Trang sinh hoạt của Cựu Giáo Sư và Học Sinh trường Trung Học Cường Đễ Qui Nhơn

Nhảy tàu

(Hai chữ   “nhảy tàu” trong bài thơ Thơ cuối năm cho người tuổi tuất của anh Trần Viết Dũng đã gợi nhớ trong tôi)

Tự nhiên có hôm cô nhớ bạn. Cô quyết định nhảy tàu về quê thăm bạn. Nhảy tàu, hai tiếng ấy nghe vừa dễ thương lại cũng vừa chua xót. Cô không mua được vé và vì thế cô phải nhảy tàu. Cô ra ga BìnhTriệu chờ chuyến xe lửa đến từ ga Sài Gòn, ở trung tâm thành phố. Không biết vì lý do gì, ga dời về chỗ mới nhưng tàu thì phát xuất từ ga cũ. Và những kẻ kiếm sống bằng nghề giữ chỗ thì đã ngồi chiếm chỗ từ ga cũ, để bán lại chỗ ngồi khi tàu đến ga mới cho những người không mua được vé tàu như cô.
  

Vì không có vé nên cô không thể lên ngay cửa toa được mà phải vào toa bằng đường cửa sổ. Cửa sổ toa tàu rất cao so với mặt đất. Cô thì có tí nị làm sao mà vói tới. Cô đang bối rối để tìm cách leo lên thì bất ngờ có hai cô cậu khoảng trên dưới mười tuổi đến hỏi: “Chị ơi, chị có muốn tụi em nâng chị lên không? Năm đồng thôi“. Với vẻ mặt nghi ngờ, cô hỏi: “Nâng lên bằng cách nào hả em?“. Hai nhóc cười hì hì: “Trời ơi! Nghề của tụi em mà chị. Chị đồng ý là xong ngay“. Cô gật đầu như bắt được vàng. Cô đưa cho hai đứa 5 đồng. Hai đứa hỏi: “Chị sẵn sàng chưa? Tụi em nâng chị lên“. Và thế là cô được nâng lên từ bốn bàn tay nhỏ nhắn của hai nhóc tì. Tay cô níu vào thành cửa sổ, hai nhóc tì thì bấu vào mông cô, đẩy cô lên bằng một thao tác nhanh gọn. Cả thân hình cô lộn nhào trong lòng toa. Rồi thì những bao gạo, bao đậu, bao đường, bao bột đựng trong những bao bố Đại Hàn thi nhau đè lên người cô. Cô sợ quá, mặt mày hớt ha hớt hải, nước mắt chạy quanh. Không phải vì đau mà vì tủi thân. Dáo dác vừa tìm được chỗ ngồi thì lại một bất ngờ nữa; một thằng nhóc khác ngả giá với cô: “Em bán lại chỗ này cho chị năm đồng“. Lại năm đồng, hình như con số này may mắn hay sao mà được các cô cậu lấy làm tiêu chuẩn ra giá. Cô bằng lòng và thế là cô có một chỗ ngồi. May mắn cô được ngồi gần cửa sổ. Ở đó cô có thể dõi mắt ra bên ngoài để ngắm những hàng cây hai bên đường, những luống ruộng nhạt nhòa trong buổi sớm mai. Nhìn nắng chiều vương trên những ngọn cây, ngập ngừng như chưa muốn đi vội. Thiên nhiên luôn cho cô cảm giác dịu êm. Cô thấy lòng nhẹ nhõm. Cô vừa trải qua một trận chiến mà cô không định tham gia. Trận chiến đã làm cô sụt sùi nước mắt.

Trong khi chờ tàu khởi hành, cô mông lung xa vắng nhìn qua cửa sổ. Những cô cậu thanh thiếu niên chạy ngược chạy xuôi nâng đỡ khách nhảy tàu giống như cô; nói cười, mặc cả, râm rang một góc trời. Lâu lâu nghe một cái huỵch, quay lại cô thấy một người vừa được ném vào. Cứ thế rồi toa cũng đầy người. Kẻ đứng người ngồi; trên ghế, dưới lòng toa la liệt khắp nơi. Những bao tải Đại Hàn chứa thực phẩm trong ấy, trong chớp nhoáng đã được các bạn hàng thu nhặt nhét lẹ dưới ghế. Lần đầu tiên cô đi tàu bằng cách nhảy tàu nên cô bắt gặp những cảnh tượng kỳ quặc quá. Cô cũng từng nghe mẹ cô kể về những chuyện như thế nhưng cô không hình dung ra được. Tự nhiên cô nghĩ đến mẹ cô, thấy thương bà nhiều hơn. Cô bắt đầu nhận thấy rằng chỉ khi nào mình có những kinh nghiệm đau thương thì mình mới hiểu được những đau thương của kẻ khác.

