Trang sinh hoạt của Cựu Giáo Sư và Học Sinh trường Trung Học Cường Đễ Qui Nhơn

Xóm nhỏ

Huỳnh Thị Thùy Hạnh

Năm Trường mười tuổi, bố mẹ từ thị trấn chuyển về thị xã sinh sống. Bác Quý, một người bạn của bố cho mượn căn nhà nhỏ trong một ngõ cụt để bố mẹ ở tạm trong thời gian chờ xây xong nhà mới. Bố mẹ thì muốn “mướn” còn bác Quý thì chỉ muốn cho “mượn” nên cuối cùng là mượn nhưng tháng nào mẹ cũng sai Trường đem quà biếu cho hai bác mà lần nào Trường cũng nghe mẹ dặn đi dặn lại con nhớ thưa là để hai bác dùng lấy thảo. Trường không hiểu “dùng lấy thảo” là gì nhưng lần nào cũng phải nói y chang như vậy và thật ngạc nhiên là mỗi khi nhận quà bác Quý gái cũng đáp y chang một câu chao ôi, mẹ cháu bày vẻ quá. Thôi thì bác xin…

Mới đầu bố mẹ tưởng một ngõ cụt thì mỗi bên chỉ có vài căn nhà nhưng hóa ra sâu bên trong ngõ lại là một khoảng đất rộng có tới mấy chục nóc nhà tạo thành một xóm nhỏ. Xóm nhỏ nhìn chung có vẻ nghèo vì hầu hết dân trong xóm là những người lao động nhưng có điều hơi lạ là những gì diễn ra trong cuộc sống thường nhật của họ thì luôn mang nét hồn nhiên, vui tươi, hăm hở dù cho có thể một vài bà nội trợ chưa biết chiều nay nồi cơm của mình nên độn mì hay trộn bắp để đủ cho gần chục miệng ăn.

Con nít nhiều lắm nên con đường đất nhỏ xíu quanh co trong xóm lúc nào cũng ồn ào nhất là chỗ khoảng đất rộng có hai cây trứng cá cho bóng mát cả ngày.

Đó là nơi lý tưởng để con trai thì bắn bi, tạt lon, đánh đáo con gái thì lò cò, nhảy dây, đánh nẻ tức trò chơi banh đũa…Giờ tụi nhỏ đi học còn đỡ chứ buổi chiều hay ngày chúa nhật thì coi như điếc tai điếc óc. Chẳng ai than phiền vì phần lớn nhà nào cũng có con cháu góp mặt trong cái đám “loi choi” đó nên thôi thì “tụi nhỏ còn chơi đùa là còn khỏe mạnh, khỏi tốn tiền thuốc” hoặc “hơi đâu mà coi chừng tụi nó, hở ra là chạy mất tiêu” vì vậy dường như trong xóm không bao giờ vắng tiếng cười đùa của trẻ con, tuy đôi lúc cũng có cả tiếng kình cãi, khóc lóc xen lẫn giọng điệu hăm he đi về…méc má.

Chỗ có hai cây trứng cá cũng là “điểm hẹn” của đàn ông con trai với ông thợ hớt tóc. Ông ấy tên gì không ai quan tâm vì ai cũng kêu là ông “hớt tóc” và mỗi tháng ông “hớt tóc” ghé xóm một lần. Dựng chiếc xe đạp dựa vô thân cây thứ nhất, ông treo cái gương soi mặt lên thân cây còn lại rồi mở chiếc ghế xếp ra, thế là thành một “hiệu” hớt tóc “dã chiến” của một người thợ có nhiều năm kinh nghiệm. Ngày thường không nói gì nhưng cận Tết thì ông “hớt tóc” tới từ sáng sớm mà mãi tận xế chiều mới hết khách.

Có lần thằng Nghé hớt xong vừa về đến nhà thì bị bà Cốm dẫn trở ra, bà la làng:

-Hớt gì mà như chưa hớt. Tui hỏi anh…

Ông thợ đang cạo mặt cho ông Bảy y tá vội ngừng tay phân bua:

-Tui tính cúp như mọi khi nhưng vừa cầm tông-đơ lên thì nó né, nó nói chỉ muốn cắt sơ sơ cho có nếp thôi. Nó định để dài mai mốt rẻ mái ba bảy.

