Trang sinh hoạt của Cựu Giáo Sư và Học Sinh trường Trung Học Cường Đễ Qui Nhơn

Trang NhàĐoản VănNguyễn Quang QuânNói chuyện với Võ Hồng

Nói chuyện với Võ Hồng

Tôi đi Nha Trang vì một việc riêng, nhưng vẫn dặn lòng thế nào cũng phải đến thăm Võ Hồng, một nhà văn mà tôi ngưỡng mộ. Từ lâu, qua báo chí, tôi biết nhà văn ở đường Hồng Bàng, nhưng không biết số nhà cụ thể. Đến Hội Văn Nghệ thăm bạn và nhân tiện hỏi nhà Võ Hồng, bạn cũng quên mất số, nhưng vẽ đường khá rõ. Đến đường Hồng Bàng, tôi dễ dàng tìm ra nhà Võ Hồng. Ở đây, ai cũng biết Võ Hồng. Một bác thợ may chỉ cho tôi nhà số 53 , trước cổng có tấm bảng nhỏ: “Kéo dây gọi Võ Hồng”.

Nhà văn sống một mình hai phòng trên gác. Phòng ở bề bộn đồ đạc, sách vở. Gặp tôi, Võ Hồng chăm chú nhìn và hỏi tên, nhưng tôi nói ngay: Tôi là một người không quen, chỉ là một độc giả hâm mộ văn chương của thầy, nên tìm đến thăm. Nhà văn vỗ trán: À, à! Và nhắc ghế mời tôi ngồi ngay trước cửa phòng, dưới giàn hoa nhỏ.

Võ Hồng có vẻ vui khi biết rằng, trước đây, khi còn học ở Văn Khoa Sài Gòn (1968-1971), tôi sưu tập đủ và đã đọc toàn bộ tác phẩm của Võ Hồng. Trong đó, tôi thích nhất Hoa bươm bướmNhư cánh chim bay. Võ Hồng hỏi ngay: Đọc “Hoa bươm bướm”, anh thích chi tiết nào? Tôi ngớ người, nhưng rồi cũng trả lời: Theo tôi biết, Hoa bươm bướmNhư cánh chim bay là hai cuốn trong bộ trường thiên tiểu thuyết bốn cuốn mà nhà văn định viết. Trước đây, trong một bài trả lời phỏng vấn tạp chí Văn của Sài Gòn cũ, Võ Hồng đã bày tỏ ý định viết một bộ tiểu thuyết bốn cuốn như “Guerre et Paix” của Léon Tolstoi. Với tác phẩm, nếu độc giả thích, không phải là một chi tiết, mà là hệ thống chi tiết đã làm nên nội dung và nghệ thuật của tác phẩm. Võ Hồng gật gật đầu. Và tôi nói thêm: Tuy nhiên, có một chi tiết làm tôi xúc động: Trên chuyến tàu đêm từ Suối Cát về Tháp Chàm, Luân cầm tay Quỳ và nói như trong một giấc mơ. Rồi chàng rụt rè bỏ tay Quỳ ra, nhưng những ngón tay Quỳ xoay lên giữ bàn tay chàng lại, cầm bàn tay đó áp lên má mình đang đầy nước mắt. Với chi tiết đó, cuộc đời Luân và Quỳ đã khép lại một giai đoạn xót xa và mở ra một giai đoạn mới có chiến tranh và cũng có tình yêu, hạnh phúc.

Tôi đọc Hoa bươm bướm Như cánh chim bay đã lâu, cách đây 25 năm, nhưng tôi vẫn nhớ rất rõ chi tiết đặc sắc ấy. Tôi thưa với nhà văn rằng, tôi từng có toàn bộ tác phẩm của Võ Hồng, nhưng rồi năm 1975, tôi đã phải nộp toàn bộ số sách ấy theo lệnh thu nộp của chính quyền Cách mạng. Võ Hồng đi vào phòng và mang ra cho tôi xem hai quyển Hoa bươm bướm Như cánh chim bay của nhà xuất bản Văn Nghệ ở Mỹ mới in. Ông bảo một Việt kiều mới mang về cho ông. Sách in đẹp trên giấy tốt. Tôi lật qua xem, lòng xúc động như bắt gặp một vật gì mình đánh mất đã lâu, nay tìm lại được.

