Sau năm 1975, vào Sài Gòn, tôi gặp Nam Chữ- Phạm Mạnh Hiên.Anh có nói về Bùi Giáng, là một hiện tượng văn học kỳ dị và đặc biệt nhất trong lịch sử văn học Việt Nam mà người đương thời chưa nhìn thấy hết giá trị thi ca của ông.Tôi thấy ý kiến của anh đúng.Vì rất cần nhiều thời gian, những người nghiên cứu thi ca miền Nam trước năm 1975, mới đọc hết tác phẩm của Bùi Giáng, nhưng chưa chắc đã hiểu được ông.
Người ta đã viết và nói khá nhiều về Bùi Giáng.Thơ ông, có thể có những ngôn ngữ, những hình ảnh người đọc chưa hiểu nhưng vẫn thích.Đó chính là chỗ ” không thể nghĩ bàn” trong thơ Bùi Giáng.
Tôi có một người bạn rất thích công nghệ thông tin, ráp và sửa chữa vi tính, nhưng khi tình cờ đọc được hai câu thơ Bùi Giáng:
Mòn con mắt sầu đưa từ cổ độ
Bụi thu mờ ai phủi với hai tay
đã bần thần cả mấy ngày, không tập trung làm việc được. Ảnh hưởng của thơ Bùi Giáng thật kỳ lạ !
Riêng tôi, rất thích tập thơ đầu của Bùi Giáng là Mưa Nguồn, xuất bản năm 1962.
Những câu thơ cứ đi vào tâm hồn một cách nhẹ nhàng, sâu sắc:
Anh vẫn tưởng đầu đường thương xó chợ
Ai có ngờ xó chợ cũng thương nhau
hoặc:
Nghiêng mình sáu cõi phù vân
Xa từ viễn ngạn, ghé chân lầu hồng
(Quán Thế Âm)
Nhưng những câu thơ ông viết tặng tôi trên tờ giấy xi măng bất chợt như:
Mùa Xuân tao ngộ bất ngờ
Bạn từ Trung Việt đi vào miền Nam
Anh Hồ Ngạc Ngữ hòa đàm
Hình dung tao nhã vô vàn miền Trung
chỉ là những câu có tính thù tạc,vì tôi đã cho tiền ông đi uống rượu, đó không phải là thơ.
Một tập sách mỏng của ông mà tôi cũng rất thích là Đi Vào Cõi Thơ, gồm những bài cảm nhận thơ ngắn, viết về thơ hay của nhiều tác giả khác nhau.Có khi chỉ là hai câu:
Tâm tình một nẻo quê chung
Người về cố quận, muôn trùng ta đi
(Huy Cận)
hoặc:
Mù sương phi cảng não nề
Thôi anh ở lại.Buồn về em mang
(Cao Thị Vạn Giã)
Cảm nhận của Bùi Giáng về thơ cũng rất lạ và rất-bùi-giáng:
” Con chim ta biết nó bay.Con cá ta biết nó lội.Thằng thi sĩ ta biết nó mần thơ.Còn thơ là gì thì ta không biết! “.
Ở miền Nam, tôi đọc thơ Thanh Tâm Tuyền trên tạp chí Sáng Tạo và tạp chí Văn.Ông là người cùng thời với Nguyễn Đức Sơn và Bùi Giáng, là tác giả của các tập thơ khá nổi tiếng: Tôi Không Còn Cô Độc, Liên- Đêm Mặt Trời Tìm Thấy…Trước Thanh Tâm Tuyền, từ năm 1948, Nguyễn Đình Thi ở miền Bắc, khởi xướng phong trào thơ tự do với những bài thơ không vần như: Không Nói, Sáng Mát Trong Như Sáng Năm Xưa, Đường Núi…
Thử đọc một đoạn thơ của Nguyễn Đình Thi viết trong thời điểm 1948-1949:
Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Cỏ mòn thơm mãi dấu chân em
.