-Mái ba bảy là sao?

Ông Bảy y tá cười:

-Là tóc chia ra một bên ba một bên bảy. Kiểu rẻ ngôi của người lớn đó mà.

Bà Cốm xua tay:

-Thôi thôi…khỏi ba khỏi bảy. Anh cúp lại cho tui, cúp lại. Cúp ca-rê…

Thằng Nghé dậm chưn dậm cẳng:

-Mẹ ơi, con không cúp ca-rê nữa đâu. Con muốn…

Bà Cốm nạt:

-Muốn gì? Muốn làm cao bồi hả?

Rồi bà quay qua ông thợ hớt tóc hăm:

-Nó về mà tui thấy không ngắn không gọn là tui dẫn ra cho anh hớt lại đó.

Ông thợ hớt tóc lắc đầu rồi thở hắt: năm hết tết đến mà gặp vài cú như vầy chắc tới giao thừa tui mới về tới nhà. Ớn óc!

Giáp hai cây trứng cá là nhà ông Tiêu. Hai ông bà đều đã lớn tuổi, sống đạm bạc với số tiền ít ỏi do cô con gái đi làm ăn xa gửi về. Xóm nhỏ thì làm gì có tên đường hay số nhà nên măng-đa, giây thép hay thư từ gì cũng phải nhờ địa chỉ của một người bà con tên Cảnh.

Đầu tháng 8 khi tới đưa thư và tiền cho ông Tiêu, Cảnh dẫn theo một anh thanh niên, giới thiệu là bạn thân vừa được tuyển vô ngạch thư ký tòa Hành chánh tỉnh. Cảnh nói vì nhà mình đông anh em nên xin ông bà Tiêu cho người bạn tên Bản ở chung trong thời gian chưa thu xếp được nơi ăn chốn ở, tiền nhà hàng tháng phải phụ bao nhiêu anh Bản sẽ gửi kể từ ngày dọn tới.

Thấy anh Bản dáng vẻ thư sinh, ăn mặc chỉnh tề vả lại mỗi tháng có thêm chút tiền tiêu vặt cũng tốt nên ông Tiêu bằng lòng. Những ngày tiếp theo hình như mọi con mắt đều hướng về nhà ông Tiêu hay nói chính xác là hướng về anh Bản. Lời xì xầm to nhỏ, mắt liếc ngang liếc dọc…thôi thì đủ thứ. Cô Lài cháu bà Chín trên quê xuống để đi học may tự nhiên cũng có chút thay đổi. Hồi trước mỗi sáng đi ra tiệm cô bận bộ đồ cũ cũ bước đi nhanh nhanh nhưng nay người ta thấy mỗi ngày cô thay một sắc áo, chân cô bước chầm chậm tay cô cầm vành nón lá nghiêng nghiêng, coi rất điệu đà. Có bà đang đi tạt ngang qua nhà ông Tiêu tự nhiên dừng lại thật lâu, hỏi thì ấp úng một chặp rồi…dạ…dạ tui muốn mượn…mượn…

-Cô muốn mượn gì?

-Dạ…cái chày. Cái chày giã cua.

Bà Tiêu cau mày:

-Không có, có cái chày nhỏ để giã tiêu cô có lấy thì tui đưa.

-Thôi để tui qua nhà bà Cốm mượn. Bữa nay tự nhiên ba tụi nhỏ thèm ăn canh cua đồng nấu rau tập tàng.

Ông Tiêu vén tấm màn trúc ngăn đôi nhà trên nhà dưới:

-Bà ơi, hồi sáng trước khi đi cậu Bản có nói…ủa, cô Bảy ghé có chuyện gì?

-Dạ…dạ…tui tới mượn chày nhưng thôi để tui hỏi bên bà Cốm. À, cái cậu mới dọn tới tên Bản hả? Bà con của bác phải không? Nghe nói làm công chức…

-Bạn của thằng cháu tui chớ có bà con gì đâu, cậu ấy làm việc trong tòa Tỉnh.

