Trang sinh hoạt của Cựu Giáo Sư và Học Sinh trường Trung Học Cường Đễ Qui Nhơn

Mùi hương phố cũ

Hình như những kỷ niệm êm đềm nhất đối với khách ly hương thường là hình ảnh những góc phố, con đường mà tuổi thơ mình rong chơi. Đôi khi đang dạo bước trên đường phố tráng lệ xa lạ bỗng nhiên lại day dứt thèm một tiếng rao, nhớ một mùi hương phố cũ. Tháng ngày đã trôi xa biền biệt nhưng lòng vẫn nao nao ngóng chờ một mùi hương cũ, mơ hồ phảng phất đâu đây. Từng mùi hương gợi về những ngày đã sống,, từng phần đời đã qua. Khu phố trên đường Gia Long, từ ngã tư Phan đình Phùng trở đi thường gọi là khu phố Tàu. Khu phố im ắng, trầm mặc với mái ngói xanh rêu,với tường vôi vàng phai nhạt dấu nắng mưa. Người Hoa khi đến vùng đất mới này đã mang theo cả nếp sống,tập quán và cả lối kiến trúc nhà cửa ở nơi cố quận. Những ngôi nhà mái ngói âm dương thâm thấp,xúm xít nối nhau thành từng dãy phố dài thoang thoảng mùi rêu phong. Có khu phố vài nhà liền nhau bán cùng một mặt hàng nên tỏa ra mùi hương riêng biệt. Dài theo khu phố, cứ bước đến mỗi cửa hiệu là khách lại cảm nhận một mùi hương khác. Khách dạo phố đôi lúc vừa nhắm mắt vừa đi mà vẫn biết mình đã đến nơi nào Mỗi mùi hương là mỗi lời mời chào lặng lẽ, đằm thắm, ngọt ngào…

Dạo phố ngày ấy khi khách nhận ra hương trà dịu dàng phảng phất trong gió là biết đã đến Liên Hương trà ký…Ngay trước cửa tiệm, chiếc kệ gỗ dài bày nhiều lọ thủy tinh lớn xếp thành nhiều tầng san sát nhau bên trong lọ đựng các loại danh trà. Trên quầy kính, các hộp trà Thiết Quan Âm” dán giấy màu đỏ tươi xếp thành chồng như kim tự tháp. Những cánh trà khô cong ướp đẫm hương hoa. Nào là hương sen,nào là hương ngâu,hương sói…làm khách bối rối vì chưa thể cảm được hết sự khác biệt tinh tế của từng hương hoa. Hương nào để uống với ánh trăng, hương nào để nhấp cùng sương sớm… Chợt nhớ ông lão ăn mày ngày xưa trong ”Vang bóng một thời ” của cụ Nguyễn Tuân chỉ xin một tách trà, và chỉ nhấp một ngụm trà mà nhận ra mùi tạp của hạt thóc để lẫn trong ấm. Ngày ấy ,hương trà như một nhịp cầu để người bước vào lòng người, bước vào lòng đất trời. Nét tinh anh của người xưa mà giờ đây lớp hậu sinh đã để phai nhạt nhiều. Tiệm trà Diệu Ký kề bên cũng bán trà gói sẵn. Các gói trà xinh xắn được gói bằng giấy trắng từng nửa lạng một. Có cả trà B’ Lao Đỗ Hữu gói bằng giấy bạc và một lớp giấy bóng kính trang nhã. Hương trà của miền đất đỏ badan này mộc mạc thuần khiết. Lại nhớ tới loài hoa bình dị của miền đất phương nam khác là hoa lài lại không được các cụ ngày xưa chọn ướp vì hương lài gợi mùi ” son phấn”. Có khắt khe không nhỉ vì hương nào cũng chắt chiu từ đất mẹ, vả lại ai lại đi phân định một mùi hương?

