Một góc Quy Hòa (ảnh: Trần Quang Kim)
Lần này về Quy Nhơn tôi lại không ghé thăm trại cùi Quy Hoà được. Cũng có những luyến tiếc ngậm ngùi. Mỗi khi ghé thăm bà con, cứ nghĩ là sẽ ghé chút thôi rồi đi chơi vậy mà có làm được đâu. Khi nào cũng “gặp bữa ở lại ăn với gia đình bác bữa cơm trưa nghe con”, “gặp bữa ở lại ăn với gia đình chị bữa cơm tối nghe em”. Làm sao mà tôi có thể từ chối những lời mời mang nặng tình nghĩa như thế được. Tính một tiếng đồng hồ thăm viếng kéo dài ra cả buổi. Vậy đấy nên tôi chẳng có đủ thì giờ đi những nơi tôi có dư định ghé thăm. Tôi lại bào chữa cho tôi rồi!
Nhưng nhờ vậy mà những kỷ niệm lần đi thăm trại cùi Quy Hoà vào năm tôi học lớp 9 hay lớp 10 lại trở về với tôi. Tự nhiên tôi nhớ lại những hình ảnh của những bác, những chị, những em mà tôi đã có dịp gặp cách đây hơn 35 năm và gần đây nhất là năm 1994 khi tôi về thăm nhà lần thứ hai. Tôi không nhớ hồi nhỏ tôi đi lên đó bằng gì, nhưng tôi nhớ lần ghé thăm 1994 rất rõ. Tôi mê đi xe gắn máy. Chiếc xe gắm máy tôi mượn được từ đứa cháu, bò ì à ì ạch lên cái dốc Quy Hòa cũng đủ làm tôi thích thú. Tôi ngừng lại nhiều lần hai bên đường để xem có chim chim dú dẻ gì không mà sao chẳng thấy. Chuồn chuồn, bươm bướm bay đâu mất tiêu. Càng lúc con người càng lấn chiếm thế giới thiên nhiên hay sao mà những gì của ngày xưa càng mất dần. Sau nhiều năm, cảnh vật có khác xưa. Một chút lưu luyến, bồi hồi trong tôi.
Tôi nhớ lại chuyến đi đầu tiên trong đời, chuyến đi năm tôi 14 hay 15 tuổi. Con đường dẫn vào làng thẳng tắp. Hai bên là hai dãy nhà nho nhỏ với bóng mát che ngang. Có bác ngồi đan lưới, có bác ngồi vá lưới. Các em nhỏ chạy nhảy tung tăng, reo cười thích thú. Chúng ta sẽ không biết đó là làng cùi nếu chúng ta không được giới thiệu trước. Chúng ta chỉ thấy một không khí khác, một không khí êm đềm, không ồn ào náo nhiệt. Một không khí trong lành và nên thơ. Chính vì biết trước nên tôi tò mò nhìn vào đôi bàn tay, đôi bàn chân của họ. Tôi tò mò nhìn vào mắt, môi họ. Tôi làm họ khó chịu chăng? Dù thế, tôi vẫn cảm nhận được không khí khác xa với nơi tôi ở. Thật vậy, có lẽ đời sống và những đòi hỏi tiện nghị đơn sơ quá chăng? Hay nó nằm sâu và ngoài tầm tay mặc cả của đời sống vật chất luôn vật lộn với đời thường? Hay đó là một đời sống cam chịu với những cơn đau; cơn đau bên ngoài và cả cơn đau tâm linh. Có phải họ cảm nhận một sự từ chối từ bên ngoài của cùng nòi giống? Có phải?