Bà Bảy định cù cưa moi thêm thông tin nhưng bà Tiêu như đang đi guốc trong bụng “con mụ” nhiều chuyện này:

-Cua đồng phải giã lúc mấy cái que còn ngo ngoe thì canh mới ngọt nước. Thôi về nhà lo giã cua đi cô Bảy.

Bà Bảy cụt hứng. Đúng là bà già khó ưa.

Vừa bắt nồi canh trên bếp bà Bảy nghe tiếng bà Đắc:

-Chị Bảy ơi, bắt giùm vài con chí, chu cha cả đêm không ngủ được.

Bà Bảy nói vọng lên:

-Chờ chút, tui cào than để lửa riu riu cái đã.

-Nấu gì mà phải để lửa nhỏ?

-Hầm bí đỏ, chiều nay nhà tui ăn canh bí đỏ.

Nấu canh bí đỏ mà đi mượn chày giã cua! Như vậy bà Tiêu tuy già chớ mắt mũi cũng còn tinh lắm. Bà Đắc vừa định xổ búi tóc ra thì nghe tiếng kêu:

-Má ơi, ba về …má ơi…

-Ổng về rồi, thôi để bữa khác tui qua nghe chị Bảy.

Thấy chồng đang dựng xe đạp trước hiên bà Đắc ngạc nhiên:

-Bữa nay sao ông về sớm vậy?

Ông Đắc không nhìn vợ:

-Chiều sao không ở nhà lo cơm nước cho chồng con mà lại te rẹt bên hàng xóm?

-Tui có biết bữa nay ông về sớm đâu.

-Bà đi ngồi lê đôi mách có ngày sinh chuyện thì lúc đó đừng có trách….

-Tui qua kêu bà Bảy bắt chí giùm chớ có làm gì đâu.

Ông Đắc trừng mắt:

-Bắt chí là lúc mấy cái miệng làm việc giỏi nhứt đó. Chuyện gì mà vô tai bà Bảy chỉ một phút sau cả xóm đều biết, đâu phải đương không mà người ta kêu bả là Bảy “loa”… Thôi lo dọn cơm đi, tui ăn sớm để còn đi trực thay cho người bạn bị bệnh.

Trong xóm có nhiều người trùng thứ nên “tên thường gọi” được phân biệt theo nghề nghiệp hoặc đặc điểm của những người có tên giống nhau. Không ai giận hờn bắt bẻ gì về chuyện này vì “có sao kêu vậy” mà.

Cái xóm nhỏ xíu vậy mà có tới ba người đàn ông tên Bảy. Người da đen thui mắt trắng dã được gọi là ông Bảy Chà Và, người chuyên đi thổi kèn đám ma được gọi là ông Bảy Kèn còn người làm nghề chích thuốc theo toa bác sĩ được gọi là ông Bảy Y tá.Mấy bà vợ thì được kêu theo tên chồng, thí dụ bà Bảy Chà-và, bà Bảy Kèn nhưng riêng bà vợ ông Bảy Y tá thì người ta kêu là bà Bảy Loa. Bà Cốm hồi trước có đi làm bồi cho Tây còn biểu mấy người phải kêu bà Bảy Loa là “ma đàm Xết-Ô-Pạc-Lơ” mới đúng mốt. Dĩ nhiên biệt hiệu này dù là bằng thứ tiếng nào thì cũng chỉ nói sau lưng bà Bảy mà thôi vì đâu có ai dại gì muốn nghe bả chửi.

Đó là cánh đàn ông còn phía đàn bà thì có bà Ba Mập vì bà này mập ú, dân trong xóm không biết chồng bà Ba tên gì nhưng đã về xóm này ưng bà Ba thì ổng phải là ông Ba, chỉ thiếu chữ mập do ông này ốm nhom và khi cần phải nói cho rõ thì người ta nói ông Ba chồng bà Ba Mập. Giữa xóm gần chỗ cây phượng có cô Ba Nam Kỳ người “Xì Gòn” mới tới xóm được vài năm. Nghe kể cô Ba Nam kỳ gốc ở Cà Mau, cô mồ côi mẹ khi mới lên chín. Mấy năm sau cha cô tục huyền với một người đàn bà từ xứ khác tới, người này có một đứa con riêng, con nhỏ này thua cô một tuổi nhưng ranh mãnh lắm và hai mẹ con thường xuyên hùa nhau ăn hiếp cô. Hàng xóm thấy cô làm quần quật suốt ngày trong khi con riêng của mụ dì ghẻ nếu không nhởn nhơ đi ăn hàng thì cũng nằm võng ca vọng cổ thì tức lắm nhưng bà mẹ kế hung dữ kia sẵn sàng “cào nhà” những ai dám dính vào chuyện riêng của mình nên ai nấy nín thinh, đành đoạn thực hành câu “đèn nhà ai nấy sáng”. Cô Ba chịu cảnh khốn khổ đọa đày cho tới một ngày kia… và cô đã kể cho mấy bà trong xóm nghe khi vừa dọn tới được vài ngày:

