Tháng giêng năm 2009, tôi về Việt Nam dự đám cưới em gái tôi ở Sài Gòn và ghé Qui Nhơn lo vài công việc. Lần nầy tôi chọn khách sạn Bình Dương tọa lạc ngay trước Quân Y Viện Qui Nhơn cũ để nghỉ qua đêm.
Đêm Qui Nhơn yên tịnh và mát mẻ, không khí trong lành khác hẳn với Sài Gòn ồn ào, ô nhiễm và nóng bức dù là đang trong tháng chạp. Xong công việc, tôi ngủ sớm lúc 9 giờ đêm sau khi gọi điện thoại thăm vài người bạn thân còn ở Qui Nhơn.
Sáu giờ sáng, tôi thức giấc nghe sóng biển vỗ rì rào. Biết không dỗ giấc ngủ lại được, tôi mở cửa phòng ngủ bước ra hành lang. Một cơn gió mát lùa vào. Trời còn tối. Mảnh trăng non đang treo lơ lửng trên nền trời gần nóc khách sạn. Mặt biển im lìm phản chiếu ánh trăng như giác bạc. Những vì sao thật sáng tỏ trong bầu trời đêm. Từ nơi tôi đứng tôi không nhìn thấy chòm sao Hiệp Sĩ mà tôi đã xem như người bạn thân thiết trong những năm lao lý. Đã lâu lắm tôi mới được thưởng thức không khí yên bình của một đêm vùng biển. Sóng biển đều đặn mỗi năm ba giây ì ầm vỗ bờ. Không biết đã bao nhiêu triệu năm cái chuyển động của thiên nhiên đất trời nầy vẫn tiêp diễn không ngừng. Tôi đứng yên dựa vào hành lang khách sạn đã nửa giờ vẫn không thấy lạnh. Xa xa, mỏm núi Mũi Én đã ẩn hiện mờ mờ. Không gian dần dần sáng tỏ hơn, mặt biển sáng loáng hơn, những vì sao và ánh đèn đường cũng mờ dần. Hừng đông ló dạng ở chân trời. Lờ mờ dưới bãi cát tôi đã thấy một vài người lầm lũi chạy bộ. Có đôi mảng mây trắng treo thấp trên nền trời như những con chim hạc đang tung cánh.
Tôi chợt nhớ về một người bạn thân lớn tuổi đang được chữa bệnh ở Sài Gòn. Anh là cư dân của Qui Nhơn đã mấy chục năm kể từ ngày tôi còn học trung học ở thành phố nầy những năm 1957-1963. Hầu như sáng nào anh cũng có mặt ngoài biển để tập thể dục, chạy bộ và bơi lội hằng giờ. Sau biến cố 1975, vợ con anh di vào Sài Gòn để các con anh có dịp học nghề nhưng anh vẫn sống ở Qui Nhơn vì không chịu được không khí ô nhiễm và náo nhiệt của đô thị lớn. Thỉnh thoảng anh vào Sài Gòn thăm gia đình. Ở tuổi 70 anh vẫn sáng sáng chiều chiều tập thể dục trên bờ biển cho đến ngày bệnh già xuất hiện mới vào Sài Gòn chữa trị. Riêng tôi, những năm học đại học ở Sài Gòn tôi cũng nhớ biển Qui Nhơn lắm. Những chiều chơi bóng tròn, bóng chuyền trên bãi biển, những giờ bơi lội với bạn bè đem lại cho tôi sức khỏe thể chất và tinh thần thật tốt. Năm 1964, tôi vượt qua dể dàng kỳ khám sức khỏe để được huấn luyện trở thành phi công phản lực mà tôi mơ ước. Sau đó, vì thi đậu kỳ thi tuyển vào Y Khoa nên tôi phải bỏ giấc mộng tung mây lướt gió.
