Trang sinh hoạt của Cựu Giáo Sư và Học Sinh trường Trung Học Cường Đễ Qui Nhơn

Trang NhàTruyện NgắnPhạm Thiên ThuPhạm Thiên Thư và tháng bảy Vu Lan

Phạm Thiên Thư và tháng bảy Vu Lan

Nếu đạo Công Giáo có tháng 11 để tưởng nhớ những người đã chết, tháng của các Linh Hồn, thì bên Phật Giáo lại có tháng bảy, tháng cô hồn hay còn gọi là tháng Vu Lan, tháng của Mẹ, tháng mà khi vào Chùa cúng Phật, mọi người đều có thể dễ dàng nhận ra hạnh phúc hay nỗi buồn của một người khi nhìn màu của bông hoa cài trên áo . . .

Phạm Thiên Thư là một nhà thơ được nhiều người biết đến nhờ những tác phẩm thơ dài hơi của ông (những tác phẩm dài như Đoạn Trường Vô Thanh, Tự Điển Cười, Việt Sử thi), và nhất là những bài thơ được phổ nhạc như “Em lễ chùa này, Ngày xưa Hoàng thị, Đưa em tìm động hoa vàng” . . . Ngoài ra ông còn được nhiều người coi như một thiền sư vì những ý tưởng trong các bài thơ của ông . . .

Tôi nhỏ hơn Phạm thiên Thư đúng một con giáp và tuy ít khi gặp ông nhưng vẫn được ông xem như một cô em gái nhỏ, mỗi lần có tập thơ nào được phép in lại thì ông cũng đều để dành cho tôi một bản có ấn ký và đề tặng của ông cho dù sau này đã có những lúc ông bị “bệnh quên” hành hạ, có nhiều lúc ông quên cả tên tôi và tên những người bạn thân thiết của ông viết như thế nào, chúng tôi phải viết tên mình ra tờ giấy để ông nhìn vào đó mà viết lại, mặc dù hàng ngày ông vẫn ngồi với cây bút và quyển vở học trò ở gốc cây bên kia đường, đối diện với quán cà phê “Hoa Vàng” của nhà ông để làm thơ. Đó cũng là nơi chốn tụ họp của nhiều anh em, cả văn nghệ lẫn không văn nghệ ghé qua uống ly café và truyện vãn . . .


Nếu không biết rõ về ông thì chắc chẳng ai có thể ngờ người đàn ông cục mịch có nụ cười hiền lành kia là một nhà thơ nổi tiếng ( được cái là những người ghé quán Hoa Vàng đều biết rõ ông là ai), ông ngồi đó, nhưng không phải ai ông cũng tiếp chuyện, ông chỉ ngồi như đó là chỗ dành cho riêng ông mà thôi, có lần tôi nói với anh Khải ( một người bạn thân của ông) là rủ ông đi ăn sáng ở quán phở khô gốc từ Pleiku chuyển xuống ở gần nhà ông, vì tôi biết tính ông khá khó, chẳng bao giờ đi đâu khỏi gốc cây trước quán cả, thế mà ông đồng ý đi ngay khiến tôi cảm động vô cùng, mấy người bạn của ông đã hỏi anh Khải tôi là ai mà mời là anh Thư đi ngay vậy, thực ra đó cũng chỉ là cái duyên giữa anh em chúng tôi, lần nào ghé qua ông cũng cho tôi khi thì chai “cao Tiên Dung” do ông bào chế, khi thì chai nước mà ông bảo để rửa mặt cho đẹp da, tôi quý ông nên cái gì ông cho tôi cũng vui vẻ nhận cũng như ông vui vẻ nhận gói trà hay gói hột sen của tôi

Nói vòng vo hoài mà chưa vào được điều muốn nói, thật đúng là ” nhiều chuyện ” phải không, thật ra điều mà tôi muốn nói đây là mười bài thơ của ông viết khi còn là anh Phạm Kim Long, một tu sĩ Phật Giáo ở một ngôi chùa nào đó tôi không còn nhớ trước năm 1975.

Mười bài Đạo Ca của ông được viết vào thập niên bảy mươi của thế kỷ hai mươi và được ông gọi là ” Đạo ca giữa thành vách sương mù”, mười bài Đạo ca này lần lượt có tên là :

• Pháp thân
• Đại nguyện
• Chàng dũng sĩ và con ngựa vàng
• Quán thế âm
• Một cành mai
• Lời ru bú mớm nâng niu
• Qua suối mây hồng
• Giọt chuông cam lộ
• Chắp tay hoa
• Tâm xuân

Chính vì mười bài đạo ca này mà ông được xem như một thiền sư vì lời của mười bài ca này có thể coi như mười trình độ thể nghiệm tâm linh, như mười bức họa trong thập ngưu đồ của Đạo Thiền