-Bà dì ghẻ qua bên kia sông đánh bạc với mấy tay thương hồ, bả chơi riết tới ngày nọ có ba bốn người đàn ông kéo qua nhà cha tui đòi nợ. Cha tui chết điếng khi nghe nói bả mượn tiền của họ nếu không trả họ sẽ đi thưa cho bả ở tù rồi sau đó tới bắt mấy con trâu coi như xiếc nợ. Bà dì ghẻ năn nỉ họ “nới nới” cho vài tháng để có thời gian kiếm cách trả chớ không dám quịt dù chỉ một đồng. Đám kia trước khi ra về tính toán tiền gốc tiền lãi, tổng cộng không biết bao nhiêu nhưng con số vừa chốt xong cha tui té cái rầm… Bà dì ghẻ giựt tóc mai, xức dầu nhưng ổng vẫn nằm thẳng cẳng. Bà con lối xóm bu đông đen, có người chạy đi kêu ông thầy làm nghề giác hơi cắt lễ tới, lễ cả chục huyệt xong ông thầy bọc một cái hột gà luộc trong một miếng vải rồi chà khắp người cha…cha mới tỉnh lại. Cha khóc, bà dì ghẻ khóc, tui cũng khóc. Mấy ngày sau khi cha đang ngồi ngoài hiên thì có người tới nói ở bên kia sông có ông nhà giàu muốn cưới con gái của cha, tức là tui đó, về làm lẽ. Ông nhà giàu này đã có hai bà vợ nhưng bà cả không sinh được đứa con nào, còn bà hai thì sinh được một đứa con trai nhưng đứa nhỏ chết vì bệnh đậu mùa năm nó vừa tròn bốn tuổi. Những lần tiếp theo dù đã vái tứ phương cũng chỉ ra toàn con gái nên nay ổng muốn kiếm thằng con trai đặng nối giỏi tông đường. Nếu bằng lòng ông nhà giàu sẽ đứng ra trả hết số nợ kia, khỏi phải lo tù tội. Khi hỏi sao biết cha có con gái người này liền cao giọng “thì vợ ông nói chớ ai”. Người này còn cho biết thêm tuy tính ra thì ông nhà giàu kia lớn hơn con gái cha gần 40 tuổi nhưng nhờ ăn toàn đồ bổ nên coi còn phương phi phốp pháp lắm. Cha nghe xong thở dài. Cơm chiều cha không ăn, cha chỉ thở dài…

Tối lại tui nghe bà dì ghẻ nói bằng mọi cách phải biểu tui ưng ông già bên kia sông, bả khóc lóc nghe thảm thiết lắm. Mấy ngày tiếp theo hai mẹ con bà dì ghẻ đối xử với tui thiệt ngọt, tới bữa bả còn gắp đồ ăn cho tui và lần đầu tiên tui thấy con riêng của bả vo gạo bắt nồi lên bếp rồi chu mỏ thổi cả chục hơi, nước mắt nước mũi tèm nhem một hồi lâu củi mới cháy. Ngày đó cả nhà ăn cơm khê với khô cá sặc.