Đời sống quá khó khăn cho tất cả mọi người. Cô cũng không ngoại lệ. Cô bắt đầu co người lại vào trong góc và chờ đợi điều gì sẽ đến khi ông soát vé hỏi cô. Cô có nghe mẹ cô nói là cô cứ lên tàu rồi mua vé phạt, trả tiền gấp đôi thì mọi việc đâu vào đó. Nhưng lòng cô lo lắng, sợ sệt vô cùng. Biết đâu với mẹ cô thì dễ vì bà đi buôn chuyến thường xuyên, bà quen ông soát vé. Còn cô?. Cô ngồi không yên, hết nhìn trước lại nhìn sau như tìm kiếm một điều gì để cảm thấy an tâm hơn. Bất ngờ có một chị trông không lớn tuổi hơn cô mấy, nhưng có vẻ dạn dày hơn, đến ngồi bên cạnh cô. Cô làm dạn hỏi thăm, mới biết là chị đi buôn hàng chuyến. Rồi những câu chuyện xã giao qua lại giữa cô với người đồng hành mới quen cũng làm cô thấy dễ chịu và an tâm hơn. Cô nói: “Chị ơi, em không có vé, lát nữa họ soát vé thì em trả lời sao?“. Người quen mới trấn an cô: “Em đừng lo, chị đi ra đi vào trên chuyến tàu này như đi chợ, nên chị quen với ông soát vé, chị sẽ nói giúp em“. Rồi chị tiếp” “Chị cũng có mua được vé đâu em. Có khi nào đến lượt mình mà người bán vé nói còn vé đâu. Mà chờ mua cho được cái vé thì buôn bán như chị làm sao mà đi lại được, rồi lấy gì mà kiếm chút đỉnh tiền nuôi con hả em?“.

Từ nãy đến giờ cô quan sát và thấy sao những người đi buôn giỏi quá. Họ nhanh nhẹn, tay chân nhịp nhàng với nhau. Miệng nói tay làm, chân chạy thoăn thoắt. Xong đâu vào đó họ tìm chỗ ngồi, nói cười rôm rả. Cô tự hỏi: “Nếu mà là cô thì cô có còn đủ sức để cười nói như họ không?“. Rồi cô thắc mắc, làm sao lát nữa họ nhận ra bao nào là của họ, rồi họ xuống ga bằng cách nào? Có khi nào mất sạch vốn liếng hay không? Có quá nhiều câu hỏi trong cái đầu còn non nớt của cô. Cô ngó ra cửa sổ, lòng xót xa. Bầu trời bỗng tối đen. Những hạt mưa bắt đầu rơi. Cô đưa tay ra hứng, tìm chút mát dịu của trời đất thổi vào hồn. Cơn nóng mùa hạ dịu đi. Nhưng trong toa một mùi nồng nặc bắt đầu lan tỏa. Mùi mồ hôi, mùi hơi đất, mùi suy tư quyện vào nhau làm cô thấy khó thở. Cô choáng váng, xây xẩm. Chị ngồi bên cạnh thấy được, móc trong túi ra hũ dầu cù là hiệu Con cọp, vén áo cô lên, thoa cả lưng cô, rồi cạo gió cho cô, lo cho cô từng ly từng tí. Cô tỉnh người sau đó vài phút. Cô cảm thấy một điều gì đấy thấm qua hồn cô. Bàn tay này, đã chai lì với việc bán buôn, đã chai lì với khó khăn của cuộc sống, sao có thể dịu dàng và mềm mại đến thế! Có phải vì tình người trong chị vẫn thiết tha! Cô cảm thấy ấm áp lạ thường. Cô thường nhận ra những cảm nhận như thế và cô gọi đó là những hạnh phúc tình cờ.

