Trang sinh hoạt của Cựu Giáo Sư và Học Sinh trường Trung Học Cường Đễ Qui Nhơn

Kiếp người

Võ Như Vũ

ottawa
Ottawa 05/2012 Photo : Phạm Ngọc Dao

Xuân đến rồi Xuân đi, Xuân đi rồi Xuân lại lại.

Mới một năm mới đây, vậy mà đã cũ để bây giờ lại đón một năm mới nữa.

Kiếp người cũng như mùa Xuân, mới được sinh ra, vậy mà cũng đã già, sống gần trọn kiếp để rồi sắp sửa theo cái tuần hoàn mà được tái sinh lần nữa.

Có ai biết kiếp trước của mình là gì không?

Tôi cũng vậy. Tuy nhiên, vì tôi được sinh ra vào năm Ngọ, gặp nhiều khốn khó, nên tôi có thể đoán: con ngựa chính là tiền kiếp của tôi. Một con ngựa cày suốt kiếp vẫn chưa trả hết nợ, đành phải để lại cơ cực, trắc trở cho đời sau tiếp tục gánh vác.

Hai lần 13 năm, sau cái ngày tôi bị tái sinh làm kiếp người để tiếp tục đời con ngựa, tôi rời đất tổ, lênh đênh trên một chiếc ghe nhỏ gồm 13 bạn bè. Sau bảy ngày xơ xác, dật dờ giữa biển khơi, chúng tôi may mắn cập được bến Hồng Kông. Và sau 13 trừ 5 tháng trải đời trong trại tỵ nạn, tôi được đặt chân trên đất Gia Nã Đại này vào ngày 13 tháng 5 năm một chín tám một.

Những con số “13” này không ngờ lại là một nền móng để tôi xây đắp một cuộc sống mới, xa quê nửa vòng trái đất.

Tôi dành tuần đầu tiên của tôi ở Toronto để tập ngủ, tập thức vì cái ngày-đêm nơi Châu Á đã biến thành đêm-ngày ở vùng Bắc Mỹ; tôi tập hít thở làm quen với hơi nóng khò ra từ lò sưởi để khỏi bị chảy máu cam; tôi còn tập đi xe điện ngầm và tập đứng đón xe buýt…

Tuần thứ hai và thứ ba, tôi cắp sách đến trường dạy tiếng Anh cho người lớn, để tập … nói và hiểu cho được hai tiếng “Yes”, “No”.
Đã hai mươi sáu tuổi, tôi lại phải quay ngược giòng thời gian, trở lại cái thuở chào đời để tập ngủ, tập thở, tập đi, tập đứng và tập nói. Cũng may là tôi khỏi phải tập ăn, vì từ gạo trắng thơm lừng đến khoai mì đắng nghét, đến cả lá cây rừng nhạt nhẽo, tôi đã lão luyện mấy năm ở Kinh Tế Mới, nên bây giờ làm quen với hamburger, pizza là chuyện dễ dàng như một con ngựa đần, có bốn cẳng, lúc đi hay chạy, chẳng cần suy nghĩ cũng biết giơ chân nào trước theo thứ tự để khỏi bị vấp ngã.

Vào tuần thứ tư, khi tôi đã thông thạo hai chữ “Yes”, “No” và biết cách đón xe buýt, đi xe điện ngầm, tôi bắt đầu tìm việc làm.
Tìm việc làm, vào năm 1981, thật là khó khăn. Kinh tế đi xuống, thất nghiệp đi lên. Chân ướt chân ráo nơi xứ người, đây là điều duy nhất mà tôi biết về cái hậu quả của khủng hoảng kinh tế. Bất luận nền kinh tế như thế nào, ai cũng phải ăn để sống. Nhờ vậy mà nhà hàng của khách sạn Ramada (gần Don Valley và Shepard, thành phố Toronto) vẫn còn hoạt động và đang cần một người rửa chén. Chỉ cần mỗi một người rửa chén mà có đến 4 người, kể cả tôi, rủ nhau đi tiếp kiến cùng lúc. Có lẽ vị quản lý nhà bếp đã xử dụng giác quan thứ sáu, nên nhìn thấy đâu đó trong tôi, có ẩn cái biệt tài về cạo xoong chảo và làm sạch chén đĩa, cuối cùng tôi nhận được lời chúc mừng từ 3 vị đồng cảnh ngộ, để rồi vào ngày thứ Bảy của tháng Sáu, nhằm ngày 13, tôi khăn gói đi làm việc đầu tiên nơi xứ lạnh.

