong vẫn còn đẹp đẽ, dù đó là cái đẹp của sự nghèo nàn. Mình và bác Lệ không có cái may mắn được sống ở một đất nước giàu có, nhưng hạnh phúc vì còn có những người bạn “xa mặt mà chẳng cách lòng”, qua bao nhiêu năm tháng vẫn nhớ về những người bạn học thuở xa xưa…

14h30. Qua Tuy Phong. Những cánh quạt phong điện khổng lồ nằm xếp hàng nhìn gần như những chiếc máy bay dựng đứng trên cát trắng.Vĩnh Hảo với công ty sản xuất nước khoáng tinh khiết đóng chai. Nhà máy nhiệt điện do Trung Quốc nhận thầu, và đâu đó phía trong kia là nhà máy hạt nhân sắp được xây dựng…Biển Cà Ná với những bãi tắm tuyệt đẹp mà hoang sơ. Phan Rang với cây cầu Đạo Long được nâng cấp trông hiện đại hơn xưa . Chú Sáu mơ màng nhắc lại những năm tháng đầy ắp kỷ niệm của một thời trai trẻ, những địa danh Đồng Đế, Đồng Kè làm gợi nhớ những ngày mà chú quen và cưới thím Sáu. Đến Cam Ranh cả bọn ngừng xe ở một cái quán cà phê nho nhỏ có cái tên xinh đẹp là ” Yêu Cà Phê” để bác tài nghỉ ngơi đôi chút và để chú Sáu có một vài giây phút hồi tưởng về những kỷ niệm xưa. Trời chiều se lạnh khiến cho mọi người khoác thêm cái áo ấm khi ngồi nhấm
nháp ly cà phê nóng …

hình 3Yêu Cà Phê !

Khi xe đi ngang Nha Trang rồi tiếp tục trực chỉ đến Ninh Hòa thì bác Lệ nhớ đến người bạn gái Trinh Vương cùng học Sư phạm năm xưa là Ngọc Lan hiện đang sống ở Ninh Hòa, người đã một thời làm rung động trái tim của nhiều chàng trai Cường Để nhưng hiện giờ có một cuộc sống khá vất vả. Cũng may là bác Lệ còn giữ được số phone của Ngọc Lan. Hẹn gặp nhau tại Ninh Hòa là nơi Lan đang sống cùng các con, trong đó con gái út của Lan đang học lớp mười một. Trời sẩm tối khi xe đến Ninh Hòa. Theo hướng dẫn của Lan trong điện thoại, sau cùng mọi người cũng đến được chỗ hẹn.

18h30. Ngọc Lan và người em chạy xe máy dẫn đường đưa cả bọn tìm đến một quán ăn. Ngày Tết quán xá rất ít làm cả bọn phải chạy lòng vòng trong phố. Thị xã Ninh Hòa ban đêm đỏ rực đèn lồng. Đèn lồng treo lủng lẳng trên các cành cây, trụ điện làm cho du khách thấy man mác một nổi niềm hoài cảm, và cũng nhờ đèn lồng nên Thị xã Ninh Hòa ban đêm trở nên lung linh huyền ảo hơn lên.Quán ăn ngày tết không có cơm, chỉ có các thịt gà, lẩu và món cá chiên thật ngon, nhưng dường như mọi người chỉ quan tâm đến việc cùng nhau ôn lại kỷ niệm ngày xưa, khi còn là những chàng trai cô gái lạc quan yêu đời, thấm thoát mà đã mấy mươi năm trôi qua, ai cũng đã từng trải qua những gian truân khổ ải cho riêng mình, để đến hôm nay tuy hoàn cảnh mỗi người mỗi khác nhau, nhưng được cùng nhau ngồi ôn chuyện cũ giữa lúc xuân về cũng mang đến cho mọi người một cảm giác bâng khuân đầy cảm xúc…

hinh 4 Đôi Bạn Ngày Xưa Học Chung Một Lớp

2. Mùng 4 Tết : Trên đèo Cả.

4h30. Trời còn tối thui mà bác Đối đã rủ đi uống cà phê. Đánh thức người chủ khách sạn mở cửa rồi “ba chàng ngự lâm pháo thủ” thả bộ đi tìm một quán cà phê. Ngồi trên vĩa hè nhìn ra một công viên nhỏ le lói vài ngọn đèn điện, thấy ở đây tiết kiệm điện hơn ở thị trấn Chợ Lầu của mình nhiều.Có lẽ điều này biểu lộ tính cách cần kiệm của người miền Trung. Còn nhớ đêm ở Quảng Bình đi chơi với một người bạn, trên đường ra cầu Nhật Lệ tìm mãi không thấy quán cà phê nào, đành phải ghé quán chè bên đường ăn một ly to đùng với giá cực rẻ và nhận ra một ” chân lý” là từ Quảng Trị trở ra, quán cà phê không nhiều như từ Nha Trang trở vào. Kế bên quán cà phê là một quán nhậu có treo tấm bảng : ” Cầy tơ – Tiểu hổ”. Thật tội nghiệp, vậy là ở thị xã đèn lồng treo cao này, không những các chú chó dễ thương bị đe dọa đến tính mệnh mà ngay cả các cô mèo bé nhỏ cũng có nguy cơ tuyệt chủng trước cái khẩu vị khủng khiếp của con người!

hinh 5Ninh Hòa – Mở Hàng Mùng 4 Tết

7h00. Ăn sáng ở chợ Ninh Hòa và chờ Ngọc Lan đến cùng đi Quy nhơn. Con đường dài mà như ngắn đi một nửa khi trên xe có những người bạn cũ cùng nhau ôn lại những ngày tháng xa xưa, những kỷ niệm vui buồn, những cuộc tình dang dỡ. Mình thấy ánh mắt Ngọc Lan thoang thoảng một chút gì đó như sự tiếc nuối. Bác Đối nói chuyện tưng tửng mà vui, chẳng mất lòng ai.Lẩm nhẩm đọc vài câu thơ Quang Dũng có sửa lời đôi chút:

