Trang sinh hoạt của Cựu Giáo Sư và Học Sinh trường Trung Học Cường Đễ Qui Nhơn

Trường Sơn Khúc

Cho bạn bè bị động viên 1972

Trường Sơn, hề, chiều ta ngồi hát
Vỡ hư không, hề, khúc cuồng ca
Em một phương, hề, dòng Lệ nhạt
Ta một trời, hề, cõi xót xa

Ở đây, môi mắt ôi buồn lắm
Hôn bờ đá dựng, trông truông xa
Ngày tháng không mong sao cứ đến
Hai kẻ tâm tình: rừng và ta

Ở đây, râu tóc đua nhau mọc
Bên đời danh phận sớm long đong
Khanh tướng, hề, như mùa trái rụng
Một lần ngon, một lần rớt xuống dòng

Ở đây, mây trắng quanh đầu núi
Thôi đành, huyễn mộng bạc tình em
Trăng một nơi, hề, chưa gần gũi
Soi một đời lu xuống trần gian

Lâu riết dần quen đi rừng rú
Chẳng cần gương đối bóng cùng ta
Chẳng cần ngày tháng soi tuổi tác
Để thấy nét sầu trên nếp da

Lắm lúc muốn ôm lưng gái núi
Để thấy đời ta bớt cô đơn
Lắm lúc muốn trần truồng hoang dại
Để gần gũi với cỏ cây hơn

Tiếc quá chiều nay không đủ rượu
Cho ta chung cuộc với cổ nhân
Chơi ván cờ trên ghềnh đá nhọn
Trông ta- con tốt què qua sông

Chiều trong mắt theo về cố xứ
Hề, ta xin gửi chút sương sa
Tiếng nước gọi hồn con thác cũ
Ẩn nỗi sầu đau, nỗi nhớ nhà

Đứng thẳng vói tay cao hơn núi
Mới hay trời quá đỗi cao xa
Hỏi rừng, nay đã bao nhiêu tuổi
Trải mấy thu đông rừng sẽ già?

Trường Sơn, Trường Sơn sâu gió hú
Thú rừng gầm giọng động một phương
Nghe thú : lạc đàn buồn bã lắm
Nghe ta : mù biệt một quê hương

Lót lá rừng chờ sương xuống mỏng
Quên về thăm bè bạn chiếu chăn
Rừng lạnh, trái tim ta sưởi nóng
Ấm tình phố cũ những mùa trăng

Trương Sơn, Trường Sơn, hề, ly tán
Nỗi hàn tay bấu dốc Trường Sơn
Níu tình em chiều nay có bạn
Cho đời ta bớt nỗi cô đơn.

Trần Viết Dũng

 

   Số lần đọc: 3730

14 BÌNH LUẬN

  1. Chào anh Trần Viết Dũng,

    Bài thơ gợi nhớ thời khói lửa từ 72 đến 75 mà tôi đã đủ chút lớn khôn để vật vả trong lòng. Lời thơ buồn da diết như thời đó ở Qui Nhơn nghe Thái Thanh hát
    [i]Em hỏi anh bao giờ trở lại
    Xin trả lời mai mốt anh về …[/i]
    Cảm ơn anh đã chia sẻ một bài thơ vô cùng cảm động

    Dao Chi

    • cùng một lứa bên trời lận đận
      Trần Dao Chi, thuở ấy bên trường nữ chắc không cảnh “bãi trường”? Lớp 11 của khóa 67-74, tuối Ngọ, Mùi bị bắt lính “rạt gáo”. Và, anh sẽ ra đi… Có người về trên đôi nạn gỗ, có người về hòm gỗ cài hoa.
      Dù sao, cũng cảm ơn thời chúng ta đã sống nhé, Dao Chi?

  2. chiến tranh Việt Nam và tôi (NBS)
    Thời ông QD không có chloroquine nên sốt rét rừng trọc lóc! Còn chúng mình: [i]”ta vốn hiền khô ta là lính cậu, đi hành quân rượu đế vẫn mang theo”[/i] (Nguyễn Bắc Sơn), lãng mạn hơn vcm à!

  3. Cảm nhận thơ
    Đọc thơ mà lòng tôi thật nhiều cảm xúc . Bao nỗi đau thương ,mất mát và có lúc gần như bế tắc, tuyệt vọng.Lời thơ anh thể hiện rất rõ nét và ấn tượng tâm trạng thời trai lúc bấy giờ có tôi ở nơi này

  4. Tâm tư TSK
    Chiều nay đọc bài thơ TSK mà lòng tôi lặng đi và sửng sờ .Lời thơ anh viết,tôi cảm nhận từng chữ ,từng câu ,từng ý .Một nhà thơ năm 72 còn quá trẽ mà viết lời thơ quá nhạy cảm và sâu sắc.

  5. Nhà thì ở nơi phố chợ ồn ào, công việc thì bộn bề nhiều thứ,vậy mà cứ làm thơ đều đều mà bài nào cũng hay ra phết.
    Tài làm thơ của Trần Viết Dũng, xin có 2 chữ :bái phục.
    Phú Phong chiều nay có đủ rượu không Dũng?
    Dũng nhí.

    • dũng nhí
      Chà, anh em mình vào nhà NSH phá phách chơi. Mặt bàn đổ rượu, sàn nhà đầy tàn thuốc… Có lòng mừng là không nói tục.
      Mùa này gió núi Tây Sơn
      Trong lòng thiếu rượu như đờn đứt dây.
      Hẹn gặp.

  6. Khi lên đường, tại bờ sông Dịch (biên giới nước Triệu), Kinh Kha đã ứng tác hai câu thơ với các bạn đi tiễn:

    Phong tiêu tiêu hề, Dịch thuỷ hàn
    Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục hoàn

    Dịch

    Gió hiu hắt chừ, Dịch thuỷ lạnh ghê
    Tráng sĩ ra đi chừ, không bao giờ về

    Còn một bản dịch khác :

    Gió đìu hiu sông Dịch lạnh lùng ghê
    Tráng sĩ một đi không trở về

  7. Chào anh Trần Viết Dũng,
    Chiến tranh luôn luôn ám ảnh Tiến dù nó đã qua hơn 30 năm. Tiến viết mấy câu thơ này hôm đi thăm mộ ông anh Tiến nhân ngày lễ tưởng niệm. Viết cho những người nằm xuống mà chưa có dịp về bên cạnh người thân dù chỉ là một nắm xương tàn.Cùng chia sẻ với Tiến nhé!

    Nổi buồn chiến tranh

    Chỉ có rừng mới hiểu
    Tình sông nước bao la
    Chỉ có sông sâu thẳm
    Là bạn cuối đời ai
    Chỉ có chim thôi hót
    Làm nhân chứng trăm năm
    Những mãnh đời ngắn ngũi
    Mục rửa dưới huyệt sâu

    Nguyễn Kim Tiến
    30 tháng 5 năm 2005
    (Tặng những người lính chiến đã hy sinh)

BÌNH LUẬN

Vui lòng viết bình luận của bạn
Vui lòng điền tên của bạn ở đây

Bài Cùng Tác Giả