Bài một, Pháp Thân nói về một tương giao mật thiết, xóa bỏ tất cả ý thức, mọi dấu chân tìm kiếm, một sự hòa nhập : “xưa em là kiếp ao ưu tư mùa cuối hạ, anh làm chim bói cá đậu soi mấy mùa trăng. Xưa em là chữ biếc nằm giữa lòng cuốn kinh, anh là thiền sư buồn ngồi tụng dưới ánh trăng . . .” anh và em trong pháp thân cứ như hình với bóng và đã có lúc cả hai trở thành một ” a ha ta tuy hai mà một, a ha ta tuy một mà hai “

Bài hai, Đại Nguyện với câu cuối “thương người như thương thân, thương người như thương mình . . .hoặcxin làm hạt cây nhé, cho đời hiện hữu xuân …” không làm hoa khoe sắc, cũng chẳng làm cành vươn cao, chỉ xin làm hạt, nhỏ bé nhưng lại chính là mầm ươm sức sống cho đời, đó là lòng từ bi, là ý lực cứu đời cũng là tự cứu mình

Đạo ca ba, Chàng Dũng Sĩ và Con Ngựa Vàng hay là Ảo Hóa đó là việc Ngựa vàng đã hóa thân thành người yêu mà chàng hằng mơ ước để cùng nhau đi suốt quãng đường tình ái, từ Pháp Thân cá nhân hòa nhập rồi vượt thoát ảo ảnh để hòa nhập vào chân lý. Đây là biểu tượng của Nhãn Thức. Một sự nhìn nhận ta trong người khác, qua mình mà hiểu và thông cảm cho người, cũng như qua người mà nhìn thấy những giới hạn của ta, để từ đó hòa nhập, yêu thương và tha thứ

Đạo ca bốn, Quán Thế Âm, kể về một người mẹ đi tìm con không kể đến không gian lẫn thời gian và sức lực của mình, tìm cho đến khi sức cùng lực kiệt : “Bây giờ mẹ đã thành mơ, hơi mẹ biến thành hơi gió, bốn mùa ngồi nghe mọi nơi tiếng mẹ ru bồi hồi . . . Xưa là mẹ đi tìm con, tiếng mẹ ru buồn khắp chốn, bây giờ hiện thân mẹ chung, tiếng mẹ ru dịu dàng . . .” từ chuyện tìm con mình, mẹ đã hóa thân thành mẹ chung, bởi trần gian này còn nhiều người thiếu vắng bàn tay yêu thương của mẹ vì một trong nhiều lý do nào đó, tai mẹ đã nghe được những tiếng kêu thương của những đứa con thiếu vắng tình yêu, và mẹ đã trao trái tim yêu thương của mình cho những đứa con cô đơn đó. Đây là con đường nhập thể của Nhĩ Thức, nghe được tiếng đau thương của kiếp con người mà hóa thân cứu độ

Đạo ca năm, Một Cành Mai, khởi đi là tiếng khóc bi thương của những người ở lại bị mất đi người thương yêu vì chiến tranh thù hận : ” cái chết vẫn còn kia sao cuộc sống còn mê ??? đòi thù thì oán đời “ và cuối cùng của thù hận là gì ” chỉ còn chút lệ thôi” thế nên đặt mình trong dòng đời ” tử sinh cũng là vui ” Sự vượt thắng của con người trước nỗi lo sợ về cái chết, cho dù quan điểm thế nào “chết là hết ” hay “hẹn nhau kiếp lai sinh” thì mùi sinh tử đối với con người cũng chẳng còn quan trọng nữa vì sống và chết chỉ là sự thay đối, là một thăng hoa trong miền miên viễn.Hương thơm của cành mai rất nhẹ nhàng và phải tinh tế lắm mới nhận ra mai có mùi thơm, đó là đặc trưng của Tỷ Thức

Đạo ca sáu, Lời Ru Bú Mớm, Nâng niu, nói về hiện thể của người Mẹ tạo hóa đã ban cho con một hình vóc, tuy nhiên nền tảng tâm linh hình thành nhân cách một con người phải trải qua tình yêu thương của người Mẹ thực sự của từng cá nhân, nhờ có giòng sữa ngọt của mẹ, tình yêu thương không vực bờ của người mẹ đã hun đúc lên những trang anh hùng, liệt nữ của giòng giống tiên rồng : ” Con ơi mẹ là thượng đế, cho con tâm lý nguyên sơ câu ru và dòng sữa quý cho con nguyên lý diệu vời, ru con rằng đời muôn lối như mây kết hợp rồi tan, thân con là trời cao với, tim con là cõi địa đàng”