Một bữa đang hái mồng tơi bên bờ giậu tui nghe ông thầy đồ bên kia rào nói với người bạn già lúc hai người ngồi uống rượu gần hòn non bộ: ai đời lại gả con cho ông già tuổi còn hơn cha nó, coi như người giàu bỏ tiền ra mua con gái người ta lúc gia đình gặp nạn chớ cưới gì mà cưới. Rồi ông thầy đồ chép miệng: chẳng lẽ thân phận nó như Kiều của Nguyễn Du, phải bán mình chuộc cha…

Tui nghe như vậy thì lờ mờ hiểu là giờ đây mình đang rơi vô hoàn cảnh éo le như chị Kiều con bác Du, một người quen nào đó của ông thầy đồ. Tui suy nghĩ dữ lắm nhưng suy nghĩ càng lung tui càng tức, chị Kiều bán mình chuộc cha chớ còn tui, mắc mớ gì tui phải bán mình để chuộc …dì ghẻ.

Khuya đó tui trốn đi, tui chạy thục mạng ven theo bờ ruộng cho tới khi nghe tiếng gà gáy thì mới ra tới đường lộ. Gặp xe bò chở hàng ra bến đò tui leo lên, sau đó leo lên xe ngựa…tới khi xe ngựa dừng tui thấy mình ở một nơi có nhiều người đang đứng bên một cái xe to đùng, hỏi thì được biết xe đi lên Sài Gòn. Tui năn nỉ chú phụ xe, kể hoàn cảnh của mình rồi dúi vô tay chú một chút tiền, tui được ngồi băng cuối, một góc chung với mấy bao cá khô. Tui sợ lắm cứ khóc miết, tự hỏi xứ lạ quê người không biết đời mình rồi sẽ đi về đâu. Tới nơi chú phụ xe thương tình dẫn vô quán cơm trong bến cho ăn rồi xin chủ quán cho ở lại phụ việc dọn dẹp, rửa chén bát… Làm ở đó được một năm thì tui xin nghỉ theo con gái bà bán xôi đi làm công cho cơ sở sản xuất nhang đèn. Công việc cực lắm mà còn bị “ma cũ” ăn hiếp nên tháng đầu ngày nào tui cũng khóc nhưng rồi may có chị Mận làm chung che chở nên tui được yên ổn kiếm sống qua ngày. Một hôm chị Mận nói lần này về quê ăn Tết sẽ ở nhà luôn chớ không trở vô nữa, tui xin đi theo vì nếu không có chị Mận thì tui biết nương tựa vô đâu khi tui đã coi chỉ là người thân duy nhất của mình kể từ ngày bỏ nhà ra đi. Nay về xóm này ở với mẹ con chị Mận lại có mấy bác mấy dì đùm bọc tui không còn sợ gì nữa, chỉ ráng làm rồi sống hà tặn hà tiện dành dụm phòng khi hoạn nạn ốm đau…

Nghe kể xong ai cũng thương cảm cho hoàn cảnh của cô Ba Nam Kỳ. Bà Hai Trầu cầm cục thuốc rê chà qua chà lại hàm răng đen: Chuyện này y sì chuyện con Tấm con Cám.

Đối diện cây gòn là nhà ông The góa vợ. Ông The hiền lành ít nói suốt ngày chỉ quanh quẩn trong nhà, cuộc sống buồn thiu tẻ nhạt.Thấy vậy người bạn của ông The nhờ cô con gái đang dạy ở trường Tiểu học Mai Xuân Thưởng xin cho ông The vô thay bác cai già tới tuổi nghỉ hưu.

Ông The đi nhận việc, mấy ngày đầu trong xóm ai cũng mừng vì thấy nét mặt ông có vẻ tươi tỉnh, cởi mở hơn chứ không “cú rụ” như trước. Nhưng chỉ vài ngày sau họ thấy ông buồn buồn, hỏi thì ông chỉ ậm ừ cho qua chuyện. Một hôm bà Chanh mẹ thằng Tèo cắp rổ đi chợ bị ông The chận lại, ông The cho biết có chuyện muốn nói. Bà Chanh hơi ngạc nhiên nhưng không phải chờ lâu vì ông The vô đề ngay:

-Tui muốn chị về dạy thằng con của chị…

Nói tới đó ông The ngưng. Bà Chanh ôn tồn:

-Có chuyện gì anh cứ nói, thằng Tèo có làm gì không phải với anh tui sẽ không tha đâu. Anh ở đây khá lâu đủ để hiểu rõ gia đình tui tuy nghèo nhưng cũng biết trọng lễ nghi đạo lý.