Dưới cái nắng chói chang cùng những tiếng sóng rì rào, tiếng ru của những hàng dương như rót vào tai mời gọi. Bãi cát trắng mịn, dài. Những triền núi thoai thoải như muốn níu chân tôi. Tôi nhớ như in làn nước mát, trong, xanh biếc hôn lên làn cát mặn mà! Tôi lắng nghe tiếng chim hót. Tôi nếm vị mặn của làn gió biển. Tôi ngửi mùi rong rêu. Tôi sờ vào những trái thông khô rơi vươn vải trên đường. Tôi mở đôi mắt thật to để thu vào tim cho trọn những hình ảnh đáng yêu. Tôi dang đôi tay để ôm gió vào lòng. Làn mây bay trên đầu và sóng động dưới chân.
Tôi hăm hở nhảy ùm xuống nước trong bộ quần áo thường mặc của ngày. Có phải vì bộ quần áo của tôi không phải là đồ tắm biển để chịu đựng độ mặn của biển hay tại cái quần của tôi đã sờn vì mài mãi ở những bật thềm xi măng mà khi lên bờ, cái quần rách một đường sau mông. Bạn bè phát hiện, thế là cả buổi, tôi ngậm mình dưới nước. Niềm vui cũng vội đi qua nhường chỗ cho những lo âu. Tôi mắc cỡ ghê quá, nhưng cuối ngày cũng phải ra khỏi nước mà về. Bạn bè, che, đậy, đủ kiểu. Từ đó tôi không dám xuống biển ngậm mình với bộ đồ vải thường nữa. Một kinh nghiệm nhớ đời!
Tôi nhớ nhất là ngôi nhà nguyện, nhỏ nhắn nằm ở một góc làng. Bước vào trong, nhìn những hàng ghế nằm im lìm, nhìn tượng chúa Giê Su trên cao, lòng thấy bình yên. Tôi có thể hiểu vì sao những người nơi đây cần có một điểm tưạ tâm linh. Khi chúng ta cùng đường và bất lực, chúng ta cầu xin, cầu xin ơn trên che chở ban phước lành cho chúng ta. Tôi đã từng như thế trong đời. Nhà nguyện có lối vào nhỏ với những khóm hoa và cây cảnh làm thêm sắc màu. Một khuôn viên nhỏ nhắn nhưng đậm đà tình thương.
Rồi biến cố mùa Xuân đến, một trận ghẻ nước lan tràn. Tôi ngứa cả người, những hột nước nổi dày cộm khắp người, làm tôi như điên, như dại cả năm trời. Lạ lùng là những cơn đau, cơn ngứa thường dữ dội về đêm. Hình như khi đêm về, mình lắng nghe mình nhiều hơn chăng? Tôi lo sợ và cũng chính lần bị ghẻ này làm tôi lại nhớ đến lần tôi tắm biển ở Quy Hoà. Tôi nghĩ dại hay là hồi đó tôi đi tắm biển hay đi thăm trại vô tình tôi bị lây bệnh. Kiến thức ít, tuổi đời nhỏ, tôi lo sợ ngày đêm mà không dám tỏ bày cùng ai. Những mụt ngứa nằm giữa những kẻ ngón chân, những kẻ ngón tay làm tôi khổ sở một thời và chắc hẳn ai trong chúng ta nếu lớn lên trong thời gian ấy cũng một lần bước qua cảnh ghẻ lở này? Không biết vì thời đó thiếu đủ thứ, thiếu xà phòng, thiếu vệ sinh, thiếu dinh dưỡng mà sinh ra ghẻ? Tôi nhớ, tôi cà than ra thành bột làm kem đánh răng nên bây giờ hai hàm răng tôi bị ăn mòn bởi sự cọ xát của bột than. Tôi nhớ tôi hì hà hì hục làm xà phòng. Tôi tự chế biến đủ thứ để duy trì vệ sinh tối thiểu nên tôi chưa bao giờ sợ thất nghiệp!
