Trang sinh hoạt của Cựu Giáo Sư và Học Sinh trường Trung Học Cường Đễ Qui Nhơn

Người sưu tập ca dao

Khi Trâm tưới xong hai luống rau, trời vẫn còn rất sớm. Phương đông vừa mới ửng hồng và tiếng chim hót líu lo trên hàng me tây phía sau nhà. Mấy chục gàu nước tưới rau là một bài tập thể dục rất tốt, khiến cô khoẻ hẳn ra. Trâm cuốn gọn dây gàu, đi qua sân trường, trở về phòng ở của mình trong dãy nhà tập thể đang khép mình khiêm tốn trong một góc của khu trường rộng mênh mông. Cô bước đi chậm như người đi dạo. Hai ống quần xắn cao đến gối, để lộ đôi bắp chân trắng, chắc khoẻ. Trâm đưa mắt nhìn vòm cây, đôi môi chúm chím cười như đang nghĩ về một điều gì rất thích thú.

Hiền vẫn ngồi ở bàn trang điểm. Cô chăm chú làm tiếp công việc của mình, như không hề hay biết có người vừa bước vào phòng. Trâm lẳng lặng xếp cất chiếc gàu vào góc phòng, rồi ra giường ngồi. Cô thong thả buông hai ống quần xuống, ánh mắt vẫn dõi nhìn Hiền. Bất chợt cô nhận ra Hiền đang làm những động tác thật vui mắt. trên khuôn mặt dày phấn mà cô đã khổ công xoa lên trong suốt thời gian Trâm đi tưới rau, bây giờ Hiền đang bắt đầu vẽ mắt. Chiếc bút chì màu xanh đi qua đi lại, tạo nên những đường viền công phu. Rồi đến đôi môi. Thỏi son lướt những đường dài lúc mau lúc chậm trên đôi môi nứt nẻ của Hiền. Mặt Hiền nghiêng qua, nghiêng lại; mắt cô lúc khép, lúc mở; đôi môi lúc mím, lúc trề. Có lẽ phải mất hơn mười lăm phút cho việc tô môi, vẽ mắt này. Không biết bỗng dưng sao sáng nay, Trâm lại chịu khó quan sát kỹ việc Hiền trang điểm. Việc ấy ngày nào Hiền không làm, những buổi lên lớp, những lúc đi chơi…, hầu như Hiền chỉ chịu ra khỏi phòng khi khuôn mặt đã đầy đủ phấn son.

Nhìn Hiền săm soi khuôn mặt đỏ hồng của mình để tìm ra chút kẽ hở cuối cùng, Trâm không giữ được nụ cười:

– Trông chị hôm nay rất hay: má đỏ, môi đỏ, mắt xanh. Chị Hiền này, nếu chị mặc chiếc áo pull đỏ vào nữa, mọi người sẽ lác mắt đấy! Toàn thân một màu đỏ chói, đẹp vô cùng!

Hiền cười phá lên:

– Cái con khỉ gió này!

Trâm nhìn thẳng vào mắt Hiền, cười nhẹ:

– Mà kể cũng buồn cười, sao nhà trường lại phân công chị dạy Kỹ thuật Nông nghiệp? Cô giáo với má phấn, môi son, móng tay sơn đỏ mà nói về cây lúa, con heo với phân chuồng thì khó tin thật!

Trâm nói câu đó với giọng tỉnh không, thoáng chút hài hước. Đôi chân mày của Hiền hơi nhíu lại, rồi giãn ra ngay. Sống với nhau đã mấy tháng rồi, Hiền thấy Trâm đối với mình rất dễ mến và chân thật, nên nghe những lời ấy, Hiền vẫn không giận được. Cô nói lảng đi:

– Ối, hơi đâu mà quan tâm những chuyện đó, em! Mình cứ giảng theo sách vở thôi! Vả lại, đối với chị, dạy dỗ chỉ là một thứ nghề tay trái. Em xem đó, tiền lương không đủ cho chị mua son phấn nữa là!

– Thế thì chị đừng dùng son phấn nữa! Trong lúc khó khăn này, chúng ta chưa có điều kiện để lo cho cái đẹp bên ngoài.