Ông The đằng hắng giọng:

-Ưm…um…chính vì vậy tui mới trực tiếp gặp chị. Số là thằng con chị với mấy đứa bạn của nó kêu tui là ông cai…cai…

-Anh làm cai trường thì học trò kêu ông cai hay bác cai là phải rồi. Tui chưa hiểu ý anh muốn trách móc chuyện gì, thằng con tui …

Ông The đưa mắt nhìn đi chỗ khác, ngắt lời bà Chanh:

-Tụi nó kêu là ông cai hay bác cai thì nói làm chi. Nếu tụi nó kêu ông cai The cũng tốt nhưng…

-Nhưng sao?

Giọng ông The bỗng trở nên run run:

-Tụi nó kêu tui là…là…cai…cai…dù.

Bà Chanh cau mày. Một giây sau bà đỏ mặt rồi lắp bắp:

-Chào anh… tui đi…để tui…để tui về… cho nó một trận.

Bỏ chuyện chợ búa bà Chanh quày quả quay về. Vừa bước chân qua khỏi ngạch cửa bà quăng cái rổ xuống sàn nhà, đưa tay rút cây roi trên nóc tủ rồi kêu to, giọng như muốn đứt quảng:

-Tèo…Tèo…ra đây. Trời ơi! con với cái.

Thằng Tèo trong buồng chạy ra chưa kịp hiểu chuyện gì thì bị chiếc roi mây quất vô mông đau điếng. Nó vặn mình la inh ỏi:

-Mẹ ơi…con có làm gì đâu mà mẹ đánh con. Đau quá mẹ ơi…

Bà Chanh kể lại những gì ông The đã nói lúc nãy. Thằng Tèo một tay quẹt nước mắt một tay xoa xoa mông:

-Con đâu có kêu bác The như vậy.

Bà Chanh trừng mắt:

-Bác The là người hiền lành, lẽ nào bác đặt chuyện. Học đâu cái thói…

Chưa dứt câu bà Chanh quất tiếp. Thằng Tèo nhảy qua một bên tránh đòn:

-Mẹ ơi…đau quá.

-Vậy thì nói đi, tại sao? Tại sao lại có chuyện này?

Thằng Tèo hỉ mũi, sụt sùi:

-Mấy bữa trước tụi con đang chơi trong sân thì bác The đi ngang qua, thấy con chào bác tụi bạn hỏi sao quen con nói ở cùng xóm. Tụi nó hỏi bác đang làm gì sao không làm nữa mà xin vô trường mình làm cai thì con kể bác là lính nhảy dù bị thương nên đã giải ngũ. Thằng Tiến nghe vậy liền nói ông cai cũ tên Túc nên cả trường kêu là bác cai Túc còn ông này mới tới mình chưa biết tên thôi thì ổng từng đi lính dù thì mình kêu là bác cai Dù. Lúc thằng Tiến nói vậy cả bọn cười rồi con đi về trước có biết gì đâu. Thằng Tiến lớn đầu mà cà lắc lắm bị cô giáo la hoài.

Bà Chanh thở dài:

-Để mẹ qua nói cho bác ấy hiểu rồi con cũng phải tới xin lỗi một tiếng cho phải phép. Ngày mai đi học nhớ nói với mấy đứa bạn nếu còn kêu bác ấy như vậy mẹ sẽ đích thân vô trường thưa thầy hiệu trưởng đó. Ba cái đứa học trò…thiệt mệt.

Từ đó nếu có vô tình giáp mặt ông The trong sân trường thằng Tèo (tức trò Tuấn của lớp Ba A) đều giả lơ coi như không thấy. Một lần bị mang họa nó sợ lắm rồi, may là gặp mẹ nó chớ trúng phải tay bố nó thì mấy ngày sau khi ngồi vẫn còn ê mông.