Gió thổi mùa thu vào Hà Nội
Phố dài xao xác heo may
Nắng soi ngõ vắng
Thềm cũ lối ra đi
Lá rụng đầy
(trích bài Sáng Mát Trong Như Sáng Năm Xưa)
nhưng thơ ông vấp phải những chuẩn mực của những quy phạm về thơ do các thi- sĩ- xã-hội-chủ-nghĩa đề ra nên cuộc thể nghiệm thơ tự do của Nguyễn Đình Thi đành gác lại.
(Nguồn: Tạp chí Thơ-Hội NVVN,quên số)
Ở miền Nam, từ năm 1956, thơ tự do của Thanh Tâm Tuyền nổi lên như một phong cách thi ca mới trên cái nền của các thể loại thi ca truyền thống có vần
Thanh Tâm Tuyền là ngọn cờ tiên phong trong lĩnh vực thơ tự do:
Tôi buồn khóc như buồn nôn
Ngoài phố nắng thủy tinh
Tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ
Thanh Tâm Tuyền
Buổi chiều sao vỡ vào chuông giáo đường
Tôi xin một chỗ quỳ thầm kín
Cho đứa nhỏ linh hồn
Sợ chó dữ
Con chó đói không màu
…
(Phục Sinh)
Thanh Tâm Tuyền có bài thơ Bao Giờ khá nổi tiếng, nhiều người yêu thơ ông thường nhớ đoạn đầu:
Dù sao mai phòng triển lãm sẽ đóng cửa
(rồi mở thêm lần nữa để làm gì? )
Vứt mẩu thuốc cuối cùng xuống dòng sông
Mà lòng mình phơi trên kè đá
Con thuyền xuôi
Chiều không xanh không tím không hồng
Những ống khói tàu mệt lã
…
(Bao Giờ)
…Đi đi chúng ta đến công viên
Nơi anh sẽ hôn em đắm đuối
Ôi môi em như mật đắng
Như móng sắc thương đau
…
Anh là thằng điên khùng
Ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới
…
(Dạ Khúc)
Tôi trích thơ Thanh Tâm Tuyền khá nhiều vì thích thơ ông.Những tứ thơ, hình ảnh, câu chữ,thi pháp được bày ra theo tâm trạng và đi thẳng vào tiềm thức của người đọc.Tuy nhiên, mặc dù nhịp điệu trong thơ tự do của ông là hình ảnh, nhưng thơ ông còn vướng bận bởi vần, những âm luật thơ truyền thống.Thơ tự do của ông sống được nhờ cảm xúc.Nếu không có cảm xúc, thơ chỉ là những xác chữ.Dù làm mới bằng tân hình thức hay hậu hiện đại.Như thơ Dada chẳng hạn.
¤
Tôi có thể viết thêm về các tác giả khác, nhưng bài viết đã khá dài.Hẹn một dịp khác.Rất mong các bạn yêu thơ lượng thứ nếu có câu chữ nào lỡ trích sai.Vì thơ hay khá nhiều, thời gian có thể làm mai một ký ức của bất cứ ai.
HỒ NGẠC NGỮ
(12.12.2009)
Số lần đọc: 2271
RE: Đọc Thơ Trong Ký Ức 3 & 4
Cảm ơn nhiều… 🙂
Đọc Thơ Trong Ký Ức 3 & 4
Đọc Thơ Trong Ký Ức 3 & 4.Xin góp ý thêm;nha`thơ Bui`Giáng có khác ngươi ở cho có tu thien`.Có lan`gap ông ở chua`su tha`y dã nói với tôi ‘mọi nguoi` điên chứ Bui`Gia1ng đâu có điên’Chả la`ông ho`i con`sống giống như nguoi`ha`nh khất Bởi vậy thơ của ông ky` lạ như con nguoi`ong.
Cựu HS NTH Qui Nhơn