Khi thấy người soát vé xuất hiện và hỏi vé những người ngồi đối diện với cô. Tim cô bắt đầu đập mạnh, tay cô ướt đẩm mồ hôi. Cô nhanh chóng tưởng tượng ra một câu chuyện nào đấy thật thương tâm; nào là mẹ bệnh nặng, ba không khỏe, em út bơ vơ…Ôi thôi đủ thứ trong cái đầu nhỏ xíu của cô. Cô nghĩ lý do của cô phải thương tâm ghê lắm thì nó mới động lòng người soát vé. Đang miên man suy nghĩ thì bất ngờ anh soát vé hỏi: “Cô này, vé đâu?“. Cô nhìn anh như cầu cứu, miệng ấp a, ấp úng không nói nên lời. Bao nhiêu lý do thương tâm không cánh mà bay. Cô líu lưỡi, một chữ cũng không ra. Cuối cùng thì cô nói: “Dạ, em không có vé“. “Không có vé. Đi cọp hả?”, anh soát vé lớn tiếng. “Dạ, em mua vé không có, nhưng nghe mẹ nói là lên được tàu rồi thì người ta sẽ bán vé phạt, trả tiền gấp đôi. Anh làm ơn bán cho em vé phạt“. Đang run quá vậy, sao tự dưng cô nói một hơi không ngừng nghỉ. Nhìn vẻ mặt anh soát vé, cô thấy không xong, cô bấm vào chị ngồi bên cạnh và ra dấu cầu cứu. Chị quay qua ông soát vé mỉm cười với anh và nói: “Anh thông cảm cho em nó, mẹ nó bệnh nặng, nó muốn về thăm nhưng không mua vé được, anh bán vé phạt cho em nó đi mà!“. Không biết vì chị quen anh hay anh nghe mẹ cô bị bệnh mà anh mủi lòng. Anh gằn giọng: “Thôi được rồi, lần này tui bỏ qua, lần sau là không được đâu đó, nhớ chưa? Mà cô xuống ga nào?“. Năm chữ: “Mà cô xuống ga nào?” thoát ra từ miệng anh với một âm vực thật thấp và ấm làm cô không còn sợ nữa. Chắc ai cũng có một bà mẹ tuyệt vời để mà nghĩ về chăng? Cô nghe lòng mình reo vui: “Dạ, em xuống ga Diêu Trì”.

Buổi tối cô nằm dài dưới sàn tàu, chân dũi, cái đầu thì ló ra ngoài lối đi. Hành khách cứ phải tránh cô hoài, nhưng hình như ai cũng có cùng hoàn cảnh nên chẳng ai la rầy cô. Đôi lần có bàn chân ai vô tình dẫm phải lên tay, lên tóc cô. Vậy mà cô cũng đã có một giấc ngủ ngon lành. Mệt quá chăng! Đến ga Diêu Trì, như muốn trả ơn chị đồng hành đã nói giúp cô với anh soát vé, cô tình nguyện giúp chị khiêng những bao thực phẩm xuống tàu. Cô nói lời cảm ơn chị. Chi thản nhiên trả lời:  “Chuyện nhỏ mà, có gì mà em cảm ơn“. Chị ấy đâu biết rằng chuyện nhỏ của chị là chuyện lớn của cô? Chắc chị không có thì giờ để đầu óc vẫn vơ nhớ tới chuyện vừa qua. Chị còn có khối việc phải lo. Lo sợ bị bắt, lo sợ không bán được hàng, lo sợ đủ thứ. Rồi con chị, chồng chị đang chờ chị ở nhà…Chừng đó chuyện đã lấy hết thì giờ của chị rồi còn gì, đã lấy hết sức lực của chị rồi còn đâu! Cô bước ra khỏi ga mà lòng thì chùng xuống. Chân bước đi mà lòng như bỏ lại trong toa tàu. Khuôn mặt ấy, cảnh tượng ấy làm sao ra khỏi đầu cô. Làm sao? Mặt đất dưới chân và bầu trời trên cao. Cô như đang chao lượng trong một không gian vô cùng tận!