Cuối xóm có gia đình dì Keo, chồng làm thợ hồ vợ bán bánh bèo tuy nghèo nhưng rất hạnh phúc. Trường rất thích ăn bánh của dì, có những buổi chiều mấy anh em ngồi quanh gánh, mỗi đứa cầm một cây gươm nhỏ vót bằng tre chờ dì Keo rắc tôm lên mấy chén bánh nóng hổi. Chan nước mắm, cầm gươm xẻ bánh ra làm tư rồi cạy một vòng quanh miệng chén cho bánh tróc ra. Găm mũi gươm dích một miếng bỏ vô miệng, nhai được nửa chừng thì nghiêng chén húp thêm một ngụm nhỏ nước mắm…thiệt đã đời!

Hình ảnh cái chén đất sứt sẹo và cây gươm tre bé tí của gánh bánh bèo dân dã trong cái xóm nhỏ đã theo Trường…theo mãi.

Còn một tuần nữa mới tới tết Trung thu nhưng con nít trong xóm bắt đầu lăng xăng làm lồng đèn. Lồng đèn Con Cá, Con Thỏ, Ngôi Sao… treo đầy ngoài phố nhưng tiền đâu mà mua? Nghe nói cái lồng đèn Kéo Quân có giá bằng cả tuần gạo chợ của nhà nghèo thì thôi, xúm lại tự làm cho rồi. Hôm kia ông Bảy Kèn đi Gò Găng ăn giỗ khi về ông đem qua nhà cho anh em thằng Chút một khúc tre và một cuộn giấy bóng kiếng nói để tụi bay làm lồng đèn. Anh em thằng Chút tranh cãi vì đứa thì nói làm lồng đèn bánh ú dễ hơn, đứa thì nói lồng đèn ngôi sao thấy sang hơn. Cuối cùng thì làm hai thứ nhưng cái bánh ú phải chịu nhỏ hơn một chút vì…thiếu giấy bóng.

Mấy anh em thằng Hòa chạy đi kiếm lon sữa bò về rồi lấy dao nhọn cắt dọc theo chiều của cái lon chia đều thành từng rãnh nhỏ, dùng búa đập nhẹ hai đầu cho cái lon dẹp lại một chút để đoạn giữa phình ra lúc đó những đường cắt sẽ tự tạo thành những khe rộng cỡ nửa lóng tay trông thật lạ mắt. Anh Hai thằng Hòa biểu nó tới tiệm may xin cái trục cuốn chỉ để anh kết dính bên dưới cái lon làm bánh xe rồi cuối cùng anh nối một thanh cây dài khoảng một thước để làm tay cầm…công phu lắm. Trường rất thích kiểu lồng đèn xe đẩy này nên có nhờ anh Hai làm cho một cái, đổi lại Trường sẽ mua đèn cầy cho thằng Hòa. Anh Hai nói chỉ làm kiểu thường thôi vì anh còn phải làm cả chục cái cho mấy đứa không có tiền mua lồng đèn ngoài phố.

Ngày hôm sau Trường cũng có một cái lồng đèn lon sữa bò, trên miệng lon anh Hai gắn một sợi dây kẽm làm quai rồi cột một cái que dài bằng chiếc đũa bếp vô cọng kẽm đó làm cái cán cho tụi nhỏ xách. Trường đem cái lồng đèn về nhà giấu sau tủ áo rồi chạy ra tiệm tạp hóa bên kia đường mua hai bịch đèn cầy loại nhỏ nhất, một bịch cho mấy anh em mình còn một bịch thì giao cho anh Hai để anh đưa cho thằng Hòa, còn dư bao nhiêu thì phát cho mấy đứa khác. Trường háo hức chờ đợi đến giây phút được quẹt que diêm châm lửa vào tim ngọn nến nhỏ…

Đêm Trung thu trăng rằm hào phóng trút hàng ngàn tia sáng rực rỡ xuống xóm nghèo hòa cùng những ngọn nến lung linh trong những chiếc lồng đèn thô sơ của con nhà khó. Mọi người ra xem lũ trẻ tụ tập rước đèn trước khoảng đất rộng có hai cây trứng cá…Bà Tiêu phát cho mỗi đứa một cái bánh xốp, bà nói tháng này có thêm chút tiền nhà của anh Bản nên mua chút đỉnh làm quà cho vui. Bỗng có tiếng “loa” phát thanh: bà con ơi! Hôm qua ông Bảy tui đi chích thuốc người ta có cho bịch kẹo, để tui vô nhà lấy ra chia cho tụi nhỏ. Ma đàm Xết-Ô-Pạc-Lơ (bắt chước bà Cốm kêu bằng tiếng Tây cho đúng mốt) bước ra vừa mở bịch vừa kêu lên:

-Ối trời ơi, ông Bảy ơi ông Bảy… sao còn có phân nửa vầy nè? Cái điệu này chắc mỗi đứa chỉ được một viên thôi. Xếp hàng đi…nè…nè…coi chừng cháy…úi ..cha mẹ ơi, tưởng tiêu cái lồng đèn bánh ú rồi chớ.