Như có mối đồng cảm, tôi và Võ Hồng nói với nhau mãi về cảnh và người trong Hoa bươm bướm . Không phải nay nghe từ miệng của chính tác giả, tôi vẫn biết đó là một câu chuyện có thật của cuộc đời Võ Hồng. Luân chính là Võ Hồng và Quỳ là vợ ông, mà tôi không tiện hỏi tên thật. Một mối tình thật đẹp.Ông xúc động kể về vợ mình – một cô Quỳ xinh đẹp, thông minh, quí phái đã chung chia những vui buồn, sướng khổ một đời với ông. Tiếc rằng vợ ông mất sớm (1957), lúc ông 35 tuổi. Gà trống nuôi con. Nay con ông đã trưởng thành cả rồi, người ở trong nước, người ở ngoài nước, nhưng tất cả đều ở xa xôi. Ông sống một mình. Cơm nước nhờ nhà bên nấu hộ, đến bữa thì ăn. Suốt ngày trầm tư, suy nghĩ, viết lách. Con ông muốn ông vào Sài Gòn sống để tiện việc chăm sóc, nhưng ông chưa thể xa Nha Trang được. Ông kể với tôi về những suy nghĩ được ghi lại trong cuốn sổ tay “Trầm tư”. Ông lấy cho tôi xem cuốn sổ tay ghi chuyện thằng Jo, có từ thời kháng chiến chống Pháp. Những tư liệu văn học rất quí, được ông lưu giữ đầy đủ.

Biết tôi cũng có tập tành viết lách, ông nói khá nhiếu về chuyện tác phẩm và cuộc sống. Ông bảo đất Phú Yên của ông có ít người tài, thua hẳn Bình Định của tôi. Tôi nhẹ nhàng xoa tay: Không dám! Không dám! Ông vẫn cứ xác định: Đúng thế! Đúng thế! Bình Định có Trường thi và nhiều trí thức khoa bảng lắm. Ông hỏi tôi về đội ngũ người viết ở Bình Định hiện nay. Tôi ngập ngừng khó nói. Toàn những tên tuổi làng nhàng, nhắc đến chắc ai đã biết. Tất nhiên ai lại đem Yến Lan ra khoe, vì đấy là bậc lão tướng của nền thi ca Việt Nam hiện đại. Trong lĩnh vực văn thơ, những người Bình Định có tài đều ở xa, đi xa. Ở đây có ai đâu! Nhưng có sao, khi người ta đã là người của cả nước, thì trong phần riêng của mình vẫn có quê hương đấy chứ. Và quê hương có quyền tự hào đã sản sinh ra những người con tài danh đó, tuy rằng phần nuôi dưỡng của mình rất ít, thậm chí chẳng có chi! Võ Hồng hỏi thăm nhiều người bạn thời còn học ở Collège Qui Nhơn, bây giờ là cán bộ có chức, có quyền ở Bình Định. Có người tôi biết, có người tôi không biết. Ông nhắc lại một vài kỷ niệm về họ. Nói chung đó là những người tốt. Tôi chắc thế! Vì người được Võ Hồng nhớ đến, chắc không không đến nỗi nào, dù thời thế có đổi thay!

Ông nói với tôi về những nỗ lực ghi nhận hình ảnh quê hương mình với giọng điệu riêng của nó. Vâng, tôi nhớ như in những trang văn của Võ Hồng trong Như cánh chim bay và những truyện ngắn khác của ông. Đầy ắp hình ảnh Tuy An với An Thổ, An Dân, An Cư…; cả Phú Yên với Tuy Hoà, Sông Cầu, La Hai… với đất nước tươi đẹp và con người chân chất. Nhân nói về văn phong, tôi mạnh dạn nhận xét: Văn của Võ Hồng trước đây là sự trộn lẫn giữa cú pháp Tây và giọng điệu dân tộc. Tôi có thể lật ngay hai cuốn Hoa bươm bướmNhư cánh chim bay đang để trước mặt để chỉ ra điều ấy. Võ Hồng cười, chịu tôi nói đúng.

Võ Hồng là một nhà văn, đồng thời là một nhà giáo. Trong câu chuyện, ông đề cập đến những ngày dạy học ở trường Trung học Lương Văn Chánh trong kháng chiến chống Pháp. Hoà bình lập lại, ông tiếp tục dạy. Và sau 1975, ông vẫn cố gắng đóng góp sức mình cho việc giáo dục thế hệ trẻ qua việc đảm nhận chức vụ hiệu trưởng một trường THCS tại thành phố Nha Trang, rồi là giáo viên bộ môn tiếng Anh. Bây giờ đã già, với tuổi “cổ lai hy”, nằm nhà đọc sách, viết lách, ông vẫn thường đùa vui và dạy chữ cho mấy đứa cháu quanh nhà. Kiến thức của ông thật uyên bác. Ông thạo chữ Pháp, Anh, Hán. Nói chuyện với ông, tôi tự xem mình như một người học trò nhỏ, xưng em và gọi thầy, trong khi ông xưng hô “toi“, “moi” với tôi và thỉnh thoảng chen vào nhiều từ Pháp thông dụng, may mà tôi hiểu được.