Về thăm bạn được hai hôm, rồi cô cũng phải nhảy tàu mà trở lại Sài Gòn để kịp đi học vào sáng thứ hai. Lần này cô tự tin hơn vì có kinh nghiệm chút ít từ chuyến về. Không như chuyến về phải leo qua cửa sổ, cô chen lên ngay tại cửa toa. May mắn cô tìm được một chỗ ngồi. Đối diện cô là một chú bộ đội. Cô nghĩ đó là chú bộ đội vì chú mặc bộ đồ màu xanh và đội nón cối. Cũng như chuyến về, cô cũng lân la bắt chuyện và làm quen. Rôi cô cũng kể lể lý do sao cô đi về thăm nhà lần này mà không có vé. Cô cũng lo lắm. Cô nói với chú, lần về Quy Nhơn cách đây hai ngày, cô cũng không có vé, nhưng anh bán vé dễ thương, la cô chút xíu thôi, chứ rồi sau đó bán vé phạt. Cô hy vọng lần này cũng thế!

Cũng như lần trước, ông soát vé đến và hỏi: “Cô kia, vé đâu?“. Ông soát vé lần này trông lớn tuổi. Đôi chân mày rậm đen. Đôi con mắt có vẻ khó chịu. Giọng nói dễ làm người khác sợ sệt. Cô bắt đầu thấy run. Cô trả lời: “Dạ, cháu không có vé, chú bán vé phạt cho cháu, giá nào cháu cũng chịu”. Ôi chao ! Cô lầm rồi, không có kinh nghiệm nào giống kinh nghiệm nào cả. Ông soát vé mắt trợn ngược và lớn tiếng với cô: “Không có vé thì đi xuống, không bán vé phạt, cô nghe rõ chưa?“. Tiếng bánh xe lửa đang kẻo kẹt dưới lòng đường có nghe lòng cô đang lo sợ ? Gió rít từng cơn khi tàu càng lúc chạy càng nhanh có nghe lòng cô lo lắng ?. “Xuống tàu? Mà xuống ở đâu? Ga nào? “ Cô bắt đầu khóc và năn nỉ ông soát vé tha cho cô, cô hứa không có lần sau. Ông, với cái mặt tình bơ không chút gì là thông cảm cho nỗi sợ của cô, phán một câu xanh rờn “Tui sẽ ném cô ra khỏi cửa sổ đó, cô nghe chưa? Cô tưởng cô đi cọp dễ lắm hả?“. Lần này thì trái tim cô muốn rớt ra ngoài. Tay chân cô run lẩy bẩy, nước mắt ràn rụa. Sau khi nói thế với cô, ông bỏ đi. Còn cô thì cứ ngồi khóc không biết rồi chuyện gì sẽ xảy ra cho cô.

Khoảng một tiếng đồng hồ sau, ông quay trở lại; cũng với giọng điệu dữ dằn ấy đòi ném cô qua cửa sổ. Bất ngờ, chú bộ đội ngồi đối diện đứng phắt dậy và nói như quát vào mặt ông: “Không phải là chuyện của tôi nên tôi không muốn chen vào, nhưng tôi thấy ông quá lắm. Sao lại hăm doạ một cô bé với những lời lẽ dễ sợ như thế này. Tôi biết cô không có vé là sai nhưng vì điều kiện mua vé khó khăn, vả lại cô vể quê thăm mẹ bị bệnh mà. Ông thông cảm bán vé phạt cho cô đi.” Không biết lần này ông soát vé nể chú bộ đội hay cũng vì mủi lòng khi nghe lý do mẹ cô bệnh như chuyến về? Sao chị buôn bán và chú bộ đội cùng nói với người soát vé lý do giống nhau? Thật lạ lùng! Ông soát vé như mềm xuống và nói: “Tôi bán vé cho cô tới Nha Trang thôi, cô phải xuống ga Nha Trang, cô nghe chưa?. Cô lí nhí:  “Dạ, chú bán tới ga nào cũng được, cảm ơn chú”. Cô nhìn chú bộ đội với đôi mắt biết ơn và không quên nói lời cảm ơn. Chị buôn bán và chú bộ đội. Trong cuộc đời cô, sao cô toàn gặp những người tốt rất tình cờ! Tình cờ như cô đã đến thế giới này.

