1.Thằng Bờm là bài ca dao gần gũi với tâm hồn trẻ em nông thôn Việt Nam. Chúng tôi đã thuộc lòng bài thơ dân gian này khi còn học lớp Hai tại một trường làng ở quê hương miền Trung. Cuối năm 2009 vừa qua, đọc báo Văn Hóa Phật Giáo, chúng tôi gặp lại câu chuyện trao đổi cái quạt mo của Bờm qua bài viết Thằng Bờm trong tâm thức của người dân quê Việt Nam của tác giả Võ Văn Lân.
Qua bài báo vừa nêu trên, Võ Văn Lân muốn minh oan cho Bờm. Tác giả khẳng định Bờm không phải là một đứa bé ngốc nghếch, khờ dại như nhiều người đã nghĩ mà trái lại, Bờm là hình tượng văn học thể hiện lối sống “tri túc tiện túc”, “thiểu dục vi lạc”của người dân quê Việt Nam, Bờm là biểu trưng cho “hạnh phúc chân thật”của người “không chấp vào tôi, không chấp vào cái của tôi như lời Phật dạy”. Theo Võ Văn Lân, “phong cách của thằng Bờm trong ca dao cũng có thể phù hợp với phong cách Tuệ Trung Thượng Sĩ, một thiền sư cư sĩ đời Trần”, đồng thời Bờm “cũng là hình ảnh của Alexis Zorba, con người sống an nhiên tự tại, đói ăn khát uống” (1).
Giống tác giả Võ Văn Lân, chúng tôi cũng có lúc “giật mình hiểu rằng những câu chuyện bình thường, những hình ảnh đơn sơ, gần gũi thể hiện trong ca dao hay tục ngữ thường khi lại có khả năng chuyển tải những triết lý cao siêu, những bài học thâm thúy, minh triết trong cuộc sống của ông bà ta” (2). Tôi nghĩ rằng tác giả Võ Văn Lân đã mượn bài Thằng Bờm để bàn về quan niệm hạnh phúc: hạnh phúc dễ dàng tìm thấy trong nếp sống đơn sơ giản dị như phong cách của Tuệ Trung Thượng Sĩ hay như của nhân vật Alexis Zorba được thể hiện trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Hy Lạp Nikos Kazantzakis. Tuy nhiên, theo suy nghĩ của một nhà giáo đã quen với phong cách nghị luận có tính sư phạm, chính xác và chừng mực ở học đường, tôi xin có vài dòng góp ý. Trước khi nêu ý kiến riêng của mình, để độc giả dễ dàng tiếp cận với ý nghĩa của những câu hát trẻ thơ tưởng là ngây ngô mà không dễ hiểu này, chúng tôi xin đề cập ở đây hai tài liệu có liên quan đến bài ca dao Thằng Bờm.
2.Năm 1978, cùng với một số giảng viên Đại học Sư Phạm Huế vào Đà Nẵng để đọc, tìm hiểu, sắp xếp và làm thống kê hàng ngàn trang tài liệu có thủ bút của nhà Nho cấp tiến, duy tân Phan Châu Trinh, chúng tôi đã tìm thấy trong Santé thi tập (3) của cụ Phan Tây Hồ hai bài thơ có thể nói là hai tài liệu quý đối với những ai quan tâm tìm hiểu ý nghĩa bài ca dao Thằng Bờm, Đó là một dị bản của bài Thằng bờm và một bài Đường thi do cụ Phan sáng tác bằng cách lấy bài thơ dân gian này làm đề tài ngâm vịnh
Dưới đây là một dị bản của bài Thằng Bờm mà chúng tôi nghĩ của Phan Châu Trinh đã ghi lại qua trí nhớ:
Thằng bần có cái quạt mo
Hán vương đòi đổi ba bò chín trâu.
Bần rằng tôi chẳng muốn trâu,
Hán vương đòi đổi ao sâu cá mè.
Bần rằng tôi chẳng muốn mè,
Hán vương đòi đổi một bè gồ (gỗ) lim.
Bần rằng tôi chẳng muốn lim
Hán vương đòi đổi con chim đồi mồi.
Bần rằng tôi chẳng muốn mồi,
Hán vương đòi đổi vắt xôi bần mừng. (4).
