6.Mùng 6 Tết : Lên Cao Nguyên.
6h30. Chuẩn bị khởi hành lên cao nguyên.Cả bọn đứng trước khách sạn chụp hình lưu niệm.Cười vui mà lòng thoáng buồn. Cái cảm giác nôn nao mong chờ gặp lại cảnh cũ người xưa giờ đây nhường chổ cho một cái buồn nhẹ nhàng và kín đáo, như cảm giác của sự chia ly.Tình cảm con người khó hiểu quá. Quy nhơn ngày xưa là một thị xã nhỏ bé, một Quy Nhơn “chân quê” đã ăn sâu vào trong tiềm thức của mình và mình cứ đinh ninh Quy Nhơn vẫn thế.Đến khi gặp một Quy Nhơn sầm uất náo nhiệt, mình lại có một cảm giác cô đơn và xa lạ, chợt thấy Quy nhơn đã: ” hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”…
Ghé vào tiệm ăn sáng.Lần đầu tiên mình được thưởng thức món” bánh xèo tôm nhảy”, một món ăn đặc biệt của quê hương Bình Định.Gọi là “bánh xèo tôm nhảy” có lẻ vì những con tôm nhỏ xíu vẫn còn đang nhảy choi choi trước khi được cô chủ quán thả vào chảo bánh xèo.Cái đặc biệt của ” bánh xèo tôm nhảy” chính là hương vị dòn rụm của cái bánh hòa cùng miếng bánh tráng mềm cuộn bên ngoài và lớp rau sống mát rượi bên trong kết hợp với nước chấm mặn mà tạo thành một sự hài hòa đầy lôi cuốn.
Ngon như vậy, nổi tiếng như vậy nhưng hình như Quy Nhơn không có riêng một “Phố Bánh Xèo” như con đường Tuyên Quang của thành phố Phan Thiết, ở đó cứ đến khoảng 5 giờ chiều là thiên hạ kéo nhau đến ăn bánh xèo chật ních các quán trên đường, mặc dù bánh xèo ở Phan Thiết nhiều mở, nhiều thịt và ăn mau ngán. Có cảm giác Quy Nhơn chưa khai thác hết thế mạnh của mình để trở thành một vùng đất du lịch giàu tiềm năng…
7h30. Xe lên đèo An Khê. Ở độ cao khoảng 500 mét, không khí trở nên êm dịu. Bắt đầu thấy thông xanh vi vu trong gió. Ngọn núi phía trước xanh rì kiêu hãnh vượt qua làn mây trắng xóa và dòng sông Côn dưới kia như một dãi lụa êm đềm uốn quanh thung lũng. Phải chăng ngọn núi cao kia là Núi Ông Bình mà quân sĩ Tây Sơn dùng làm nơi dồn quân để đánh chiếm thành Quy Nhơn ngày ấy? Phải chăng thung lũng dưới kia là Tây Sơn thượng đạo nơi ba anh em Nguyễn Huệ khởi nghĩa lập nên nhà Tây Sơn ?
Nghĩ đến những chiến công hiển hách một thời của những người con Bình Định, mình thấy lòng chợt trào dâng niềm cảm khái, và lúc xe chạy ngang những thôn ấp nhỏ bé bên rừng với những cô gái mặc y phục dân tộc, lưng địu con hay mang gùi đưa tay vẫy chào và nói cười vui vẻ , tự nhiên trong đầu mình lại vang vang âm điệu của bài hát ” Phố Núi” với giọng ca Trần Tiến:
“Thung lũng buồn bên nhà rông
Người thiếu nữ vú cao môi hồng
Tà váy rộng gió thổi tung
Bắp chân trần như chớp đêm giông
Phố núi nghèo bên dòng sông
Gành đá trắng dấu xưa oai hùng
Tráng sĩ nghèo áo vải nâu
Đèo An Khê cưỡi voi chập trùng
Thung lũng xanh…
Những giai nhân và những anh hùng”.