Cầm cái vé phạt trên tay chỉ tới ga Nha Trang, cô vừa mừng vừa lo. Rồi đến Nha Trang, cô sẽ như thế nào? Ông soát vé có trở lại để ném cô xuống ở ga Nha Trang? Trong cô nỗi sợ cứ hành hạ cô. Cô không thấy đói. Cô chỉ biết lo. Chú bộ đội mời cô miếng cơm vắt với muối mè. Cô thích cơm vắt và cô ăn một cách ngon lành, không do dự. Rồi những mẫu chuyện qua về giữa cô và chú bộ đội có dịp lại tuôn trào. Tàu đến ga Nha Trang, cô chờ đợi ông soát vé trong nỗi lo. Tàu ngừng để lấy khách rồi tàu lăn bánh, cô không thấy ông soát vé trở lại. Ông đã không quay trở lại chỗ cô thêm lần nào nữa. Không biết là ông tội nghiệp cô hay ông quên làm nhiệm vụ. Nào ai biết!

Lần này cô không được nằm dưới lòng sàn. Chỉ được ngồi thôi. Cô đâu ngờ ngồi ghế gỗ đau mông như thế. Cô cứ nghiêng người, đổi hết mông bên trái rồi qua mông bên phải. Riết rồi hai cái mông đau quá. Cô ngồi chồm hổm luôn. Cô đâu ngờ rằng chú bộ đội ngồi đối diện quan sát cô tỉ mỉ, không bỏ qua một cử động nào của cô. Bất ngờ chú hỏi: “Cô ngồi không quen hả, ê mông lắm phải không? Lần sau có đi thì nhớ mang theo cái gối con“. Cô đỏ mặt. Cô đang ở cái tuổi như hoa mắc cỡ, chuyện gì cũng làm cô mắc cỡ và nóng rang hai bên má!

Tàu chạy đến ga Mường Mán, nó dừng lại một lát. Cô nghe tiếng rao hàng lanh lãnh. Nhưng mệt quá, cô thiếp ngủ lúc nào không hay. Mở mắt ra tàu đã gần tới ga Bình Triệu. Cô cảm ơn chú bộ đội đồng hành. Cô nhớ đến chị hành khách của chuyến về. Những tình cảm giữa con người với con người. Lòng nhiệt tình của họ luôn cho cô niềm tin bước vào đời. Và đó là hành trang mà cô mang theo suốt đời để những khi vấp ngã, cô biết gượng dậy đứng lên.

Một chuyến nhảy tàu, không thể nào quên được!

Nguyễn Kim Tiến
19 tháng 2 năm 2010

     

   Số lần đọc: 2408

2 BÌNH LUẬN

  1. Đi tàu thời bao cấp
    Thời bao cấp nhảy tàu về quê
    Mong mua vé ư chẳng nẻo về
    Ngủ chực ngủ chờ phòng bán vé
    Ngủ đợi ngủ mong dài lê thê

    Vé bán dăm ba đã hết rồi
    Cái quyền phân phối chuyện trời ơi
    Mặc kệ xếp hàng canh chờ chực
    Đợi chờ mua vé mất công toi

    Đi tàu thời ấy khiếp hãi hùng
    Tàu như cục đường khách bu chung
    Cửa sổ, trần toa, đường lên xuống
    Lên tàu chỉ có đứng một chân

    Ghế gỗ đường đi nghẽn đặc người
    Ngăn xếp hành lý nhét người thôi
    Dưới ghế, dưới gầm người ken cứng
    Rút chân lên đặt xuống “không rồi”

    Ăn đường nằm ga chuyện vẫn thường
    Thân xác tạ tàn đến thảm thương
    Lên xuống năm bảy đoàn tàu khác
    May mà còn trở lại quê hương

    Hơn sáu trăm cây số đường đi
    Ba bốn ngày tàu chẳng thấy chi
    Ngủ bờ, ngủ bụi ga cùng khắp
    Đeo tàu chắng biết giống con gì

  2. Một thời đen tối
    Mong rằng tất cả các bạn đừng quên rằng có một thời đen tối như vậy và phải học được gì từ nó…
    Tôi đọc bài Một đêm ở ga Diêu Trì và đã ứa lệ…

BÌNH LUẬN

Vui lòng viết bình luận của bạn
Vui lòng điền tên của bạn ở đây

Bài Cùng Tác Giả