Hiền lúc này đã xoay hẳn người lại, ngồi đối mặt với Trâm. Nghe Trâm nói thế, cô thoáng ngẩn người ra trong chốc lát, rồi chậm rãi nói:

– Ngày trước đã có người nói với chị những lời như vậy. nói nhiều nữa kia! Nhưng chị không nghe, và vì thế mà sinh chuyện!

Hiền lặng im, mặt cúi, lẩn tránh cái nhìn dò hỏi của Trâm . Cô nói lảng đi:

– Hồi hôm em làm gì mà thức khuya dữ vậy? Hình như em đang tập tành viết lách gì phải không? Cô giáo dạy Văn, lại muốn trở thành nữ văn sĩ nữa à?

Trâm mỉm cười, vẻ bẽn lẽn:

– Đâu có, chị! Em chép ca dao đó mà!

– Ca dao thì chép chi cho mệt! Em có cả cuốn tục ngữ, ca dao dày cộm của Vũ Ngọc Phan đó, chưa đủ sao?

– Không phải đâu! Em đang sưu tầm, tìm hiểu về ca dao địa phương mình. Công việc này em làm từ khi đi thực tập khảo cứu về văn học dân gian hồi năm thứ ba ở đại học. Ban đầu do nhà trường bắt làm, rồi đâm ra mê. Thú lắm chị à!

Hiền giật mình! Một cảm giác lạ lùng tràn ngập trong cô. Sao Trâm nó nghĩ giống anh ấy vậy nhỉ? Bỗng dưng Hiền thấy tức giận và chán nản vô cùng. Nhưng mà giận ai? Anh ấy có là của mình nữa đâu! Tức Trâm à? Con bé dịu dàng và dễ thương thế kia! Mình ghen à? Sao thế nhỉ? Mình có quyền gì, tất cả đã xa rồi, đã hết rồi! Trong phút chốc, hình ảnh người chồng cũ của Hiền hiện ra, với biết bao kỷ niệm. Anh lam lũ thế kia, làm sao xứng với tôi được? Càng ngày anh càng trở thành một người nông dân thực sự. Cũng vác cuốc thăm đồng, cũng tát nước, làm vườn…, những công việc mà tôi không thể làm được. Anh công kích chuyện tôi son phấn à? Đàn bà mà anh, phải làm đẹp chứ! Những lúc như thế, Hiền sẵn sàng nói to, nói nhiều. Anh lẳng lặng lắc đầu. Nhà có một bàn viết, đêm đêm khi chị soạn bài thì anh ngồi chơi với con, hoặc nếu con ngủ, thì anh ngồi trầm ngâm trước hè, hút thuốc. Chị đi ngủ, anh lại chong đèn ngồi viết.

– Anh viết gì thế?

– Ả, cũng như em soạn bài ấy mà!

– Tôi soạn bài để dạy, còn anh ghi chép ba thứ ấy để làm gì?

– Để học em ạ! Hôm nay ra đồng, anh được nghe mấy câu ca dao lạ lắm, và được ông An – ông lão chăn vịt ở xóm Đông, kể cho nghe một câu chuyện lý thú về cái đầm Voi làng mình. Đây em xem, bộ sưu tập của anh ngày càng dày ra thấy không? Ca dao, dân ca là cả một thế giới tâm hồn của dân mình.

Hiền chán ngán vô cùng. Cô gắt lên: “Ngày trước anh đi học mấy năm, lấy cái bằng cử nhân triết của Tây, giờ không dùng được, nên bày trò học ca dao chứ gì? Để chi vậy? Để tán gái à?”. Anh cau mày, vẻ đau xót. Lần ấy, anh có việc đi Quy Nhơn về, gặp một cô gái quen trong làng đang đi bộ về giữa trưa, anh dừng xe lại chở hộ. Cô đi dạy về gặp, chận xe anh giữa đường, chửi cô ấy một trận. Về nhà, anh đã nói nghiêm khắc: Tôi yêu cầu cô cư xử phải có văn hoá hơn! Cô đốp chát: Đối với các con đĩ, thì không cần có văn hoá! Anh vẫn nhỏ nhẹ: Tại sao cô dám nói người ta như thế? Cô lại hùng hổ: Tôi cấm anh không được tiếp xúc với bọn con gái! Mẹ anh thấy hai người cãi nhau, cũng góp ý vào. Cô nổi khùng lên: Bà che chở cho con bà làm bậy sao? Bà tưởng tôi về làm dâu nhà này sướng lắm à? Để tôi bỏ đi cho mẹ con bà được tự do! Và cô vùng vằng bỏ đi thật. Cũng may hôm ấy cháu bé đang ở nhà ngoại, nếu không chắc lại phải dằng co. Ba ngày sau cô quay lại, dọn hết tư trang của mình và của con, đưa anh một tờ đơn xin ly dị, bảo anh ký. Anh lặng yên nhìn cô thu dọn, và đọc lướt qua tờ đơn. Lấy giọng bình tĩnh, anh nói với cô:

