Lần đầu tiên tôi gặp Phù Dung là lúc đội chiếu bóng lưu động của tôi về chiếu ở Hồng Lâm.
Trường Tiểu học Hồng Lâm nơi tôi đến chiếu phim nằm trên con đường nhỏ dẫn xuống biển Hồng Chính. Sau lưng trường học là một cái hồ lớn mênh mông mang tên là Bàu Bà, từ cái eo nhỏ tít xa về tay trái nó nối với một cái hồ khác nhỏ hơn gọi là Bàu Ông. Người dân ở đây gọi chung hai bàu là Bàu Trắng. Tương truyền hai cái bàu này sâu không đáy và nước của nó ăn thông với dòng chảy của nước biển nên một khi có người chết đuối thì không ai có thể tìm được xác.
Hôm đó là một buổi trưa u ám. Khi chúng tôi đến nơi trên một chiếc xe jeep thì chúng tôi đã thoáng nghe mùi ẩm mốc của rong rêu lan tỏa trong bầu không khí oi nồng trước cơn mưa. Sau khi liên hệ với người phụ trách văn hóa xã, chúng tôi được giới thiệu đến chiếu tại sân bãi duy nhất của thôn này là sân trường tiểu học Hồng Lâm. Chúng tôi tạm gửi đồ đạc mang theo và các loại máy móc ở nhà người văn thư xã đối diện nhà trường, rồi chúng tôi tắm rửa và dùng bữa cơm chiều.
Tạm thời đêm đầu tiên chúng tôi không chiếu phim vì trời mưa lâm râm. Đêm xuống buồn thiu trên Bàu Trắng , vài chiếc ghe thúng neo bên bờ mọc đầy sen lá to và xanh mướt. Khung cảnh yên tỉnh và mang dáng dấp một vùng quê của nước Pháp. Phía trước mặt là những động cát trãi dài xa tít tắp, màu cát trắng tinh khôi đem lại cho ta một cảm xúc bâng khuâng. Tôi là đội trưởng nên được bố trí tạm ở phòng thầy Hiệu trưởng đã về quê vài ngày qua, gần đó là phòng tập thể của các cô giáo trẻ.
Đêm xuống, tôi đang ngồi một mình trong phòng, viết phông quảng cáo cho bộ phim Romeo và Juliet thì thấy một cô gái xinh đẹp đứng thập thò bên bậc cửa. Cô gái có mái tóc dài êm ả xỏa xuống bờ vai. Vẻ mặt thật ngây thơ thuần khiết như tượng phật Quan Âm. Cô gái chào tôi bằng giọng Bắc thật nhẹ nhàng: “Em chào anh. Anh ở trong đoàn chiếu phim ạ ?” .
Tôi gật đầu chào và mời cô gái vào chơi.
– “Em tên là Phù Dung, em là cô giáo ở phòng tập thể cạnh đây anh ạ”.
Câu chuyện dần dà có vẻ thân mật hơn khi Phù Dung hỏi tôi về tựa đề phim và câu chuyện của đôi tình nhân bất hủ là Romeo và Juliet. Và tôi được dịp trổ tài văn chương của mình trước người đẹp…
“ Nghe tin Juliet chết, Romeo liền lẻn về thăm. Trên đường về, chàng kịp mua một liều thuốc cực độc dành cho mình. Tại nhà mồ, Romeo đau xót ôm chầm lấy xác của Juliet than khóc rồi uống thuốc độc tự tử. Romeo vừa gục xuống thì thuốc của Juliet hết hiệu nghiệm. Nàng tỉnh dậy và khi nhìn thấy xác Romeo bên cạnh, Juliet rút dao tự vẫn. Cái chết tang thương của đôi bạn trẻ đã thức tỉnh hai dòng họ. Bên xác hai người, hai dòng họ đã quên mối thù truyền kiếp. Họ cùng đi bên nhau trong bầu không khí hòa bình…”
Phù Dung đắm mình trong câu chuyện kể, đến nỗi sau khi tôi dừng lại một hồi lâu thì Dung mới giật mình bẽn lẽn chùi vội một giọt nước mắt long lanh. Sau khi Dung xin phép về phòng, tôi một mình đi dạo bên hồ, nhìn ánh trăng vằng vặc soi sáng những đồi cát vàng ươm, rồi lại nhớ đến đôi mắt buồn của Phù Dung.