Đạo ca bảy, Qua Suối Mây Hồng hay là Vô Ngôn, diễn tả cuộc chiến tranh giữa Thủy Tinh và Sơn Tinh để tranh nhau trái tim Mỵ Nương, một câu chuyện muôn thưở của loài người, tình yêu là nguồn cội của yêu thương và tha thứ nhưng đồng thời cũng lại là nguồn gốc của chiến tranh, cuộc chiến nào cũng để lại trong lòng người những uất ức khôn nguôi cho dù kết thúc thế nào đi nữa, kẻ thắng, người thua nếu không “ngộ” ra một chân lý nào đó từ cuộc chiến đó thì luôn nuôi lòng thù hận ” cuộc chiến tranh thầm lặng “ luôn âm ỷ trong lòng người. Tuy nhiên, nếu “ Ngộ “ra thì như Mỵ Nương và Sơn Tinh “còn lại siêu hùng ca, thiên thư không cần chữ, sáo thần không cần lỗ vi vu trong lòng người . . .” sáo mà không lỗ thì sao thoát được âm thanh, nhưng sự bình an đã khiến con người luôn lắng nghe được tiếng sáo trong cõi riêng của mình

Đạo ca tám, Giọt Chuông Cam Lộ hay là Duy Tuệ : ” Bóng đêm qua rồi, tiếng chuông vang hồi . . .Tiếng chuông cam lộ cho biển trầm tư, cho đời người hết ưu tư . . ., thời gian mãi mãi tiếng chuông xuống đời, Thiền sư xuống núi, cứu nguy cho đời, ngọt lành thơm mát từng giọt chuông vang . . .”. Diễn tả ánh bình minh của tâm thức trong ba động của tiếng chuông Chùa, hình ảnh Thiền Sư Vạn Hạnh chống gậy trúc xuống núi, cưu mang cả mùa đông lạnh giá của đời người bỗng sáng lòa thơm mát bởi giọt cam lộ vang vang tiếng chuông tịch không, đạo ca tám là một diễn bày công hạnh của ý thức

Đạo ca chín, Chắp Tay Hoa hay là Qui Y, cả một bài thơ đều qui về một hành động “lạy” và chỉ “lạy” mà thôi ” chắp tay lạy người cho xin nụ cười. Chắp tay lạy đất cho mầm cây tươi. Chắp tay lạy nước cho mát cõi đời. Chắp tay lạy người, chắp tay lạy trời, chắp tay lạy rồi, lạy mãi không thôi . . .”. Cả bài diễn tả một thái độ trân trọng, yêu thương vạn vật chung quanh, yêu thương cho đến nỗi nhìn đâu cũng thấy : “ đâu không là Phật, đâu chẳng là Trời . . .”một năng lực chấp ngã nơi con người “Thần thánh đi rồi chỉ có lòng thôi, hiện hữu đây rồi không ý không lời, tôi không là tôi, người không là người ! Mười phương mây nổi như cánh hoa trôi”

Đạo ca mười,Tâm Xuân hay Tam Giáo Đồng Nguyên, diễn tả mùa xuân về cùng với sự đổi mới của đất trời, xuân của thiên nhiên, xuân của vũ trụ hay xuân của lòng người ” xuân về vũ trụ ta về lòng ta, có thiên nhiên mới an vui hiền hòa . . .”

Mười bài đạo ca của Phạm Thiên Thư là một ý niệm riêng tư của ông về cuộc đời, một tư tưởng Thiền siêu thoát, nhưng với tôi mười bài này cứ như ông viết về một đại thể trong đó người Mẹ đóng vai trò chủ thể trong tất cả, và cứ mỗi lần nghe một âm giai nào đó trong các bài này ( đã được Phạm Duy phổ nhạc) thì tôi lại liên tưởng đến Người Mẹ và Tháng Vu Lan Bồn, có thể không đúng với ý ông ( tôi cũng chưa bao giờ hỏi ông về chuyện này ), nhưng dù sao thì cũng “mua vui cũng được một vài trống canh “ phải không các bạn ???

Chúc tất cả một mùa Vu Lan hạnh phúc trong tình yêu của Mẹ cho dù Mẹ đã về cõi mây ngàn

Phạm Thiên Thu

   Số lần đọc: 2483

1 BÌNH LUẬN

  1. Góp ý tí xíu!
    Việc so sánh giữa Ngày các linh hồn (Lễ các đẳng) của đạo Thiên chúa với Vu lan của đạo Phật hơi bị .. vênh!
    Ngày các linh hồn chỉ cầu nguyện cho những ai theo đạo đang bị luyện ngục, hay các thánh trên thiên đàng, còn Vu lan thì cho tất cả mọi chúng sinh, không phân biệt tôn giáo. Tuy trọng tâm của Vu lan là hướng tới mẹ nhưng cũng không quên cầu nguyện cho các linh hồn phiêu bạt, cũng như bốn trọng ân khác (ân cha mẹ, chúng sinh, tổ quốc và Tam bảo).

BÌNH LUẬN

Vui lòng viết bình luận của bạn
Vui lòng điền tên của bạn ở đây

Bài Cùng Tác Giả