Trở lại bệnh ghẻ của tôi. Tôi bôi đủ thuốc mà không bớt. Gãi tới đâu thì lan ra tới đó, gãi riết da dẻ dày cộm. Hai bên hông như hai dề cơm khê. Hai ống điếu của tôi như hai bàn mài. Cũng may sao mụt ghẻ lại thương tình không lây lên mặt chứ không là tôi đã rỗ chằng rỗ chịt rồi. Thật tình mà nói, tôi không biết vì sao nó lặn và hết ngưá. Tôi không biết nhờ vào thuốc gì, vì tôi xức lung tung, đủ thứ, ai bày gì cũng xức. Hay nó hành hạ tôi lâu quá, nó mệt, nó bỏ cuộc chăng. Nhưng sau khi nó ra đi nó không quên để lại những vết thâm đen. Hai ống điếu thâm đen như hai cột nhà cháy và hai bên hông như hai dề cơm cháy. Kể từ đó, tôi không dám đi tắm biển nữa, sợ quê, sợ dị. Và không bao lâu sau, tôi lại phải xa biển của tôi. Xa lần này là xa tít mù khơi. Xa lâu đến nỗi mà khi tôi quay trở lại thì những vết thẹo cũng đã không còn. Mất đến 10 năm, một thời gian quá dài để những vết thẹo lại lành. Nhưng đó là những vết thẹo ngoài da, còn những vết thẹo trong tâm hồn thì biết bao giờ!
Sau 10 năm về thăm nhà, tôi lại được bơi lội trong làn nước mát năm xưa. Hết mắc cỡ vì những vết sẹo. Hết sợ quần rách vì vải mục. Hết sợ bị cùi vì tôi được đọc thêm nhiều thông tin về bệnh này. Trong nhiều năm, tôi tham gia đóng góp cho những hội đoàn thiện nguyện về nước giúp đỡ những làng cùi ở quê hương. Kiến thức và tình thương đã giúp tôi thương xót những mãnh đời hơn. Tôi không còn sợ nữa. Tôi hay nghĩ đến họ, cũng hay thắc mắc về đời sống của họ. Tôi biết là tôi muốn tận mắt nhìn thấy họ trở lại, nhìn rõ hơn và nhìn thật lâu để thông cảm họ nhiều hơn.
Không biết giờ đây cảnh vật có thay đổi gì nhiều không? Những con đường, nhà cửa có tiêu điều bởi thời gian? Và dân số có tăng lên? Với những thông tin tốt hơn và chúng ta hiểu biết về bệnh tật đúng đắn hơn sẽ làm cho họ cảm thấy dễ chịu hơn. Họ sẽ bớt cảm thấy bị hắt hủi, xa lánh. Tôi muốn lần về thăm nhà tới, tôi sẽ ghé thăm, trước tiên, là trại cùi Quy Hoà, nơi đã từng cho tôi những cảm giác êm đềm, thơ mộng lẫn sợ hãi!
Đọc càng nhiều, tuổi càng nhiều tôi hiểu thêm rằng con người và vũ trụ có những tương quan mật thiết với nhau. Thủy triều lên xuống theo con trăng và những cơn đau tâm sinh lý của con người cũng thế, theo từng con nước xuống lên. Ánh trăng rọi sáng trên bãi cát dài, nhả những sợi trăng vằng vặc trên từng hàng dương đang reo với gió. Ánh trăng đã một thời làm Hàn Mặc Tử cuồng điên với những vần thơ. Người ta bảo thơ ông là thơ điên. Thật vậy, những cơn điên nội tâm đã xé nát mãnh hồn ông để mạch thơ đời chảy mãi đến tận ngàn sau.
Mộ Hàn Mặc Tử (ảnh KXH)
Nhân đọc những bài viết tưởng nhớ về ngày qua đời của ông, nhắc nhớ về những vần thơ tình lãng mạn, điên dại, cuồng si của ông, tôi nhớ đến một đoạn đời của tôi. Tôi nhớ đến những kỷ niệm tôi có trong đời, ở nơi ông ở, ở nơi ông làm thơ và ở nơi ông chết.