Buổi chiếu phim hôm sau diễn ra rất thuận lợi. Từ lúc mặt trời lặn, các em nhỏ đã lũ lượt kéo về sân bãi chiếu phim, giành chỗ ngồi tốt nhất trước màn hình. Mặc dù rất bận rộn canh cửa, soát vé nhưng tôi vẫn nhớ rõ là đã nhìn thấy Phù Dung cũng vào sân bãi xem phim cùng với một chàng trai cao lớn mặc bộ đồ hải quân màu xanh. Trông Phù Dung có vẻ rạng rỡ vui tươi khác ngày thường khi đi bên cạnh chàng trai ấy. Khi phim chiếu đến cảnh Romeo hội ngộ với Juliet trong buổi dạ vũ, và khi âm điệu bất hủ của bài A Time For Us vang lên dìu dặt, tôi bất chợt nhìn thấy Phù Dung và người bạn trai nắm tay nhau thật chặt, nhìn nhau mỉm cười say đắm như cặp tình nhân bất hủ trong phim…..
Những ngày hôm sau, chúng tôi tiếp tục chiếu các bộ phim còn lại. Bộ phim Tây Du ký đã hớp hồn người dân ở đây với diễn xuất trứ danh của tài tử Lục Tiểu Linh Đồng. Ban ngày không làm gì, tôi thường đi dạo khắp nơi , và nơi nào tôi cũng thấy bóng dáng của Phù Dung cùng người yêu, tay trong tay, cười vang trong cảnh gió núi mây ngàn…
Lần thứ hai khi về lại Bàu Trắng để chiếu bộ phim Mùa Thu Lá Bay, tôi lại gặp Phù Dung…
Hình như tôi vẫn còn ấn tượng với cặp tình nhân đẹp đôi này, nên tôi rất mong muốn thấy lại cảnh đôi tình nhân tay trong tay đứng xem phim đầy hạnh phúc. Nhưng lần này không thấy Phù Dung đi xem phim, cũng không thấy bóng dáng chàng hải quân xuất hiện ở thôn Bàu Trắng này nữa. Chỉ thấy Phù Dung ũ rũ ra vào, nét mặt dường như buồn rười rượi. Không như lần gặp gỡ trước, lần này Phù Dung không được nhanh nhẹn và hoạt bát như buổi gặp đầu tiên .…Vẫn đôi mắt sáng long lanh làm say đắm lòng người, vẫn mái tóc mượt như nhung tỏa hương trinh nữ, Phù Dung vẫn cười với tôi khi tình cờ chạm mặt nhau trong khuôn viên trường học, một điều gì đó như lo nghĩ, như sầu muộn làm cho Dung bớt đi vẻ tươi tắn, nhưng bù lại là một nét hấp dẫn rất liêu trai qua nỗi buồn của em.
Tôi cố tìm cơ hội để nói chuyện với Phù Dung. Tôi muốn hỏi thăm về mối tình của em với chàng hải quân bảnh trai lần gặp trước .Và đêm hôm ấy sau khi vãn phim, về lại căn phòng trong khuôn viên trường tiểu học, tôi lại có dịp trò truyện với Phù Dung. Dung đã kể cho tôi nghe chuyện tình của em, một chuyện tình buồn thảm. Phục, người yêu của em đã nghe lời mẹ chuẩn bị kết hôn với một cô gái nhà lều nước mắm nổi tiếng giàu có ở Phan Thiết, và cuộc chia tay của Dung và Phục đã diễn ra trong tiếng nhạc phim Romeo và Juliet của lần chiếu phim đợt trước. Những ngày sau đó, Phục đưa Dung đi dạo khắp Bàu Trắng để cùng nhau ôn lại kỹ niệm những ngày yêu nhau tha thiết. Ban ngày vui vẻ là vậy, mà mỗi đêm về, khi Phục trở lại đơn vị dưới Hồng Chính thì cũng là lúc Dung khóa cửa phòng khóc sướt mướt cho mối tình tan vỡ của mình.
“Dung có muốn nghe lại bản nhạc Romeo và Juliet không ?”. Tôi hỏi.
Dung khẽ gật đầu. Tôi bỏ cuộn băng cassette và trong máy và nhất nút. Tiếng nhạc vang lên dìu dặt và có cả lời Việt nữa:
Giây phút ban đầu
Ngày ta gặp nhau
Mắt yêu thầm trao
Những câu tâm tình
Biết bao là yêu mến……
Nhưng giấc mơ đầu
Thường gây khổ đau
Lòng khóc thầm….
Vì phút chia ly chợt đến như mưa trời ngâu……….
Câu hát chưa xong thì Dung đã gục xuống bàn mà khóc sướt mướt trông thật tội nghiệp.
Tôi phải đi chiếu phim phục vụ cho miền núi hơn mười ngày….