Những người quen biết chung quanh tôi, phần đông ai cũng có việc làm nơi hảng xưởng. Gần đèn tôi được sáng, nên vài tháng sau tôi được giới thiệu một công việc “bảo đâu làm đó”, khá hơn, tại công ty Stelpro Ltd., chuyên sản xuất những thùng điện.

Họ bảo tôi hàn những thùng sắt đủ cỡ, tôi làm theo và đã trở thành một thợ hàn (spot welder) bất đắc dĩ. Rồi từ đó, hàng ngày tôi mất gần bốn tiếng đồng hồ ngồi yên lặng trên xe công cộng, tư lự nhìn ra cữa sổ từ những hai bận xe điện ngầm, bốn bận xe buýt, để được đi hàn. Sáng hàn, chiều cũng hàn, suốt ngày đứng hàn. Hàn đến rách áo, cháy thịt và nhờ hít khói cháy của kim loại tôi không phải mua thuốc giảm cân.

Lấy cớ là tiết kiệm thời gian, cho khỏe tấm thân gầy, và khỏi phải run lập cập giữa tuyết băng để chờ xe buýt, tôi tậu một chiếc xe hơi. Để rồi từ đó tôi bị sụp xuống cái hố nước cuồn cuộn xoáy: mua xe để đi làm, đi làm để trả nợ xe.

Một buổi sáng không mấy đẹp trời vào mùa Xuân 1984, trên đường đi làm, tôi bị húc thật mạnh bỡi một chiếc xe khác. Hoảng hốt, mất tự chủ, tôi đã mù lòa chọn cái trụ điện trên lề đường Victoria Park của Toronto để làm ngừng chiếc xe. Tai nạn này làm bầm đen ngực tôi đến cả tháng trời, và đưa chiếc xe tôi vào bãi phế thải. Để đền bù chiếc xe, tôi nhận được chín ngàn đô từ công ty bảo hiểm. Chín ngàn đô! Lớn quá! Từ lúc lọt lòng mẹ, cho đến bây giờ không những tôi sở hữu được một trương mục ngân hàng mà còn có cả con số chín ngàn trong đó nữa. Tôi cứ lật sổ, nhìn vào cái trang có con số 9000 mà lòng vui vô hạn. Vui đến nỗi quên bẵng đi cái vụ “trả nợ xe” cho đến khi nhận lá thư đòi tiền. Thế rồi con số “zéro” nguyên thủy của trương mục ngân hàng tôi, tưởng như đã bị đày biệt xứ, không ngờ lại đã rút ngắn đường lưu lạc để quay về tổ ấm của nó, sổ ngân hàng tôi.

May quá! Tai nạn lưu thông này đã xảy đến cho tôi. Đúng vậy, tôi được may mắn vì sau tai nạn, không những tôi vẫn còn đầy đủ đầu mình và tứ chi mà tôi lại còn san bằng được một núi nợ cao gần bằng dãy Hoàng Liên Sơn. Con số “zéro” trong sổ ngân hàng tôi, dù nghĩa chính của nó là không tiền, nhưng lại có một giá trị lớn, tạo được lực ly tâm mạnh, đủ sức đẩy tôi ra khỏi cái quỹ đạo “mua xe đi làm, đi làm trả nợ xe”.

Cạnh tôi luôn có một ngọn đèn, tỏ như hải đăng khi cần thiết. Lúc tôi phân vân, đã chiếu lên tôi tia sáng: “Zéro nợ, mình nên trở lại trường ôn lại những công thức, không chừng sẽ có dịp dùng nó sau này”.

Tuổi hai mươi chín, ai cũng rời trường đi làm. Còn tôi, đã lập gia đình và được một con, thì lại nhập trường đi học? Nhưng lẩn quẩn vòng đời, “chết” là “tái sinh” thì “đầu” và “cuối”, “rời” và “nhập” có khác gì nhau đâu. Tôi quyết định bắt đầu đi học với con Zéro trong ngân hàng, có nghĩa là tôi phải bước vào một quỹ đạo mới: Mượn tiền để đi học, học xong đi làm để trả nợ tiền học.