– Cô đã suy nghĩ kỹ việc này chưa? Mặc dù trong thời gian qua, cô tỏ ra coi thường tôi, hỗn láo với mẹ tôi, nhưng dù sao vợ chồng cũng là chuyên lâu dài, tôi định trao đổi với cô kỹ hơn về những mâu thuẫn giữa chúng ta, nhưng nếu cô làm thế thì…

Hiền cắt ngang:

– Không trao đổi gì nữa cả. Tôi không thể sống chung với anh được. Sống với anh ngày nào, tôi chỉ thêm khổ nhục mà thôi!

Hiền lấy chồng khi còn đi học và đã bỏ chồng ba năm sau đó. Cuộc sống chung rất ngắn ngủi. Hình như sự xa cách đó giúp cô hiểu ra một điều gì. Cho đến nay, lá đơn xin ly dị của cô vẫn chưa gửi đến toà án, nhưng Hiền đâu có chờ sự thay đổi nào. Vấn đề sẽ được hợp thức hoá thôi, và thực sự giữa hai người có còn gì nữa đâu. À, còn đứa con. Nhưng ngay cả sợi dây liên lạc đó cũng mất hiệu lực. Thỉnh thoảng anh có đến thăm con, nhưng cô không cho gặp; anh vài lần gửi quà cho nó, cô bực tức trả lại. Rồi thôi!

Hiền ngồi lặng người hồi lâu, chìm đắm trong nỗi suy tư. Bất giác cô buột miệng nói với Trâm: Chồng chị ngày trước cũng thích ca dao, dân ca lắm, Trâm à! Đến lượt Trâm lại giật mình. Chuyện riêng của Hiền, Trâm cũng có biết qua từ sự chắp vá những mảnh chuyện rời rạc họ đã nói với nhau, nhưng cô không được biết cụ thể lắm. Tuy ở cùng phòng mấy tháng nay, nhưng họ không thân nhau. Hiền như thuộc một thế giới khác, thế giới của những đòi hỏi phải được sống đầy đủ, được chiều chuộng. Từ nhỏ, Hiền đã sống trong một gia đình khá giả, hơn hẳn nhiều người. Còn Trâm , cô phải tằn tiện từng đồng, vẫn không đủ, trong khi Hiền xài bạc trăm, bạc nghìn mà vẫn có thừa. Có khổ, nhưng Trâm chịu được, vì cô đã quen sống trong cái khổ. Trâm rất đông em, và người chị ấy đã tập nhịn cho em từ lúc còn thơ ấu rồi. Trâm bằng lòng với cuộc sống hiện tại và cô đang rất vui với công việc. Mà công việc của cô thì rất nhiều, làm mãi vẫn không hết!

