Ảnh : Các Thầy giáo Trường TH Cường Để Quy Nhơn họp mặt nhân ngày tri ân ngày 19/11/2011 tại Sài Gòn-Photo : triman
(Từ trái sang 🙂 Thầy Trần công Lễ-Hà Thúc Hoan-Trương Tiến Trỹ-Võ Hồng Phong-Châu Văn Thuận-Vương Quốc Tấn
Ngày 20 tháng 11 đã đến gần. Trên các nẻo đường của thành phố sẽ có nhiều bông hoa tươi thắm xuất hiện bên cạnh màu áo trắng tinh khiết của học trò. Là một nhà giáo đã xa trường lớp, tác giả bài viết này mong muôn gới đến bạn đọc của Tạp chí Văn hóa Phật giáo một bông hoa kỷ niệm đáng nhớ đáng yêu của nghề dạy học, để góp phần làm đẹp ngày nhà giáo Việt Nam.
Tôi dạy Việt văn ở trường Cường Để-Qui Nhơn hai niên khóa từ năm 1963 đến năm 1965. Kể từ ngày ấy đến nay, hơn 40 năm, tôi đã giảng dạy liên tục ở nhiều trường trung học và đại học, thời gian làm việc ở mỗi trường đều dài hơn hai ba năm, có trường trên mười năm. Nhưng hai năm dạy học ở trường Cường Để-Qui Nhơn đã để lại cho tôi nhiều kỷ niệm khó phai mờ, vì ở đó tôi bắt đầu sống đời nhà giáo, lần đầu tiên tiếp xúc với bạn đồng nghiệp và những học sinh thân yêu để có được “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”.
Thời tôi học Đại học Sư phạm Huế, sinh viên được quyền chọn nhiệm sở theo thứ tự cao thấp ở kỳ thi tốt nghiệp. Anh Nguyễn Mộng Giác đỗ đầu, được ưu tiên chọn nhiệm sở “hấp dẫn”nhất là trường nữ trung học Đồng Khánh-Huế; đến lượt mình, tôi chọn trường Cường Để-Qui Nhơn với lời hẹn hai năm sau sẽ làm đơn xin hoàn chuyển nhiệm sở, vì Anh Giác quê ở Qui Nhơn còn tôi sinh trưởng ở Huế. Còn một nhân duyên nữa đã giúp tôi dễ dàng quyết định chọn trường Cường Để khi bắt đầu nghề dạy học: Chị cả của tôi theo chồng làm ăn sinh sống ở thành phố Qui Nhơn, nhà của chị ở bên này đường thì bên kia đường là cổng phụ của trường Cường Để. Hàng ngày, vào mỗi buổi sáng hoặc buổi chiều, ngồi ở phòng khách nhà chị với y phục chỉnh tề, nghe chuông reo, tôi xách cặp vượt qua chiều ngang của con đường ấy rồi đi thêm mấy bước nữa là đã vào phòng giáo sư trường Cường Để.
Khi tôi đến dạy Việt văn ở trường Cường Để thi thành phố Qui Nhơn đã có chín năm xây dựng sau kháng chiến chống Pháp. Thành phố đang phát triển ở miền Trung này rất thích hợp, rất đáng yêu đối với người thầy giáo mới vào nghề là tôi ngày ấy. Ở hai bên những con đường nhỏ mới tráng nhựa, có nhiều nhà liên kết một tầng trệt với mái ngói đỏ mới lợp. Nếu chịu khó dạy nhiều giờ trong một tuần, với thu nhập chừng hai ba năm, một nhà giáo trẻ như tôi có thể sở hữu một ngôi nhà như thế. Giữa thành phố chưa bị ô nhiễm vì khói bụi, rảo bước đến trường trên những con đường thưa vắng người và ít xe qua lại, hít sâu vào lồng ngực dưỡng khí trong làng đến từ đại dương, người thầy giáo trẻ còn độc thân là chúng tôi ngày ấy vững niềm tin ở tương lai và yêu thiết tha cuộc sống hiện tại. Tin yêu hơn nữa là vào những buổi sáng đẹp trời đứng chào cờ, người giáo sư trung học đệ nhị cấp mới được bổ sung ngước mặt nhìn trời cao, nghe nhịp nhàng, dồn dập bên tai nhạc và lời bài ca chính thức của học sinh Cường Để.
“Trời xanh/xanh bao la. Ôi trùng dương/thôi không xa. Lên đường/có nhau ta vui ca…”
Dù dạy học ở thành phố Qui Nhơn xa la, nhưng ngay từ đầu tôi đã có được tâm trạng thoải mái, thân thương như được làm ăn sinh sống ở quê hương mình. Một lẽ là vì được chung sống với gia đình người chị dâu để được chị săn sóc, thương yêu như mẹ ở quê nhà. Một lẽ nữa là nhiều bạn đồng nghiệp ở trường Cường Để đều là người Huế và đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế. Đó là các anh Hồng Thạch Thiết dạy Anh văn, Nguyễn Đình Nhân dạy toán, Vương Quốc Tấn dạy lý, hóa, Lê Nhữ Tri dạy Vạn vật, v.v. Hạnh phúc là được làm việc dưới sự “lãnh đạo”của thầy Hiệu trưởng Tôn Thất Ngạc vốn là thầy dạy toán năm tôi học lớp đệ tam trường Quốc Học-Huế. Tình thầy trò ngày xưa nay trở thành tình đồng nghiệp và không thiếu sự thân mật, cởi mở của tình anh em. Khi anh Trương Ân thay thế thầy Ngạc, tôi cũng cũng có sự thoải mái và gần gũi như thế.