11h30. Xe bắt đầu vào thành phố Pleiku. Cảm giác đầu tiên của mình đối với thành phố nhỏ miền cao này là vẻ đẹp của sự chăm chút. Những căn nhà phố xinh đẹp, nhiều nhà còn mang kiến trúc châu Âu với những vòm mái mang đậm nét dân gian của người dân bản xứ. Hoa mọc khắp nơi. Màu vàng của dã quì , màu xanh của Pensee cũng hiện diện ở một số con đường trong thành phố Pleiku.
Cũng như Quy Nhơn, Pleiku ngày nay không còn như trong thơ Vũ Hữu Định,để cho mình phải: “đi dăm phút đã về chốn cũ, một buổi chiều nao lòng bỗng bâng khuâng” nữa, mà những con dốc của Pleiku như dài ra, to lớn hơn và xinh đẹp hơn. Mình để ý thấy ở Pleiku có sự hiện diện của tập đoàn nổi tiếng Hoàng Anh Gia Lai hầu như ở khắp nơi, như Trung tâm Bóng Đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal hay khách sạn 4 sao Hoàng Anh Gia Lai ở đường Phù Đổng. Đường phố Pleiku nhẹ nhàng, không ồn ào nhộn nhịp, làm cho mình cảm thấy thật sự thư giản…
12h30. Căn nhà của chị dâu bác Đối là một hiệu sách nằm ngay giữa phố, gần bên chợ và một siêu thị bách hóa tổng hợp. Trong khi gia đình bác Đối hàn huyên tâm sự, mình và bác Lệ thả bộ dạo phố.Vào siêu thị mua vài viên pin để chụp hình. Trong siêu thị tương đối vắng vẻ. Có lẻ mùng sáu Tết vẫn còn là ngày mọi người vui sum họp với gia đình hoặc đi du ngoạn. Cô bán hàng mang đậm nét dân tộc, má đỏ môi hồng với cặp mắt to và hàng mi dài thăm thẳm thối lại tiền dư với một nụ cười ..
Cả nhà kêu thêm một chiếc taxi để đi ăn trưa tại một nhà hàng sân vườn ở Pleiku. Nhà hàng Thiên Thanh nằm ở một vị trí xinh đẹp bên dưới thung lũng, ở giữa là một hồ nước thiên nhiên. Cảnh quan thật hữu tình nên có rất nhiều khách hàng đến đây thưởng ngoạn mặc dù những món ăn không cầu kỳ cho lắm. Những căn nhà lợp lá mát mẻ, quang cảnh thiên nhiên làm cho bữa ăn trở nên thân mật ấm cúng và tràn ngập không khí gia đình. Nhìn bác Đối, mình có cảm giác bác Đối đang hạnh phúc. Hạnh phúc vì đã mang lại niềm vui cho những người thân yêu của mình. Mình và bác Lệ cũng vui lây với niềm hạnh phúc chân thành ấy…
Tuy nhiên, có sự sum họp nào là trọn vẹn, và có sự gặp gỡ nào mà không dẫn đến chia ly. Quán Thiên Thanh ở Pleiku sẽ là một kỷ niệm đẹp đối với chuyến đi này. Gia đình bác Đối chia tay nhau, bác Đối, Phương Linh với chồng và con trai, cùng bịn rịn nói lời tạm biệt người chị dâu và các cháu. Mình chụp được một tấm hình đẹp của cuộc chia tay này. Thiên Thanh và Pleiku. Chào tạm biệt và mong ngày gặp lại…
14h00. Con đường từ Pleiku đi Buôn Mê Thuột tương đối dài. Đường rộng và buồn, lâu lâu mới thấy một bóng người dân tộc bước đi chậm rải với bó củi nặng trên lưng. Trời vẫn còn nắng gay gắt. Những quảng đồi rẫy trơ trọi hoang vu làm cho mình có cảm giác đây là một nơi nghèo đói. Nhìn quanh không thấy đồn điền cà phê nào cả…
Sợ bác tài thấy buồn khi phải lái xe đường dài, cả bọn tổ chức thi kể chuyện tiếu lâm. Vậy là những nhân vật ” núp dưới lớp lá ủ” được dịp trổ tài. Không dè những người như chú Sáu, Hiếu (cháu của Đối), anh Kim tài xế và nhất là Bình ( chồng Phương Linh) đều là những cây tiếu lâm …siêu hạng, và Bình với câu chuyện ” Cây Tre” xứng đáng đoạt giải quán quân. Chính nhờ những câu chuyện tiếu lâm ấy mà con đường xa hun hút bổng nhiên ngắn lại, và chẳng bao lâu mà xe đã đi đến một vùng trù phú. Những đồn điền cà phê bạt ngàn trong gió, màu xanh ngút mắt đẹp làm sao. Mình thở phào nhẹ nhỏm và nhủ thầm ” Phải vậy chứ, không lẻ Buôn Mê Thuột là xứ sở cà phê mà đồi rẫy sơ xác như đoạn đường chổ tiếp giáp Pleiku và Buôn Mê Thuột hay sao?