Lúc con gái đầu tôi được một tuổi, lúc nhà tôi đang nặng vai gánh vác gia đình với đồng lương tối thiểu, lại là lúc tôi ích kỷ nộp đơn xin học ngành Điện trường Centennial College.

Vì không học qua trường trung học nào tại Canada và Anh văn không là ngôn ngữ chính nên tôi phải qua kỳ thi Toán và Anh văn.
Tôi thở phào nhẹ nhỏm khi thấy đề thi Toán có rất nhiều con số mà lại ít chữ. Ngược lại, đề thi Anh văn làm tôi chảy mồ hôi hột vì toàn là chữ, không có đến một con số.

Khỏi phải nói, ai cũng biết rằng tôi làm được môn Toán và … đoán môn Anh.

Trong khi chờ kết quả, tôi nhận được lá thơ mời tiếp kiến. Vị Phụ Tá Khoa Trưởng Phân Khoa Kỹ Thuật (Chairperson, School of Engineering Technology) trường Centennial muốn tận mắt diện kiến dung mạo của tôi và tận tai nghe tôi ú ớ tiếng Anh, trước khi hạ chỉ từ chối.

Tuy nhiên, qua chút ít tiếng Anh của tôi, vị Phụ Tá Khoa Trưởng biết chút ít về tôi, để rồi ông tuyên bố: “Toán và Anh Văn là hai ngôn ngữ chính của ngành điện và điện tử. Anh được môn Toán, nhưng dưới xa trung bình về tiếng Anh. Trường nhận anh, nhưng về Anh ngữ, anh phải qua 2 lớp “English as a Second Language” trước khi học lớp Anh Văn chính thức của chương trình”.

Tôi mừng vì được theo học ngành Điện, nhưng khổ sở vì học xong ban ngày, tôi còn phải đến Warden Campus vào ban đêm, để bò lê bò càng cho qua hai cái chứng chỉ Anh văn ESL1 và ESL2.

Ba năm làm thợ hàn, tiếng Anh của tôi chẳng tiến bộ gì nhiều ngoài việc biết thêm được vài chữ “búa”, chữ “kìm”, “cờ lê”, “mỏ lét” và rành nhất là chữ “hàn”. Vậy mà bây giờ tôi lại ngồi lớp nghe thầy giảng giải. Đương nhiên là thầy giảng thầy nghe, hoặc cho sinh viên người Canada nghe, còn tôi thì chỉ chăm chú vào bảng đen. Thầy viết chữ A, tôi ghi vào tập chữ A. Thầy ghi chữ B tôi chép xuống tập chữ B, để rồi về nhà chong đèn chậm rãi tìm hiểu nó qua sách vở và tự điển. Suốt mấy tháng đầu đi học, việc đầu tiên của tôi khi mới bước vào lớp là tìm một thằng bản xứ to con rồi rón rén ngồi sau lưng nó. Hy vọng thân hình đồ sộ của nó sẽ là một tấm bình phong che khuất tôi ra khỏi tầm mắt của giáo sư để tôi khỏi bị bắt buộc phải phát biểu ý kiến hay phải trả lời một câu hỏi. Vốn liếng Anh ngữ của tôi chưa đủ để nghe hiểu câu hỏi, thì chỉ có phép lạ mới giúp tôi tìm ra câu trả lời.

Dân Bắc Mỹ vốn tính thẳng thừng, không ngại ngùng tự nhận là mình mù tịt khi thật sự không kham hiểu vấn đề gì. Đây là một trực tính rất hay mà tôi cần học hỏi. Tôi bắt đầu học và tập câu “I don’t know!” để rồi từ đó tôi không còn thèm núp bóng những thằng bự con nữa mà lại ngồi bàn đầu để dễ dàng chuyện sao y bản chánh từ bảng đen. Nhất là có dịp xổ câu “Sorry, I don’t know!” mỗi khi giáo sư tiến lại gần tôi, nhìn thẳng vào mắt tôi và bi bô bi ba gì đó. Tôi thật lòng muốn nói là tôi không hiểu ông hỏi gì, nhưng tôi chắc là các vị giáo sư cứ tưởng là tôi không biết câu trả lời, để rồi giảng giải cho cả lớp sau khi nói với tôi: “It’s OK, Mr. Vo”.