Tiếp theo là bài thơ vịnh có tiêu đề là Thằng Bần có cái quạt mo của cụ Phan Châu Trinh:
Thằng bần lấn bấn bị trời vò,
Vốn liếng trong mình một quạt mo,
Đói giựa (dựa) gốc cau may lượm được,
Buồn trông khuôn quê khéo vanh cho.
Nằm ngồi lót đít nhiều khi đỡ,
Mưa nắng che đầu ít nỗi lo.
Trâu, cá, lim, mồi đều chẳng đổi.
Bần đây chỉ muốn vắt xôi to (5).
Ở dị bản nêu trên, danh từ riêng “Bờm”đã được đổi thành “bần”để chỉ chung cho những trẻ thơ con nhà nghèo ở nông thôn. “Phú ông”là người giàu có đã được thay thế bằng “Hán vương”là một nhân vật ngoại lai có nhiều quyền lực. Ngoài ra đại từ nhân xưng “tôi”và động từ “muốn”cũng thể hiện được tính bạo dạn và lòng tự tin của một trẻ thơ Việt Nam khi đối diện với uy quyền của hoàng đế nhà Hán.
Ở bài thơ vịnh của cụ Phan, người đọc nhận biết dễ dàng cảnh nghèo mà không hèn của Bờm, đồng thời hiểu rõ Bờm có được cái quạt mo trong trường hợp nào và công dụng có tính “đa năng”của vật dụng không có mấy giá trị ấy.
3 .Ngày 08 tháng 01 năm 2010 (nhằm ngày 24 tháng 11 ÂL) là ngày kỵ của bà nội chúng tôi. Nghe người lớn nói nấu xôi gấc để cúng tổ tiên, cháu Nhật Tân 6 tuổi dặn bà ngoại để dành xôi gấc cho mình. Tối ngày kỵ, cháu Nhật Minh không những ăn xôi gấc thay cơm mà còn xin mẹ dành lại một ít xôi gấc để ngày hôm sau mang đến trường mẫu giáo Bến Thành cho mình ăn sáng, dù ở đó vào đầu mỗi buổi sáng đều có thức ăn dọn sẵn để cháu và các bạn dùng điểm tâm. Như vậy, xưa cũng như nay, thật là dễ dàng để những thằng Bờm khoảng sáu tuổi tây, bảy tuổi ta đưa ra quyết định hợp với tâm tính hồn nhiên, vô tư của trẻ thơ, khi cần chọn lựa giữa vắt xôi thơm ngon và ba bò chín trâu hay ao sâu cá mè là những tài sản to lớn hơn cả ngàn vạn lần nên xa lạ với kinh nghiệm sống và ở ngoài khả năng nhận thức của nó.
Đáng tiếc là do không am hiểu tâm lý nhi đồng nên từ lâu nhiều người lớn đã dùng hiểu biết của kẻ trưởng thành để xét đoán một hành vi của trẻ con, từ đó hời hợt kết án Bờm là đứa nhỏ khờ khạo, dại dột vì không biết đổi cái quạt mo chẳng đáng giá bao nhiêu cho phú ông để nhận lấy cả một tài sản kếch sù!
Sau năm 1975, tại TP. Hồ Chí Minh, chúng tôi được xem một phim truyện có tên gọi là Thằng Bờm của một đạo diễn ở ngoài Bắc. Để thể hiện tính cách ngu dại đáng chê cười của Bờm, đạo diễn dựng cảnh Bờm vác ngang một cây tre để đi vào nhà, đến khi cây tre dài bị cái cửa ngõ chắn lại, Bờm chỉ còn cách đứng yên “chịu trận”mà không biết trở dọc cây tre lại để có thể bước qua khung cửa hẹp! Thế nhưng trước năm 1975, khi miền Nam tiếp nhận quá nhiều vật trao đổi mà như cho không của “phú ông”người Mỹ, sinh viên Đại học Sài gòn đã mở một quán cà phê bạn trẻ mang tên Thằng Bờm để nhắc nhở người Việt nhớ lại bài học khôn mà tổ tiên đã trao truyền qua hình tượng thằng Bờm.