Ban ngày tôi đi tham quan ngắm cảnh miền sơn cước. Những ngôi nhà sàn đơn sơ mà tuyệt đẹp, những cô gái Phan Sơn trần truồng tắm sông như những nàng tiên nữ ở chốn thiên thai. Rồi đêm đến, không biết từ đâu mà dân các xã Phan Sơn, Phan Lâm, Phan Hòa, Phan Tiến, từ rừng sâu núi thẳm bổng kéo về xem phim đông nghẹt. Họ ngồi xem say mê như những cậu học sinh ngoan ngoãn, thỉnh thoảng lại ồ lên tán thưởng một pha gay cấn nào đó. Nhất là khi chúng tôi chiếu bộ phim Tô Ánh Nguyệt thì những cô thiếu nữ người Thượng cứ rộ lên khóc nức nở, khóc thiệt tình làm chúng tôi vừa tức cười lại vừa thương cảm cho những tâm hồn vô cùng chất phác đáng yêu.
Lần thứ ba, tôi về lại Hồng Lâm. Bàu Trắng vẫn hiền hòa nằm phơi mình trong nắng. Mới đó mà đã hơn bốn tháng kể từ ngày đầu tiên chúng tôi về chiếu bóng ở cái ngôi làng nhỏ bé xinh đẹp này…
Tôi rất muốn gặp lại Phù Dung, nhưng suốt cả ngày em đi đâu không thấy. Chờ đợi mãi cho đến khi dọn máy chiếu ra sân bãi tôi mới thấy phòng em sáng đèn…
Trong buổi chiếu, tôi nhận được điện thoại từ công ty chiếu bóng yêu cầu ngay trong đêm tôi phải theo đường biển đưa máy chiếu về để ngày mai phục vụ tại Bình Tân theo kế hoạch. Thế là tôi phải liên lạc mượn xe bò của xã để ngay sau buổi chiếu sẽ đi dọc theo bờ biển xuôi về Hòa Phú .
Đến nửa đêm, gió từ đâu thổi về mang theo hơi nước hồ lạnh lẽo làm tôi muốn run lên. Gõ cửa phòng Phù Dung để chào tạm biệt, tôi thấy Phù Dung ăn mặc gọn gàng như người sắp đi xa. Nghe tôi hỏi, Phù Dung chỉ nở một nụ cười buồn bã. Dung đưa cho tôi một quyển sổ lưu bút rất xinh xắn và khẽ bảo tôi: “Anh giữ giùm em quyển nhật ký này, và nếu gặp Phục, anh gửi cho anh ấy hộ em nhé!”. Nhìn vào mắt Dung, tôi cảm thấy một nỗi buồn khôn tả. Một linh cảm bất an. Tôi muốn ngồi thêm với Phù Dung giây lát nữa, muốn nói một vài câu để an ủi em nhưng không thể thốt lên được một lời nào. Mãi đến khi có tiếng các bạn gọi tôi thúc giục lên đường tôi mới biết mình đã trễ. Tôi khẻ nắm lấy bàn tay lạnh khác thường của Dung và nói: “Em đừng làm điều gì dại dột nghe Dung”. Dung chỉ buồn bả khẽ gật đầu…
Chiếc xe bò lắc lư đi dọc theo bờ biển, dưới những rặng cây dương liễu u buồn. Trăng trên trời sáng vằng vặc như gương soi rõ đến từng sợi tóc. Trên tay tôi vẫn còn cầm cuốn nhật ký của Phù Dung. Tôi khẻ giở trang đầu, ở đó có bốn câu thơ như sau:
“Em gửi về anh trang nhật ký
Của mùa thu trước nhớ thương nhau
Ngày mai em sẽ vào sương gió
Thì giữ làm chi giấc mộng đầu….”
Những ngày tháng lần lượt hiện ra trên nét chữ mềm mại của Phù Dung, tôi không muốn xem tâm sự thầm kín của người khác nhưng rồi không cưỡng được sự tò mò, tôi liền lật đến những trang mới nhất, và tôi thật sự rùng mình khi đọc những dòng thơ sau :
“Tôi còn ở lại nữa mà chi
Tôi phải về thôi, tôi phải đi
Người ơi, một giấc mơ tan vỡ
Một giấc mơ toàn chuyện biệt ly
Nếu có một ngày quay trở lại
Người ơi, người có nhớ gì tôi
Vì tôi từ phút giây thiên cổ
Tôi đã nghìn năm vĩnh biệt đời
Ngày sau người có về ngang mộ
Xin thắp giùm tôi một nén nhang
Tình xa xôi quá, tình ngang trái
Thì hãy xem như giấc mộng tàn…”
Tôi không dám xem tiếp bài thơ nữa…….
Trong tiếng sóng dào dạt vỗ vào bánh xe bò, tôi tưởng chừng như Phù Dung đang một mình bước đi bên bờ hồ lộng gió…….
Chợ lầu, đêm 19/10/2009
Ngô Lạp
Số lần đọc: 3242