Trang sinh hoạt của Cựu Giáo Sư và Học Sinh trường Trung Học Cường Đễ Qui Nhơn

Gỏi hàu

Một anh bạn thuộc loại đại gia cấp huyện, thỉnh thoảng vẫn gặp tôi, mời mọc: “Hôm nào rảnh xuống chỗ tôi chơi, có nhiều cái hay lắm. Tôi sẽ đãi cậu một món đặc sản độc đáo!” Nhân một chiều cuối tuần, tôi rủ một anh bạn thơ cùng đến thăm anh để tán gẫu chuyện văn nghệ cho vui.

Hồ tôm của anh nằm ở xã Phước Thuận. Những bờ hồ chạy dài, đóng khung trên đồng nước mênh mông và rải rác đâu đây, những chòi canh như chiếc nấm lẻ loi nơi vùng đầm nước. Chúng tôi ngồi chuyện vãn nơi chiếc bàn đặt dưới mái hiên chòi. Buổi chiều nơi vùng đầm thích thật! Xung quanh là sóng nước, những chiếc thuyền đi về, tiếng gọi nhau ơi ới, một vài cánh chim bay liệng đó đây. Tôi nhìn anh bạn – chủ hồ, cười hỏi:

– Cái món đặc sản của anh đâu?

– Yên trí, sắp có rồi!

Vừa nói, anh vừa chỉ chiếc xuồng đang tiến về hướng chúng tôi. Xuồng cập bến, cậu người nhà lúc nãy ra đi, trở về mang theo một xách nhỏ vừa hàu, vừa rau và rượu. Anh đứng lên bảo: “Hôm nay mình đãi các ông món gỏi hàu, tuyệt lắm! Chúng tôi đứng cả dậy, cới áo, phụ làm với anh.

Vừa làm, anh vừa giải thích: “Hàu ở đây rất nhiều, nơi các gờ đá hàu bám đầy. Có điều mình không muốn các ông bận bịu, nên bảo đệ tử đi vào xóm mua cho gọn.” Lúc chiều đi qua xóm chợ Bến, tôi thấy nhà nào cũng cả đống hàu đổ trước sân và người già, trẻ con đang ngồi đập vỏ, lấy thịt. Hàng gánh hàu đã bóc vỏ ấy, sáng mai sẽ đi về các chợ quanh vùng. Ở đây, muốn ăn hàu chỉ cần quá bộ vào xóm mua, khoảng chục ngàn thì vô khối.

Cả một rổ thịt hàu! Chúng tôi ngồi xúm vào, theo lời chỉ dẫn của anh, lượm kỹ các mảnh vỏ còn sót, dính nơi thân. Xong anh lấy muối, trộn rửa năm ba lần, xả nước thật sạch. Năm, bảy cái chanh xắt miếng để sẵn. Hàu rửa xong, cho vào một cái xoong lớn, nặn chanh, trộn đều. Anh giải thích: vị chua của nước chanh sẽ làm hàu chín đi. Cùng lúc đó, cậu người làm đã nhặt rửa rau sống, làm xong nước chấm.

Trong vòng mười lăm phút, món gỏi hàu đã được làm xong. Bàn ăn được dọn cho bốn người, một tô hàu lớn để ở giữa. Rau sống, nước mắm, bánh tráng để xung quanh. Chúng tôi múc hàu vô chén, bẻ nhỏ bánh tráng bỏ vào, thêm rau sống, nước mắm, trộn đều, rồi và từng miếng lớn. Ăn xong chén gỏi hàu, vô một ly rượu, tôi ngẩn người: ngon tuyệt!

Hàu ăn sống, nhưng không hề thấy mùi tanh. Một vị ngon ngon, chua ngọt lan toả. Muốn tận hưởng hương vị thơm ngon của nó, hãy húp thử chút nước gỏi hàu chiết ra trong bát. Ngọt xớt!