Thuyết trình về truyện ngắn là phần quan trọng của môn Anh Văn. Giáo sư Lee đưa ra một danh sách gồm 16 truyện ngắn để 16 sinh viên trong lớp tùy ý lựa chọn. Cũng vì “I don’t know” nên tôi chậm trễ. Đến lúc phải lựa chọn thì chẳng còn có sự chọn lựa nào nữa, vì danh sách chỉ còn mỗi một chuyện chừa lại cho tôi là “Ivy Day in the Committee Room” của James Joyce. Tôi đồng ý với thầy Lee sau đó, đây là một truyện khó nhất, không phải khó vì ngay đến mấy chữ của cái tựa đề tôi cũng không hiểu, nhưng vì 15 thằng nói tiếng Anh như gió cùng lớp, đã hiểu biết mà nhanh tay lẹ chân chộp hết những câu truyện dễ nhằn.

Khó thì khó. Đại dương mênh mông tôi may mắn vượt được để đến đây, thì chắc chắn tôi cũng sẽ gặp may mắn để thoát khỏi cái phòng chật hẹp gì gì đó (… Committee Room). Tôi nhớ lời hướng dẫn của một anh bạn thân: Viết “essay” phải ngắn gọn, “thesis statement” phải bao gồm 3 điểm, không cho sai văn phạm thì tự nhiên sẽ có được bài luận trên trung bình. Truyện ngắn thường rất khó hiểu. Muốn hiểu rõ được nó, phải cố mà đọc, càng nhiều càng tốt, những tạp chí, bài báo của nhiều tác giả, viết và phê bình về nó, rồi từ đó đúc kết lại bằng tiếng Anh “cao siêu” của chính mình.
Tôi làm theo lời khuyên vàng son này, đóng đô ở thư viện, cố công tìm tòi những bài viết về “Ivy Day in the Committee Room” mà nghiền ngẫm. Để rồi sau buổi thuyết trình, tôi phải hai tay che đi cái nụ cười sung sướng của một kẻ ăn vụng mà không bị phát giác, khi nghe thầy Lee lập đi lập lại rất nhiều lần những câu như “as Vu pointed out” (như Vũ đã nêu ra), “as Vu mentioned” (cũng như Vũ đã đề cập) trong lúc thầy phê bình và giảng giải “Ivy Day in the Committee Room” cho cả lớp nghe.

Trời không phụ lòng một người chẳng ngại sớm khuya để cố công mài sắt, đã cho tôi không những qua tất cả chứng chỉ Anh Văn, mà còn đậu được hạng cao, cao hơn cả những thằng dân bản xứ, nói tiếng Anh như tôi nói tiếng Việt.

Mỗi người một hoàn cảnh, tùy thời lúc để mơ một giấc mơ. Tôi đã từng có giấc mơ lớn như là mong được trở thành Khoa Học Gia, Tiến Sĩ, Phi Công, Luật Sư để làm rạng danh Lạc Hồng. Nhưng ở cái tuổi lỡ thầy lỡ thợ, lại mới vừa tập đi, tập nói nơi xứ người, giấc mơ của tôi bị thu nhỏ lại, chỉ mong đủ làm tròn bổn phận của một kiếp Lạc Bầy: Tốt nghiệp College, mau đi làm để cùng vợ chung xây một gia đình hạnh phúc và hy vọng sang sẻ chút ít vật chất cùng gia đình tại quê nhà.

Cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980, phần đông người Việt Nam tại Toronto là những người mới đến. Người thì cặm cụi vào vào việc làm, kẻ thì vùi đầu vào sách vở, tất cả cũng chỉ vì một mục đích giống nhau: cố gắng xây dựng cuộc sống mới từ hai bàn tay trắng.

Sau ngày đất nước thay màu, tôi trở thành một con ếch nằm đáy giếng, trong phong ba lũ lụt tràn bờ, tôi thừa cơ hội, nhảy lên khỏi thành giếng để bây giờ nhìn thấy được một bầu trời quang đãng và bát ngát. Trong xã hội mới thật xa lạ và rộng lớn, tôi thật bỡ ngỡ và mù mờ, cứ tưởng là mình là người Việt Nam tiên phong, cả gan leo rào ngôn ngữ để đầu tư vào việc học. Không ngờ vào Centennial, tôi mừng rỡ gặp vài anh chị học trước tôi, có một vài người đã ra trường và vài anh bạn cùng lớp đã từng là Phi Công và Luật Sư ở Việt Nam, họ đã đạt những giấc lớn của tôi, nhưng bây giờ lại cùng tôi theo đuổi một giấc mơ nhỏ. Thật là lẩn quẩn vòng đời!