Chỉ dạo vài bước chân thôi khách đã cảm được hương café từ cửa hiệu kề bên. Chiếc bình rang xay café đặt ngoài cửa luôn thả trong gió những làn hương nồng nàn. Những hạt café đen nâu bóng được rang với bơ làm dậy mùi thơm. Hương Africa, Arabia, Robusta, Moka…những mùi hương từ các phương trời xa thẳm làm khách ngất ngây. Nhưng café Buôn mê thuộc tỏa hương là nhờ kỹ thuật rang xay, phối trộn và là bí quyết của mỗi tiệm để tạo mùi hương riêng. Có nơi dùng bơ Bretel hiệu hai đồng tiền vàng,có nơi dùng mỡ gà…như là bùa mê để giữ chân khách. Khách cùng bạn bè thường chọn quán theo ”gu ” để ngồi nhìn từng hạt đắng rơi. Hương café của mỗi quán thường gợi nhớ những kỷ niệm, những nỗi niềm riêng. Làm sao quên được hương café những chiều ngồi ở Mây mùa thu, Da vàng hay Bạch hạc lộng gió năm nào? Và mấy ai quên được hương café …bắp vỉa hè trong những năm khốn khó, những năm đầy mộng tưởng, ngồi nhịp chân mà ngâm ” chí lớn không về, bàn tay không …” Mây trắng đã bay, bè bạn người đi kẻ ở nhưng nỗi buồn vẫn còn khê khét đâu đây.

Khi hương café vừa tan khách xuôi phố lại nghe hương thảo dược thơm thơm phía bên kia đường thoảng qua. Hình như là nhà thuốc Đông Y ” Hòa Sanh Đường ”. Nhà thuốc rộng, bề thế với quầy gỗ dài và các bao tải to xếp dọc hai bên cửa đựng các vị thuốc sơ chế bốc mùi hăng hắc. Những vị thuốc ấy sau khi được ” sao vàng, hạ thổ” đôi ba ngày lại tỏa hương. Bên trong tiệm những thang thuốc đã bốc xong, gói thành từng gói vuông vức treo tòn teng trên giá ,phảng phất mùi hương thảo quả. Sau quầy, vị lương y luống tuổi lúi húi đứng tán thuốc, thỉnh thoảng để chày nhịp vào thành thuyền giã thuốc làm vang lên tiếng coong coong vui tai. Phía sau con dao cầu xắt thuốc bén ngót đặt trên quầy là các ô ngăn kéo gắn liền nhau hợp thành chiếc tủ gỗ cao,rộng chứa các vị thuốc bắc. Mùi từng vị thật ra không phải tất cả đều thơm nhưng khi hòa hương với nhau lại thành hương thảo dược thơm ngát. Tên vị thuốc ghi trên nhãn gắn ngay ngắn trên mỗi ô kéo. Những cái tên nghe thật trang trọng : Hoàng liên, Thục địa, Đinh hương, Đỗ trọng v.v. Lại có tên vị thuốc gợi nỗi ngậm ngùi : Xuyên tâm liên . Những năm 78, 79 trạm y tế phường chỉ có Anagin và Xuyên tâm liên để trị mọi bệnh tật, : từ đau bụng,nhức đầu đến ho gà,sốt rét. Sau đó ít lâu thì chỉ còn Xuyên tâm liên, Xuyên tâm liên và…dầu gió Trường sơn !…. Cuộc sống có lúc tưởng chừng như dừng lại, day dứt đớn đau. Nhưng với khát vọng 4000 năm, với giấc mơ Quang Trung, đất nước đã vượt qua những mất mát đi lên dẫu còn nhiều bề bộn, gian nan…

Từ tiệm thuốc bắc xuôi xuống một quãng ngắn, mùi bánh ngọt từ cửa tiệm bánh tây đã nồng nàn trong gió. Hương của bột đường, của bơ, trứng, vani thơm ngọt ngào, như mùi sữa trên đôi má trẻ thơ. Những chiếc thẩu thủy tinh xếp ngay ngắn trên kệ đựng đầy các loại bánh, thường níu chân các cô cậu học trò. Bánh tai heo nâu vàng nổi đường vân trắng xoắn vòng dòn rụm, xếp cạnh đó là bánh quế cuốn tròn như miếng vỏ quế chi. Những cái bánh chỉ nhìn thôi mà đã nghe tiếng vỡ dòn tan trong miệng. Bánh sâm- panh lấm tấm hạt đường, bánh bít- quy xinh xinh như chiếc tem thư hình như đang mềm đi trong miệng. Lại còn có kẹo sữa nougart gói giấy trắng ,trông như cục tẩy ngọt ngào đượm hương đậu phụng bùi bùi. Vào những đêm trăng tháng tám, trước cửa còn có thêm tủ kính bầy những hộp bánh Trung thu : bánh nướng, bánh dẻo cùng những phong bánh khảo,bánh đậu xanh ngọt ngào. Hương caramen,hương đậu xanh thơm ngan ngát hòa cùng ánh nến lung linh trong các lồng đèn ngôi sao xinh xinh như trong giấc mơ đêm cổ tích. Các hộp bánh trung thu có in hình Hằng Nga xiêm áo lộng lẫy đang say sưa trong khúc Nghê Thường đã bay vào giấc mơ lũ trẻ thời ấy. Ôi giấc mơ trẻ thơ nào lại thiếu mùi hương của bánh kẹo,mùi của sữa, vani… Ngày nay, những quả vani đầu tiên trên đất mới Bình Thuận đã bắt đầu tỏa hương đi muôn phương, nhưng chắc chẳng sánh được với hương vani của bánh kẹo, của chén lục tào xá những đêm mưa thuở nhỏ.

