Trang sinh hoạt của Cựu Giáo Sư và Học Sinh trường Trung Học Cường Đễ Qui Nhơn

Trang NhàĐoản VănMùng 1 Tết đi chợ Gò, mơ về chợ Gò xưa!

Mùng 1 Tết đi chợ Gò, mơ về chợ Gò xưa!

Tết Mậu Thân 1968 là cái Tết cuối cùng mình không còn đi chơi chợ Gò nữa. Bởi năm đó, lần đầu tiên mình tận mắt thấy chiến tranh đã tràn vô thị xã Quy Nhơn thanh bình, để rồi chiến sự cứ leo thang mãi, làm cho người ở phố dễ tin rằng chợ Gò không còn đông vui, an toàn !

Ngày trước, chợ Gò là một địa điểm du Xuân, mọi người tới đó để tận hưởng cái Tết rộn rã đậm chất thôn quê Bình Định. Dù ở lứa tuổi nào bạn cũng có thể tìm ra vai ba món vui chơi hợp với sở thích của mình.


Người thích bồng bềnh sẽ có khá nhiều món để thử vận rủi may, từ cổ truyền dân dã tới hiện đại tân thời: lô tô, câu thai (bài chòi), đá gà, cờ tướng hay xóc dĩa, bầu cua tôm cá, bài ba lá, bài cào, cát tê, xì tố,..

Người có tâm hồn ăn uống sẽ ngồi tại chỗ với đám bạn rượu nhâm nhi rượu nếp, rượu gạo Trường Úc với nem chợ Huyện, chim mía Luật Lễ, cùng xoài ổi cam chanh mà người dân ở các làng xã quanh đó đem tới bán.

Tao nhã hơn thì xin câu đối đỏ của thầy đồ về dán cột trong nhà. Các cụ già và nam thanh nữ tú thì mua dăm xấp trầu, vài nhánh cau, đôi lon muối trắng, ít rau trái đem về lấy lộc, cầu duyên đầu năm.

Mọi người quần là áo lược, mặt mày rạng rỡ nói cười rôm rả. Người ta đi chợ Gò để mua và bán. Nhưng mua xuân, bán lộc nên ai cũng tươi vui, hiền hòa như sợ nỗi cáu giận sẽ gây nên điều xui xẻo cả năm.

Ai đó nói rằng, Tết là Tết của tuổi thơ, mình nghĩ quả không sai. Với người lớn, Tết là lo toan; với trẻ con, dù giàu sang hay nghèo khó, Tết vẫn là niềm vui, vì Tết đem cho chúng nhiều cơ may hơn ngày thường.

Là chợ Tết, chợ Gò không quên con nít. Chợ thường, không phải là nơi để trẻ con lui tới. Nhưng chợ Gò là khác, có người lớn nào ngày xưa đi chợ Gò mà không dẫn con cháu đi theo ? Bởi ở đó có rất nhiều đồ chơi cho trẻ con. Đồ chơi tân thời bằng nhựa, bằng sắt như xe chạy bằng dây thiều cũng có nhưng không nhiều vả lại rất mắc, ít người mua. Thích nhất vì vui mắt vẫn là những món đồ chơi thủ công làm từ những vật liệu ở quê, bởi bàn tay khéo léo của mấy bác nông dân.

Đó là những con tò he xanh đỏ đủ màu được nặn nhiều hình thù từ bột gạo. Mà khi chán chơi bọn trẻ có thể gặm ăn dần, hoặc cẩn thận hơn thì nhờ mẹ bỏ vào nồi cơm hấp cho mềm, ăn càng thích. Chơi xong, cất vô bụng. Thử hỏi có món đồ chơi nào hay ho như vậy không ?

Đó là cái trống rung, tang trống làm bằng khúc tre ngắn gọt mỏng ruột và rỗng hai đầu, hai mặt trống bịt bằng bong bóng heo hay da ếch. Thêm hai sợi chỉ ngắn, một đầu gắn vô tang trống, đầu kia xỏ qua một viên chì nhỏ bằng hạt tiêu. Một que tre xuyên qua tang trống làm tay cầm. Người chơi cầm que lắc qua lại, hai viên chì đập vào mặt trống làm nên chuỗi âm thanh dòn tang rộn rã khắp chợ. Sau này vật liệu thay bằng lon sữa bò thủng đáy, bịt giấy bóng kính màu và viên chì thay bằng hai viên sáp nhỏ. Khi ấy trống rung gọn nhẹ hơn, đẹp hơn nhưng tiếng kêu lại kém vang.