Trên đường đi, bác Lệ thỉnh thoảng điện cho Nguyễn Trường Lưu ở Buôn Mê Thuột để thông báo diểm đến của đoàn.Trường Lưu sốt sắng chỉ dẫn cặn kẻ mọi việc và hẹn gặp tại thành phố Buôn Mê Thuột. Trên xe, Ngọc Lan dịu dàng với một nụ cười hiền hậu, Phương Linh tính cách hoạt bát, nhưng hai người có vẻ hợp tính nhau nên chuyện trò rất vui vẻ. Những địa danh ở đây mang âm hưởng thật xa lạ, và chỉ khi xe đi ngang thị trấn Buôn Hồ thì mọi người biết là mình sắp đến thành phố Buôn Mê Thuột…
18h10. Sau cùng thì mình cũng đã đặt chân lên Buôn Mê Thuột, thành phố nổi tiếng của vùng cao nguyện, nơi nghỉ mát và săn bắn lý tưởng của những vua quan ngày trước. Lòng thoáng lâng lâng một chút gì đó như là hoài cảm . Phố chiều Buôn Mê Thuột nhộn nhịp, giữa ánh nắng quái nhuộm màu đỏ gạch là những ngôi nhà cao tầng và những khách sạn khoe mình ngạo nghể trông cũng khá hiện đại. Phương Linh vào đặt phòng khách sạn và cả bọn nhận phòng, tắm rửa rồi đi ăn tối…
Trước vĩa hè khách sạn có một quầy bán cơm tấm. Cả bọn ngồi ăn trong cái lạnh se se của đêm cao nguyên, hầu hết đều phải khoác áo lạnh. Phía bên kia đường có cuộc triển lãm bán hàng tiêu dùng, loa phát thanh đang quảng cáo một món hàng khuyến mãi. Ly cà phê Ban Mê đầu tiên và lời chào cho Nguyễn Trường Lưu vừa mới đến. Chưa gặp nhau nhưng nhìn hình trên trang web CuongDe.Org đã nhiều nên thấy như chẳng có gì xa lạ. Bác Lệ nhờ bác Lưu chở đi thăm ông cậu mà địa chỉ rất khó tìm, còn cả bọn đi hát Karaoke.