Tôi còn ngạc nhiên và vui mừng nhiều hơn khi biết được có một vị giáo sư người Việt Nam, thầy Đàm Trung Phán, vừa giảng dạy vừa là Giáo Sư điều hành công việc của ngành Công Chánh nữa. Niềm hảnh diện chạy vào đầu tôi cái ý tưởng: “ah ha, ta có thầy Việt Nam rồi, khỏi phải mỏi tay nói tiếng Anh nữa” để rồi thất vọng khi tỉnh biết ra rằng thầy Phán cũng phải dùng Anh ngữ để giảng giải cho cả đám Tây, Tàu, Canada, da đen, da trắng, da nâu, da vàng …
Đằng đẵng ba năm mài quần trường Centennial rồi cũng qua.
Tôi may mắn được công ty Emerson Electric Canada không những chấp nhận mà còn chờ tôi 2 tháng cho đến khi tốt nghiệp, để phụ giúp tôi thoát khỏi vòng nợ tiền học.

Tôi bắt đầu tại Emerson Electric Canada bằng một thợ vẽ, chuyên ngồi vẽ đường thẳng, đường cong và quá lắm là vòng tròn. Tôi thích máy vi tính và máy in (plotter) trong văn phòng tôi bao nhiêu, thì cũng vì tiếng Anh giới hạn mà tôi ghét cái điện thoại bấy nhiêu. Mỗi lần nó reng, bất đắc dĩ tôi phải bắt lên nhưng rất khổ sở vì không những phải xử dụng hết thính năng để nghe mà còn phải xài hết tâm trí để suy đoán những câu nghe được nhưng không hiểu được.

Hàng rào ngôn ngữ là một trở ngại lớn. Nó sừng sững trước mặt tôi ngay khi tôi bước lên đảo Hồng Kông rồi nhanh chóng mọc đầy chông gai khi tôi tới Canada. Tuy nhiên sau lưng tôi là huyệt sâu, không có con đường lùi, tôi bắt buộc phải trầy da tróc vảy để bước tới và vượt qua.

Maurice, đồng nghiệp tôi tại Emerson Electric, là một người Bồ Đào Nha, có kinh nghiệm nhiều hơn tôi, sinh ra và học hành tại Canada nên tiếng Anh rành hơn tôi, cao lớn hơn tôi, giao dịch rộng rãi và lịch thiệp hơn tôi, đó là chưa kể đến chuyện hắn còn đẹp trai hơn tôi nữa. Tôi thua sút quá! Không biết phải làm sao để sống còn, chứ đừng nói đến chuyện thăng tiến. Maurice tốt bụng, giao việc rồi tận tình hướng dẫn cho tôi làm. Làm hết việc này giao tiếp việc khác. Việc khó, Maurice không muốn mỏi óc, giao cho tôi làm, lấy cớ là để cho tôi học hỏi. Nhiều việc dễ ợt làm đã nhiều lần, thuộc nằm lòng, anh ta vẫn giao tôi, nói là làm để ôn lại. Kết quả là tôi chồng chất những việc làm, còn Maurice thì đầy ắp những cuộc nói chuyện vui cùng Joan, một cô thư ký mơn mởn tóc vàng hấp dẫn.

Tôi cặm cụi với đống việc làm, nhiều lúc bỏ ăn trưa, về trễ, để hoàn tất công việc. Maurice đã cho tôi cái cơ hội để học hỏi và vì biết rõ thân phận nên tôi chẳng một lời thở than. Nếu tôi lưu loát tiếng Anh, có lẽ tôi cũng sẽ như Maurice để chuyện trò vui vẻ cùng Joan.
Nhờ cần cù nên tôi rành rẽ việc làm. Phòng kỷ sư thường lấy ý tôi để giải quyết và quyết định về những sự việc liên quan đến thiết kế. Vì ngại làm nên Maurice càng ngày càng trông cậy vào tôi.