Tôi bước xuống bãi cát tản bộ. Mùi nước biển mặn mặn quen quen. Trời sáng hẳn. Nhìn ra khơi, tôi thấy được đảo Pulau Gambir ló dạng trong ban mai. Nơi ấy, tôi đã từng cắm trại Hướng Đạo với bạn bè vào những năm 1960s. Tôi còn nhớ tôi đã dùng máy Yashica của Nhật chụp được một tấm hình silhouette thật đẹp mà tôi còn giữ đến bây giờ. Trong tấm hình có 4 người mà hai đã ra đi vĩnh viễn là anh Phan Bình An, liên đoàn trưởng đòan Đống Đa của đạo Bình Định, mất vì tuổi già ở Sài Gòn và anh Lê Viết Tùng tráng trưởng tráng đòan Đống Đa, lớn hơn tôi vài tuổi, tử trận ở Quảng Trị năm 1972 khi đang là tiểu đoàn phó một tiều đoàn Dù. Hai người còn sống, một là bạn y khoa lớp tôi Văn Công Tuấn đang cư ngụ ở Canada và Nguyễn Mạnh Hùng, kỷ sư hoá học, đang ngụ tại Đà Lạt. Thỉnh thoảng, tôi lại đem tập album Hướng Đạo ra xem lại từng khuôn mặt thân thương của các trưởng và đoàn sinh Hướng Đạo Bình Định. Nhiều người đã nằm xuống như Đặng Trung Đức, Hà Vinh, Đỗ Hữu Xương, Bùi Long Phú, Đoàn Thế Hảo… và nhiều nữa. Đi bộ đến trước QYV Qui Nhơn cũ, tôi chợt nhớ đến một bạn Hướng Đạo, anh Phan Đình Thành, học dưới tôi một lớp ở Cường Để, mất trong chiến trận Mùa Hè Đỏ Lửa, xác được đưa về QYV Qui Nhơn nơi mà tôi đang phục vụ. Nơi bãi cát, dưới chân tôi đang bước, vào khoảng năm 1960, trong một kỳ trại ban đêm, Thành đã đóng kịch vui đến nỗi chúng tôi cười nghiêng ngã. Giờ nầy chắc đứa con trai của anh cũng đã được 35-36 tuổi. Nếu còn sống chắc anh cũng được vui với đàn cháu như tôi bây giờ. Đêm trại ấy tôi cũng còn nhớ trưởng Cương của liên đoàn Nguyễn Thông ngồi nhắm mắt lắc lư trên cát sau khi rít điếu thuốc Lào.
Bạn bè tôi, sau năm 1975, đã tứ tản khắp nơi. Vài người còn ở lại với thành phố nầy như chị Võ Thị Hoa, anh Đào Đức Duyên. Anh Nguyễn Giỏi thì vừa qua đời vì bị tai nạn lưu thông. Năm 1997, tôi về thăm Qui Nhơn, Giỏi vui mừng ôm lấy tôi như ngày chúng tôi còn học trung học, đêm cặp kè đi ăn kem ở quán Phi Điệp. Không biết rồi ai sẽ săn sóc những chậu lan mà anh ưa thích. Chị Hoa thì qua những lần gặp gỡ trò chuyện, biến cố 1975 đã cướp đi của chị những ngày hạnh phúc của tuổi xuân. Năm 2006, tại Houston, Texas, tôi được xem một video quay thầy Đào Đức Duyên, lớp tôi ở Cường Để, gởi lời thăm học trò ở hải ngoại. Anh không già lắm. Anh nói, “Thầy năm nay cũng đã lớn tuổi, đã về hưu và tạm yên với đời sống ở Qui Nhơn…” Lúc ấy, tôi mỉm cười nói thầm, “Cảm ơn thầy. Em đang nghe tiếng nói của thầy đây. Dường như em lớn hơn thầy một tuổi.” Tôi cũng có được gặp Duyên năm 1997. Năm 1970, Đào Đức Duyên và Nguyễn Trì là hai phù rể trong đám cưới của chúng tôi. Nguyễn Trì đang ở SG, có đến tham dự đám cưới em gái út tôi đêm 15 tháng 1 năm 2009.
Khi mới thức dậy ra đứng ngoài hành lang khách sạn nhìn trời đêm tuyệt đẹp, tôi định bụng sẽ gắng làm một bài thơ nhưng sau đó biết mình không có đủ từ ngữ để diễn tả được cái đẹp của thiên nhiên dù tôi đang có được một chút yên tĩnh trong tâm hồn. Không biết ngày nào tôi mới làm được ươc mơ đó. Sáng ấy tôi ra bến xe để trở lại Nha Trang mang theo cảm giác yên bình của một đêm ghé thăm Qui Nhơn.
Nguyễn Trác Hiếu
Đêm Nghe Sóng Vỗ
Về đây nghe sóng vỗ bờ
Gợi bao kỷ niệm tuổi thơ ngày nào
Sóng đêm lớp lớp lao xao
Lăn tăn bãi cát, rì rào rặng thông
Sóng theo nước lớn nước ròng
Sóng khơi nỗi nhớ trong lòng người đi
Người đi tiếc nhớ xuân thì
Nhớ người tri kỷ ra đi phương nào
Đêm nay đứng giữa trăng sao
Lòng ai lữ khách dạt dào nhớ thương
Một lần quay lại quê hương
Một lần thương nhớ, nhớ thương ngập hồn.
Nguyễn Trác Hiếu
Jan 29, 2009
Số lần đọc: 2838