*

Buổi sáng theo kế hoạch, Trâm đến nhà cô Cầm để tìm hiểu về dân ca. Cô ấy trước kia là một nghệ sĩ nổi tiếng chuyên hát bài chòi. Chắc đó sẽ là một kho tàng sống về dân ca địa phương. Trâm đạp xe đi quanh co trong khu xóm nhỏ, khi hỏi ra nhà cô thì mặt trời đã lên cao. Muốn đến nhà cô Cầm phải đi qua chiếc cầu khỉ, bắc qua con mương rộng. Cầu là hai cây tre ghép vào nhau, tuy có tay vịn, nhưng trông ẻo lả thế nào ấy. Đi qua một mình Trâm đã thấy sợ, còn chiếc xe đạp, biết làm thế nào? Trâm đành khoá xe lại, để dưới bóng cây bàng ở đầu cầu bên này. Nhà cô Cầm ở bên kia, không xa, chỉ cách hơn mười thước nữa. Ở đó, có lẽ Trâm sẽ trông chừng chiếc xe của mình được. Trâm run rẩy đi qua cầu, gõ cửa nhà cô Cầm, thì cô đã đi vắng. Khi quay lại, tìm chìa để mở khoá xe, thì chìa đã rơi đâu mất. Thôi chết rồi! Trâm nhớ mình đã kẹp chìa khoá vào cuốn sổ, cầm chặt nơi tay, sao lại mất được? Trâm đi qua cầu lần nữa, tìm kỹ nơi con đường dẫn đến nhà cô Cầm, nhưng mãi không thấy. Hơn một giờ sau, không cách nào hơn, cô đành nhắc bánh sau mà dắt xe đi. Trời nắng gắt, mồ hôi ra ướt cả áo Trâm và từ mặt cô, từng giọt mồ hôi cũng đang rơi xuống. Bỗng từ xa, một anh nông dân còn trẻ, vác cuốc đi tới. Anh mặc bộ đồ bà ba đen, quần ống thấp ống cao, chiếc nón cũ không che hết khuôn mặt sáng với đôi mắt long lanh. Đến gần cô, anh dừng lại, hỏi với giọng đùa cợt:

– Xe làm sao mà phải dắt thế, cô bạn?

Được dịp, Trâm dừng lại nghỉ, trả lời trong tiếng thở hổn hển:

– Xe bị mất chìa khoá, anh ạ!

Anh đứng chống cuốc, mắt nhìn cô chăm chú:

– Hình như cô ở xa đến thì phải. Đi dâu mà khoá xe, lại đánh mất chìa khoá thế?

– Tôi ở trong đoàn sinh viên Đại học sư phạm, về đây sưu tầm về văn học dân gian. Hôm nay tôi tìm đến nhà cô Cầm trong xóm, nhưng chẳng may không gặp, lại đánh mất chìa khoá!

– À, tôi hiểu rồi! Đoàn của cô về đây mấy hôm nay chứ gì? Thế này nhé! Trông cô đã mệt quá rồi đấy, mời cô ghé lại nhà tôi nghỉ một lát đi! Nhà tôi kia kìa! Tôi sẽ giúp cô giải quyết cái khoá xe này.

Nói xong, anh đưa cuốc cho Trâm cầm, đỡ lấy chiếc xe, vác bổng lên vai một cách nhẹ nhàng. Trâm lúng túng chẳng biết nói sao, đành theo anh, vác cuốc lên vai, quay lại đoạn đường cô vừa đi qua.

Nhà anh cũng gần đó. Hơn mười phút sau, anh đưa cô đi qua vuông sân rộng, đến trước thềm.Anh đặt xe xuống, dựng gác bên thềm. Nghe tiếng động, một bà cụ từ nhà sau đi ra, đưa mắt nhìn Trâm, hỏi nhỏ anh:

– Ai đấy con?

– Bạn con đấy, mẹ ạ!

Trâm chào bà, nét mặt ngại ngùng. Anh bước vội vào nhà, mở rộng cánh cửa phòng bên, mời Trâm vào.

Trâm nhìn qua căn phòng : cách bài trí gọn gàng , khéo léo. Trong khi anh đi ra nhà sau,Trâm đến bên tủ sách. Trâm rất thích sách, vì thế đến nhà ai có tủ sách thì cô sà ngay vào. Một chiếc kệ dài hơn hai thước, kê sát tường, chia nhiều ngăn, xếp đầy sách. Ôi chao, ở đây có nhiều sách quý mà Trâm đã mỏi mắt kiếm tìm. Những quyển mới xuất bản, Trâm vừa thấy ở hiệu, chưa kịp xin tiền má để mua thì đã thấy ở đây. Sát bên cửa sổ nhìn ra mảnh vườn đầy cây ăn trái, là chiếc bàn viết. Bàn bằng gỗ hương , đóng theo kiểu buya-rô, có nhiều hộc ở bên phải, trên để vài cuốn sách, một xấp giấy đang viết dở. Ngắm nhìn căn phòng , lòng Trâm như lắng đọng, hoà vào cái không khí tĩnh lặng có một chút trang trọng của nó. Anh lại bước vào với khay nước trên tay:

– Mời cô ngồi ghế uống nước!