Cho đến năm 1963, khi tôi gia nhập đại gia đình Cường Để, thành phố Qui Nhơn nói chung và trường Cường Để nói riêng chưa có giáo sư Việt văn được đào tạo chính quy và có bài bản qua trường lớp Đại học Sư phạm. Cho nên, chỉ sau một thời gian ngắn, giáo vụ nhà trường đã sắp xếp tất cả những giờ Việt văn ở đệ nhị cấp cho tôi. Sau đó không lâu, các trường tư thục như Tân Bình, Nhân Thảo, Bồ Đề đều mời tôi phụ trách giờ Việt văn cho các lớp đệ nhị. Được hiệu trưởng tín nhiệm, được bạn đồng nghiệp cảm thông và học sinh tin yêu, có thể nói rằng trong hai năm khởi đầu nghề dạy học ở Qui Nhơn tôi đã gặt hái được nhiều thành quả như ý. Tình yêu người, yêu nghề được xây dựng, cũng cố từ đây và sống mãi trong lòng tôi cho đến khi phải rời xa trường lớp vì lý do tuổi tác.
Hơn bốn mươi năm dạy Việt văn và tiếng Việt trong nhiều lớp học và giảng đường ở miền Nam, từ Huế qua Đà Nẵng, vào Sài Gòn rồi đến Biên Hòa, Đà Lạt, Long An, Cần Thơ, Vũng Tàu, Rạch Giá, v.v.tôi đã lên lớp, giảng bài hàng vạn giờ. Phần lớn những giờ dạy ấy đã trôi qua cùng năm tháng và đã nhạt nhòa dưới lớp bụi thời gian. Nhưng có một giờ giảng văn tôi không thể nào quên. Đó là giờ bình giảng bài ca dao Ra đứng bờ ao ở một lớp đệ tam trường Cường Để vào đầu năm học 63-64:
“Đêm qua ra đứng bờ ao,
Trông cá cá lặn, trông sao sao mờ.
Buồn trông con nhện giăng tơ,
Nhện ơi nhện hỡi nhện chờ mối ai?
Buồn trông chênh chếch sao mai,
Sao ơi sao hỡi nhớ ai sao mờ?
Đêm đêm tưởng dải Ngân Hà,
Chuôi sao Bắc Đẩu đã ba năm tròn.
Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn,
Tào Khê nước chảy hãy còn trơ trơ”.
Có thể nói rằng đây là một trong những bài ca dao hay nhất của văn học Việt Nam. Bài ca dao này, khi còn là một chú bé học vỡ lòng tại một làng quê ở miền Trung, tôi đã tập đọc qua cuốn Quốc văn giáo khoa thư và tưởng tượng ra cái thế giới thần tiên mà ở đó người và vật còn có chung tiếng nói để trò chuyện và sống thân ái, hòa đồng với nhau. Lớn khôn, chịu ảnh hưởng của những cái đầu đề do những nhà nghiên cứu đặt ra như Vì nhớ mà buồn, Buồn trông, Đêm buồn, U hoài, v.v.. tôi không tìm thấy ở đó một nội dung nào khác ý nghĩa của hai chữ “buồn”và “nhớ”. Chuẩn bị cho giờ bình thơ đầu năm học mà cũng là đầu đời dạy học của mình, đọc đi đọc lại nhiều lần, suy nghĩ, nghiền ngẫm ý nghĩa sâu lắng của bài thơ dân gian này, tôi nhận ra rằng “nhớ”và “buồn”chỉ là chuyện của một “đêm qua”. Còn “đêm đêm”, suốt “ba năm tròn”, người tình lãng mạn trong ca dao đã “tưởng dải Ngân Hà”. “Tưởng” khác “nhớ”. “Tưởng” (想) là từ Hán Việt, có chữ “tướng” (相 ) là hình sắc ở trên và chữ “tâm” (心 ) là tấm lòng ở dưới. “Tưởng”là nhìn sự vật bằng con mắt của tâm. Nhìn, “trông”sông Ngân Hà bằng con mắt thường, chúng ta chỉ thấy ở đó hằng hà sa số vì sao. Tác giả vô danh nhìn, trông sông Ngân Hà bằng con mắt của tâm, bằng trí tưởng tượng, nên đã nhìn thấy ở đó cuộc tình khổ đau vì chia cách của Ngưu Lang và Chức Nữ…Vậy là bài ca dao đã được “giải mã”. Tác giả dân gian mượn hình tượng sông Ngân với câu chuyện tình đẫm nước mắt của chàng Ngưu và ả Chức để gián tiếp giải bày tâm sự buồn của chính mình. Từ đó người đọc xác định được ý chính của bài thơ qua câu chủ đề đặt ở cuối văn bản: “Nước”của dòng thời gian cứ “chảy”, “đá”của lòng người vẫn cứ trơ trơ. Bài thơ vì vậy không chỉ nói đến nỗi nhớ và tình buồn mà còn thể hiện được tấm lòng thủy chung son sắt – cái yếu tố tình cảm đã làm nên sức mạnh Việt Nam hôm qua, ngày nay và mai sau.