Căn phòng hát Karaoke nằm ở tầng trệt của một khách sạn lớn gần đó. Khoảng nửa tiếng sau hai bác Lệ và Lưu trở về. Sôi nổi chọn bài và sôi nổi…hát. Ngọc Lan chuyên trị những bài nhạc Trịnh, Phan Đối chọn những bản nhạc trữ tình. Trường Lưu chọn những bài âm điệu khá hay. Phương Linh và Lạp cũng song ca vài bài khá ăn ý và được máy tính chấm điểm rất cao ( chắc máy tính galant với Phương Linh thì phải?) . Hai tiếng đồng hồ hát đủ các loại nhạc và cả bản nhạc cải lương ” Tình Anh bán Chiếu”, cả bọn giật mình nhận ra là đêm đã khuya quá rồi…
Đêm Buôn Mê Thuột vắng lặng và gai gai lạnh. Mưa nhẹ lâm râm buồn. Đi qua một đoạn đường phố chổ đông chợ lúc chiều, thấy rác xả nhớp nháp giống như ở chợ Đà lạt. Ngọc Lan chia tay ở khách sạn và theo Trường Lưu về nhà để sáng ngày mai lên xe đò Buôn Mê Thuột xuôi về lại Ninh Hòa. Con trai Phương Linh là Hiếu cũng nói lời tạm biệt để về lại Sài Gòn cho buổi làm việc ngày thứ hai đầu năm mới. Nhìn gương mặt Ngọc Lan dịu dàng và nhẫn nhục mà thấy nao nao. Xin chào Ngọc Lan và không biết có còn gặp lại. Chuyến du xuân này cũng như dòng đời, mọi người lần lượt giả từ nhau, rồi kẻ trước người sau cứ dần dần đi vào một nơi nào đó, xa xôi, vô định…
Đêm Buôn Mê Thuột trời se lạnh.Trong giấc ngủ mình cứ nghe văng vẳng giọng ca Trần Tiến: “Thung lũng buồn bên nhà rông,Người thiếu nữ vú cao môi hồng…” và chợt thấy yêu mến vùng đất này hơn.Thoáng nghĩ về chuyến đi Đà Lạt ngày mai.Ngày mai, lại ngày mai…
Ngô Lạp
Số lần đọc: 3122
RE: Ba Chàng Cường Để Du Xuân (4)
Anh Lạp mến,
Cả bốn đoạn nhật kí chuyến về quê của anh, đoạn nào cũng chứa đựng một tình cảm dạt dào. Càng về sau, tâm tư tình cảm càng thấy rõ nét, những ngạc nhiên không còn thảng thốt nữa nhưng bắt đầu ló dạng những bịn rịn chia xa từ những gặp gỡ nên bài viết ngậm ngùi, da diết hơn.
Anh thật sự đã để hồn mình vào trong từng dòng chữ, chính điều này làm người đọc như chết lặng với từng cảm xúc của anh. Nhất là cái đoạn anh vượt qua đèo An Khê, bỗng nhiên nhìn sông Côn lững lờ ở dưới chân đèo và những xóm nhà đơn sơ với những địa danh quen thuộc, một đoạn lịch sử của đất nước lại hiện về làm trái tim anh nhảy muá.
Tiến thấy cảm xúc này rõ nét và mạnh mẽ hơn là khi anh đến thăm đền Quang Trung ở Tây Sơn. Phải chăng cảnh sắc đóng một vai trò rất lớn trong những cảm nhận của chúng ta.
Viết đến đây, tự nhiên Tiến nhớ đến có lần Tiến đi thăm di tích cuộc nội chiến Nam Bắc của Mỹ. Một cánh đồng im lìm và yên tĩnh chỉ có vài di tích sơ sài với những tấm bia rất khiêm nhường nằm trơ trọi, tưởng như là mình chưa tới đúng chỗ, nên cứ lái xe chạy vòng vòng đi tìm. Nhưng chính khi mình đứng giữa bạt ngàn gió núi ấy, mình mới có thể hình dung ra một phần cuộc chiến đã xảy ra từ những tấm hình hay những bài viết. Chính cảm nhận gần gũi này mới làm mình xúc động. Chứ nếu họ xây thêm, làm đẹp thêm với những thiết bị hiện đại thì cảm giác của mình chắc khác đi nhiều.
Giá mà anh có thể đi mọi miền đất nước, chắc hẳn bạn bè sẽ rất vui khi biết thêm về những địa danh của đất nước cùng với những cảm xúc của anh.
Nghĩ là viết vài dòng chia sẻ cùng anh mà sao viết lung tung. Thôi Tiến ngừng đây. Cảm ơn anh đã chịu khó ghi lại những cảm xúc của anh nơi đây. KT
RE: Ba Chàng Cường Để Du Xuân (4)
Kim Tiến thân,
Cám ơn Kim Tiến đã theo dõi từng cuộc hành trình của ba chàng Cường Để trong cuộc “hành hương” về lại quê xưa.Những chia sẻ của Kim Tiến rất quý giá và là một khích lệ đối với mình.
chúc Kim Tiến tiếp tục vui với những phần còn lại trong cuộc hành trình về Đà Lạt.
Tình thân,
NL