Emerson Electric có nội quy chung là tưởng thưởng công nhân xứng đáng với giá trị công việc họ đang làm. Chưa đầy một năm với Emerson Electric, sau cái ngày kê khai để tường trình vệ nhiệm vụ, tôi được ông Tổng Giám Đốc gọi vào phòng và nói: mầy (đúng ra là ổng nói “you”) bị trả lương thấp so với khả năng và nhiệm vụ. Tao (thiệt ra là ổng nói “I”) sẽ điều chỉnh.

Tan sở ngày hôm đó, tôi lái chiếc xe “cái gì cũng kêu trừ cái còi” về nhà, mà thấy nó chạy êm ru … Còn tiếng nhạc phát ra từ cái loa bình thường là rè rè, sao tự nhiên quá thánh thót hôm nay. Xa lộ kẹt xe, tôi không càu nhàu như mọi hôm mà lại thật vui tươi. Tất cả mọi việc đều tươi đẹp tột cùng vì cái định luật tôi mới tìm thấy, không phải là “Archimedes’ Principles” mà là “Vu’s Principles”:
Siêng năng nó to bằng 2 lần tổng số của tiếng Anh, vóc dáng và đẹp trai.

Viết theo kiểu Toán học thì nó như thế này đây:
Siêng năng = 2(Tiếng Anh hay + Vóc Dáng tốt + đẹp trai).
Đúng vậy! Tôi tin tưởng tuyệt đối vào cần cù và chăm chỉ vì bằng chứng là nó đã giúp tôi vượt qua nhiều chướng ngại.
Đường thẳng và vòng tròn rồi cũng làm tôi chán ngấy, tôi xin chuyển từ phòng thiết kế (Engineering) xuống phòng thử (Test) để có dịp nhận rõ ứng dụng của những cái mà tôi góp phần tạo ra từ những đường thẳng và vòng tròn. Có một lần, tôi cứ ngỡ là phải lỡ cỡ kiếp người, để tái sinh lần nữa, khi bị điện giật làm cháy một vùng nhỏ nơi lòng bàn tay, lúc tôi đang cho chạy thử hệ thống UPS 600VAC, 500VDC, 500Amps.

Cần cù cộng thêm may mắn, tôi đã sống sót qua thời kỳ khủng hoảng kinh tế khi làm việc cho hai công ty Staticon Ltd. và Invert Power Controls International/Satcon. Tôi thừa thắng xông lên, gia nhập công ty G&W Electric để rồi sau đó hướng dẫn một nhóm đệ tử gồm một kỹ sư có bằng Tiến Sĩ (Ph.D), ba kỹ sư có bằng Cao Học (Master), năm kỹ sư có bằng Cử Nhân (Bachelor), một chuyên gia thiết kế có bằng Cao Đẳng (Diploma) và hai kỹ sư người Mễ làm việc cho tôi tại Saint Luis Potosi, Mễ Tây Cơ, qua điện thư và điện thoại. Thật may cho tôi trong cái buổi kỷ thuật tiến bộ này! Khi e-mail sai chính tả và văn phạm, tôi đổ thừa tại vì gấp rút, e-mail qua điện thoại cầm tay nên khó đánh chữ. Khi thiên hạ không nghe được giọng Anh của tôi qua điện thoại, tôi đổ thừa tại làn sóng yếu, phải chăm chú mới nghe được.

Cảm ơn Trời đã giúp tôi vượt qua nhiều phong ba và đã ban cho tôi nhiều may mắn: May mắn còn sống sót và cập được bến Hồng Kông. May mắn được một gia đình hạnh phúc. May mắn gặp tai nạn lưu thông. May mắn qua được tất cả chứng chỉ Anh Văn tại Centennial College. May mắn có được việc làm trước khi tốt nghiệp. Và đang may mắn trở thành cái bình phong gánh chịu trách nhiệm cho cả nhóm kỹ sư đang làm việc dưới tôi!
Hy vọng may mắn vẫn luôn theo tôi và sẽ giúp tôi trở thành một cây thông cao xanh biếc, luôn đứng reo ca giữa trời, khi đã trải qua một kiếp người!

Võ Như Vũ
Tháng 2, 2015, Xuân Ất Mùi

 

   Số lần đọc: 3790

BÌNH LUẬN

Vui lòng viết bình luận của bạn
Vui lòng điền tên của bạn ở đây

Bài Cùng Tác Giả