Hai người ngồi vào bộ ghế nhựa kê cạnh lối vào. Cách anh pha trà, mời nước khá lịch sự. Cô nhẹ nhàng đón chén nước từ tay anh:

– Anh có nhiều sách quá!

Anh cười nhẹ:

– À, đó cũng là một thứ đam mê. Mà đã đam mê, thì phải khổ!

Trâm mở mắt tròn xoe:

– Sao thế anh?

– Chẳng hạn như tôi rất mê sách. Có thể chịu khổ, chịu thiếu nhiều thứ, nhưng không có sách thì không được. Có thể nhịn ăn để lấy tiền mua sách. Vợ tôi thì không thích thế. Côi không thích cách sống và những suy nghĩ của tôi. Thế là chúng tôi mâu thuẫn nhau!

Trâm không biết nói sao. Anh tiếp lời:

– Xin lỗi cô, cũng chỉ vô tình mà tôi đề cập đến chuyện này. Các cô về đây cả tuần rồi, có tìm được gì không?
Trâm đã trở nên hoạt bát hơn:

– Cũng chưa được bao nhiêu anh ạ! Mới khoảng hai chục câu ca dao và vài câu chuyện cổ. Nhưng rồi cũng sẽ bị trùng lặp nhiều đấy! Khó có thể xác định rằng những câu ca dao đó là của riêng xã này.

– Đó là điều tất nhiên. Một trong những đặc tính của văn học dân gian là tính truyền miệng. Nó được truyền từ người này sang người khác, từ vùng này sang vùng khác, lưu hành qua bao đời, trong một khoảng không gian rộng lớn, đôi khi vượt cả một đất nước nữa kia. Tuy nhiên ta cứ sưu tầm đi, rồi sẽ lọc lại, còn phải sắp xếp, nghiên cứu nữa mà! Cũng có thể xác định một số câu ca dao là của địa phương đấy!

Cô ngạc nhiên nhìn anh. Anh nói như một nhà nghiên cứu. Phải rồi, cái tủ sách, bàn viết và những lời này đâu phải là của một người nông dân thực thụ. Lòng Trâm rộn ràng như vừa khám phá ra một điều rất mới.

– Hình như anh cũng nghiên cứu nhiều về văn học dân gian vùng này phải không? Anh giúp chúng em nhé!

Anh cười, nói với giọng khiêm tốn:

– Có gì đâu mà cô bảo là nghiên cứu. Tôi biết rất ít cô ạ! Ngày trước, tôi rất thích tìm hiểu về ca dao, dân ca – những giọng hò, những lối hát dân gian ở các miền đất nước. Tôi thích nhất những giọng hò trên các vùng sông nước. Quê tôi cũng gắn bó với sông nước. Gò Bồi mà cô! Nơi đây ngày xưa, ghe thuyền các nơi đi về rất tấp nập.

Cô nhắc lại:

– Anh đọc cho em nghe vài câu đi!

Anh lại mỉm cười, im lặng hồi lâu, rồi bảo:

– Cô nghe thử bài này nhé! Tôi không dám chắc là của vùng này đâu!

Vàng mười thử lửa thử than,
Người khôn thử tiếng, bạn khôn thử lời.
Ngó lên trống giục, neo dời
Nhớ câu ước thệ, nhớ người giao ngôn
Một ngày có được vợ khôn,
Cũng tày cá ở Vũ môn hoá rồng!…

Giọng của anh trong và ấm. Bài ca dao hình như còn tiếp, nhưng anh dừng lại ở đó. Căn phòng rơi vào im lặng. Trâm thoáng nhận ra một chút tâm sự của người đọc. Hình như có một mối tình đã xa, một chút luyến tiếc, một nỗi ước ao: có được vợ khôn thì sung sướng biết bao!

Trâm không kìm được, bất giác hỏi:

– Chị đâu anh?

Anh trầm ngâm một lát, rồi nói:

– Chúng tôi đã xa nhau rồi cô ạ!

Rồi anh đứng dậy:

– Thôi nhé! Hôm nào rảnh rổi, mời các cô cứ đến chơi Nếu giúp được gì, tôi xin sẵn sàng. Bây giờ tôi đi mở khoá xe cho cô đây!