Võ Hồng kể rằng: Sau ngày giải phóng, đôi khi gặp mặt các vị có chức, có quyền, khi được người quen giới thiệu: Đây là Võ Hồng! Ông nhấn thêm: Tôi là thằng Nguỵ! Ông cười rất hóm, bảo tôi: À mình là thằng Nguỵ chứ sao! Nhưng Nguỵ mà như Nguỵ Vô Kỵ thì hả quá! Tôi cười tán thành: Vâng! Nguỵ Vô Kỵ là người hiền, vang danh thời Chiến quốc, mãi mãi sử sách còn lưu. Võ Hồng đã từng là thành viên chỉ định của Hội đồng Văn hoá Giáo dục thuộc Tổng thống phủ của chính quyền Sài Gòn trước đây. Võ Hồng – cựu cán bộ kháng chiến vẫn rất được chính quyền Sài Gòn cũ trọng vọng, có lẽ chính vì cái tâm, cái tài của ông chăng? Đọc tác phẩm của ông từ Hoài cố nhân (1959), Lá vẫn xanh (1962), Con suối mùa xuân (1966)… đến Trầm mặc cây rừng (1971), Như cánh chim bay (1971)…ở đâu ta cũng thấy hình ảnh cuộc sống kháng chiến và những nhân vật mang dáng nét con người kháng chiến. Võ Hồng viết về cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc với cái nhìn chân thật và khách quan. .

Thấy đã quá trưa, mấy lần tôi đứng lên cáo từ, là mấy lần Võ Hồng giơ tay ngăn lại, châm thêm nước cho tôi. Thấy tôi đốt thuốc liên tục, Võ Hồng thân mật bảo: Sao cậu hút thuốc nhiều thế! Ông nói trước đây ông cũng có hút, nhưng đã bỏ lâu rồi. Và ông nói thêm: Nếu hôm nay mà tôi thuyết phục đươc cậu bỏ thuốc, thì đó là một niềm vui lớn. Tôi cười, nói thầm: Rất tiếc, hút thuốc đối với tôi cũng là một thú vui lớn! Nhưng thôi, có quan trọng gì chuyện ấy!

Võ Hồng và tôi nói chuyện say sưa từ 11h đến 13.30h (hai tiếng rưỡi đồng hồ). Cuối cùng, tôi dứt khoát cáo từ vì biết bữa trưa đang chờ đợi ông. Ông chân thành nói: Vào đây, cậu ăn cơm ở đâu? Ở lại ăn cơm với tôi đi! Tôi thưa với ông rằng tôi vừa dự Liên hoan tổng kết CLB âm nhạc tại Nhà văn hoá tỉnh , cũng đang còn no lắm. Tôi xin thôi, nhưng ông một hai đưa tôi xuống cầu thang. Ra đến cổng, ông giúi vào tay tôi gói kẹo chocolat, bảo đem về cho cháu. Tôi một mực từ chối, rằng con tôi lớn cả rồi, cũng đã học xong PT rồi, nhưng ông bảo: Cứ cầm lấy! Cầm lấy! Tôi nhận lấy mà lòng thấy nao nao!

Có lẽ một nhà văn như Võ Hồng chẳng thích thú gì với những lời khen lao, nhưng quả thực, ông đã gây nơi tôi một ấn tượng sâu sắc và bài học mà ông truyền đạt cho tôi thì rất lớn: Viết, trước hết là sự nỗ lực ghi nhận quê hương mình!

   
26.1.1993
Nguyễn Quang Quân

Tái Bút: Tôi viết bài này đúng một tháng sau ngày tôi gặp Võ Hồng. Tôi vẫn giữ trang tạp chí Nha Trang đăng truyện ngắn “Khó xoá một định kiến” của Võ Hồng , trong đó có dòng bút máy mực đen của Võ Hồng ghi vào chỗ trống: Kỷ niệm buối sáng 26.XII.92 vui vẻ nói chuyện với Anh Nguyễn Quang Quân – Võ Hồng. 17 năm qua và hơn thế nữa, trong tôi vẫn giữ niềm yêu kính trọn vẹn Võ Hồng, như ngày nào được gặp và nói chuyện với ông.

6.4.2010 – NQQ

  

   Số lần đọc: 2581

BÌNH LUẬN

Vui lòng viết bình luận của bạn
Vui lòng điền tên của bạn ở đây

Bài Cùng Tác Giả