Bài học khôn ấy, vào năm 1974, khi viết sách Triết văn I, chúng tôi đã giảng giải vắn tắt dưới đây:
“Qua những câu hát tưởng như vô nghĩa của trẻ thơ, chúng ta bắt gặp bài học luân lý có giá trị. Thằng Bờm biết đem cái quạt mo để đổi lấy vật có giá trị tương xứng là vắt xôi. Nó không muốn đổi cái quạt mo để lấy cả một gia tài lớn gấp ngàn vạn lần. Nó là hạng người có đầu óc thực tiễn, biết chọn sự trao đổi cân xứng (…) để có bình đẳng và tự do, thay vì tham lam nhận sự đổi trao bất bình đẳng (…) để bị lừa dối, mua chuộc và lợi dụng, hoặc trở thành nạn nhân của trò ăn bánh vẽ.
Bờm là một đại biểu xứng đáng cho hạng người bình dân ít học nhưng khôn ngoan nhờ lăn lộn nhiều với thực tế. Đó là những người biết rõ thực lực của mình, biết rõ lòng dạ của người. Họ không nuôi ảo tưởng, không ôm cao vọng, không mang tâm lý của kẻ thả mồi bắt bóng (…) Ấy là đám đông quần chúng Việt Nam (…) những người (…) biết nơi nào là điểm cần thiết để mà bảo toàn lấy mình và dân tộc mình” (6).
4.Trước ngày đất nước thống nhất, miền Nam đã phải đánh đổi tài sản vô giá là chủ quyền quốc gia, vì không nhớ Bài học khôn của thằng Bờm trong khi tiếp nhận nhiều viện trợ quân sự và kinh tế của “phú ông”thời chiến. Dạy Việt văn trong hoàn cảnh ấy, chúng tôi chỉ còn biết gởi tâm sự vào lời văn tế thê lương, thống thiết của cụ Đồ Chiểu:
“Khóc là khóc nước nhà cơn bấn loạn, hôm mai vắngchùa, thua buồn nhiều nỗi khúc nôi;
Than là than bờ cõi lúc qua phân, ngày tháng trông vua, ngớ ngẫn một phường tớ dại” (7).
Vào đầu thế kỷ XXI này, để xây dựng đất nước giàu mạnh có thể sánh vai với cường quốc năm châu, chúng ta vẫn còn phải tiếp nhận không ít sự hỗ trợ tài chánh của “phú ông”thời bình. Trong cuộc sống riêng tư của mỗi người, biết đâu cũng có lúc chúng ta cũng gặp một “phú ông” hiện đại “xin đổi ba bò chín trâu” để lấy “cái quạt mo”của ta với một ý đồ nào đó. Bài học khôn của thằng Bờm vì thế vẫn còn nguyên giá trị…■
Chú thích:
Võ Văn Lân, Thằng Bờm trong tâm thức của người dân quê Việt Nam (Văn Hóa Phật Giáo số 95 , ra ngày 15.12.09, tr.9-tr.10)
Võ Văn Lân, sđd, tr.8
Từ tháng 9 năm 1914 đến tháng 7 năm 1915, bị thực dân Pháp bắt giam tại ngục Santé (thủ đô Paris), với đề tài là những câu tục ngữ, thành ngữ và ca dao, Phan Châu Trinh sáng tác trên hai trăm bài thơ để hoàn thành Santé thi tập.
Dị bản này là chú thích số 4 ở bài thơ vịnh Thằng Bờm có cái quạt mo của Phan Châu Trinh, được tác giả ghi ngắn gọn, không sang hàng sau mỗi câu thơ, không viết hoa chữ ở đầu câu v.v… Chúng tôi đã “biên tập” lại để bài thơ có hình thức hoàn chỉnh như trên. Trong Phan Châu Trinh tòan tập, đáng tiếc nhà nghiên cứu Chương Thâu đã bỏ dị bản này để thay thế vào đó bài Thằng Bờm mà nhiều người đã biết.
Đây là bài thơ số 144 trong Santé thi tập, có chú thích số 4 như đã nói trên. Trong tuyển tập Phan Châu Trinh (Nxb Văn Hóa Thông Tin, 2006) Tiến sĩ Nguyễn Văn Dương đã lược bỏ bài này, nhưng rất may là chúng tôi còn có thể tìm lại bản gốc với thủ bút của cụ Phan qua bản sao chụp ở trang 11-17.
Hà Thúc Hoan, Triết văn I, Sông nhớ nguồn, Huế 1974, tr.39
Nguyễn Đình Chiểu, Văn tế ông Trương Định
Thầy Hà Thúc Hoan
Số lần đọc: 5827