Tôi không bao giờ để ý tới cho đến hôm nay, lòng như muốn ngỏ. Tôi muốn nói lời cảm ơn ông, cảm ơn ông đã cho cuộc đời những vần thơ dịu vợi, những vần thơ mà khi đọc lên chúng ta phải đau từng cơn như ông đã từng đau. Tôi xin đau cái đau của ông và xin cảm ơn ông.
Nguyễn Kim Tiến
11 tháng 11 năm 2010
Số lần đọc: 3928
RE: Trại cùi Qui Hoà
Kim Tiến viết hay quá .Những kỷ niệm được thể hiện qua lời văn đọc vừa vui và cũng vừa có chút gì đó chua xót , cay đắng .
Chúc vui !
RE: Trại cùi Quy Hoà
Bài viết hay, vui. Tấm hình,dù chỉ 1 góc Qui Hòa nhưng thấy trọn bãi biển, nhà thờ và làm tôi nhớ đến: xa bên phải là làng dân cư có cả ruộng lúa; xa bên trái tấm hình là ghềnh đá lúc nào cũng có bọt trắng của nước biển .
Cảm ơn bạn Kim Tiến và Trần Quang Kim!
RE: Trại cùi Quy Hoà
Kim Tien co tri nho tot thiet. Bai viet qua hay nhung no lam cho anh Doi than tho ca buoi sang. Ngay xua thanh sinh cong bon anh cung co vao sinh hoat o Qui Hoa. Nho tieng nguoi noi tan man. Nho tieng thong reo nhe nhe cung voi tienh song bien cua Tien. Nho lam. Nho den tung mach mau, tung tho thit. Bai cua tien lam kho anh Doi qua di. A moi o Loc cung tac gia tuan toi di Que Nha an trua duoc khong?
RE: Trại cùi Quy Hoà
Những kỉ niệm của một thời thật khó quên. Bài viết đầy cảm xúc nhưng vẫn có nét tinh nghịch của cô bé học trò ngày xưa.
RE: Trại cùi Quy Hoà
Nếu là dân Qui Nhơn chắc ai cũng có ít nhất 1 lần đến thăm Trại cùi Quy Hoà. Ngày xưa tôi cũng đến đây chơi và giống như Kim Tiến đã từng sợ bị lây bệnh. Sau nầy khi về thăm lại Qui Nhơn tôi cũng có đến Qui Hòa để xem lại cảnh xưa.
RE: Trại cùi Quy Hoà
Đọc bài “Trại cùi Quy Hòa” của Kim Tiến thật vui với những kỷ niệm tuổi thơ ấu của chúng mình ở Qui Nhơn, hầu như bạn nào cũng có đi thăm bệnh nhân ở đó cả, và cũng đầy thương cảm khi nghỉ đến biết bao giờ căn bệnh này được chữa hết dứt điểm , thật xót xa!!!, cám ơn KT bài viết rất linh động. Chúc KT vui nhiều.
RE: Trại cùi Quy Hoà
Những dấu yêu ngây ngô của thời tuổi nhỏ luôn ở trong ta đến một lúc nào đấy nó không để ta yên, nó bắt ta khai ra với bạn bè dù ngày xưa ta muốn giấu nó, che đậy nó…thế có lạ lùng không? Những kỷ niệm dù buồn hay vui, nó là một phần của đời sống ta.
Một chút dí dõm trong bài viết để làm nhẹ bớt cơn đau cảm nhận. Cho mình cảm ơn các bạn đã đọc và chia sẻ với mình. KT
RE: Trại cùi Quy Hoà
Cảm ơn tấm hình của anh TQK. Mình có cảm tưởng như anh Kimm lấy bức tranh này từ trong đầu mình ra vậy. Là nó đấy. Mình có thể thấy rất rõ mình đang ngâm mình dưới nước vì….Cảm ơn. KT