Ở khúc phố này khi những vì sao bắt đầu nhấp nháy trên cao, tiếng rao trầm buồn từ cuối phố đã vọng về: ”lục tào xá…chí mà..à.à… phù…ù.ù ”.Một lát sau hương vani thơm từ chiếc xe lục tào xá thoảng về. Ánh sáng từ chiếc đèn bão đong đưa theo nhịp xe vẽ thành những quầng sáng tròn cứ tinh nghịch nhảy từ lề đường bên này sang lề đường bên kia. Thỉnh thoảng cái quầng sáng ấy lại mờ đi trong làn khói trắng bốc lên khi người khách trú già mở chiếc vung đậy chè để múc cho khách. Trên bếp than cháy liu riu, nồi lục tào xá vàng tươi lấm tấm những hạt bột báng tròn tròn như hạt pha lê long lanh tỏa hương vani ngọt ngào. Ở bếp kề bên nồi mè đen đặc quánh, hương mè thơm hòa hương dầu chuối ngan ngát cả trời đêm. Những chén chè đêm đong đầy hương của miền quê Triều Châu xa xôi. Rồi ánh đèn lại đong đưa. Chẳng biết người khách trú ấy có thả những hoài niệm vào tiếng rao không mà sao nghe nặng nỗi buồn cố xứ. Tiếng rao hiu hắt như chìm dần trong tiếng gió rì rào đượm mùi biển mặn.

Khi ánh đèn đường ngã màu vàng ệch, từ cuối phố tiếng rao lại nối tiếng rao. Âm điệu lúc trầm lúc bỗng, lúc lả lơi, lúc dồn dập nghe thật chơi vơi. ” Ai..ai.i.i…ăn chè đậu xanh bột khoai nước dừa đường cát hôn..ô.ô.ôn…ôn…? “. Tiếng rao ngọt như nước dừa xiêm khiến nhiều cánh cửa phải mở ra hệt như câu thần chú của Aladin trong ngàn đêm lẻ. Ánh đèn dầu như đốm lửa đỏ lập lòe treo trên đôi quang gánh. Chiếc đèn hột vịt ấy chỉ đủ soi sáng những sợi rau câu xanh xanh quấn quýt quanh những sợi bột khoai mềm mềm chìm trong sắc vàng của nồi chè đậu xanh sánh đặc. Cứ mỗi lần chị nhẹ tay khuấy là phố đêm lại bát ngát hương lá dứa thơm, hương đậu chín rục, nao nao trong lòng mùi cánh đồng mùa gặt. Trong chén chè như có cả tấm lòng đôn hậu của người nông dân Nam bộ. Vị ngọt, hương thơm của miền quê cũ thời ly loạn như cô đọng trong chén chè khuya. Nghe tiếng khách gọi khe khẽ từ khúc phố trên, chiếc đòn gánh cong cong trĩu nặng nồi chè cùng chị tảo tần rong ruổi trong bóng đêm. ” Ai..ai.i.i…ăn chè…”, tiếng rao luyến láy trong đêm vắng, mông lung như tiếng hò rơi trên dòng Cửu long đỏ lềnh phù sa.

Phố cũ đã ngủ say. Bóng đêm tĩnh lặng hình như làm nổi những hương lặng lẽ từ các góc khuất con phố. Mùi rêu ải trên mái ngói chùa Ông, mùi khói hương trầm của ngôi miếu cổ thắp từ những ngày sóc vọng đã lâu, phảng phất mùi Dạ lý hương nồng nàn từ khu vườn đầy cỏ ướt của nhà hộ sinh cuối đường cứ vương vấn theo từng bước chân. Đêm đã tàn và hương sẽ phai. Ngày mới rồi đến,.Khách rồi đi. Mùi hương phố cũ tưởng như đã chìm khuất trong nỗi lo toan tháng ngày, Nhưng mùi hương ấy hòa với tiếng rao đêm đã thành niềm khắc khoải trong lòng khách ly hương…

Nguyễn Trí Minh

   

   Số lần đọc: 2664

11 BÌNH LUẬN

  1. Anh làm tui nhớ nhà quá! Bài viết nghe da diết ghê đi!

    Tui đi trong lòng phố người mà đôi khi giật mình đánh thót tưởng đi trong lòng phố quê nhà!

