Trang sinh hoạt của Cựu Giáo Sư và Học Sinh trường Trung Học Cường Đễ Qui Nhơn

Ăn tết cố hương

Có thể nói tôi là người Sài Gòn vì được chào đời và sinh sống phần lớn cuộc đời mình ở “Hòn ngọc viễn đông” này, trừ khoảng thời gian học Trung Học Cường Để (Quốc Học) Qui Nhơn. Từ nhỏ đến lớn chỉ biết quê nội và quê ngoại mình là Quảng Bình nhưng vì đất nước bị chia cắt, và từ thống nhất đến nay thì cũng bộn bề sinh kế, theo đuổi những mục tiêu phát triển của bản thân nên chưa sắp xếp về thăm nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình được.

Trong một ngày giáp Tết Quý Tỵ này – 25 tháng chạp Nhâm Thìn – gia đình con gái tôi chuẩn bị được xe nên chúng tôi đã về tảo mộ gia tiên bên vợ tôi ở Biên Hòa. Trên xe trở về Sài Gòn, chúng tôi đã thống nhất là chiều 26 tôi và gia đình con gái sẽ đi xe nhà về ăn Tết năm nay tại nhà gia đình sui gia tôi ở Quảng Trị, và kết hợp về thăm cố hương Quảng Bình của chúng tôi.


Thế là chiều 26 Tết chúng tôi khởi hành từ thành phố Hồ Chí Minh bằng xe Toyota Innova trực chỉ Quảng Trị. Dự đoán tình hình giao thông trong những ngày này rất nhộn nhịp, đông xe nên con rể tôi đã nhờ một tài xế kinh nghiệm cầm lái, vậy mà chùng tôi cũng phải vừa kết hợp theo dõi đài FM trên xe vừa vận dụng đị những đường vòng tránh kẹt, kể cả đánh vòng vào đường Tân Cảng – Long Bình thì mới thoát bớt được nạn kẹt xe trong những ngày giáp Tết.

Qua khỏi Dầu Giây rồi mà xe cộ vẫn rồng rắn nối đuôi nhau trên đường quốc lộ, thỉnh thoảng xen lẫn vào dòng xe đường dài là những chiếc xe buýt TP.HCM được tăng cường để góp phần giài quyết lượng hành khách tăng mạnh do nhu cầu về quê ăn Tết cổ truyền.

Đã biết đoạn đường từ TP.HCM ra Quảng Trị cũng gần 1.200 km nên con rể tiếp sức cầm lái để bác tài chợp mắt nghỉ ngơi vài tiếng đồng hồ. Hôm nay là chuẩn bị nghỉ Tết nên dọc đường quốc lộ chúng tôi thấy lưu thông trên đường phần lớn là xe khách và xe con, chỉ còn ít xe container chạy vào những ngày này.

Đường xá nói chung tương đối tốt, có vài đoạn hơi xấu như quãng đường qua Ninh Thuận,…, và chỉ có một, hai rào chắn công trường chưa hoàn tất vào những ngày này, tất cả các cầu đều thông suốt.

Cảnh quan hai bên đường vẫn quen thuộc tuy có ít nhiều đổi thay, nhưng khi đi vào các thành phố thì sự phát triển đô thị được thấy rõ – nhiều thị trấn, thị xã đã được nâng lên cấp độ thành phố mà ở miền Trung này đáng kể nhất là TP.Đà Nẵng. Với những điều kiện khách quan thuận lợi và những điều kiện chủ quan tích cực, địa phương này đã làm cho chúng ta khi trở lại đây sau 20,30 năm đều ngạc nhiên đầy thích thú bởi diện mạo sầm uất, phồn vinh có trật tự của thành phố này. Dù thời gian chỉ cho phép xe đi lướt qua, cảnh quan dọc theo bờ sông Hàn đã thu hút sự thưởng ngoạn với công viên được trang trí nhiều tác phẩm điêu khắc đá – một loại sản phẩm tạo hình đặc thù của Quảng Nam, Đà Nẳng được bố trí nổi bật trên nền hoa viên cây cỏ, tiếp đến là sông Hàn với những cây cầu có thiết kế trang trí lạ mắt nối liến đôi bờ, xa xa trên bờ bên kia là dải cây xanh mát dịu làm phông cho những cao ốc tạo điểm nhấn vươn mình lên không trung.