Anh kéo hộc tủ, lấy ra một khúc tăm xe đạp đã đập dẹp thành hình chiếc que. Trâm theo anh ra trước hè. Anh dùng chiếc que sắt mày mò nơi ổ khóa, bỗng tách một tiếng, càng khoá đã bật lên. Trâm lại mở tròn mắt ngạc nhiên. Anh nói nhỏ:

– Thật dễ, phải không? Một chút nghề mọn do bạn truyền cho đấy! Tiếng anh như thầm thì: Tôi biết mở nhiều thứ khoá, nhưng lại đang bí trước cái khoá của cuộc đời riêng mình đấy! Thôi cô về nhé!

Khi cô chào ra về, bà cụ ân cần mời cô ở lại dùng cơm. Anh bảo mẹ: Cô ấy không ở lại được đâu mẹ ạ! Bà cụ lại vui vẻ mời cô lần khác đến chơi. Cô thầm nghĩ: Bà cụ phúc hậu quá! Cô ra về, trong lòng hơi xót xa về cảnh sống cô đơn của hai mẹ con anh ấy.

Những ngày sau đó, Trâm đã vài lần cùng cả nhóm đến thăm anh, nhưng không gặp. Dạo ấy đang ngày mùa và anh bận tíu tít với công việc gặt hái. Đêm cuối cùng trước hôm trở lại trường, cô cùng một người bạn gái đến thăm anh. Trong khu vườn tràn ngập ánh trăng của nhà anh, ba người đã nói chuyện rất lâu về ca dao. Qua hai tuần tìm kiếm, Trâm đã có một số vốn nhất định về văn học dân gian địa phương, nhưng so với anh, cô thấy kiến thức của mình còn hạn hẹp quá. Bà cụ đã nấu một nồi chè đậu xanh đãi khách. Dưới ánh trăng, trong bộ đồ bà ba trắng, trông anh thanh nhã như một nho sinh đời trước. Khi từ biệt ra về, cô bảo anh, giọng thoáng buồn:

– Rất tiếc là bọn em gặp anh muộn quá. Mai chúng em phải về rồi!

Anh nhìn cô im lặng, có vẻ nghĩ ngợi, rồi đứng lên:

– Cô chờ tôi chút nhé!

Anh đi vào nhà và lát sau đem ra một cuốn sổ khổ lớn, đóng rất đẹp, đưa cho Trâm và nói:

– Đây là cuốn sổ ghi tất cả những gì tôi sưu tầm được về văn học dân gian vùng này. Chủ yếu là ca dao. Tôi cho cô mượn để tham khảo thêm. Nhà cô ở Quy Nhơn phải không? Ghi cho tôi cái địa chỉ. Khoảng một tháng sau, tôi sẽ đến xin nhận lại.

Lần ấy, nhóm cô đã được các thầy giáo khen ngợi rất nhiều về kết quả sưu tầm được. Anh em đã kịp thời bổ sung tư liệu từ cuốn sổ của anh. Riêng cô, dựa vào bộ sưu tập, cô đã viết hẳn một chuyên luận xuất sắc về đề tài này trong năm cuối cùng, và nhà trường đã có một tặng thưởng xứng đáng cho cô sinh viên Trâm giỏi giang và xinh xắn này.

Anh đã đến thăm cô như đã hẹn. Và nhiều lần khác nữa. Cô cũng có những lần đến thăm anh ở quê. Họ có một đề tài vô tận để trao đổi. Họ có chung một thứ để say mê. Dần dần, qua thời gian, cái nhìn của anh có đổi khác, và thái độ của cô đối với anh cũng có khác đi. Câu chuyện của họ không đơn thuần là truyện cổ, là ca dao và dân ca, mà đã có những thứ khác của đời sống xen vào. Điều đó cũng dễ hiểu thôi, vì bàn về ca dao, tránh sao khỏi nói đến tình yêu và cuộc sống.

Thời gian đã đẩy họ đến gần nhau hơn và khoảng cách không gian cũng dần thu hẹp lại. Đầu năm nay, cô được phân công về dạy tại trường trung học huyện nhà. Từ đây đến nhà anh chỉ hơn năm cây số. Họ gặp nhau thường hơn và đang làm chung một công trình nghiên cứu về văn học dân gian địa phương. Công trình ấy được Ủy ban huyện ủng hộ. Họ có hẳn một kinh phí. Với tiến độ này, cuối năm nay công trình sẽ hoàn thành. Còn những dự tính cho chuyện hợp tác trong tương lai….