    Chắc hồi xưa anh ở đường Gia Long hay sao mà rành quá dzậy. Bài nào anh cũng nhắc đến phố Gia Long!

    • Gởi các bạn KVT,Nữ xưa,Người Cali.
      Rất vui khi có các bạn cùng chia xẻ hương xưa của phố cũ.Tuy chỉ ở Phố GL một thời gian ngắn nhưng lại tràn đầy hoài niệm đẹp về con phố ấy.

  2. Hương thơm từ quê nhà
    Mỗi góc phố ,con đường đều tỏa một mùi hương .Rất riêng nhưng rất chung ,mùi thơm ngọt ngào ,thuần khiết của quê hương .Anh Minh nhần xét rất tinh tế về hương trà Blao .Bài văn anh viết hay lắm Đọc xong thấy lòng mình rộn rả và tâm hồn phơi phới cứ như đang đi trên những đoạn đường góc phố ấm áp đẹp đẽ nơi này.Cảm ơn anh nhiều

  3. Người sành điệu uống trà
    Anh Minh cũng sành điệu về uống trà nhỉ ?Khi nào Blao vào dịp lễ hội trà mời anh đến thưởng thức trà và chỉ vẽ dùm . Địa chỉ Nhà hàng Tâm Châu 294a Trần Phú Bảolộc

    • Gởi bạn Người Blao & Lai Nguyễn Blao
      Không dám nhận lời khen của các bạn,thật ra hồi ấy tôi chỉ là cậu nhóc ngồi hầu trà ông cụ thân sinh rồi hưởng “hương thừa” và nhớ…thế thôi.Có dịp sẽ tìm lại hương trà B’lao cùng bạn.Thân.

  4. Anh Minh lam cho toi nho den mon chè đậu xanh bột khoai nước dừa đường cát qua chung…Nho lan dau tien ve lai que nha nam 1992, tham lang gieng, cung bat nghe ngoi tam truoc cua ngoi nha cu, boi hoi cho doi de duoc nghe tieng rao ban che cua nam nao…de xem su ngac nhien neu chi ay co con nho den con be hay an hang buoi toi nay khong…nhung cho hoai gan toi khuya cung khong thay…

  5. Toi nho hoai mon che “dau xanh heng” cua bac nguoi hue mac ao dai di ban rong, toi nghe me ke lai toi rat thich an mon che cua bac tu ngay con be, cho den ngay roi khoi QN, trai qua bao nhieu nam,di tu xu,an hang nhieu noi, toi van chua an duoc o dau mon che doc dao cua bac. Khong biet bay gio bac con hay mat.

  6. Pho Gia long
    Tuyet tac!

    Cam on anh NTM da ve mot ban do duong Gia long voi day du am thanh va huong vi!

    Pho nho Gia long nhu da chim khuat tu lau nhung lai hien ve rat nhanh voi nhung cam xuc lon sau khi toi leo deo di theo anh tu Ben xe, qua khu pho “Tau” xuong tan chua Ba…

    Toi cung o tren con duong do gan 20 nam, nhieu noi, tieng rao hang thay doi theo nhieu the he nhung luc nao cung em ai, du duong…nhat la trong nhung dem khuya, that khuya…

    Ong Dieu ky say tra rat gioi, khi say huong tra toa rat xa, nong nan dam dac…mot huong vi khong the nao quen.

    Chac chan la anh con nho rat nhieu, nhung chi tang cho doc gia bay nhieu do thoi…Tiec qua!
    Sinh hoat duong Gia long vao nhung buoi chieu khi troi sap tat nang cung rat thu vi, nhung nguoi ganh ca chay gan nhu bay, vua chay vua rao ban ca Ngu, ca Thu, ca Nuc hap tu pho Cang chay ra Ben xe…Nhung gang hang day cua Huynh de tu Sa huynh chay nguoc chieu ve phia Cho lon…nhieu quá,lam sao ma ke het!

    Cam on anh rat nhieu!
    B.

BÌNH LUẬN

Vui lòng viết bình luận của bạn
Vui lòng điền tên của bạn ở đây

Bài Cùng Tác Giả