Công viên bên bờ sông Hàn – TP Đà Nẵng

Khi xe về đến Quảng Trị, chúng tôi cảm nhận một không khí thanh bình mộc mạc, địa phương này tuy hoạt động kinh tế còn khiêm nhường nhưng đường xá cũng rộng rãi xen lẫn trong địa thế có đồi dốc gần như Đà Lạt nên cũng có phần thi vị cao nguyên. Khá may mắn cho chúng tôi khi chọn thời gian ăn Tết ở đây vì thời tiết các tỉnh miền Trung này đang se lạnh nên đi chơi Tết thật tuyệt vời. Chợ Tết Đông Hà tối 28 vẫn còn nhộn nhịp với đủ loại hàng hóa, sản vật, hoa Tết … Tại quảng trường Đông Hà – quảng trường lớn nhất miền Trung – đêm hội diễn văn nghệ được tổ chức trên sân khấu lộ thiên hoành tráng tại đây đã thu hút đông đảo nhiều người đến thưởng thức.


Cầu Hiền Lương mới (trái) và cầu cũ (phải) tại vĩ tuyến 17

Theo dự định, chúng tôi sẽ khởi hành trở về TP.HCM vào mồng 4 Tết nên sáng sớm mồng 2 tôi về thăm cố hương Quảng Bình. Rời Quảng Trị xe chúng tôi hướng ra phía Bắc – đây rồi ! di tích lịch sử cầu Hiền Lương và sông Bến Hải ( mà bây giờ một cầu bê tông dự ứng lực đã được xây dựng để đáp ứng nhu cầu giao thông hiện tại, song song với cầu sắt xưa kia ) – cây cầu và dòng sông tại vỹ tuyến 17 mà trong suốt mấy mươi năm đất nước bị chia đôi đã là đề tài, nguồn cảm hứng cho các nhạc sỹ sáng tác những ca khúc nổi tiếng như “Gửi người em gái – Đoàn Chuẩn, Từ Linh”, “Chuyến đò vỹ tuyến – Lam Phương” …Vượt quãng quãng đường 120 km chúng tôi đến TP Đồng Hới sau khi đi ngang Lệ Thủy – quê hương đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Quảng Bình ngày nay to đẹp, đàng hoàng . Tôi được mấy anh em con chú con bác đón tiếp nồng hậu tại nhà ở trung tâm thành phố – sau gần 60 năm chưa hề hội ngộ do điều kiện khách quan của lịch sử cũng như những bận rộn đời thường của bản thân tôi. Vì quỹ thời gian hạn chế nên tôi đành tạm biệt thân thuộc tại Đồng Hới sớm để đi tiếp 60 km nữa đến quê nội Tiên Lễ, Quảng Trạch, Quảng Bình. Cho dù phần lớn ai nấy cũng không còn xanh màu tóc, cuộc hội ngộ với bà con làng nước của ngày tôi trở về cố hương thật bồi hồi xúc động khi mọi người đây đó chia sẻ với nhau những thông tin, những tình cảm, đặc biệt là khi cùng nhau đến thăm mộ phần của tổ tiên, gia tộc mình – những làn khói hương trầm tỏa nhẹ trên những mộ chí thân bằng quyến thuộc trong lăng mộ được tạo dựng trên triền núi, thế phong thủy lưng dựa vào núi mặt nhìn ra sông trong cảnh quan thiên nhiên rộng mở làm cho tâm thức mọi người lãng đãng hòa vào hư không.


Hội ngộ đầu xuân tại Quãng Bình

Ngày về thăm cố hương của tôi – vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc – như vậy thật khó quên, tuy với thời gian ít ỏi, chúng tôi đã thiết lập/tái lập được những mối quan hệ tốt, đầy tình cảm thân thuộc, quê hương, cội nguồn để cùng hẹn nhau giữ vững thông tin, liên lạc để cùng phát triển các mối quan hệ gia tộc tốt đẹp hòa quyện cùng sự phát triển vững mạnh của đất nước.

Đầu xuân Quý Tỵ – 2013
Phạm Hữu Bình

   Số lần đọc: 2744

BÌNH LUẬN

Vui lòng viết bình luận của bạn
Vui lòng điền tên của bạn ở đây

Bài Cùng Tác Giả