Giữa lòng thành phố Qui Nhơn, vào giờ học cuối trong một buổi chiều ở trường Cường Để, tôi đã hào hứng, sôi nổi giảng bài Ra đứng bờ ao với một nội dung như thế. Nhiều nữ sinh và nam sinh Cường Để đã im lặng, chăm chú lắng nghe với tất cả tâm hồn. Khẳng định được điều này vì chuông đã báo hết giờ, nhưng thầy cứ say sưa đứng giảng, trò vẫn yên lặng ngồi nghe. Đến lúc bài giảng kết thúc thì cái cảnh ồn ào như đàn ong vỡ tổ mới xuất hiện trong lớp học, trong khi đó học sinh ở các lớp khác đã ra về. Theo sự đánh giá khách quan của nhiều đồng nghiệp ngày nay, giờ giảng này đã thất bại thảm thương vì phạm lỗi “cháy giáo án”. Nhưng theo cảm nhận của riêng tôi ngày ấy, đó là một giờ học Việt văn say mê và đầy hứng thú, đó là một giờ dạy Việt văn chuyển tải được những tình cao ý đẹp nhằm góp phần nâng cao trí tuệ và giáo dục tình cảm cho học sinh.
Trong hai niên khóa khởi đầu nghiệp dạy học ở trường Cường Để Qui Nhơn, tâm hồn người thầy giáo mới vào nghề là tôi ngày ấy chẳng khác gì một tờ giấy trắng. Trên trang giấy trắng ấy, họ tên cùng gương mặt và tính tình của nhiều học sinh Cường Để đã ghi lại những nét chữ khó phai mờ. Về các bạn nam, có Lê Dung học giỏi, viết chữ đẹp, nhưng gương mặt buồn buồn vì gia cảnh khó khăn. Trần Hữu Cải, dù có cái tên mà thầy giáo Trung Bộ hay Nam Bộ đọc lên đã hiểu rõ tính người, nhưng vẫn biết dừng lại ở chỗ đáng dừng để tạo điều kiện cho thầy giáo dạy Việt văn mời vào nghề hoàn thành nhiệm vụ. Nguyễn Mạnh Dạn đã say sưa với nghiệp viết văn làm báo từ dạo ấy, khi tôi được phân công phụ trách đặc san mùa xuân cho trường Cường Để. Đào Chí Hiếu còn đi học không để lại ấn tượng sâu sắc cho thầy giáo dạy Việt văn nhưng sau năm 1975 đã trở thành nhà văn Đào Hiếu tài năng và có bản lĩnh. Mạc Như Sương cái màn voan trắng mỏng như sương khói ấy, đi học ăn mặc giản dị nhưng mái tóc thường được chải, rẽ cẩn thận, lên trả bài, hai tay cầm cuốn vở lễ phép và trịnh trọng đặt trước mặt thầy, đến khi ra đời, dù có địa vị cao trong xã hội nhưng vẫn sống rất có tình nghĩa với thầy cũ. Về các bạn nữ, Mai Lâm Tuyết Hườn là một cái tên dễ nhớ vì gắn liền với hình ảnh hòn tuyết trong rừng mai. Nguyễn Thị Quỳnh Diêu, cũng mặc đồng phục nữ sinh màu trắng như mọi người, nhưng biết xuất hiện một cách độc đáo và ý nhị giữa bạn bè cùng trang lứa với hai bông hoa màu tím nhỏ thêu ở hai bên cổ áo. Lê Chân Tú đúng là một ngôi sao sáng của lớp học, vì có gương mặt thông minh trong sáng và kỹ năng hành văn súc tích, mạch lạc, chính xác. Còn nhiều nam sinh và nữ sinh Cường Để nữa mà người viết bài này vẫn nhớ rõ gương mặt, nụ cười và nhiệt tình tuổi trẻ của các bạn, nhưng không thể kể hết ra đây vì sợ phạm lỗi dài dòng.
Cuộc sống của mỗi người thường có những kỷ niệm vui buồn tưởng như đã bị chôn vùi dưới lớp bụi thời gian. Giữa bề bộn khó khăn và lo nghĩ của cuộc sống hiện tại, tác giả ước mong bài viết này được trở thành làn gió mát lành chợt đến vào một sớm mai để thổi bay lớp bụi, làm hồi sinh những âm thanh, hình ảnh cùng cảm xúc và ý nghĩ của những ngày tháng cũ, như những cục than hồng âm ỉ dưới lớp tro tàn trong cái lồng ấp của mùa đông xứ Huế được thổi bùng lên thành ngọn lửa sưởi ấm trái tim người…■
Thầy Hà Thúc Hoan
Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 93
Số lần đọc: 3533