“Đôi mắt người ” Tây sơn”
 U uẩn chiều lưu lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây
Ta gửi niềm nhớ thương
Em mang dùm ta nhé
Ngày trở lại ” Quy nhơn”
Đường hoa chưa ráo lệ…”

8h30. Đèo Cả núi rừng hùng vỹ, quả đúng với câu”vạn trùng khói phủ, vạn trùng mây”.Từng mong có dịp được dừng chân giữa đèo để chụp hình hay ngắm cảnh, hôm nay không ngờ lại được thuận lợi như vậy. Giữa đèo có một cái chòi nhỏ sườn bằng cây bên ngoài có phủ bạt. Trước chòi có những ống dẫn nước từ trên núi xuống, nước đủ mạnh để chạy một dynamo phát điện để rửa xe và sinh hoạt thắp sáng ban đêm, vậy là trừ chi phí mua ống dẫn nước và dynamo, tất cả điện và nước ở đây đều do thiên nhiên ban tặng. Nếu tính trung bình một ngày rửa cho mười chiếc xe, chủ căn chòi này mỗi ngày có thể thu vào vài trăm ngàn đồng. Hai anh em chủ nhà rất vui tính, lăng xăng pha cà phê cho khách. Bên cạnh chòi, hàng chục cái bẩy sóc chuẩn bị được mang ra cài ở những đám cây ăn quả trên ngọn núi đối diện với chòi rửa xe. Bác Lệ xăm xoi các cái bẩy với ý định khi về sẽ mua vài cái để bắt những con sóc thường phá phách vườn nhà Lệ ở Xuyên Mộc.

hinh 6 Cà Phê Trên Đèo

Chụp vài tấm hình về phong cảnh trên đèo Cả. Buổi sáng trên núi hơi lạnh và trong không khí phảng phất một mùi hương hoa dại. Nhìn xuống dưới kia là biển xanh ngăn ngắt. Đường hầm xe lửa và một khúc đường rầy quanh co chạy ẩn vào lùm cây dưới quảng đèo mình đang đứng. Bỗng nhiên tưởng nhớ đến người xưa đã tốn biết bao công lao và cả xương máu để làm nên con đèo này, trong lòng chợt dâng lên niềm cảm khái mông mênh…

Ngô Lạp

   Số lần đọc: 3237

8 BÌNH LUẬN

  1. RE: Ba Chàng Cường Để Du Xuân
    Lạp

    Đề bài phải là [i]Ba Chàng Cường Để và Một Cô Trinh Vương …[/i]mới đúng!

    Rất vui là Lạp đã chịu đi, những cơ hội như vầy cũng hiếm có, và giờ mới có chuyện kể.

    Mong được đọc tiếp hồi sau!

    H.

    • RE: RE: Ba Chàng Cường Để Du Xuân
      Chào Hạnh,
      Cám ơn Hạnh đã có lời đề nghị.
      Sẽ cố gắng viết cho xong chuyến phiêu lưu của dế mèn này.
      Thân mến.
      Lạp

  2. RE: Ba Chàng Cường Để Du Xuân
    Một chuyến [i]du xuân[/i] thú vị ..hồi 2, về Quy Nhơn – gặp gỡ bạn bè sau mấy chục năm xa cách, có lẻ Lệ , Lạp và Đối còn nhiều hứng thú hơn nữa ..

    Viết nhanh, tiếp Hồi 2 nhé Lạp !:roll:

    Trí Mẫn

  3. RE: Ba Chàng Cường Để Du Xuân
    [i]Ba chàng Nhự Lâm Pháo Thủ :[/i]
    Sai ! vì không đội mũ và mang kiếm

    [i]Hai Ta Cùng Xuất Thân Thầy Giáo [/i] :
    Cũng sai…không phải xuất thân mà cùng là làm ” NGHỀ” thầy giáo. Chữ nghề viết hoa đấy nhé!!!

    [i]Cà Phê Trên Đèo : [/i]
    Cũng sai luôn…Vì không thầy đèo!!!CHỈ THẤY NGƯỜI …hehehe 😆

    Anh NL ui!!! đầu năm phá đám chơi, nhưng có gì sai nào???

    Chúc bạn NL năm mới viết nhiều hơn, hay hơn…( Khong có nghĩa là năm cũ viết dở đâu nhé! ) 😉

    NT

  4. Anh Vẫn Như Xưa
    ANH VẪN NHƯ XƯA

    Anh Lệ ơi, anh vẫn như xưa
    Ngày nào Sư Phạm chẳng đón đưa
    Giờ ngồi bên nhau còn e thẹn
    Tim em lạnh cóng như ướt mưa

    Có khi nào anh nhớ em không
    Ninh Hòa, Xuyên Mộc cách núi sông
    Anh gởi thơ tình qua biển lớn
    Còn em mòn mõi trong nhớ mong

    Trùng phùng một chuyến về Qui Nhơn
    Nghe lại giọng anh dạ bồn chồn
    Muốn hỏi han anh đành câm nín
    Nhắm mắt nhớ về những nụ hôn

BÌNH LUẬN

Vui lòng viết bình luận của bạn
Vui lòng điền tên của bạn ở đây

Bài Cùng Tác Giả

Chúc Thầy

Cổ tích Pháp

Duyên Dáng Ngọc Hân

Tìm Em

Ngày Xưa

Cuối Hạ

Gái Thượng Ngồi Mơ