Tuổi thơ ở Bình Định ai mà không nhớ tới con gà có bộ dạng làm bằng bìa cứng xếp thành cái phễu úp ngược, được tô vẽ màu mè. Dưới bụng là cái trục bánh xe bằng đất sét xuyên qua sợi dây thun. Một sợi nhợ dài, một đầu quấn quanh trục đất sét, đầu kia xuyên qua bìa cứng. Hoặc như đồ chơi con gà cồ nặn bằng đất sét, rỗng ruột, sơn phết xanh đỏ, có lỗ thổi ra kêu o o. Con rối biết nhào lộn; cối xay lúa; cối giã gạo lằm bằng tre và gỗ cây gòn (trồng nhiều quanh các miếu thờ ở Tuy Phước)

Con trẻ nào khi chợ về cũng được người lớn mua cho một món đồ chơi dân gian thật thích. Thường chúng cầm đồ chơi, chơi suốt trên đường về, cứ nhẫn nha lẻo đẻo theo sau, bị người lớn bỏ lại một quãng xa. Có đứa thì lắc trống rung kêu toong toong, có đứa ngậm đuôi gà trống thổi phù phù, cái miệng dây phẩm màu đỏ loét trông vừa hề vừa mắc cười.

Tuy nhiên, bấy nhiêu âm thanh, sắc màu và hương vị đó không đủ làm nên nét đặc sắc của chợ Gò. Bây giờ lớp người trung niên mỗi khi nhắc tới chợ Gò là ký ức ùa về một cảm xúc rạo rực khác. Đó là pháo !

Năm mươi năm qua rồi, tiếng nổ đì đẹt của pháo đập; làn khói trắng nõn nà uốn lượn trong chợ của pháo chuột; những tia lửa bắn tròn tung tóe đẹp mắt của pháo quay. Hết thảy như còn quanh quất đâu đây.

Có thể nói pháo là một đặc sản của chợ Gò, không quy mô thành hội làng như các làng pháo Bình Đà (Thanh Oai, Hà Tây), Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh), Ninh Giang (Hải Dương), pháo chợ Gò là sản phẩm lúc nông nhàn của nhà nông, với quy mô nhỏ nhưng đa dạng, đó là pháo đập, pháo tre, pháo tống, pháo điển, pháo chuột, pháo dây, pháo thăng thiên, pháo bông…

Các gian bán pháo nằm rải rác khắp chợ, đi tới đâu bạn cũng có thể mua pháo, thử pháo và chơi pháo tại chỗ. Pháo là món ưa thích của bọn con trai. Vì vậy trò chọc ghẹo con gái bằng pháo là sở trường của mấy chàng trống choai. Pháo thăng thiên lẽ đương nhiên phải bay lên trời, ở đây có chàng lại cho xẹt ngang để làm hoảng sợ một nàng nào đó cho cho thỏa thích. Bọn nhóc cũng hay thả pháo chuột chạy loanh quanh vào đám con gái nữa. Vậy là tiếng pháo nổ, tiếng la hét, tiếng cười nói giòn tang vang lên khắp chợ. Liệu có cảm xúc nào thú vị bằng khi toàn bộ các giác quan của bạn thổn thức đón nhận một không gian rộn ràng sắc Xuân như thế !

Sau 47 năm quay lại chợ Gò. Khung cảnh xưa giờ còn lại lưa thưa hoặc đã mất hẳn từ lâu ! Chợ Gò giờ đây đông đúc, màu mè, huyên náo hơn. Nhưng vì đang bận lòng với chợ Gò trong kí ức nên mình không còn lòng dạ nào hòa nhịp với cái thở gấp gáp xô bồ của chợ Gò hôm nay nữa. Thôi thì gửi tạm lên đây: https://www.facebook.com/media/set/?set=a.1001360259892753.1073742027.100000563657716&type=1&l=651d377d20 mấy tấm hình chợ Gò ngày nay để các bạn cùng cảm nhận sự đổi thay đó !

   Số lần đọc: 2837

BÌNH LUẬN

Vui lòng viết bình luận của bạn
Vui lòng điền tên của bạn ở đây

Bài Cùng Tác Giả