Ba mươi (hoặc 29, nếu tháng thiếu ) tháng Chạp, thường được gọi là 30 Tết, là ngày thiêng liêng của mỗi gia đình Việt Nam, không phân biệt giàu nghèo, làng quê, phố thị, tôn giáo, chính kiến… Đó là ngày rước ông bà – nói chung là tổ tiên nhiều đời cũng như vợ chồng, con cháu anh em đã khuất – về ăn Tết. Trong tâm tưởng người Việt ta, ba ngày Tết, người chết và sống giao hoà sum họp đón Xuân năm mới. Chết không mất đi, mà vẫn sống một nơi nào đó để đến lúc năm hết Tết đến là ngày vui ( cho nên mới có câu vui như Tết ) cùng nhau sum họp. Người nào vì những hoàn cảnh khác nhau không thể về sum họp gia đình trong ba ngày Tết là buồn dữ lắm.
Bàn thờ ông bà tổ tiên luôn được trang hoàng, trưng bày trang trọng và sạch sẽ.
Lúc nhỏ ngoài quê, khoảng 25 tháng chạp – ngày Giáp Ấn đưa Chư Thần – thì lo lau rửa bàn thờ, chà đồ đồng thờ, mệt nhất là chà bộ lư hương đồng.
Trong ba ngày Tết, sau khi rước ngày ba mươi, từ mồng một đến mồng ba Tết ( tuỳ gia đình có thể mồng bốn ), ngày 2 buổi cúng cơm, sáng tối cúng nước ( cúng bánh ), như ông bà mình còn sống vậy.
Lúc xưa còn ngoài quê, có lệ phải khi nào đình làng rước Thành-Hoàng Bổn Xứ rồi, thì nhà dân mới được rước ông bà ( chúng ta bây giờ ở phố không biết đình làng ở đâu nữa mà chờ )
Tổ tiên ta rất có trật tự trên dưới trước sau, dù rằng đã chết hay còn sống. Thành Hoàng là các vị tiền hiền đã lập nên làng – xã hoặc các vị có công với dân, với nước nên phải được rước trước về ăn tết.
Có nhiều người hay mặc cảm ta là nước nhỏ, tập tục -văn hoá của ta giống hệt người Hoa, chúng ta làm gì có văn hoá riêng trong ngày Tết.
Xin thưa ! Không phải vậy, nước ta dân tộc ta tuy nhỏ hơn và ở gần người Hoa – Trung Quốc và bị đô hộ ngàn năm ( theo sử sách ), nhưng vẫn có bản sắc riêng của mình, đồng thời cũng có nhiều giao lưu học tập người Hoa. Tôi xin nêu vài ví dụ sau đây vào ngày Tết:
- Ngày Tết, cách cúng ông bà của ta và người Hoa khác nhau: người Hoa cúng 30 và mồng 2 xong; người Việt sau khi rước ông bà xong suốt ba ngày tết bàn thờ phải nhang khói liên tục và cúng kính hằng ngày…
- Bánh mứt cúng Tết khác nhau, người Hoa không có bánh tét, bánh chưng.
- Và tôi nghĩ chắc trên thế giới nầy chỉ có dân Việt mới có tập tục ngày Tết và bánh tét, bánh chưng ngày Tết.
- Các món tré (Huế), bì (Bình Định), thịt thưng để cuốn bánh trong ba ngày Tết của riêng người Việt.
- Phân biệt ngày nào đi thăm viếng ai: mồng 1 Tết cha, mồng 2 Tết mẹ, mồng 3 Tết thầy.
Mỗi dân tộc có những bản sắc văn hoá riêng của mình thể hiện trong sinh hoạt đời sống, trong cách ăn mặc…và nhất là ngày Tết.
Gần Tết, miên man nhớ những năm Tết khi còn nhỏ, những trò bầu cua cá cọp, bài chòi ngoài quê, mới đây mà thật xa …
Ngô Thành Hùng
Số lần đọc: 5861
Tùy bút
Được lắm Ông bạn à!Mình nghĩ Ông bạn mình thích hợp với thể loại và đề tài này.Mong Ông bạn tiếp tục.
HML
Nhớ đâu viết đó,loại văn nói ấy mà.
Tao nhớ gì viết vậy,tết nầy có kế hoạch về quê ?Thấy lòng cứ nhớ mông lung là bắt đầu già đó Lệ.Nhưng có gì đâu, hết trẻ rồi già chứ sao.
Vớ đâu nói đó
cả Đông Nam Á là có tục lệ tết mà chú. Chú nói mỗi Việt Nam mới có là sai rồi. Cô giáo cháu mà đọc thì cười chít đo 🙁