Người lớn cười tít mắt còn trẻ nhỏ thì hát vang “tết Trung Thu xách đèn đi chơi…”

Có thấy cảnh thằng Hòa đẩy cái lon chạy quanh quanh, có thấy những tia sáng nhỏ lập lòe xuyên qua kẻ lon, có thấy lũ trẻ con tay xách những chiếc lồng đèn nhỏ xíu chạy theo sau reo hò mới thấm thía với cái nghèo trong một xóm nhỏ.

Nhưng cũng không ở đâu có thứ hạnh phúc như ở đây vì làm gì có ai được đắm chìm trong cái cảm giác hân hoan vui sướng tột độ chỉ với một cái lồng đèn làm từ lon sữa bò cùng một cái bánh xốp và một viên kẹo nhỏ?

Có ai không? Không có.

Huỳnh Thị Thùy Hạnh

Tháng 10/2012

   Số lần đọc: 2812

6 BÌNH LUẬN

  1. RE: Xóm nhỏ
    Xóm nhỏ của chị Thùy Hạnh tuy nghèo nhưng thật văn minh: có Thư Ký tỉnh, có Đầm “Sept Haut-Parleur” và có cả Thúy Kiều nữa.
    Nghe đến “xóm” là tôi liên tưởng đến “nghèo”. Tôi được lớn lên cũng trong một con xóm (hẻm) nhỏ gồm các chú bác xích lô, ba gác và các cô dì hàng gánh bún, xôi. Thời tóc ca-rê, tôi cũng từng tạt lon, bắn bi và có nhiều bạn đồng lứa, có đứa cũng “[i]cà lắc[/i]” như là “[i]thằng Tiến lớn đầu[/i]” trong “xóm nhỏ” này.
    Tôi xuôi Nam hơi lâu, cư ngụ trong 1 xóm, nhưng là “xóm lớn” vì cũng nghèo nhưng đông dân hơn, tạp nhạp hơn nên sinh hoạt khác xa với con xóm nhỏ xưa của tôi.
    Chị Thùy Hạnh đã dẫn tôi về thăm lại xóm cũ Qui Nhơn với cây trứng cá, các bà ngồi lê vạch tóc tìm chí, Trung Thu nghèo nhưng vui…
    Còn nữa, cái món bánh bèo QN. Rất nhớ và thèm vì tôi chẳng tìm được nó trong cái “xóm lớn” này. Nhai bánh bèo,nghiêng chén húp thêm chút nước mắm là chuyện tôi luôn làm mỗi khi được ăn bánh bèo. Khúc phim “Trường ăn bánh bèo QN” trong xóm nhỏ này thật là hấp dẫn.
    Cảm ơn chị Thùy Hạnh đã cho tôi ngồi ôn lại thời ấu thơ nghèo của tôi (bây giờ cũng còn nghèo mà lại ít vui), chẳng có được những cao sang, nhưng thật vui và hạnh phúc!
    LVA

  2. RE: Xóm nhỏ
    Mong Baloo qua Cali chơi ít ngày, AD + Hải sẽ mời đi ăn Bún Cá Qui Nhơn ở Sài Gòn Nhỏ, quán này do con cháu của Bà Độ quê mình quán xuyến đó.
    Gần cuối tháng Mười Một, nhân dịp Lễ Tạ Ơn, Baloo nhớ “canh me” để mua hàng sale ồ ạt rẻ rề ở các mall nghen!

BÌNH LUẬN

Vui lòng viết bình luận của bạn
Vui lòng điền tên của bạn ở đây

Bài Cùng Tác Giả