*

Trong khoảng cách im lặng của câu chuyện, Trâm đã nghĩ đến anh. Đúng là anh ấy rồi. Cô nhìn Hiền đăm đăm và nói với giọng nghẹn lại:

– Chị Hiền này, có lẽ hôm nay chị về thăm anh ấy với em đi!

– Chi vậy em?

– Đó là điều cần thiết!

Hiền có vẻ suy nghĩ, vẻ mặt rất buồn:

– Điều đó không cần thiết nữa đâu, Trâm ạ! Tự chị, chị đã chặt đứt mọi thứ cầu nối rồi. Hơn một năm qua, chị thấm thía về sự xa cách này, mới thấy được cái giá phải trả cho sự nông nổi của mình. Có ân hận cũng đã muộn rồi!

Trâm nói, thoáng chút đau xót:

– Có lẽ chưa muộn đâu! Giữa anh chị vẫn còn một sợi dây liên lạc, đó là cháu bé. Anh rất thương cháu. Anh rất tốt chị ạ!

Hiền trố mắt, ngạc nhiên:

– Sao em biết?

– Em đã có dịp gặp anh ấy, sau ngày chị ra đi.

– Vậy ra em…?

Khuôn mặt Hiền trong một thoáng như tối lại, rồi lại sáng lên ngay. Anh ấy rất tốt và Trâm cũng rất tốt. Hay là…. Nhưng không, có lẽ mình phải gặp lại anh ấy, dù chỉ là lần cuối.

Hiền lấy xe ra, định đi với Trâm, nhưng rồi lại thôi. Cô chạy xe ra cổng, về nhà mẹ để thăm con. Tự nhiên cô tha thiết nhớ con, muốn sống bên con trong lúc này để suy nghĩ thêm về chuyện mình với anh ấy.

Trâm đã đạp xe đến thăm anh ấy một mình. Vừa thấy bóng Trâm thấp thoáng, anh đã bước vội ra ngõ đón ngay:

– Từ sáng giờ, anh mong Trâm quá chừng!

Trâm cười buồn:

– Em tưởng không đến được đấy chứ!

– Sao thế em?

Hai người lặng lẽ đi bên nhau vào nhà. Trâm chỉ trao đổi với anh về vấn đề họ đang nghiên cứu. Trâm báo cho anh biết cô sắp hoàn thành chương II của cuốn sách. Trâm vẫn cố gắng tiếp tục cộng tác cùng anh, mặc dù trước mắt đang có bao nhiêu là khó khăn. Trong lần gặp trước, anh đã nói với cô: “Trâm này, chúng ta hợp nhau biết bao!”. Cô im lặng. Lần này, anh hỏi: “Trâm! Chúng ta có thể đến với nhau được không?” Cô cười nhẹ:

– Nghiên cứu về ca dao, ta thấy dân tộc mình có tâm hồn cao đẹp và trong sáng quá anh nhỉ? Họ sống thủy chung, tình nghĩa biết bao! Và cô nhìn thẳng vào mắt anh, nói tiếp: Em đang ở cùng phòng với chị Hiền đấy! Chị ấy rất muốn về thăm anh.

Nói xong cô đứng dậy, kiếu từ ra về. Trên bàn, cô để lại cho anh xấp bản thảo cô vừa viết, để anh đọc góp ý.
Tiễn Trâm đi rồi, anh thẫn thờ quay lại. Anh ngồi vào bàn, buồn bã lật từng trang bản thảo của Trâm. Bỗng anh run run đọc một câu ca dao rất mới mà Trâm vừa phát hiện được và dẫn ra trên trang viết:

Rau răm cứng đất khó trồng,
Dẫu thương cho lắm cũng chồng người ta!

Anh đọc đi đọc lại mãi câu ca dao và chợt nhận ra rằng: Chữ của Trâm rất đẹp với những đường nét dứt khoát.

 
Nguyễn Quang Quân

 

   Số lần đọc: 2198

BÌNH LUẬN

Vui lòng viết bình luận của bạn
Vui lòng điền tên của bạn ở đây

Bài Cùng Tác Giả