Hồi còn đi học, tôi có đọc một giai thoại về Tản Đà. Những ngày nghỉ mát ở Sầm Sơn, chiều chiều Tản Đà ở trần, mặc quần lửng, lưng dắt con dao, bầu rượu, từ từ bơi ra tảng đá ngoài xa. Đứng trên tảng đá, nhô nửa người trên mặt biển, nhà thơ lần tay nạy từng con hàu đang bám vào đá. Dùng dao tách vỏ, lấy ruột hàu bỏ vào miệng nhai tòp tép, xong tu một ngụm rượu. Ăn thứ gỏi hàu chính hiệu nguyên thuỷ này giữa cảnh trời nước mênh mông, Tản Đà khoái chí thốt lên: “Nhất sinh, ta chưa bao giờ được thích thú như thế này!” Hôm nay, giữa cảnh trời nước này, được ăn một bữa gỏi hàu do ông chủ hồ tôm thết đãi, tôi thấy thích thú vô cùng. Thật ra hàu vốn là thứ dễ kiếm và rẻ tiền. Chỉ cần bảo vợ đi chợ mua hàu về, dụng công một tí là có ngay món gỏi hàu thơm ngon đãi bạn. Món gỏi, ăn nhau là nước chấm. Đó là thứ nước tương đỗ, pha chế rất khéo. Tôi nghĩ rằng món gỏi hàu hôm ấy mà có thứ nước tương đỗ kia chan vào, chắc sẽ ngon hơn, đậm đà hơn!

Nguyễn Quang Quân
12. 4. 2010

* Tặng bạn LQM (USA) món quê Phước Thuận – TP, để bạn thèm chơi!
Nơi tha hương chắc thêm nhớ quê hương?

 

   Số lần đọc: 3368

7 BÌNH LUẬN

  1. Chuyện vui, tin không tin cũng chẳng sao. Chanh và rượu không giết được siêu vi A và B trong thịt sò, hàu, cá sống. Người Việt chúng ta thuộc những dân tộc có tỉ lệ nhiễm siêu vi A và B cao nhất thế giới vì thích ăn sò sống và làm thơ trên bờ hồ. Tản Đà, Lý Bạch, Thôi Hiệu, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du đều bị bệnh gan trước khi qua đời! Hàu, sò xào thật chín vẫn còn ngon. Nhưng không sao, ai tránh khỏi chết! Chết mà để lại những vần thơ hay cho đời như Hồ Ngạc Ngữ, Huỳnh Minh Lệ, Kim Tiến, Dao Chi, Ngô Lạp, Lam Hồng, Trần Viết Dũng, Nguyên Hạ, Phạm Thiêu Thu, Nguyễn Trác Hiếu… cũng nên lắm lắm!
    😆

  2. Ui thui, lời bàn của tui bị admin thêm bớt zồi bạn ui. Admin khuyên tui đi lề phải, tui quen đi lề trái nên mới xảy ra đại nạn. Thế mới biết tại sao thay đổi theo thời.

  3. Bạn quên kể thêm kẻ đồng hành thân thiết với thủy hải sản là : SÁN LÁ GAN !
    Eo ơi, nó mà vào người rồi là đi du lịch lung tung trong đó, hãi nhất là khu trú ở não!
    Dọa bạn chơi vậy thôi chứ gì cũng sợ thì làm sao tận hưởng cuộc sống được vì …”cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”.
    Cháo hàu cũng ngon lắm đó bạn!

  4. Có “Khách viếng thăm” là vui rồi, làm khó chi chuyện chữ nghĩa. Trong chỗ thân quen, đó là cách nói cho vui vậy thôi! Đại khái, trong nhãn quan hạn hẹp của tôi, đó là một người ăn nên làm ra,giàu có trong huyện, vượt xa loại xoàng xoàng như tôi . Còn cấp tỉnh thì có những người giàu lắm. Cấp quốc gia, thì chắc là giàu lắm lắm. Tôi chỉ hiểu một cách đơn giản vậy thôi! Tôi là người hàng thôn,xã thì hiểu làm sao hết chuyện cấp trên! (về chuyện đại gia)

  5. Anh Quân
    mấy chuyện này phải nói tới mấy con số mới được.
    Như vậy bà con mới thấy sự khác biệt 😀
    Nếu anh thấy tính bằng Đồng VN nhiều con số 0 quá, dài dòng,
    thì tính bằng đô Mỹ cũng được, cho gọn! 😆

  6. Làm khó anh Huy
    KVT ơi! đại gia ở VN chỉ là cách nói vui. như anh Huy tự nhận mình hàng thôn xã chắc chả biết đô Mỹ, đô Sin,đô Úc là gì (tôi đoán vậy nếu trật anh Huy đừng buồn nha). Dân BĐ ít tiền, nhưng nhiều vàng (mùa lên mua vàng đem cất kỷ).
    Anh hỏi kỷ làm gì khó anh Huy.
    Những người không làm thơ để cho đời (đời nào vậy) như quý vị được KVT nêu tên ở trên, thì đừng dại dột mà ăn hàu, lở chết không đáng nha.

BÌNH LUẬN

Vui lòng viết bình luận của bạn
Vui lòng điền tên của bạn ở đây

Bài Cùng Tác Giả